TẮC 88: HUYỀN SA BA LOẠI NGƯỜI BỆNH
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 14 Tháng ba 2010 13:17
LỜI DẪN: Môn đình lập bày nên thế ấy phá hai tạo ba, nhập lý thâm đàm cũng phải bảy xoi tám phủng, đương cơ gõ điểm đập nát khóa vàng cổng huyền, cứ lệnh mà hành hẳn được quét sạch dấu vết. Hãy nói lạ lùng ở tại chỗ nào ? Người đủ con mắt trên đảnh mời cử xem ?
CÔNG ÁN: Huyền Sa dạy chúng: “Những bậc lão túc ở các nơi trọn nói tiếp vật lợi sanh, chợt gặp ba loại người bệnh đến làm sao mà tiếp ? Người bệnh mù thì đưa chùy, dựng phất tử, họ lại chẳng thấy. Người bệnh điếc thì ngữ ngôn tam-muội, họ lại chẳng nghe. Người bị bệnh câm dạy y nói, lại nói chẳng được.
Phải làm sao mà tiếp ? Nếu tiếp người này chẳng được thì Phật pháp không linh nghiệm.” Tăng đến hỏi Vân Môn. Vân Môn bảo: Ông lễ bái đi. Tăng lễ bái xong đứng dậy. Vân Môn lấy cây gậy chận. Tăng thoái lui. Vân Môn nói: Ông không phải bệnh mù. Lại bảo: Đến gần đây. Tăng đến gần, Vân Môn nói: Ông không phải bệnh điếc. Vân Môn hỏi: Hội chăng ? Tăng thưa: Chẳng hội. Vân Môn nói: Ông không phải bệnh câm. Tăng khi ấy có tỉnh.
GIẢI THÍCH: Huyền Sa tham đến chỗ bặt tình trần ý tưởng lột trần bày lồ lộ, mới biết nói thế ấy. Khi đó các nơi chùa chiền trông nhau, bình thường dạy chúng nói: “Những bậc lão túc ở các nơi trọn nói tiếp vật lợi sanh, chợt gặp ba loại người bệnh đến thì làm sao tiếp ? Người bệnh mù thì dựng chùy, đưa phất tử, họ lại chẳng thấy. Người bệnh điếc thì ngữ ngôn tam-muội, họ lại chẳng nghe. Người bệnh câm dạy y nói, lại nói chẳng được. Phải làm sao mà tiếp ? Nếu tiếp người này không được thì Phật pháp không linh nghiệm.” Người nay nếu khởi hiểu mù điếc ngọng câm thì dò tìm chẳng đến. Vì thế nói: Chớ nhằm trên câu chết, phải hiểu ý Huyền Sa mới được. Huyền Sa thường dùng câu này tiếp người. Có vị Tăng đã ở lâu trong hội Huyền Sa, một hôm Huyền Sa thượng đường, ông ra hỏi: Hòa thượng nói câu ba loại người bệnh, lại cho con nói đạo lý chăng ? Huyền Sa nói: Cho ! Tăng liền trân trọng đi ra. Huyền Sa nói: Chẳng phải chẳng phải. Vị Tăng này hiểu được ý Huyền Sa. Về sau Pháp Nhãn nói: “Tôi nghe Hòa thượng Địa Tạng thuật lại lời vị Tăng này, mới hiểu câu ba loại người bệnh.” Nếu nói vị Tăng này chẳng hội, vì sao Pháp Nhãn lại nói thế ấy ? Nếu nói ông hội, tại sao Huyền Sa lại nói “chẳng phải chẳng phải” ? Một hôm, Địa Tạng hỏi: Con nghe Hòa thượng nói câu ba loại người bệnh phải chăng ? Huyền Sa nói: Phải. Địa Tạng hỏi: Quế Sâm hiện nay có mắt tai mũi lưỡi, Hòa thượng làm sao tiếp ? Huyền Sa liền thôi. Nếu hiểu được ý Huyền Sa, há ở trên ngôn cú, kia hiểu được tự nhiên thù biệt. Sau có vị Tăng thuật lại cho Vân Môn. Vân Môn liền hiểu được ý kia nói: Ông lễ bái đi. Tăng lễ bái đứng dậy. Vân Môn lấy cây gậy chận, Tăng thoái lui. Vân Môn nói: Ông chẳng phải bệnh mù. Lại bảo: Đến gần đây. Tăng đến gần. Vân Môn nói: Ông không phải bệnh điếc. Bèn hỏi: Hiểu chăng ? Tăng thưa: Chẳng hiểu. Vân Môn nói: Ông không phải bệnh câm. Vị Tăng ấy khi đó có tỉnh. Đương thời nếu là kẻ này, đợi Sư bảo lễ bái đi, liền lật ngược giường thiền, đâu còn thấy bao nhiêu thứ sắn bìm. Hãy nói chỗ hội của Vân Môn với Huyền Sa là đồng hay khác ? Chỗ hội của hai vị đều chỉ là một loại. Xem cổ nhân ra đời tạo ngàn muôn thứ phương tiện, ý ở trên đầu lưỡi câu, cả thảy đắng miệng chỉ dạy khiến các ông mỗi người sáng một việc này. Ngũ Tổ lão sư nói: “Một người nói được lại chẳng hội, một người hội lại chẳng nói được, nếu hai người đến tham vấn làm sao biện được họ ? Nếu biện hai người này chẳng được, quyết hẳn vì người gỡ niêm mở trói chẳng xong. Nếu biện được, vừa thấy vào cửa, ta liền mang giày cỏ nhằm trong bụng y chạy mấy phen rồi vậy. Vẫn tự chẳng tỉnh, còn tìm cái gì ? Đi ra.” Chớ khởi hiểu mù điếc ngọng câm. Không nên so tính thế ấy, sở dĩ nói: Mắt thấy sắc như mù, tai nghe tiếng như điếc. Lại nói: Đầy mắt chẳng xem sắc, đầy tai chẳng nghe tiếng. Văn-Thù thường chạm mắt, Quán Âm bịt lỗ tai. Đến trong đây giống hệt mắt thấy như mù, tai nghe như điếc, mới hay cùng ý Huyền Sa không trái nhau. Các ông lại hiểu chỗ rơi của kẻ mù điếc câm chăng ? Xem Tuyết Đậu tụng:
TỤNG: Manh lung ám á
Yểu tuyệt cơ nghi
Thiên thượng thiên hạ
Kham tiếu kham bi.
Ly Lâu bất biện chánh sắc
Sư Khoáng khởi thức huyền ty
Tranh như độc tạo hư song hạ
Diệp lạc hoa khai, tự hữu thì.
DỊCH: Mù điếc câm ngọng
Vắng bặt cơ nghi
Trên trời dưới trời
Đáng cười đáng thương.
Ly Lâu chẳng biện chánh sắc
Sư Khoáng đâu biết tơ huyền
Đâu bằng ngồi riêng dưới song vắng
Lá rụng hoa nở tự đúng kỳ.
Lại nói: Lại hiểu hay không ? Chùy sắt không lỗ.
GIẢI TỤNG: Hai câu “mù điếc câm ngọng, vắng bặt cơ nghi”, tột cái ông thấy cùng chẳng thấy, nghe cùng chẳng nghe, nói cùng chẳng nói. Tuyết Đậu một lúc vì ông quét sạch rồi. Cho đến kiến giải mù điếc câm ngọng, cơ nghi so tính đồng thời vắng bặt, thảy dùng chẳng được. Việc hướng thượng này nên nói thật mù, thật điếc, thật câm, không cơ, không nghi. Hai câu “trên trời dưới trời, đáng cười đáng thương”, là Tuyết Đậu một tay nâng lên một tay đè xuống. Hãy nói cười cái gì ? Thương cái gì ? Đáng cười là câm lại chẳng câm, điếc lại chẳng điếc. Đáng thương là rõ ràng chẳng mù lại mù, rõ ràng chẳng điếc lại điếc. Câu “Ly Lâu chẳng biện chánh sắc”, là không thể biện xanh vàng đỏ trắng, chính là mù. Ly Lâu là người ở thời Hoàng Đế, con mắt ông rất sáng, ngoài trăm bước hay thấy được vật rất nhỏ bằng sợi tóc. Hoàng Đế đi dạo trên sông Xích Thủy làm rơi một hạt châu, sai Ly Lâu tìm mà chẳng thấy, sai Khiết Cấu tìm cũng chẳng được, sau sai Tượng Võng tìm mới được. Cho nên nói: “Khi Tượng Võng đến quang xán lạn, chỗ Ly Lâu đi sóng ngập trời.” Cái này để trên cao, dù là con mắt Ly Lâu biện chánh sắc của nó cũng không thể được. Câu “Sư Khoáng đâu biết tơ huyền”, đời Châu ở Giáng Châu, con của Tấn Cảnh Công là Sư Khoáng tự là Tử Dã khéo phân biệt ngũ âm lục luật, cách núi mà nghe được bầy kiến cắn lộn. Khi ấy Tấn và Sở tranh nhau, Sư Khoáng chỉ khảy đàn cầm, vừa khảy dây đàn liền biết đánh Sở không thắng. Tuy nhiên như thế, Tuyết Đậu nói: “ông còn chưa biết tơ huyền”, người chẳng điếc lại là điếc. Cái này tiếng huyền phát từ trên cao, dù là Sư Khoáng cũng không biết được. Tuyết Đậu nói: Tôi chẳng làm Ly Lâu cũng chẳng làm Sư Khoáng, “đâu bằng ngồi riêng dưới song vắng, lá rụng hoa nở tự đúng kỳ”. Nếu đến cảnh giới này, tuy nhiên thấy dường chẳng thấy, nghe tợ chẳng nghe, nói dường chẳng nói, đói thì ăn cơm, mệt thì ngủ khò, mặc tình lá rụng hoa nở. Khi lá rụng là mùa thu, khi hoa nở là mùa xuân, mỗi tự có thời tiết. Tuyết Đậu vì ông một lúc quét sạch rồi vậy. Lại phóng một tuyến nói: Lại hiểu hay không ? Tuyết Đậu thần nhọc sức mệt, chỉ nói được cái “chùy sắt không lỗ”. Một câu này để mắt nhìn nhanh mới thấy, nếu suy nghĩ lại vượt qua rồi. Sư đưa cây phất tử nói: Lại thấy chăng ? Gõ giường thiền một cái nói: Lại nghe chăng ? Bước xuống giường thiền nói: Lại nói được chăng ?