KINH DUY MA CẬT: XIV- PHẨM CHÚC LỤY
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 20 Tháng mười 2015 09:17
- Viết bởi Super User
HT. Thích Thanh Từ giảng
Chúc lụy là đem hết tâm tư dặn dò lại người sau cố gắng thực hiện đúng theo tinh thần đức Phật chỉ dạy, duy trì bảo vệ kinh và ứng dụng tu hành. Như cha mẹ khi gần trăm tuổi, gọi con cháu đến dặn dò, gọi là di chúc.
Chánh văn:
Khi ấy Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:
- Nay ta dùng vô lượng a-tăng-kỳ kiếp nhóm họp pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác để phó chúc cho ông. Những kinh như thế, sau khi Phật diệt độ, trong đời mạt pháp các ông phải dùng thần lực lưu truyền rộng khắp cõi Diêm-phù-đề, không khiến cho đoạn tuyệt. Vì cớ sao? Trong đời vị lai sẽ có những người thiện nam thiện nữ, thiên long, quỷ thần, càn-thát-bà, la-sát... phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ưa pháp Đại thừa; nếu như không được nghe những kinh như thế ắt mất lợi lành. Những người như đây nghe kinh này ắt thêm lòng tin vui, phát tâm hy hữu, sẽ đảnh lễ lãnh thọ. Tùy chỗ ứng hợp lợi lạc cho các chúng sanh, mà vì họ rộng diễn nói.
Di-lặc nên biết! Bồ-tát có hai tướng: một là ưa thích tạp cú văn chương, hai là không sợ nghĩa lý sâu xa như thật có thể thâm nhập. Nếu người ưa tạp cú văn chương, nên biết ấy là Bồ-tát mới học. Nếu đối với kinh điển thâm sâu không nhiễm không trước, không kinh sợ, có thể nhận hiểu trong đó, nghe rồi tâm liền thanh tịnh, thọ trì đọc tụng, như lời nói mà tu hành, nên biết ấy là người tu hành đã lâu.
Này Di-lặc, lại có hai pháp gọi là người mới học không thể quyết định được pháp sâu xa. Những gì là hai? Một là những kinh điển sâu xa chưa từng nghe, khi nghe họ kinh sợ sanh nghi, không thể tùy thuận, chê bai không tin mà lại nói: "Trước đây tôi không nghe! Kinh này từ đâu mà đến?" Hai là nếu có người hộ trì giải nói những kinh thâm sâu như thế, không chịu gần gũi cúng dường cung kính, hoặc trong khi đó nói lỗi xấu vị kia. Có hai pháp này nên biết ấy là Bồ-tát mới học, vì làm tổn hại chính mình và không thể ở trong pháp sâu xa mà điều phục tâm kia.
Này Di-lặc, lại có hai pháp, Bồ-tát tuy tin hiểu pháp sâu xa vẫn còn tổn hại chính mình và không thể được pháp vô sanh nhẫn. Những gì là hai ?
Một là khinh thường Bồ-tát mới học mà không dạy dỗ. Hai là tuy tin hiểu pháp sâu xa mà chấp tướng phân biệt. Ấy là hai pháp.
Bồ-tát Di-lặc nghe nói lời này rồi, bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, chưa từng có vậy. Như Phật đã nói, con sẽ xa lìa các ác như thế và phụng trì pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác do đức Như Lai nhóm họp từ vô số kiếp. Nếu ở đời sau có người thiện nam thiện nữ cầu pháp Đại thừa, sẽ khiến tay họ liền được quyển kinh như thế và khiến họ có sức ghi nhớ thọ trì đọc tụng, vì người giảng nói rộng khắp. Bạch Thế Tôn, nếu về sau đời mạt pháp, có người thọ trì đọc tụng, vì người khác nói, nên biết đều là do sức thần của Di-lặc kiến lập.
Phật nói:
- Lành thay, lành thay Di-lặc! Như lời ông đã nói, Phật sẽ giúp ông thêm vui.
Khi ấy tất cả Bồ-tát chắp tay bạch Phật:
- Chúng con sau khi Như Lai diệt độ, cũng ở cõi nước mười phương rộng nói lưu truyền pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, lại sẽ dẫn dắt cho những người nói pháp khiến họ nhận được kinh này.
Lúc ấy Tứ thiên vương bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, ở nơi chốn nào thành ấp xóm làng, rừng núi đồng trống, có người đọc tụng, giải nói quyển kinh này, con sẽ đưa các quan thuộc vì nghe pháp nên đến chỗ kia ủng hộ người ấy, khiến cho khoảng một trăm do-tuần không ai rình tìm và có cơ hội để phá được.
Bấy giờ Phật bảo A-nan:
- Nên thọ trì kinh này, rộng nói để truyền bá.
Tôn giả A-nan thưa:
- Xin vâng, con đã thọ trì những chỗ cốt yếu. Bạch Thế Tôn, kinh này tên là gì ?
Phật bảo:
- A-nan, kinh này tên là "Duy-ma-cật Sở Thuyết", cũng tên "Bất Khả Tư Nghì Giải Thoát Pháp Môn", ông như thế mà thọ trì.
Phật nói kinh này rồi, trưởng giả Duy-ma-cật, ngài Văn-thù-sư-lợi, Xá-lợi-phất, A-nan... và chư thiên, nhân, a-tu-la... tất cả đại chúng nghe Phật nói thảy đều rất vui vẻ, tin nhận và kính cẩn vâng làm.
Giảng:
Khi ấy Phật bảo Bồ-tát Di-lặc: Nay ta dùng vô lượng a-tăng-kỳ kiếp nhóm họp pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác để phó chúc cho ông.
Đức Phật phó chúc pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cho Bồ-tát Di-lặc.
Những kinh như thế, sau khi Phật diệt độ, trong đời mạt pháp các ông phải dùng thần lực lưu truyền rộng khắp cõi Diêm-phù-đề, không khiến cho đoạn tuyệt. Vì cớ sao? Trong đời vị lai sẽ có những người thiện nam thiện nữ, thiên long, quỷ thần, càn-thát-bà, la-sát... phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ưa pháp Đại thừa.
Những phẩm trên chúng ta không nghe nhắc nhiều về Bồ-tát Di-lặc, nhưng đến phẩm này Phật lại gọi ngài đến để dặn dò là ý nghĩa gì? Kinh này dạy cho hàng Bồ-tát thượng thặng, chỉ còn một kiếp nữa được bổ xứ thành Phật. Cư sĩ Duy-ma-cật là người ở nước Diệu Hỷ của đức Phật Vô Động đến cõi Ta-bà làm Phật sự, cũng như Bồ-tát Di-lặc hiện đang ở cung trời Đâu-suất sẽ sanh vào cõi Ta-bà chỉ còn một đời nữa thành Phật. Như vậy công hạnh của hai vị tương xứng nhau, nên đức Phật mới dặn dò phó chúc cho ngài Di-lặc.
Chúng ta thường có mặc cảm sanh trong đời mạt pháp, không được duyên lành để tu hành chóng tiến. Ở đây đức Phật nói, vào thời này cũng có những thiện nam, thiện nữ, hoặc quỷ thần... phát tâm Vô thượng Bồ-đề, ưa nghe pháp Đại thừa. Như vậy chúng ta tuy ít phước nhưng nếu phát tâm Bồ-đề cũng có phần trong đó. Điều này khiến chúng ta tin mình có thể nhận hiểu và tu được theo lời Phật dạy.
Nếu như không được nghe những kinh như thế ắt mất lợi lành. Những người như đây nghe kinh này ắt thêm lòng tin vui, phát tâm hy hữu, sẽ đảnh lễ lãnh thọ. Tùy chỗ ứng hợp lợi lạc cho các chúng sanh, mà vì họ rộng diễn nói. Chúng sanh ở đời mạt pháp không được nghe kinh điển này sẽ mất lợi lành. Còn những người nghe pháp muốn được lợi ích lớn cho họ, nên tùy căn cơ của mỗi người mà diễn nói.
Di-lặc nên biết! Bồ-tát có hai tướng: một là ưa thích tạp cú văn chương, hai là không sợ nghĩa lý sâu xa như thật có thể thâm nhập. Nếu người ưa tạp cú văn chương, nên biết ấy là Bồ-tát mới học. Nếu đối với kinh điển thâm sâu không nhiễm không trước, không kinh sợ, có thể nhận hiểu trong đó, nghe rồi tâm liền thanh tịnh, thọ trì đọc tụng, như lời nói mà tu hành, nên biết ấy là người tu hành đã lâu.
Bồ-tát có hai tướng: Bồ-tát mới học ưa thích văn chương tạp cú, Bồ-tát tu hành đã lâu thì thích kinh điển nghĩa lý sâu xa. Như chúng ta thấy ở chùa, người mới tu thích đọc những kinh sách văn chương lưu loát, những tích truyện hấp dẫn có thể quên ăn quên ngủ, còn kinh điển khô khan dễ sanh chán ngán. Chẳng hạn thuở tôi là học tăng, rất thích đọc sử Phật giáo của tác giả Võ Đình Cường, như quyển Ánh Đạo Vàng, đọc đến say mê. Sau này tu lâu rồi, không còn thích nữa, vì văn vẻ quá, làm mất đi bản chất thâm sâu của nó. Đó là tùy trình độ sai biệt của mỗi người. Người sơ cơ đến với đạo, phần nhiều hợp với văn chương bóng bẩy văn từ hoa mỹ, còn người đã thấm nhuần đạo lý chỉ thích ý nghĩa thâm sâu để ứng dụng tu hành.
Này Di-lặc, lại có hai pháp gọi là người mới học không thể quyết định được pháp sâu xa. Những gì là hai? Một là những kinh điển sâu xa chưa từng nghe, khi nghe họ kinh sợ sanh nghi, không thể tùy thuận, chê bai không tin mà lại nói: "Trước đây tôi không nghe, kinh này từ đâu mà đến?" Hai là nếu có người hộ trì giải nói những kinh thâm sâu như thế, không chịu gần gũi cúng dường cung kính, hoặc trong khi đó nói lỗi xấu vị kia. Có hai pháp này nên biết ấy là Bồ-tát mới học, vì làm tổn hại chính mình và không thể ở trong pháp sâu xa mà điều phục tâm kia.
Này Di-lặc, lại có hai pháp, Bồ-tát tuy tin hiểu pháp sâu xa vẫn còn tổn hại chính mình và không thể được pháp vô sanh nhẫn. Những gì là hai? Một là khinh thường Bồ-tát mới học mà không dạy dỗ. Hai là tuy tin hiểu pháp sâu xa mà chấp tướng phân biệt. Ấy là hai pháp.
Phật chia ra hai hạng người: người chưa thông hiểu Phật pháp, nghe kinh này sanh kinh sợ, nghi ngờ, chê bai; hoặc nghe người hộ trì giảng nói kinh này, chẳng những không thân cận cúng dường mà còn tìm lỗi để nói xấu. Những người này tự làm tổn hại mình, đối với kinh điển thâm sâu không chịu học hiểu để điều phục tâm.
Người đã tin hiểu sâu nhưng vẫn còn bị tổn hại và không được vô sanh pháp nhẫn, vì có hai điều:
1. Khinh mạn người mới học, không chịu dạy dỗ. Người học đạo không phải chỉ hiểu đạo là đủ, mà phải có tâm giáo hóa chỉ dạy những người mới học, không nên xem thường họ.
2. Tuy tin hiểu pháp sâu mà còn chấp tướng phân biệt và dính mắc trong ngôn từ của đạo. Nên phải dẹp trừ tâm này mới được vô sanh pháp nhẫn.
Bồ-tát Di-lặc nghe nói lời này rồi, bạch Phật: Bạch Thế Tôn, chưa từng có vậy. Như Phật đã nói, con sẽ xa lìa các ác như thế và phụng trì pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác do đức Như Lai nhóm họp từ vô số kiếp. Nếu ở đời sau có người thiện nam thiện nữ cầu pháp Đại thừa, sẽ khiến tay họ liền được quyển kinh như thế và khiến họ có sức ghi nhớ thọ trì đọc tụng, vì người giảng nói rộng khắp. Bạch Thế Tôn, nếu về sau đời mạt pháp, có người thọ trì đọc tụng, vì người khác nói, nên biết đều là do sức thần của Di-lặc kiến lập.
Phật nói: Lành thay, lành thay, Di-lặc! Như lời ông đã nói, Phật sẽ giúp ông thêm vui.
Khi ấy tất cả Bồ-tát chắp tay bạch Phật: Chúng con sau khi Như Lai diệt độ, cũng ở cõi nước mười phương rộng nói lưu truyền pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, lại sẽ dẫn dắt cho những người nói pháp khiến họ nhận được kinh này.
Bồ-tát Di-lặc nguyện xin phụng trì pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác do đức Phật chứa nhóm trong vô lượng kiếp. Đời sau nếu có chúng sanh cầu pháp Đại thừa tu hành trì tụng hoặc giảng nói kinh này, ngài sẽ ủng hộ họ thành tựu sở nguyện. Kế đến chư Bồ-tát cũng phát nguyện sẽ lưu truyền rộng khắp pháp này và dẫn dắt những người nói pháp khiến họ nhận hiểu. Vì vậy chúng ta tu theo kinh này được kết quả phần nào và có thể giảng nói cho mọi người nghe, đó là nhờ sự trợ lực của ngài Di-lặc cùng chư Bồ-tát.
Lúc ấy Tứ thiên vương bạch Phật: Bạch Thế Tôn, ở nơi chốn nào thành ấp xóm làng, rừng núi đồng trống, có người đọc tụng, giải nói quyển kinh này, con sẽ đưa các quan thuộc vì nghe pháp nên đến chỗ kia ủng hộ người ấy, khiến cho khoảng một trăm do-tuần không ai rình tìm và có cơ hội để phá được.
Tứ thiên vương đi đâu thì dẫn quan quân tùy tùng theo đó, nên dùng chữ quan thuộc mà không dùng chữ quyến thuộc. Tứ thiên vương cũng hứa nguyện, dù ở bất cứ nơi nào sẽ luôn ủng hộ bảo vệ người đọc tụng giảng nói kinh này.
Bấy giờ Phật bảo A-nan: Nên thọ trì kinh này, rộng nói để truyền bá.
Tôn giả A-nan thưa: Xin vâng, con đã thọ trì những chỗ cốt yếu. Bạch Thế Tôn, kinh này tên là gì ?
Phật bảo: A-nan, kinh này tên là Duy-ma-cật Sở Thuyết, cũng tên Bất Khả Tư Nghì Giải Thoát Pháp Môn, ông như thế mà thọ trì.
Phật nói kinh này rồi, trưởng giả Duy-ma-cật, ngài Văn-thù-sư-lợi, Xá-lợi-phất, A-nan... và chư thiên, nhân, a-tu-la... tất cả đại chúng nghe Phật nói thảy đều rất vui vẻ, tin nhận và kính cẩn vâng làm.
Phẩm Chúc Lụy là phẩm cuối của bộ kinh, chỉ là những lời đức Phật nhắc nhở tôn giả A-nan phải ghi nhớ những điều Thế Tôn chỉ dạy để mai kia trùng tuyên lại cho người sau. Phẩm này đơn giản dễ hiểu không nói đến nghĩa lý thâm sâu nữa.
Các tin khác
- KINH DUY MA CẬT: XIII- PHẨM CÚNG DƯỜNG PHÁP - 06/10/2015 08:56
- KINH DUY MA CẬT: XII - PHẨM THẤY PHẬT A-SÚC - 17/09/2015 11:28
- KINH DUY MA CẬT: XI- PHẨM BỒ-TÁT HẠNH - 24/08/2015 14:11
- KINH DUY MA CẬT:X- PHẨM PHẬT HƯƠNG TÍCH - 07/08/2015 14:35
- KINH DUY MA CẬT: IX- PHẨM VÀO PHÁP MÔN KHÔNG HAI - 23/07/2015 13:12