headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 19/04/2024 - Ngày 11 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

TRÊN ĐƯỜNG THUẬN GIÓ

Một hôm vào lúc ban đêm, Động Sơn thuyết pháp mà không thắp đèn, có thiền tăng Năng Nhẫn hỏi :
- Vì sao không thắp đèn ?
Thiền sư Động Sơn nghe xong, gọi thị giả thắp đèn lên, sau đó nói với Năng Nhẫn :
- Mời ông đến trước mặt ta !
Thiền tăng Năng Nhẫn bước tới.
Động Sơn nói với thị giả :

- Ông đi lấy ba cân dầu đèn cho vị Thượng tọa này !
Ý của Động Sơn là từ bi hay châm biếm. Hay là có ý nào khác ? Năng Nhẫn ra khỏi giảng đường suốt đêm tham cứu, dường như có tỉnh ngộ. Do đó, liền đem tất cả tài vật thiết trai cúng dường đại chúng. Từ đó, ông theo đại chúng sinh hoạt ba năm. Sau ba năm, ông đến từ giã Động Sơn đi nơi khác.
Động Sơn không có ý giữ lại, chỉ nói :
- Chúc ông trên đường thuận gió !
Khi ấy, Tuyết Phong đang đứng bên cạnh Động Sơn, đợi thiền tăng Năng Nhẫn xoay mình ra ngoài, ông liền hỏi Động Sơn :
- Vị tăng ấy ra đi không biết bao giờ trở lại ?
Động Sơn đáp :
- Ông ấy biết mình đã đi, nhưng không biết bao giờ trở lại. Nếu ông không yên tâm, hãy vào tăng đường xem.
Tuyết Phong vâng lời vào tăng đường, không ngờ Năng Nhẫn khi trở vào tăng đường ngồi ngay chỗ của mình tịch rồi. Tuyết Phong lập tức đến báo với Động Sơn. Động Sơn nói :
- Mặc dù ông ấy đã ra đi, nhưng nếu sánh với ta vẫn chậm hơn ta ba năm.

Lời bình :

Xem ra đoạn công án thiền tăng Năng Nhẫn hỏi thiền sư Động Sơn vì sao thuyết pháp mà không thắp đèn – lúc tối đen mà muốn được sáng suốt đó là lẽ thường của con người. Thiền sư Động Sơn nhân đó bảo thị giả thắp đèn lên, đó là tùy thuận mọi người, cũng là lẽ thường của nhân tình. Nhưng thiền sư Động Sơn bảo thị giả đem ba cân dầu đèn cho ông ấy, đó là việc bất bình thường. Có thể nói rằng đó là lòng từ bi đặc biệt của thiền sư Động Sơn, cũng có thể nói rằng đó là sự châm biếm của thiền sư Động Sơn đối với lòng tham cầu của ông ấy. Nhưng dù nói thế nào, thiền tăng Năng Nhẫn khi ngộ đạo rồi liền xả bỏ của cải thiết trai, đó nói lên ông đã buông bỏ sự tham cầu.

Sau khi thiền tăng Năng Nhẫn ngộ đạo, ông ở đó ba năm. Sau ba năm, duyên đời đã hết bèn từ giã nhập diệt, thiền sư Động Sơn còn chúc ông ta trên đường thuận gió. Đối với con mắt của thiền giả, sanh tử như trở về nhà. Nhưng thiền sư Động Sơn vẫn còn sống, cho nên nói thiền tăng Năng Nhẫn sánh với ông ta chậm hơn ba năm. Chỗ này thiền sư Động Sơn rõ biết được pháp thân không sanh không tử vậy.
 

[ Quay lại ]