headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

TẮC 83: VÂN MÔN CỔ PHẬT CỘT CÁI

CÔNG ÁN: Vân Môn dạy chúng: Cổ Phật cùng cột cái tương giao là cơ thứ mấy ? Tự đáp: Núi Nam khởi mây, núi Bắc rơi mưa.

GIẢI THÍCH: Đại sư Vân Môn xuất phát hơn tám mươi vị thiện tri thức. Sư tịch bảy mươi năm sau, khai tháp thấy thân nghiễm nhiên như xưa. Chỗ thấy của Sư minh bạch cơ cảnh chớp nhoáng. Đại phàm buông lời, nói riêng, thay nói, hẳn là cao vót. Công án này như chọi đá nháng lửa, tợ làn điện chớp, quả là thần ra quỉ vào.

Tạng chủ Khánh nói: Một đại tạng giáo lại có loại thuyết thoại này chăng ? Hiện nay người ta phần nhiều nhằm trên tình giải làm kế sống, nói: Phật là bậc Đạo sư của Tam giới, là Từ Phụ của bốn loài, đã là cổ Phật vì sao lại cùng cột cái tương giao ? Nếu hiểu thế ấy, rốt cuộc dò tìm chẳng được. Có người bảo trong cái không nói ra. Đâu chẳng biết bậc Tông sư thuyết thoại tuyệt ý thức, tuyệt tình lượng, tuyệt sanh tử, tuyệt pháp trần, vào chánh vị lại chẳng còn một pháp. Ông vừa khởi đạo lý so tính, liền bị trói tay trói chân. Hãy nói cổ nhân kia ý thế nào ? Chỉ khiến tâm cảnh nhất như, tốt xấu phải quấy lay động kia chẳng được, nói có cũng được, không cũng được, có cơ cũng được, không cơ cũng được, đến trong đây nhịp nhịp đều là lệnh. Ngũ Tổ tiên sư nói: Cả thảy Vân Môn xưa nay mật nhỏ, nếu là Sơn tăng chỉ nói với Sư cơ thứ tám. Vân Môn nói: Cổ Phật cùng cột cái tương giao là cơ thứ mấy ? Khoảng một chốc, hãy nhằm bao trùm trước mắt. Tăng hỏi: Chưa biết ý chỉ thế nào ? Vân Môn đáp: Một sợi dây bán ba mươi xu. Sư có con mắt định càn khôn. Đã không có người hội, sau lại tự thay nói: Núi Nam khởi mây, núi Bắc rơi mưa. Vì kẻ hậu học mở một lối vào. Do đó Tuyết Đậu chỉ niêm Sư chỗ định càn khôn khiến người thấy. Nếu phạm suy tính, bày mũi nhọn ắt đối mặt lầm qua. Chỉ cốt nguyên vẹn tông chỉ Vân Môn và rõ cái cơ cao vót, vì thế tụng ra:

TỤNG:              Nam sơn vân

                        Bắc sơn vũ

                        Tứ thất nhị tam diện tương đổ         

                        Tân La quốc lý tằng thượng đường

                        Đại Đường quốc lý vị đả cổ.

                        Khổ trung lạc

                        lạc trung khổ

                        Thùy đạo huỳnh kim như phấn thổ ?

DỊCH:               Mây núi Nam

                        Mưa núi Bắc

                        Ba mươi ba Tổ mặt cùng thấy

                        Trong nước Tân La từng thượng đường

                        Trong nước Đại Đường chưa đánh trống.

                         Vui trong khổ

                         Khổ trong vui

                        Ai nói vàng ròng như phân đất ?

GIẢI TỤNG: Hai câu “mây núi Nam, mưa núi Bắc”, Tuyết Đậu bán mũ vừa đầu, xem gió mở buồm, nhằm trên kiếm bén vì ông hạ chú cước. Thẳng đến “ba mươi ba Tổ mặt cùng thấy”, chớ hiểu lầm. Đây chỉ tụng cổ Phật cùng cột cái tương giao là cơ thứ mấy xong rồi, phần sau mở đường tạo sắn bìm, cần thấy ý Sư “trong nước Tân La từng thượng đường, trong nước Đại Đường chưa đánh trống”. Tuyết Đậu nhằm chỗ điện bay sao xẹt, liền nói “vui trong khổ, khổ trong vui”. Dường như Tuyết Đậu vun một đống thất trân bát bảo ở trong đây xong. Vì thế rốt sau có một câu nói: “Ai nói vàng ròng như phân đất ?” Câu này là trích trong thi của Thiền Nguyệt bài “Hành Lộ Nan”, Tuyết Đậu dẫn ra dùng. Thiền Nguyệt nói: “Núi cao biển sâu người khôn tính, xưa qua nay lại càng xanh biếc, thiển cận nông nỗi chớ cùng giao, đất xấu chỉ biết sanh gai góc. Ai nói vàng ròng như phân đất. Trương Nhỉ, Trần Dư đoạn tin tức. Đi đường khó, đi đường khó, anh tự xem. Đâu chẳng đất rộng người thưa, Vân Cư, La-hán.”

[ Quay lại ]