headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 04/12/2024 - Ngày 4 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

KINH DUY MA CẬT: IX- PHẨM VÀO PHÁP MÔN KHÔNG HAI

phatHT. Thích Thanh Từ giảng

Tinh thần phẩm này nói rõ tất cả pháp vượt ngoài đối đãi, mọi hình tướng đối đãi là tướng giả dối không thật. Đó là lý thật của đạo. Vì vậy mà nói pháp môn bất nhị tức là pháp môn không hai.
Chánh văn:
Khi ấy ông Duy-ma-cật bảo các vị Bồ-tát:
- Này các nhân giả! Thế nào là Bồ-tát vào pháp môn không hai? Mỗi vị tùy theo sở thích của mình mà nói.
Trong hội có vị Bồ-tát tên là Pháp Tự Tại nói rằng:
- Này các nhân giả, sanh diệt là hai. Pháp xưa chẳng sanh, nay ắt chẳng diệt, được vô sanh pháp nhẫn này, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Đức Thủ nói:
- Ngã, ngã sở là hai. Nhân có ngã nên liền có ngã sở. Nếu không có ngã thì không ngã sở, ấy là vào pháp môn không hai.

Bồ-tát Bất Thuấn nói:
- Thọ, không thọ là hai. Nếu pháp không thọ thì không thể được; do không thể được nên không thủ không xả, không tác không hành, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Đức Đảnh nói:
- Nhơ sạch là hai. Thấy thật tánh của nhơ thì không tướng sạch, thuận nơi tướng diệt, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Thiện Túc nói:
- Có động, có niệm là hai. Không động thì không niệm, không niệm tức là không phân biệt. Người thông đạt chỗ này, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Thiện Nhãn nói:
- Một tướng, không tướng là hai. Nếu biết một tướng tức là không tướng, cũng không chấp thủ không tướng, vào chỗ bình đẳng, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Diệu Tý nói:
- Tâm Bồ-tát, tâm Thanh văn là hai. Quán tướng tâm không, như huyễn hóa, không tâm Bồ-tát không tâm Thanh văn, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Phất-sa nói:
- Thiện ác là hai. Nếu chẳng khởi thiện ác, vào mé vô tướng mà thông đạt điều này, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Sư Tử nói:
- Tội phước là hai. Nếu thông đạt tánh tội ắt cùng với phước không khác, dùng trí tuệ kim cương quyết trạch rõ ràng tướng này, không trói không mở, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Sư Tử Ý nói:

- Hữu lậu vô lậu là hai. Nếu được các pháp bình đẳng thì không khởi tưởng lậu vô lậu, không chấp nơi tướng cũng không trụ vô tướng, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Tịnh Giải nói:
- Hữu vi vô vi là hai. Nếu lìa tất cả số thì tâm như hư không, do trí tuệ thanh tịnh không chỗ chướng ngại, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Na-la-diên nói:
- Thế gian, xuất thế gian là hai. Tánh thế gian là không, tức là xuất thế gian. Ở trong kia không nhập không xuất, không đầy không vơi, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Thiện Ý nói:
- Sanh tử Niết-bàn là hai. Nếu thấy tánh sanh tử thì không sanh tử, không trói không mở, chẳng sanh chẳng diệt, người hiểu như thế, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Hiện Kiến nói:
- Tận bất tận là hai. Pháp hoặc cứu cánh tận hoặc bất tận, đều là tướng vô tận; tướng vô tận tức là không, không thì không có tướng tận và bất tận. Người được như thế, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Phổ Thủ nói:
- Ngã vô ngã là hai. Ngã còn không thể được, vô ngã làm sao có thể được? Thấy thật tánh của ngã đó, không lại khởi hai, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Điện Thiên nói:
- Minh vô minh là hai. Thật tánh vô minh tức là minh, minh cũng không thể chấp thủ, lìa tất cả số, ở trong đó được bình đẳng không hai, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Hỷ Kiến nói:

- Sắc, sắc không là hai. Sắc tức là không, chẳng phải sắc diệt mới không, tánh sắc tự không. Như thế thọ tưởng hành thức, thức không là hai, thức tức là không, chẳng phải thức diệt mới không, thức tánh tự không, ở trong đó mà thông đạt được, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Minh Tướng nói:
- Bốn chủng khác, không chủng khác là hai. Tánh bốn chủng tức là tánh không chủng, như mé trước mé sau không, nên mé giữa cũng không. Nếu hay biết các chủng tánh không như thế, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Diệu Ý nói:
- Mắt, sắc là hai. Nếu biết tánh của mắt đối với sắc không tham không sân không si, ấy gọi là tịch diệt. Như thế lỗ tai - tiếng, lỗ mũi - mùi, lưỡi - vị, thân - xúc, ý - pháp là hai, nếu biết tánh của ý đối với pháp không tham không sân không si gọi là tịch diệt, an trụ trong đó, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Vô Tận Ý nói:
- Bố thí, hồi hướng Nhất thiết trí là hai. Tánh bố thí tức là tánh hồi hướng Nhất thiết trí, như thế trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, hồi hướng Nhất thiết trí là hai, tánh trí tuệ tức là
tánh hồi hướng Nhất thiết trí, ở trong đó vào một tướng, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Thâm Tuệ nói:
- Không, vô tướng, vô tác là hai. Không tức vô tướng, vô tướng tức vô tác; nếu không vô tướng vô tác thì không tâm không ý không thức. Đối với một môn giải thoát tức là ba môn giải thoát, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Tịch Căn nói:
- Phật, Pháp, Tăng là hai. Phật tức là Pháp, Pháp tức là Tăng, Tam bảo này đều là tướng vô vi, đồng với hư không, tất cả pháp cũng vậy. Người hay tùy thuận hạnh này, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Tâm Vô Ngại nói:
- Thân, thân diệt là hai. Thân tức là thân diệt. Vì cớ sao? Thấy thật tướng của thân, không khởi thấy thân và thấy thân diệt, thân cùng thân diệt không hai không phân biệt, ở trong kia không kinh không sợ, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Thượng Thiện nói:
- Thân khẩu ý thiện là hai. Ba nghiệp ấy đều là tướng vô tác, thân tướng vô tác tức là khẩu tướng vô tác, khẩu tướng vô tác tức là ý tướng vô tác, ba nghiệp tướng vô tác ấy tức tất cả pháp tướng vô tác. Hay tùy thuận trí tuệ vô tác như thế, ấy là vào pháp môn không hai.

Bồ-tát Phước Điền nói:
- Phước hạnh, tội hạnh, bất động hạnh là hai. Thật tánh ba hạnh tức là không, không thì không phước hạnh, không tội hạnh, không bất động hạnh. Ở trong ba hạnh này mà không khởi, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Hoa Nghiêm nói:
- Từ ngã khởi hai là hai. Thấy thật tướng của ngã, không khởi hai pháp, nếu không trụ hai pháp thì không có thức, không có sở thức, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Đức Tạng nói:
- Có tướng sở đắc là hai. Nếu không sở đắc thì không thủ xả. Không thủ xả ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Nguyệt Thượng nói:
- Tối cùng với sáng là hai. Không tối không sáng thì không có hai. Vì cớ sao? Như nhập Diệt thọ tưởng định, không tối không sáng, tất cả pháp tướng cũng lại như thế, ở trong kia bình đẳng mà nhập, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Bảo Ấn Thủ nói:
- Ưa Niết-bàn chẳng ưa thế gian là hai. Nếu chẳng ưa Niết-bàn chẳng chán thế gian ắt không có hai. Vì cớ sao? Nếu có trói ắt có mở. Nếu xưa
không trói thì cầu mở làm gì? Không trói không mở thì không ưa không chán, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Châu Đảnh Vương nói:
- Chánh đạo tà đạo là hai. Người trụ chánh đạo ắt chẳng phân biệt là tà là chánh, lìa hai việc này, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Nhạo Thật nói:
- Thật không thật là hai. Thật thấy đó còn không thấy thật, huống là chẳng phải thật! Vì cớ sao? Chẳng phải chỗ thấy con mắt thịt, tuệ nhãn mới có thể thấy, mà tuệ nhãn này không thấy không chẳng thấy, ấy là vào pháp môn không hai.
Như thế chư vị Bồ-tát mỗi vị đã nói rồi, mới hỏi ngài Văn-thù-sư-lợi:
- Thế nào là Bồ-tát vào pháp môn không hai?
Ngài Văn-thù nói:
- Như ý tôi, đối với tất cả pháp không nói không rằng, không chỉ bày không phân biệt, lìa các hỏi đáp, ấy là vào pháp môn không hai.
Khi ấy Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi ông Duy-ma-cật:
- Chúng tôi mỗi người đã tự nói xong, nhân giả phải nói thế nào là Bồ-tát vào pháp môn không hai?
Bấy giờ ông Duy-ma-cật lặng thinh không nói.
Ngài Văn-thù-sư-lợi khen:
- Lành thay, lành thay! Cho đến không có văn tự ngữ ngôn, đây thật là vào pháp môn không hai.
Khi nói phẩm Vào Pháp Môn Không Hai này, ở trong chúng đây, năm ngàn vị Bồ-tát đều vào pháp môn không hai, được vô sanh pháp nhẫn.

Giảng:
Khi ấy ông Duy-ma-cật bảo các vị Bồ-tát: Này các nhân giả! Bồ-tát làm sao vào được pháp môn không hai? Mỗi vị tùy theo sở thích của mình mà nói. Trước tiên, cư sĩ Duy-ma-cật mời các vị Bồ-tát trong chúng hội, tùy theo sở thích mỗi người, trình bày ý kiến của mình đối với pháp môn không hai.

Trong hội có vị Bồ-tát tên là Pháp Tự Tại nói rằng: Này các nhân giả, sanh diệt là hai. Pháp xưa chẳng sanh, nay ắt chẳng diệt, được vô sanh pháp nhẫn này, ấy là vào pháp môn không hai. Mở đầu là Bồ-tát Pháp Tự Tại nêu lên ý kiến của mình. Gọi là Tự Tại vì với tất cả pháp, ngài không còn gì trở ngại. Ngài nói: sanh diệt, thế gian cho là hai, nhưng trên lý thật, pháp vốn chẳng sanh nay chẳng diệt. Người thấy như vậy, là được vô sanh pháp nhẫn, ấy là vào pháp môn không hai.
Còn chúng ta quen nhìn trên giả tướng duyên hợp hư dối rồi chấp nhận các pháp là thật có. Thí dụ có cái nhà là do nhiều bộ phận, như gỗ, ngói, gạch v.v...
ráp lại thì gọi là thành, hoặc là sanh. Khi hết duyên, nó hư mục tan rã, nói là hoại hay diệt. Vậy cái sanh đó có thật sanh không? Trên lý, cái nhà không thật sanh. Chẳng qua đủ duyên hợp tạm gọi là nhà. Duyên ly tán, nhà hư hoại trở về không gọi là diệt.
Ngay thân chúng ta cũng vậy, đủ duyên tứ đại hợp gọi là sanh, hết duyên ly tán gọi là tử, hợp tan là việc của duyên, chẳng qua chỉ là sự chuyển hóa. Vậy sanh tử không thật. Căn cứ trên lý nhân duyên, chúng ta thấy tường tận thể tánh của con người cho đến muôn vật, không thật sanh và không thật diệt. Nếu không thật sanh không thật diệt, thì trước không sanh, nay cũng không diệt. Tùy duyên tụ họp tạm thấy có, duyên tan tạm thấy không. Như vậy ngay nơi sanh thấy rõ không có sanh thật. Sanh là ngã, pháp là pháp, cả hai được an trụ trong chỗ vô sanh. Không còn ngã không còn pháp, đó là được vô sanh pháp nhẫn, tức là vào pháp môn không hai.
Người tu cần phải có trí tuệ phán đoán đúng như thật, thấy sanh diệt không hai không thật thì phiền não làm gì có. Sở dĩ thấy sanh diệt là thật cho nên khi sanh thì vui, bảo vệ cái sanh, khi diệt thì buồn nên sợ cái diệt. Vì vậy gốc phiền não từ đó mà ra, như việc ăn uống hằng ngày của chúng ta, do chạy theo sự ngon dở, bổ dưỡng mà phiền não dấy lên, chẳng qua là bảo vệ cái sanh vì cho nó là thật. Thấy cái diệt tức cái chết là thật, nên những gì người khác làm cho mình bị tổn thương có thể chết thì chống đối thù nghịch.
Như vậy do bảo vệ cái sanh, sợ cái diệt mà bao thứ phiền não dấy khởi. Còn thấy rõ được tánh của sanh diệt không thật, xưa không sanh nay không diệt, thấu suốt được lẽ đó là được vô sanh pháp nhẫn, là vào pháp môn không hai. Hiểu được pháp này rồi, các pháp khác cũng thấy rõ ràng. Nên làm Bồ-tát không phải khó, vì Bồ-tát là giác, là thấy đúng như thật.
Bồ-tát Đức Thủ nói: Ngã, ngã sở là hai. Nhân có ngã nên liền có ngã sở. Nếu không có ngã thì không ngã sở, ấy là vào pháp môn không hai. Đoạn trên nói sanh diệt là chung tất cả, kế đây nói rõ từng phần. Chúng ta ai cũng chấp có ngã và ngã sở. Ngã là ta, ngã sở là những gì thuộc về ta, nào là đồ đạc, nhà cửa, bà con quyến thuộc... Nếu thấy mình thật thì ngã sở cũng thật. Ngay thân tứ đại ngũ uẩn chia chẻ ra tìm cái ngã không có, thì ngã sở làm sao có thật. Thường trong kinh A-hàm chỉ nói thuyết vô ngã, ít nói về ngã sở, tức là pháp. Bồ-tát thấy ngã không pháp không tức là ngã và ngã sở đều không thật. Thấy được như vậy là Bồ-tát vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Bất Thuấn nói: Thọ, không thọ là hai. Nếu pháp không thọ thì không thể được, do không thể được nên không thủ không xả, không tác không hành, ấy là vào pháp môn không hai. Thọ là cảm thọ, bất thọ là không cảm thọ. Nếu pháp không thọ thì không thể được, tức không chỗ đắc, bởi không đắc nên không thủ không xả, không tác không hành, là vào pháp môn không hai. Thí dụ được người cho món đồ hay một số tiền,
chúng ta không nhận thì không được. Nhận rồi cất giữ gọi là thủ, đem cho người khác gọi là xả. Nếu không nhận thì không thủ không xả. Không thủ không xả thì không tác không hành. Cũng thế, sáu căn đối với sáu trần nếu không thọ thì không có đắc. Không đắc thì không thủ không xả, không tác không hành. Như vậy là vào pháp môn không hai. Đây là nói về phần tổng, còn sau phân biệt tôi sẽ giải thích kỹ.
Bồ-tát Đức Đảnh nói: Nhơ sạch là hai. Thấy thật tánh của nhơ thì không tướng sạch, thuận nơi tướng diệt, ấy là vào pháp môn không hai. Chúng ta luôn có tâm phân biệt nhơ sạch đối đãi. Thí dụ hai tô nước để gần nhau, một tô đựng nước mưa trong, một tô đựng nước giếng đục, thì thấy tô nước mưa sạch tô nước giếng nhơ. Bản chất của nước không có nhơ sạch, chẳng qua do sự hòa lẫn của bụi bặm, bùn đất. Nếu để lắng bụi bặm bùn đất xuống thì tìm cái nhơ đâu còn. Vậy nhơ sạch là cái giả hợp. Hiểu như thế mới thấy thật tánh của nước không có tướng nhơ tướng sạch. Thấy thật tánh của nhơ là không có tướng thật nhơ thì tướng sạch làm gì có. Biết tùy thuận nơi tướng diệt đó, tức diệt cả nhơ và sạch, đó là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Thiện Túc nói: Có động, có niệm là hai. Không động thì không niệm, không niệm tức là không phân biệt. Người thông đạt chỗ này, ấy là vào pháp môn không hai. Người tâm tán loạn nên phải chuyên niệm hơi thở hoặc niệm Phật để thâu nhiếp tán loạn, sở dĩ dùng các phương tiện niệm đó là để đối trị tâm động.
Tất cả niệm dấy lên, biết rõ nó là động, nhưng bản chất niệm không thật thì làm gì có động. Như vậy không động thì không niệm, không niệm tức là vô phân biệt. Người nào thông đạt đến đó là nhập được pháp môn không hai.
Bồ-tát Thiện Nhãn nói: Một tướng, không tướng là hai. Nếu biết một tướng tức là không tướng, cũng không chấp thủ không tướng, vào chỗ bình đẳng, ấy là vào pháp môn không hai. Một tướng, không tướng là hai. Thí dụ cái bàn là một tướng, khoảng trống là không tướng, tức hai. Hay nói thật tướng là không tướng. Như vậy nói thật tướng, không tướng là hai. Nhưng thật tướng không thật thì không tướng cũng không thật, không chấp thủ không tướng, vào chỗ tâm bình đẳng, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Diệu Tý nói: Tâm Bồ-tát, tâm Thanh văn là hai. Quán tướng tâm không, như huyễn hóa, không tâm Bồ-tát không tâm Thanh văn, ấy là vào pháp môn không hai. Tâm Bồ-tát là tâm từ bi rộng lớn, tâm Thanh văn còn sợ sanh tử cầu Niết-bàn, trốn khổ tìm vui. Hai tâm khác nhau, sao đây lại nói tâm Bồ-tát, tâm Thanh văn không hai? Hai tướng tâm đó, dù từ bi hay ích kỷ cũng là tâm tướng sanh diệt. Đã là tâm tướng sanh diệt thì hư dối huyễn hóa, chứ không phải là tâm chân thật. Khi thấy rõ như vậy, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Phất-sa nói: Thiện ác là hai. Nếu chẳng khởi thiện ác, vào mé vô tướng mà thông đạt điều này, ấy là vào pháp môn không hai. Bất thiện là ác. Thiện ác là hai. Thế gian thường trọng thiện ghét ác, đó là tâm thiên lệnh, chưa bình đẳng. Ở đây thấy bản chất thiện ác không thật, nên nói là không hai. Thiện ác khó phân định. Thí dụ kẻ ăn trộm cướp tài sản của người là ác, luật pháp kết tội ở tù, hoặc tử hình v.v... Còn những ông vua cầm quân đánh chiếm nước người, được khen là anh hùng. Kẻ cướp đoạt tài sản của người là cướp nhỏ, cho là ác. Còn cướp cả nước là cướp lớn, lại cho là anh hùng. Như vậy sao gọi là thiện, sao gọi là ác, khó mà định được.
Như cô giáo dạy học, trò nào ngỗ nghịch cô đánh, nhờ đó nó siêng học và thi đậu. Hành động của cô thấy dường như ác, nhưng lại là thiện vì xuất phát từ lòng thương, muốn trò nên người. Qua đó mới thấy thiện ác đối đãi nhau không thật. Biết rõ không thật nên không chấp thiện ác, ấy là vào pháp môn không hai. Nếu nó thật thì người ác không bao giờ thành người thiện được. Giả sử có người trước đây chuyên nghề ăn trộm, làm điều ác. Về sau họ thức tỉnh, biết tội lỗi nên dừng tạo nghiệp, giúp đỡ mọi người, trở thành người lương thiện. Cũng con người đó, xưa cho là ác, nay được tiếng là thiện. Như vậy thiện ác không cố định, không thật, nếu chấp là thật đó là mê lầm. Chỉ một phen đổi thay, từ thiện biến thành ác, từ ác biến thành thiện. Thấu suốt được lẽ này, vào mé vô tướng, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Sư Tử nói: Tội phước là hai. Nếu thông đạt tánh tội ắt cùng với phước không khác, dùng trí  tuệ kim cương quyết trạch rõ ràng tướng này, không trói không mở, ấy là vào pháp môn không hai. Trong bài sám hối có câu Tánh tội vốn không, do tâm tạo. Tội gốc từ tâm mà ra, tâm vốn không thật thì tội đâu có thật. Tâm có lúc nghĩ thiện lúc nghĩ ác, nên biết tội phước cũng không thật. Tánh tội không thật thì tánh phước làm sao thật được. Dùng trí tuệ Kim cang thấy rõ tướng này không trói không mở, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Sư Tử Ý nói: Hữu lậu vô lậu là hai. Nếu được các pháp bình đẳng thì không khởi tưởng lậu vô lậu, không chấp nơi tướng cũng không trụ vô tướng, ấy là vào pháp môn không hai. Hữu lậu và vô lậu là hai pháp đối đãi. Hữu lậu còn sanh tử, vô lậu hết sanh tử, nhưng vô lậu từ hữu lậu mà lập. Các pháp có tướng sanh trụ dị diệt gọi là hữu lậu, không sanh trụ dị diệt gọi là vô lậu. Nếu sanh trụ dị diệt không thật thì hữu lậu không thật, hữu lậu không thật thì vô lậu cũng không thật. Thấy các pháp bình đẳng, không chấp nơi tướng, cũng không trụ vô tướng, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Tịnh Giải nói: Hữu vi vô vi là hai. Nếu lìa tất cả số thì tâm như hư không, do trí tuệ thanh tịnh không chỗ chướng ngại, ấy là vào pháp môn không hai. Hữu vi còn sanh diệt, vô vi hết sanh diệt. Nếu lìa tất cả số là không còn tâm chấp sanh trụ dị diệt... thì tâm rỗng rang như hư không, trí tuệ thanh tịnh không chướng ngại. Được như vậy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Na-la-diên nói: Thế gian, xuất thế gian là hai. Tánh thế gian là không, tức là xuất thế gian. Ở trong kia không nhập không xuất, không đầy không vơi, ấy là vào pháp môn không hai. Thế gian, xuất thế gian là hai, tánh thế gian là không, tức là xuất thế gian, nên nói không hai. Người tu thường nói, tôi học đạo xuất thế, nghĩa là tu cho có thần thông để bay bổng đến thế giới khác, rồi an trụ nơi đó, tức là còn thấy thế gian xuất thế gian là hai. Ở đây nói tánh thế gian không thật; còn tướng thế gian chia làm hai phần, hữu tình thế gian là con người, khí thế gian là ngoại cảnh, đều là tướng duyên hợp. Cho nên thế gian không cố định, không thật thì ngay đó là xuất thế gian, là giải thoát. Cũng vậy thấy thân không thật, ngoại cảnh không thật thì tất cả phiền não trói buộc đều không thật. Thấu suốt được thế gian tánh không, tức là xuất thế gian, không vào không ra, không đầy không vơi, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Thiện Ý nói: Sanh tử Niết-bàn là hai. Nếu thấy tánh sanh tử thì không sanh tử, không trói không mở, chẳng sanh chẳng diệt, người hiểu như thế, ấy là vào pháp môn không hai. Sanh tử Niết-bàn là hai pháp đối đãi. Sanh tử là còn luân hồi, Niết-bàn là dứt mầm sanh tử nên gọi là vô sanh. Nếu thấy tánh sanh tử không thật thì không sanh tử. Như muốn có cái nhà, phải đủ vật liệu và người thợ xây mới thành cái nhà. Nếu tháo gỡ những vật liệu đó thì cái nhà hoại. Như vậy cái nhà có tụ có tán, tùy thuộc các duyên, không cố định, không thật. Thân này cũng thế, đủ duyên hợp lại là sanh, hết duyên ly tán gọi là tử. Vì vậy bản chất sanh tử không thật tức là vô sanh, là Niết-bàn. Thế nên dùng trí tuệ quán chiếu thấy rõ sanh tử và Niết-bàn không hai, không thật, thì đâu còn bị trói trong sanh tử mà cầu mở để được Niết-bàn chẳng sanh chẳng diệt. Người hiểu được như vậy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Hiện Kiến nói: Tận bất tận là hai. Pháp hoặc cứu cánh tận hoặc bất tận, đều là tướng vô tận; tướng vô tận tức là không, không thì không có tướng tận và bất tận. Người được như thế, ấy là vào pháp môn không hai. Tận là hết, bất tận là không hết. Tận và bất tận có còn mãi không? Thật tánh không hết đó, còn hay hết? Thí dụ đem lúa trong bồ đi xay hết thì bồ lúa đó là không. Đổ lúa khác vào gọi là còn. Như vậy tùy duyên mà nói lúa hết hay còn, chứ cái bồ vẫn còn. Cũng thế, hết duyên gọi là tận, còn duyên gọi là bất tận. Đã là duyên thì không thể lấy gì lường được. Nó không thật nên không có tướng tận và bất tận. Tận và bất tận đều là tướng vô tận, tức là không cùng. Người nào được như thế ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Phổ Thủ nói: Ngã vô ngã là hai. Ngã còn không thể được, vô ngã làm sao có thể được? Thấy thật tánh của ngã đó, không lại khởi hai, ấy là vào pháp môn không hai. Thật tánh của ngã không thật, làm sao có vô ngã. Nếu nói ngã thật mới dùng vô ngã để phá, mà thật tánh của ngã không thật nói gì vô ngã. Như vậy thấy thật tánh của ngã thì không khởi vô ngã tức là không còn thấy hai, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Điện Thiên nói: Minh vô minh là hai. Thật tánh vô minh tức là minh, minh cũng không thể chấp thủ, lìa tất cả số, ở trong đó được bình đẳng không hai, ấy là vào pháp môn không hai. Minh và vô minh là hai. Trong Chứng Đạo Ca của thiền sư Huyền Giác có câu Vô minh thật tánh tức Phật tánh. Phật tánh là giác, nghĩa là minh. Thật tánh của vô minh tức là minh, vì khi thấy được thật tánh của vô minh thì vô minh không còn. Sở dĩ còn vô minh vì thấy giả tướng cho là thật. Như trong nhà khi chưa mở đèn gọi là nhà tối, mở đèn lên thì gọi là nhà sáng. Vậy cái nhà trước không đèn, bóng tối phủ vây thì gọi là tối, có ánh sáng phá tan bóng tối gọi là sáng, thấy như hai. Cho nên, thấu suốt được thật tánh của vô minh tức là minh, nên không còn chấp thủ, lìa tất cả số được bình đẳng không hai, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Hỷ Kiến nói: Sắc, sắc không là hai. Sắc tức là không, chẳng phải sắc diệt mới không, tánh sắc tự không. Như thế thọ tưởng hành thức, thức không là hai, thức tức là không, chẳng phải thức diệt mới không, thức tánh tự không, ở trong đó mà thông đạt được, ấy là vào pháp môn không hai. Sắc, sắc không là hai. Tức là sắc uẩn và sắc uẩn không, mình thấy là hai. Nhưng sắc uẩn tức là không.
Thí dụ cái bàn này là sắc, chỗ không có bàn gọi là không. Nhưng ở đây dùng chữ sắc không, chứ không phải là không có sắc. Cái bàn là tướng, vì có tướng nên gọi là sắc. Hình sắc cái bàn, do duyên hợp, không thật thể nên gọi là sắc không. Như vậy sắc và sắc không, thế gian tưởng là hai, nhưng sắc không có thật thể nên sắc tức là không, không phải đợi sắc này diệt mới nói là không, không phải đợi cái bàn hoại rồi, mới gọi là không có cái bàn, mà ngay cái bàn đang mới, cũng biết là tướng duyên hợp không có thật thể. Như vậy ngay cái sắc đang còn cũng biết được là không, vì tánh của sắc tự không. Sắc uẩn bản chất cũng không thật nên gọi là không. Ngay thân tứ đại biết tự tánh là không, mà sắc là do tứ đại hợp, tứ đại không có thật thể nên sắc tức là không. Cho đến thọ tưởng hành thức cũng đều là không. Kế đây chỉ giải thích về thức uẩn, còn các uẩn kia chỉ kể tên thôi. Thức, thức không là hai. Thức tức là không, không phải thức diệt mới không. Vì khi khởi phân biệt, biết cái phân biệt không thật thể, do duyên mà phát khởi là hư dối, thì thức đó tức là không, không phải khi hết phân biệt mới nói là không. Như vậy chúng ta thấy rõ năm uẩn sắc thọ tưởng hành thức không có gì là thật, đều là không. Thông đạt được lý này, chúng ta là Bồ-tát vào pháp môn không hai.
Chúng ta có thói quen chấp mình là thật, nên tạo nghiệp dẫn đi trong luân hồi, làm phàm phu mãi mãi. Qua những lời chỉ dạy của Bồ-tát, thấy rõ thân này không thật, thường sống với trí tuệ là giác không còn
mê mờ, không bị thói quen chi phối. Nếu sống với trí tuệ thì không gì làm chủ chúng ta nữa, đó là giải thoát. Lối tu rõ ràng như vậy, nhưng có người không hiểu, cứ khấn vái cầu xin. Tưởng đâu cầu là được, nhưng không ngờ chính vì mê lầm chấp thân này là thật, rồi sợ tai ương hoạn nạn, sợ điều này điều nọ. Vì vậy chúng ta cần có trí tuệ vững chắc, đừng sống theo thói quen, để nghiệp lôi kéo. Chỗ cách biệt giữa phàm và thánh không xa, chỉ cần chuyển cách nhìn là từ mê thành trí, đâu có gì khó.
Bồ-tát Minh Tướng nói: Bốn chủng khác, không chủng khác là hai. Tánh bốn chủng tức là tánh không chủng, như mé trước mé sau không, nên mé giữa cũng không. Nếu hay biết các chủng tánh không như thế, ấy là vào pháp môn không hai. Bốn chủng tức tứ đại chủng là đất nước gió lửa, chủng loại khác nhau. Không chủng là hư không, cũng khác. Thấy bốn chủng loại khác, thấy hư không khác, là thấy hai. Nhưng tánh bốn chủng tức là tánh không chủng, nên tánh bốn chủng không thì tánh không chủng cũng không, tứ đại tánh không tức là đồng với chủng tánh không, như vậy tứ đại không thật thì không cũng không thật. Do đó, mé trước mé sau không, nên mé giữa cũng không. Nghĩa là bốn chủng không thật nên không gian cũng không thật, không gian không thật thì thời gian quá khứ hiện tại vị lai cũng không thật, vậy ba mé là trước giữa sau đều không thật. Nếu hay biết các chủng tánh không như thế, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Diệu Ý nói: Mắt, sắc là hai. Nếu biết tánh của mắt đối với sắc không tham không sân không si, ấy gọi là tịch diệt. Như thế lỗ tai - tiếng, lỗ mũi - mùi, lưỡi - vị, thân - xúc, ý - pháp là hai, nếu biết tánh của ý đối với pháp không tham không sân không si gọi là tịch diệt, an trụ trong đó, ấy là vào pháp môn không hai.

Tất cả chúng sanh mê muội nên khổ đau, là do sáu căn dính với sáu trần. Mắt thấy sắc bên ngoài cho là thật, đuổi theo sắc đẹp, tai theo tiếng, mũi dính mùi, lưỡi dính vị, thân đắm mê xúc chạm khoái lạc, ý duyên pháp trần. Thấy trong ngoài đều thật nên mới khởi tham sân si. Từ đó khiến chúng sanh phải chịu biết bao đau khổ. Nếu ngay đó thấy không thật thì không còn tham sân si, là Niết-bàn tịch diệt. An trụ trong đó, ấy là vào pháp môn không hai. Như những người không có tiền lại muốn thụ hưởng những thú vui của thế gian nên sanh ra trộm cướp. Vì vậy mà họ giành giật nhau từng miếng ăn, từng cái đẹp, từng tiếng hay, từng mùi thơm... Cả đời cứ chôn vùi trong đó, không thoát ra được nên khổ đau triền miên. Đó là gốc mê lầm.
Như con mắt là tướng duyên hợp không thật, mắt thấy sắc biết sắc trần là tướng duyên hợp cũng không thật, cả hai đều không thật. Biết cái thấy không thật, thì cái bị thấy cũng không thật. Thật tánh của mắt là không thì sắc trần đâu có gì quan trọng. Hiểu rõ thật tánh của mắt là đã hết si. Đó là trí tuệ, thì đâu còn tham sân nữa. Tham sân si diệt, ấy là tịch diệt, là Niết-bàn.
Lỗ tai và tiếng đều là tướng duyên hợp không thật, thì nghe tiếng khen chê đâu có buồn thương giận ghét. Thấy được như vậy thì tham sân si hết. Thân xúc chạm, ý duyên pháp trần, tức là duyên theo bóng dáng của nó, rồi chấp chặt. Nay biết rõ ý không thật, hay thật tánh nó là không, nên pháp trần cũng không thật, tham sân si theo đó hết, ngay đó được tịch diệt. Lưỡi nếm vị ngon, biết vị ngon chỉ tồn tại trong một hai phút rồi hết. Vậy mà cái lưỡi nhớ hoài. Nếu biết lưỡi và vị là tướng duyên hợp không thật, thì đâu còn tham đắm vị, tham sân si theo đó dứt.
Thế nên, Bồ-tát chỉ cho chúng ta phải tu nơi sáu căn biết nó không thật. Quán ngay sáu căn chứ không phải quán sáu trần. Phá được căn rồi thì trần trở thành vô nghĩa. Như vậy căn trần đều là tướng hư dối. Khi căn tiếp xúc với trần, chúng ta vẫn an trụ Niết-bàn, tức là tịch diệt. An trụ trong đó, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Vô Tận Ý nói: Bố thí, hồi hướng Nhất thiết trí là hai. Tánh bố thí tức là tánh hồi hướng Nhất thiết trí, như thế trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, hồi hướng Nhất thiết trí là hai, tánh trí tuệ tức là tánh hồi hướng Nhất thiết trí, ở trong đó vào một tướng, ấy là vào pháp môn không hai. Lục độ là sáu pháp tu của Bồ-tát: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Bồ-tát tu lục độ để hồi hướng Nhất thiết trí. Bố thí và hồi hướng Nhất thiết trí tưởng như là hai, nhưng tánh bố thí không thật thì tánh hồi hướng Nhất thiết trí cũng không thật, nên không hai không khác. Cho đến trí tuệ tánh không thật, hồi hướng Nhất thiết trí cũng không thật. Như vậy lục độ và hồi hướng nhất thiết trí cũng không hai. Thấu suốt như vậy là pháp môn không hai.
Bồ-tát Thâm Tuệ nói: Không, vô tướng, vô tác là hai. Không tức vô tướng, vô tướng tức vô tác; nếu không vô tướng vô tác thì không tâm không ý không thức. Đối với một môn giải thoát tức là ba môn giải thoát, ấy là vào pháp môn không hai. Không, vô tướng, vô tác tức tam giải thoát môn, thấy như ba nhưng trên đối đãi nói là hai. Không là pháp tánh không, là không có tướng thật thì tự nó là vô tướng, đã là vô tướng lấy gì tạo tác, nên nói là vô tác. Vì vậy thấu suốt được một thì thông được cả ba. Nếu thấy các pháp không, vô tướng, vô tác đúng như thật, thì tâm ý thức không còn chạy theo cảnh nữa, ngay đó giải thoát. Giải thoát được một tức là giải thoát cả ba, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Tịch Căn nói: Phật, Pháp, Tăng là hai. Phật tức là Pháp, Pháp tức là Tăng, Tam bảo này đều là tướng vô vi, đồng với hư không, tất cả pháp cũng vậy. Người hay tùy thuận hạnh này, ấy là vào pháp môn không hai. Phật pháp tăng là Tam bảo, là ba ngôi báu mà lâu nay chúng ta hằng quý kính tôn trọng. Nhưng ở đây nói Phật pháp tăng không hai. Tại sao nói Phật tức là pháp, pháp tức là tăng? Vì Tam bảo là tướng vô vi, bình đẳng như hư không, mà vô vi là không tịch. Như mỗi khi chúng ta lạy Phật có câu Năng lễ, sở lễ tánh không tịch. Năng lễ là chúng ta, sở lễ là chỉ cho đức Phật. Tánh Phật, tánh tăng là không tịch, tánh pháp cũng không tịch. Đã không tịch thì lạy làm chi, đó là trên lý tánh. Nhưng còn câu Cảm ứng đạo giao nan tư nghì, nghĩa là có sự cảm ứng qua lại chẳng thể nghĩ bàn. Nếu thấy tánh Tam bảo là vô vi thì tất cả pháp cũng là vô vi. Người hay tùy thuận hạnh này, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Tâm Vô Ngại nói: Thân, thân diệt là hai. Thân tức là thân diệt. Vì cớ sao? Thấy thật tướng của thân, không khởi thấy thân và thấy thân diệt, thân cùng thân diệt không hai không phân biệt, ở trong kia không kinh không sợ, ấy là vào pháp môn không hai. Thân diệt tức là thân chết. Thế gian thường thấy thân, thân diệt là hai. Nhưng thân này không có tự tánh. Cái sống không có tự tánh, tức là không có thật thể thì cái chết cũng không có thật thể. Sống chết không thật thể thì chết và sống có khác gì nhau đâu. Cho nên thấy thật tướng của thân không có tự thể, tức không có thật tánh thì không khởi chấp thân. Như vậy thấy thân sống và thân chết không hai, không phân biệt thì đâu còn sợ chết. Hai cái không thật thể giống nhau thì sợ cái gì? Bởi thấy sống chết khác nhau nên mới sợ. Hiểu như vậy mới không phân biệt, không còn kinh sợ. Ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Thượng Thiện nói: Thân khẩu ý thiện là hai. Ba nghiệp ấy đều là tướng vô tác, thân tướng vô tác tức là khẩu tướng vô tác, khẩu tướng vô tác tức là ý tướng vô tác, ba nghiệp tướng vô tác ấy tức tất cả pháp tướng vô tác. Hay tùy thuận trí tuệ vô tác như thế, ấy là vào pháp môn không hai.
Ba nghiệp thân khẩu ý, hoặc ác hoặc thiện, vốn không thật. Nói ba nhưng khởi nghiệp là từ ý, mà ý là những niệm vọng tưởng hư dối, phát ra lời nói hư dối, tạo tác cũng hư dối. Cả ba đều là tướng hư dối không thật, nên tác mà vô tác, nghĩa là có tạo tác nhưng chỉ là tướng hư dối không thật, nên gọi là tướng vô tác. Vậy tướng vô tác của thân tức là tướng vô tác của khẩu, tướng vô tác của khẩu tức là tướng vô tác của ý, ba nghiệp đều là tướng vô tác, vậy tất cả pháp cũng là tướng vô tác. Thế nên, ba nghiệp không thật thì tất cả pháp cũng không thật. Người có trí tuệ vô tác như thế, ấy vào pháp môn không hai.

Bồ-tát Phước Điền nói: Phước hạnh, tội hạnh, bất động hạnh là hai. Thật tánh ba hạnh tức là không, không thì không phước hạnh, không tội hạnh, không bất động hạnh. Ở trong ba hạnh này mà không khởi, ấy là vào pháp môn không hai. Phước hạnh, tội hạnh, bất động hạnh là hai. Bất động hạnh là hạnh bất động như ngồi thiền định, không phải là phước cũng không phải là tội, đạt đến chỗ yên lặng tịch tĩnh, gọi là bất động hạnh. Ba hạnh này thấy như ba, nhưng thật tánh nó đều không thật, nên không có phước hạnh thật, tội hạnh thật và bất động hạnh thật. Hiểu rõ ba hạnh đó đều là không thật thì không còn khởi chấp, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Hoa Nghiêm nói: Từ ngã khởi hai là hai. Thấy thật tướng của ngã, không khởi hai pháp, nếu không trụ hai pháp thì không có thức, không có sở thức, ấy là vào pháp môn không hai. Từ ngã khởi phân biệt thấy có hai, thấy rõ thật tướng của ngã không thật thì không khởi pháp thứ hai, tức là không khởi phân biệt thì làm gì có hai. Vì niệm khởi là theo đối đãi, có ngã chấp nên khởi phân biệt thiện ác, tốt xấu, hơn thua, phải quấy; nếu không khởi hai thì không trụ pháp hai. Không có trụ pháp hai thì không có thức phân biệt đối đãi, cũng không có sở thức, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Đức Tạng nói: Có tướng sở đắc là hai. Nếu không sở đắc thì không thủ xả. Không thủ xả ấy là vào pháp môn không hai. Nếu còn sở đắc là còn tướng hai. Nghĩa là có cái hay được và có cái bị được. Như vậy nếu thấy có cái được là còn thấy hai, nên còn có thủ xả. Nếu không có được thì không thủ xả, mà không thủ xả ấy là vào pháp môn không hai. Như trong kinh Bát-nhã có câu dĩ vô sở đắc cố, vì không có sở đắc. Bởi không sở đắc nên Bồ-tát diệt hết điên đảo, đạt đến cứu cánh Niết-bàn, thành tựu đức công viên mãn, được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức là quả vị Phật. Nếu còn có sở đắc là chưa vào pháp môn không hai, thì đâu gọi là Bồ-tát, đâu gọi là Phật.
Bồ-tát Nguyệt Thượng nói: Tối cùng với sáng là hai. Không tối không sáng thì không có hai. Vì cớ sao? Như nhập Diệt thọ tưởng định, không tối không sáng, tất cả pháp tướng cũng lại như thế, ở trong kia bình đẳng mà nhập, ấy là vào pháp môn không hai. Tối và sáng là hai. Khi sáu căn chạy theo sáu trần, phân biệt đối đãi mới có tối có sáng. Như người nhập Diệt thọ tưởng định tức là Diệt tận định, thì sáu căn không còn tiếp xúc sáu trần, nên không còn thấy hai. Như vậy người thấy có tối, có sáng hay tất cả các pháp tướng đều không hai thì được bình đẳng, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Bảo Ấn Thủ nói: Ưa Niết-bàn chẳng ưa thế gian là hai. Nếu chẳng ưa Niết-bàn chẳng chán thế gian ắt không có hai. Vì cớ sao? Nếu có trói ắt có mở. Nếu xưa không trói thì cầu mở làm gì? Không trói không mở thì không ưa không chán, ấy là vào pháp môn không hai. Ưa Niết-bàn, chẳng ưa thế gian, tức chán sanh tử là hai. Người tu hay mắc phải bệnh này. Nếu chẳng ưa Niết-bàn, chẳng chán sanh tử, đó là không hai. Vì có trói mới cầu mở, không trói thì đâu cần cầu mở. Thấy thế gian khổ vì cho nó là thật nên mới chán. Tưởng Niết-bàn là thật, là vui nên ưa Niết-bàn. Vì vậy mới có chán khổ cầu vui. Nay đã biết khổ không thật thì cầu vui làm gì. Như vậy tất cả khổ vui không thật nên không chán thế gian cũng không ưa Niết-bàn. Không trói không mở thì không ưa không chán. Vì thấy thế gian là trói buộc nên thấy Niết-bàn là giải thoát, nếu không thấy thế gian trói buộc thì cầu Niết-bàn giải thoát làm gì.
Như câu chuyện giữa tổ Tăng Xán và tổ Đạo Tín.
Tổ Đạo Tín thưa:
- Bạch Hòa thượng, xin dạy con pháp môn giải thoát.
Tổ Tăng Xán nói:
- Ai trói buộc ngươi?
- Bạch Hòa thượng, không ai trói.
- Đã không trói buộc, đâu cần cầu giải thoát.
Tổ bảo tìm lại coi trước có ai trói không, tìm lại không thấy ai trói buộc thì cầu giải thoát làm gì? Nếu trước không ai trói buộc, thì ai cầu giải thoát. Như chúng ta đang đi thong thả, tay chân tự do, có người lại nói: Để tôi mở trói cho huynh. Lúc đó chỉ cười và nói: Huynh sao vậy? Tôi có bị ai trói đâu mà mở!... Trừ khi nào mình bị trói vào gốc cây không đi được, mới cầu cứu người mở giùm. Nếu không bị trói, cầu người mở làm gì.
Nếu mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi... đừng dính mắc thì ai trói mình. Như vậy rõ ràng không bị ai trói mà chỉ tự mình trói. Chúng ta giống con khỉ, thấy sợi dây nhiều màu xanh đỏ trắng vàng đẹp quá, vội chụp lấy, quấn vào tay chân thật chặt, rồi kêu trời, tôi bị trói, khổ quá! Như vậy ai trói? Tại ham muốn, thích sợi dây đẹp, tự mình quấn rồi kêu nhờ người mở. Tự quấn thì tự mở mới hợp lý. Chúng ta vốn không bị trói, mà vì mê lầm, ham muốn trói buộc. Chỉ cần dứt mê lầm thì đâu có gì trói mà cầu mở. Như vậy nếu chúng ta thấy được thật tánh của trói và mở thì không còn ưa, không còn chán nữa, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Châu Đảnh Vương nói: Chánh đạo tà đạo là hai. Người trụ chánh đạo ắt chẳng phân biệt là tà là chánh, lìa hai việc này, ấy là vào pháp môn không hai. Chúng ta quen có cái nhìn đây là tà kia là chánh, nên mới tồi tà phụ chánh, nghĩa là dẹp tà giúp chánh. Người trụ chánh đạo là trụ chỗ tâm không phân biệt tà chánh. Nếu lìa được hai việc này, ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Nhạo Thật nói: Thật không thật là hai. Thật thấy đó còn không thấy thật, huống là chẳng phải thật (thấy)! Vì cớ sao? Chẳng phải chỗ thấy con mắt thịt, tuệ nhãn mới có thể thấy, mà tuệ nhãn này không thấy không chẳng thấy, ấy là vào pháp môn không hai. Thật không thật là hai, nghĩa là thấy được lẽ thật và không thấy được lẽ thật cho là hai. Nhưng chính cái thật đó còn không thật. Thí dụ như con mắt phàm tục của mình, thấy chỗ này là không, nhưng đâu có thật không, vì trong khoảng không đó còn có không khí, bụi và các chất khác. Nếu thật không thì chúng ta đã bị chết ngộp rồi. Như vậy con mắt thịt thấy không đúng lẽ thật, chỉ có mắt trí tuệ mới thấy đúng lẽ thật, mà con mắt trí tuệ thì không thấy hai, nên nói không thấy và không chẳng thấy, ấy là nhập pháp môn không hai.
Trên đây mỗi vị Bồ-tát đã trình bày từng phần chỗ thấy của mình, để giúp chúng ta phá hết những kiến chấp. Nếu chúng ta y theo một phần mà thâm nhập được thì có thể giải được các bệnh, nên bài học của mỗi Bồ-tát là bài học chung cho tất cả.
Các vị Bồ-tát đều thấy được thật tướng của các pháp: Sanh, diệt. Ngã, ngã sở. Thọ, không thọ. Nhơ, sạch. Động, niệm. Một tướng, không tướng. Tâm Bồ-tát, tâm Thanh văn. Thiện, ác. Tội, phước. Hữu lậu, vô lậu. Hữu vi, vô vi. Thế gian, xuất thế gian. Sanh tử, Niết-bàn. Tận, vô tận. Ngã, ngã sở. Minh, vô minh. Sắc, sắc không. Bốn chủng khác, không chủng khác. Mắt, sắc. Bố thí, hồi hướng Nhất thiết trí. Không, vô tướng, vô tác. Phật, pháp, tăng. Thân, thân diệt v.v... Vì trên giả tướng các pháp có muôn ngàn hình tướng, còn về thể tánh thì các pháp không hai, nghĩa là không còn đối đãi sanh diệt. Như vậy các ngài chứng được pháp thật tướng, tức vô tướng là tướng chân như. Ấy là vào pháp môn không hai.
Như thế chư vị Bồ-tát mỗi vị đã nói rồi, mới hỏi ngài Văn-thù-sư-lợi: Thế nào là Bồ-tát vào pháp môn không hai ?
Ngài Văn-thù nói: Như ý tôi, đối với tất cả pháp không nói không rằng, không chỉ bày không phân biệt, lìa các hỏi đáp, ấy là vào pháp môn không hai.
Trước hết chư Bồ-tát dùng lời nói giải bày để phá chấp mê lầm cho mọi người, đến đây là phần kết thúc của Bồ-tát Văn-thù. Bồ-tát không giải bày căn cứ trên mê chấp mà nói chung rằng, đối với tất cả pháp không còn ngôn ngữ, không còn phân biệt, không chỉ bày, lìa các hỏi đáp, ấy là vào pháp môn không hai. Như vậy, ngài phủ nhận tất cả ngôn ngữ. Vì ngôn ngữ phân biệt do đối đãi mà ra, nên nói dứt bặt ngôn ngữ tức là dứt tâm duyên. Ngôn ngữ và tâm duyên đều là tướng đối đãi. Lìa các tướng này, ấy là vào pháp môn không hai.

Khi ấy Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi ông Duy-ma-cật: Chúng tôi mỗi người đã tự nói xong, Nhân giả phải nói thế nào là Bồ-tát vào pháp môn không hai ?
Bấy giờ ông Duy-ma-cật lặng thinh không nói.
Ngài Văn-thù-sư-lợi khen: Lành thay, lành thay! Cho đến không có văn tự ngữ ngôn, đây thật là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Văn-thù hỏi cư sĩ Duy-ma-cật về pháp môn không hai, cư sĩ chỉ ngồi lặng thinh. Khi ấy Bồ-tát Văn-thù khen, đó mới chân thật vào pháp môn không hai. Các vị Bồ-tát trước trình bày không đúng hay sao mà ngài không khen, còn cư sĩ Duy-ma-cật lặng thinh, ngài lại khen? Đó là để chúng ta thấy sự tu hành phải có trình tự, phá từ những cái chấp riêng, chấp nhỏ sạch hết rồi mới phá chấp ngôn ngữ. Dùng ngôn ngữ phá chấp ngôn ngữ. Cuối cùng lặng thinh để kết thúc ngôn ngữ không thật. Như vậy để phá chấp ngôn ngữ, Bồ-tát Văn-thù dùng ngôn ngữ để phá còn cư sĩ Duy-ma-cật chỉ lặng thinh. Hai vị thông cảm nhau. Không phải chư vị Bồ-tát trước dở, mà các ngài dạy chúng ta trình tự tu hành, còn hai vị sau là chỉ chỗ cứu cánh.

Nếu chúng ta bắt chước theo cư sĩ Duy-ma-cật, ai hỏi điều gì không đáp được, chỉ ngồi lặng thinh để đối phương tưởng là chỗ đó không còn ngôn ngữ đối đáp, nếu đối đáp là trật! Đó chỉ là học lóm cư sĩ Duy-ma-cật, chứ đúng ra phải giải bày thấu tột trước rồi mới bỏ ngôn ngữ, như vậy mới đúng thứ lớp tu hành đưa đến chỗ chân thật.
Khi nói phẩm Vào Pháp Môn Không Hai này, ở trong chúng đây, năm ngàn vị Bồ-tát đều vào pháp môn không hai, được vô sanh pháp nhẫn. Sau khi nghe xong, trong hội chúng năm ngàn vị Bồ-tát đều vào pháp môn không hai, liền được vô sanh pháp nhẫn.
Như vậy phẩm Vào Pháp Môn Không Hai này chủ yếu là phá chấp đối đãi mê lầm của chúng ta từ muôn đời. Phàm những gì đối đãi đều là hư dối, mà ta lại dính mắc chấp trước nên trôi lăn mãi trong sanh tử luân hồi. Nay biết bản chất mọi đối đãi đều không thật, nếu ai ứng dụng tu thì được lợi ích thiết thực, ngay một lời dạy của Bồ-tát là đã thành Bồ-tát vào pháp môn không hai.
 

 

[ Quay lại ]