Thừa nhận tín vật
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ năm, 12 Tháng Hai 2009 09:06
- Viết bởi nguyen
Một hôm thiền sư Quy Sơn Linh Hựu nói với đệ tử Ngưỡng Sơn :
- Có một tín đồ thế tục cầm ba bó lụa đến đây yêu cầu ta làm lễ cầu phước cho ông ấy và cầu cho mọi người được hòa bình, an lạc.
Ngưỡng Sơn nghe lão sư nói xong, cố ý hỏi :
- Nếu tín đồ đối với Phật pháp thành tâm như thế và còn mong cầu phước báu cho mọi người, thầy nhận lụa của ông ta, xin hỏi thầy đem vật gì để đáp tạ ?
Thiền sư Linh Hựu lập tức dùng gậy gõ giường thiền ba cái, nói :
- Ta đem cái ấy để đáp tạ.
Ngưỡng Sơn không chấp nhận, nói :
- Nếu là cái ấy, cần làm gì ?
Thiền sư Linh Hựu lại gõ ba cái, nói :
- Ông hiềm nghi cái ấy không đủ sao ?
Ngưỡng Sơn giải thích :
- Không phải con hiềm nghi cái ấy, vì cái ấy là của mọi người, con chỉ cho rằng thầy không nên lấy vật của mọi người để đáp tạ ông ấy.
Thiền sư Linh Hựu nói :
- Ông đã biết đó là của mọi người, vì sao bảo ta tìm vật để cho người khác ? Ông hãy nói xem, ngoài cái ấy ra, còn có cái nào khác để đáp tạ ông ấy không ?
Ngưỡng Sơn vẫn không chấp nhận, nói :
- Chính mình đã đủ, đâu nhọc đến người khác ?
Thiền sư Linh Hựu nói :
- Tuy chính mình đã đủ, nhưng nếu không có người khác, làm sao biết được ? Ông quên rằng ban đầu Tổ sư Đạt-ma đến nước ta, cũng chỉ đem cái ấy cho người. Thiền giả các ông đều là người thừa nhận tín vật của ông ấy mà !
Lời bình :
Cái ấy là gì ? Thiền sư nói cái ấy tức chỉ cho bản lai diện mục của chúng ta. Đã là bản lai diện mục đâu nhọc người khác ban cho ? Tuy nhiên như thế, nếu không có thầy truyền thừa, làm sao biết được bản lai diện mục ? Chẳng hạn như trong thiền môn không chấp ngữ ngôn văn tự, nghĩa là chỉ thẳng bản tâm, kiến tánh thành Phật. Nhưng nếu bỏ ngữ ngôn văn tự làm sao chỉ thẳng bản tâm, kiến tánh thành Phật ? Thiền sư Hoàng Bá nói : “Không chấp Phật để cầu, không chấp pháp để cầu, không chấp tăng để cầu, nên như thế mà cầu”. Câu nên như thế mà cầu này mới đủ công lực.
Ngữ ngôn văn tự tuy là công cụ, không phải là mục tiêu. Như đi thuyền qua sông, chưa qua bờ kia đâu thể bỏ thuyền. Nhưng nếu đến bờ kia rồi, hãy bỏ thuyền mà đi. Thiền sư Linh Hựu đứng trên lập trường giáo dục mà tận tình khuyên dạy, còn thiền sư Ngưỡng Sơn đứng trên lập trường giảng thoại của người đã qua tới bờ. Tuy hai người bàn luận không đồng nhau, nhưng thực ra lý tánh chỉ là một.