headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 04/12/2024 - Ngày 4 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

KINH DUY MA CẬT: TOÁT YẾU TOÀN BỘ KINH

kinhduymacatHT. Thích Thanh Từ giảng

Phần toát yếu nói về trọng tâm của bộ kinh, chứ không nói riêng từng phẩm. Nội dung mỗi bộ kinh đều có đủ bốn phần: giáo, lý, hạnh, quả. Cũng có khi giáo và lý chung nhau nên chỉ có ba là lý, hạnh, quả. Kinh này chú trọng về hạnh, như trong phẩm đầu có vị trời hỏi Phật, phải hành thế nào để được cõi Phật thanh tịnh. Muốn được cõi Phật thanh tịnh, không phải chỉ nguyện suông mà phải hành động và tu tập theo gương hạnh chư Bồ-tát. Vì vậy những phẩm kế nói về việc làm của cư sĩ Duy-ma-cật, đã thể hiện tâm vị tha sẵn sàng quên mình, dùng nhiều phương tiện giáo hóa chúng sanh trong mọi hoàn cảnh. Như Bồ-tát tu chứng Niết-bàn mà không trụ Niết-bàn, vì an trụ Niết-bàn thì không còn sanh tử, làm sao độ thoát chúng sanh. Tu chứng tất cả pháp mà không trụ tất cả pháp, vì muốn đi trong tam giới lục đạo để giáo hóa chúng sanh.

Công đức của chư Phật đều ngang nhau, nhưng hạnh nguyện của mỗi vị có khác. Như cõi nước của đức Phật Tu-di Đăng Vương trang nghiêm đẹp đẽ, chúng Bồ-tát đều thanh tịnh. Còn đức Phật Thích-ca vì muốn độ chúng sanh tâm nhiều xấu ác, nên thị hiện trong cõi Ta-bà đầy uế trược để cứu độ họ. Điều này khiến chúng ta cảm thấy hổ thẹn, vì biết tâm mình nhiều cấu nhiễm nên mới sanh vào chỗ xấu xa gò nổng. Tu là phải lấy tâm làm gốc, chỉ cần chuyển tâm chứ không chuyển cảnh. Cõi Phật ở ngay tâm mình, chẳng phải tìm đâu xa, không phải cầu xin mà được. Do tâm tịnh thì quốc độ tịnh. Chánh báo y báo theo nhau, cảnh tùy tâm hiện. Như vậy việc làm này không đơn giản, phải cố gắng nỗ lực tu để tâm thanh tịnh nhất như, vượt ngoài đối đãi. Bởi có bên này bên kia, phải quấy, hữu vi vô vi... là còn trong tương đối, chưa thật thanh tịnh.

Trong phẩm Phật Đạo có câu, muốn hành Phật đạo phải đi trong phi đạo, nghe thật trái với lý thường, nhưng nói lên tinh thần hy sinh cao cả của chư Bồ-tát. Đó là hành động phi thường hiếm có mà lâu nay chúng ta không bao giờ dám nghĩ tưởng. Có khi các ngài làm những điều không hợp với tư cách người tu, nhưng vì lòng từ bi tràn trề, dù bị khinh chê mắng chửi vẫn không ngại, sẵn sàng làm tất cả, miễn đem an vui đến cho chúng sanh. Còn chúng ta nghĩ rằng tu thanh tịnh là phải làm việc hợp với đạo lý, giữ được uy tín. Bồ-tát không như thế, trong mục thứ mười của Mười Bức Tranh Chăn Trâu Thiền Tông, hình ảnh một thầy tu tay xách bầu rượu, tay xách cá chép đi vào chợ. Việc làm đó là phi đạo nhưng vì lợi ích chúng sanh, các ngài phải chịu cảnh đầu tro mặt đất, chỉ có những vị Bồ-tát đạt đến chỗ cao siêu mới dám làm.

Toàn bộ kinh này nói về việc làm của chư Bồ-tát chứ không phải lý thuyết suông, nghĩa là ngôn hạnh tương ưng. Các ngài trải qua tất cả pháp Phật dạy, nhưng không an trụ chỗ sở chứng, mà lăn lộn trong ba cõi sáu đường, dù khó khổ cũng không từ nan. Tâm hạnh lợi tha của Bồ-tát thật chẳng thể nghĩ bàn. Thế nên cư sĩ Duy-ma-cật nói: Tôi bệnh vì chúng sanh bệnh, nghĩa là chúng sanh còn sanh tử, nên ông phải còn sanh tử. Việc làm của ông thật vượt quá phàm tình, như trường hợp có Ma vương hóa làm chư thiên hiến Thiên nữ cho Bồ-tát Trì Thế, ngài liền từ chối vì nghĩ việc cúng dường đó phi pháp. Còn cư sĩ Duy-ma-cật lại nói thôi cho tôi đi, dù biết việc phi pháp vẫn nhận để giáo hóa chúng ma.

Kinh Duy-ma-cật nêu lên tinh thần vì chúng sanh của hàng Bồ-tát Nhất sanh bổ xứ. Các ngài đã trụ pháp môn Bất khả tư nghì giải thoát nên sức thần thông diệu dụng không thể nghĩ lường, có công năng mượn các tòa sư tử cao to ở cõi nước đức Phật Tu-di Đăng Vương dời về trong thất nhỏ mà không bị ép ngặt. Hoặc sai hóa Bồ-tát đến cõi Hương Tích xin bát cơm thơm về cho chư Bồ-tát và chúng hội dùng. Hoặc đem thế giới Diệu Hỷ của đức Phật Vô Động đặt vào cõi Ta-bà vẫn y như cũ không thay đổi. Những công năng không thể nghĩ nghì này là từ tâm lượng thênh thang, vượt ngoài hình thức phân biệt đối đãi, không gì chướng ngại. Vì vậy kinh này có tên khác là Bất Khả Tư Nghì Giải Thoát Pháp Môn.

Bồ-tát tân học cũng cứu độ chúng sanh nhưng việc làm còn trong giới hạn. Chúng ta mới phát tâm hành Bồ-tát đạo, nên những Phật sự đã làm thật tầm thường hạn hẹp. Trong việc tu chỉ mong được kiến tánh ngộ đạo cũng vui lắm rồi, vậy mà còn chưa được. Tuy học pháp Đại thừa nhưng không có tâm vị tha mà ích kỷ hẹp hòi, chỉ muốn thoát khổ sanh tử sớm thành Phật trụ Niết-bàn để hưởng sự an lạc cho riêng mình, không như Bồ-tát luôn lấy niềm vui nỗi khổ của chúng sanh làm niềm vui nỗi khổ của chính mình.

Học kinh này rồi, chúng ta mới hiểu ý nghĩa thâm sâu của bộ kinh và thêm cung kính gương hạnh của các ngài, cố gắng noi theo ứng dụng tu hành, dù không được trăm phần trăm, ít ra cũng vài mươi phần trăm để tâm ngày càng thêm rọâng mở. Đó là sự mong mỏi của tôi.

- Het-

 

[ Quay lại ]