headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 07/01/2025 - Ngày 8 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

KINH DUY MA CẬT: IV- PHẨM BỒ-TÁT- TRƯỞNG GIẢ THIỆN ĐỨC

truonggiathienducHT. Thích Thanh Từ giảng 

Chánh văn:

Phật bảo trưởng giả Thiện Đức:

- Ông hãy đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.

Thiện Đức bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Nhớ thuở xưa con ở trong nhà cha của con, lập hội đại thí cúng dường tất cả vị Sa-môn, Bà-la-môn và những người ngoại đạo, bần cùng, hạ tiện, cô độc, người ăn xin... suốt cả bảy ngày. Khi ấy ông Duy-ma-cật đến trong hội bảo con rằng: “Này ông trưởng giả, phàm làm đại thí hội thì không phải là việc như ông đã làm. Phải làm hội pháp thí, đâu dùng hội tài thí làm gì!”

 Con mới hỏi: “Này cư sĩ, thế nào gọi là hội pháp thí?”

Ông đáp: “Hội pháp thí là không trước không sau, đồng thời cúng dường tất cả chúng sanh, ấy gọi là hội pháp thí.”

Con hỏi: “Nghĩa là sao?”

Ông bảo: “Nghĩa là vì Bồ-đề, khởi tâm từ; vì cứu giúp chúng sanh, khởi tâm đại bi; vì gìn giữ chánh pháp, khởi tâm hỷ; vì nhiếp trí tuệ, hành tâm xả. Vì nhiếp xan tham, khởi bố thí ba-la-mật; vì giáo hóa phạm giới, khởi trì giới ba-la-mật; vì không ngã pháp, khởi nhẫn nhục ba-la-mật; vì lìa tướng thân tâm, khởi tinh tấn ba-la-mật; vì tướng Bồ-đề, khởi thiền định ba-la-mật; vì Nhất thiết trí, khởi trí tuệ ba-la-mật. Giáo hóa chúng sanh mà khởi nơi Không; chẳng xả pháp hữu vi mà khởi vô tướng; thị hiện thọ sanh mà khởi vô tác; hộ trì chánh pháp mà khởi sức phương tiện; vì độ chúng sanh, khởi tứ nhiếp pháp; vì kính thờ tất cả, khởi trừ pháp mạn; đối với thân mạng tài, khởi ba pháp kiên cố; ở trong sáu niệm, khởi pháp tư niệm; ở trong sáu pháp hòa kính, khởi tâm chánh trực; thực hành thiện pháp chân chánh, khởi tịnh mạng; tâm thanh tịnh hoan hỷ, khởi thân cận bậc hiền thánh; không ghét người ác, khởi tâm điều phục; vì pháp xuất gia, khởi thâm tâm; vì như lời nói thực hành, khởi đa văn; vì pháp vô tránh, khởi ở chỗ vắng vẻ; hướng đến Phật tuệ, khởi ở chỗ an tọa; mở trói buộc cho chúng sanh, khởi chỗ tu hành; vì đầy đủ tướng hảo và thanh tịnh cõi Phật, khởi nghiệp phước đức; biết tất cả tâm niệm chúng sanh, tùy đó nói pháp, khởi nơi nghiệp trí; biết tất cả pháp không thủ không xả, vào môn nhất tướng, khởi ra nghiệp tuệ; đoạn tất cả phiền não, tất cả chướng ngại, tất cả pháp bất thiện, khởi ra tất cả nghiệp thiện; vì được Nhất thiết trí tuệ, tất cả thiện pháp, khởi tất cả pháp trợ Phật đạo. Như thế, này thiện nam tử! Đấy là hội pháp thí. Nếu Bồ-tát trụ nơi hội pháp thí này, là đại thí chủ cũng là phước điền của tất cả thế gian.”

Bạch Thế Tôn! Khi ông Duy-ma-cật nói pháp này, trong chúng Bà-la-môn hai trăm người đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Con khi ấy tâm được thanh tịnh, tán thán điều chưa từng có. Cúi đầu đảnh lễ dưới chân ông Duy-ma-cật, liền cởi xâu chuỗi anh lạc giá trị trăm ngàn để dâng lên cho ông mà ông không nhận. Con nói: “Thưa cư sĩ, mong ngài nhận, tùy ý mà cho.”

Ông Duy-ma-cật mới nhận chuỗi anh lạc, phân làm hai phần: một phần thí cho người ăn mày thấp nhất ở trong hội, còn một phần dâng lên đức Phật Nan Thắng. Tất cả chúng hội đều thấy cõi nước Quang Minh của đức Phật Nan Thắng, lại thấy xâu chuỗi anh lạc ở chỗ Phật kia biến thành đài báu bốn trụ, bốn phía trang nghiêm không che lấp chướng ngại nhau.

Khi đó ông Duy-ma-cật hiện thần biến rồi lại nói: “Nếu vị thí chủ mà tâm bình đẳng thí cho người ăn mày thấp nhất cũng như là tướng phước điền của Như Lai, không chỗ phân biệt, bình đẳng đại bi, không cầu quả báo, ấy gọi là pháp thí đầy đủ.” Người ăn mày thấp nhất trong thành thấy được thần lực này rồi, nghe lời nói kia, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho nên con không kham đến thăm bệnh ông.

 Như thế các Bồ-tát mỗi vị đến trước Phật trình bày duyên xưa của mình, khen ngợi và thuật lại những lời ông Duy-ma-cật, đều nói rằng chúng con không kham đến thăm bệnh ông ấy.

Giảng:

 

Phật bảo trưởng giả Thiện Đức:

- Ông hãy đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.

Thiện Đức bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Nhớ thuở xưa con ở trong nhà cha của con, lập hội đại thí cúng dường tất cả vị Sa-môn, Bà-la-môn và những người ngoại đạo, bần cùng, hạ tiện, cô độc, người ăn xin... suốt cả bảy ngày. Khi ấy ông Duy-ma-cật đến trong hội bảo con rằng: “Này ông trưởng giả, phàm làm đại thí hội thì không phải là việc như ông đã làm. Phải làm hội pháp thí, đâu dùng hội tài thí làm gì!”

Con mới hỏi: “Này cư sĩ, thế nào gọi là hội  pháp thí?”

Ông đáp: “Hội pháp thí là không trước không sau, đồng thời cúng dường tất cả chúng sanh, ấy gọi là hội pháp thí.”

Con hỏi: “Nghĩa là sao?”

Ông bảo: Nghĩa là vì Bồ-đề, khởi tâm từ; vì cứu giúp chúng sanh, khởi tâm đại bi; vì gìn giữ chánh pháp, khởi tâm hỷ; vì nhiếp trí tuệ, hành tâm xả. Người sống với tánh Bồ-đề được an vui, muốn đem niềm an vui đó đến cho người, nên nói khởi lòng từ là do tâm Bồ-đề; sở dĩ có tâm bi vì muốn cứu độ chúng sanh; sở dĩ có tâm hỷ vì gìn giữ chánh pháp; sở dĩ có tâm xả vì nhiếp được trí tuệ. Đó là bốn pháp tâm vô lượng, từ bi hỷ xả.

Vì nhiếp xan tham, khởi bố thí ba-la-mật; vì giáo hóa phạm giới, khởi trì giới ba-la-mật; vì không ngã pháp, khởi nhẫn nhục ba-la-mật; vì lìa tướng thân tâm, khởi tinh tấn ba-la-mật; vì tướng Bồ-đề, khởi thiền định ba-la-mật; vì Nhất thiết trí, khởi trí tuệ ba-la-mật. Lục độ là sáu pháp ba-la-mật, gồm có bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ ba-la-mật. Lục độ thì mỗi độ đều có căn do. Vì nhiếp kẻ xan tham nên tu hạnh bố thí. Vì giáo hóa kẻ phạm giới nên tu trì giới... Như vậy mỗi pháp của lục độ đều trị một bệnh của chúng sanh.

Giáo hóa chúng sanh mà khởi nơi Không; chẳng xả pháp hữu vi mà khởi vô tướng; thị hiện thọ sanh mà khởi vô tác. Tam giải thoát môn là Không, vô tướng, vô tác. Sở dĩ có ba môn giải thoát này là vì giáo hóa chúng sanh nên khởi ra Không, do xả pháp hữu vi nên khởi vô tướng, do thị hiện thọ sanh nên khởi vô tác. Như vậy Không, vô tướng, vô tác (hay vô nguyện) đều có lý do mà khởi.

Hộ trì chánh pháp mà khởi sức phương tiện; vì độ chúng sanh, khởi tứ nhiếp pháp; vì kính thờ tất cả, khởi trừ pháp mạn; đối với thân mạng tài, khởi ba pháp kiên cố; ở trong sáu niệm, khởi pháp tư niệm; ở trong sáu pháp hòa kính, khởi tâm chánh trực.

 Vì hộ trì chánh pháp nên khởi sức phương tiện, nghĩa là dùng phương tiện để bảo hộ chánh pháp; vì độ chúng sanh mà khởi tứ nhiếp pháp nên tứ nhiếp pháp là phương tiện; do kính thờ tất cả nên trừ pháp mạn. Chữ mạn nói chung là ngã mạn, tăng thượng mạn... Đối với thân thể, mạng sống, tài sản mà khởi ba pháp kiên cố. Ba pháp kiên cố là pháp thân, tuệ mạng, công đức pháp tài. Chúng ta ai cũng có ba pháp là thân, mạng, tài. Thân này là vô thường, mạng sống tạm bợ, tài sản cũng vô thường. Như vậy ba pháp vô thường tạm bợ đổi thành ba pháp kiên cố, đó là pháp thân bất sanh bất diệt, trí tuệ là mạng không bị sanh diệt, tài là công đức pháp tài.

Sáu niệm là niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm giới, niệm thí và niệm thiên. Ở trong sáu niệm mà khởi tư duy pháp. Ở trong sáu pháp hòa kính khởi tâm chánh trực. Như vậy đối với những pháp hiện tại, phải trừ dẹp hoặc tăng trưởng những pháp tu của mình.

Thực hành thiện pháp chân chánh, khởi tịnh mạng; tâm thanh tịnh hoan hỷ, khởi thân cận bậc hiền thánh; không ghét người ác, khởi tâm điều phục; vì pháp xuất gia, khởi thâm tâm; vì như lời nói thực hành, khởi đa văn; vì pháp vô tránh, khởi ở chỗ vắng vẻ; hướng đến Phật tuệ, khởi ở chỗ an tọa; mở trói buộc cho chúng sanh, khởi chỗ tu hành; vì đầy đủ tướng hảo và thanh tịnh cõi Phật, khởi nghiệp phước đức.

Vì thực hành thiện pháp chân chánh nên khởi tịnh mạng, nghĩa là tu hành đúng như pháp lành của Phật dạy. Tịnh mạng là mạng sống thanh tịnh nên cũng gọi là chánh mạng, ngược lại là tà mạng. Vì tâm thanh tịnh hoan hỷ nên khởi thân cận hiền thánh. Muốn tâm được thanh tịnh, được sự hoan hỷ thì phải nên gần gũi bậc hiền thánh. Vì không ghét người ác nên khởi tâm điều phục. Thường chúng ta đối với người dễ thương hoặc đáng ghét mà không sanh tâm thương ghét, điều đó là khó. Họ đáng ghét mình đừng ghét thì thôi. Như vậy vì chẳng ghét người ác mà khởi điều phục tâm. Khéo điều phục tâm để những niệm ganh ghét, bực bội không khởi lên.

Vì pháp xuất gia mà khởi thâm tâm. Thâm tâm là hành theo pháp của Phật. Vì muốn xuất gia nên trong thâm tâm luôn ghi nhớ và thực hành những điều Phật dạy. Vì như lời nói mà thực hành nên khởi đa văn. Chúng ta có bệnh học nhiều mà quên tu, hoặc ham tu mà không chịu học. Đó là hai cực đoan cần phải tránh. Ở đây vì muốn nói được là làm được, nên cần phải học rộng nghe nhiều. Nghe để hiểu, hiểu rồi mới hành đúng pháp. Học tới đâu tu tới đó, chứ không phải học để nói suông. Vậy muốn như nói mà hành thì phải đa văn. Nói được thì hành được. Học như thế mới đúng là tinh thần học đạo.

Vì pháp vô tránh mà khởi ở chỗ vắng vẻ. Vô tránh là không tranh cãi. Vì không muốn tranh cãi nên ở chỗ vắng vẻ, để thân tâm được thanh tịnh dễ tiến tu. Vì muốn hướng đến Phật tuệ nên khởi an tọa. Ngồi thiền là hướng về Phật tuệ, không cho những niệm thế gian chen vào, nên mới ngồi yên để khai mở trí tuệ Phật. Vì mở trói buộc cho chúng sanh nên khởi tu hành. Như vậy tu là cốt để mở những trói buộc cho chúng sanh, chứ không phải tu cho riêng mình.

Vì muốn đầy đủ tướng tốt và trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, nên tu nghiệp phước đức. Nghiệp phước đức là làm những điều lành, điều tốt cho người. Làm điều lành điều tốt có hai ý, nghĩa là trang nghiêm ba mươi hai tướng tốt cho mình và trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật. Phật là Phật tự tâm chứ không phải Phật bên ngoài. Thế nên muốn đầy đủ tướng tốt và cõi nước thanh tịnh thì phải tu nghiệp phước đức. Như vậy là làm những phước đức đó để trang nghiêm cho thân thanh tịnh, cõi Phật thanh tịnh. Và phải làm với thân tâm không lười mỏi, thì khả dĩ mới thành tựu tâm nguyện.

Biết tất cả tâm niệm chúng sanh, tùy đó nói pháp, khởi nơi nghiệp trí; biết tất cả pháp không thủ không xả, vào môn nhất tướng, khởi ra nghiệp tuệ; đoạn tất cả phiền não, tất cả chướng ngại, tất cả pháp bất thiện, khởi ra tất cả nghiệp thiện; vì được Nhất thiết trí tuệ, tất cả thiện pháp, khởi tất cả pháp trợ Phật đạo. Như thế, này Thiện nam tử! Đấy là hội pháp thí. Nếu Bồ-tát trụ nơi hội pháp thí này là đại thí chủ, cũng là phước điền của tất cả thế gian.

Bồ-tát hành đạo, vì muốn biết tâm niệm chúng sanh nên khởi nghiệp trí. Tu nghiệp trí để tìm hiểu, thấu suốt những gì Phật dạy, tùy tâm niệm mỗi người, nói pháp giáo hóa và lợi ích cho họ. Biết tất cả pháp không thủ không xả vào môn đệ nhất tướng, đó là khởi nghiệp tuệ. Đoạn tất cả phiền não, tất cả chướng ngại, tất cả pháp bất thiện mà khởi tất cả nghiệp thiện; vì được Nhất thiết trí tuệ, tất cả thiện pháp, khởi tất cả pháp trợ Phật đạo.

 Trên đây cư sĩ Duy-ma-cật đã trả lời đầy đủ câu hỏi của trưởng giả Thiện Đức: Hội pháp thí nghĩa là sao? Và ông tán thán, nếu Bồ-tát trụ nơi hội pháp thí này là đại thí chủ, cũng là phước điền của tất cả thế gian.

 Bạch Thế Tôn! Khi ông Duy-ma-cật nói pháp này, trong chúng Bà-la-môn hai trăm người đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Con khi ấy tâm được thanh tịnh, tán thán điều chưa từng có. Cúi đầu đảnh lễ dưới chân ông Duy-ma-cật, liền cởi xâu chuỗi anh lạc giá trị trăm ngàn để dâng lên cho ông mà ông không nhận. Con nói: “Thưa cư sĩ, mong ngài nhận, tùy ý mà cho.”

 Ông Duy-ma-cật mới nhận chuỗi anh lạc, phân làm hai phần: một phần thí cho người ăn mày thấp nhất ở trong hội, còn một phần dâng lên đức Phật Nan Thắng. Tất cả chúng hội đều thấy cõi nước Quang Minh của
đức Phật Nan Thắng, lại thấy xâu chuỗi anh lạc ở chỗ Phật kia biến thành đài báu bốn trụ, bốn phía trang nghiêm không che lấp chướng ngại nhau.

 Như vậy khi dâng chuỗi anh lạc lên đức Phật Nan Thắng, toàn chúng trong hội nhìn thấy cõi nước Quang Minh của Phật Nan Thắng rất sáng suốt. Lại thấy phân nửa xâu chuỗi đó biến thành đài báu bốn trụ,bốn phía đều đẹp đẽ thông suốt, không gì che lấp chướng ngại nhau.

 Khi đó ông Duy-ma-cật hiện thần biến rồi lại nói: “Nếu vị thí chủ mà tâm bình đẳng thí cho người ăn mày thấp nhất cũng như là tướng phước điền của Như Lai, không chỗ phân biệt, bình đẳng đại bi, không cầu quảbáo, ấy gọi là pháp thí đầy đủ.” Người ăn mày thấp nhất trong thành thấy được thần lực này rồi, nghe lời nói kia, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho nên con không kham đến thăm bệnh ông.

 

Qua đoạn này chúng ta thấy có hai lối thí: bố thí tài và bố thí pháp. Ở trước, cư sĩ Duy-ma-cật giản trạch cho trưởng giả Thiện Đức biết bố thí tài không bằng bố thí pháp, nhưng cuối cùng ông nói, bố thí bình đẳngmới gọi là hội pháp thí. Bình đẳng là sao? Dù đức Phật là bậc đầy đủ vô lượng công đức hay kẻ ăn mày thấp nhất trong hội mà vẫn thấy như nhau. Một xâu chuỗi anh lạc chia hai là bình đẳng không khác. Bố thí màkhông một niệm cầu phước đức riêng mình, đó là hội pháp thí. Pháp thí như vậy mới đầy đủ.

 Chúng ta xét lại, hội pháp thí đầy đủ như trước thì khó làm, còn hội pháp thí sau nghe như dễ! Giả sử, đang cầm nải chuối định đem cúng Phật, lúc đó người ăn mày đói khát đến xin, mình có dám chia họ phân nửa hay họ đói thì mặc họ, nhất định đem cúng Phật chứ không chia nửa nải cho họ? Nhưng nếu có chia cho họ thì cũng phải với lòng cung kính như đem dâng cúng Phật, chứ không phải cho mà khinh mạn. Bởi chúng ta thường có tâm quý kính người trên, người quan trọng, khinh khi người nhỏ, thấp hèn, nên những gì dành cho người mình cung kính mà kẻ khác đến xin là sanh bực bội, chẳng những không cho mà còn rầy nữa. Kính thì kính quá, khinh cũng khinh quá. Vậy chúng ta thấy, dù cho một nải chuối hay xâu chuỗi anh lạc mà chia với tâm bình đẳng, cũng gọi là hội pháp thí. Ở đây cư sĩ Duy-ma-cật gọi là cụ túc pháp thí, nghĩa là pháp thí đầy đủ.

Tóm lại, ý của đoạn này muốn nói, hội tài thí là hội bố thí tài sản bảy ngày, cũng được phước nhiều. Nhưng phước đó chỉ là phước thế gian, không bằng phước pháp thí. Cho nên cư sĩ Duy-ma-cật mới chỉ ra bao nhiêu pháp để dạy như trên. Đem những pháp đó ứng dụng bố thí cho người thì gọi đó là hội pháp thí. Nhưng kết thúc, với hình ảnh xâu chuỗi anh lạc, phân nửa cúng Phật, phân nửa cúng người bần cùng hạ tiện, mới là đầy đủ pháp thí. Như vậy bố thí bình đẳng là trên hết. Chúng ta phải hiểu cả ba trường hợp, tài thí, pháp thí và bình đẳng thí cho thật tường tận.

Như thế các Bồ-tát mỗi vị đến trước Phật trình bày duyên xưa của mình, khen ngợi và thuật lại những lời ông Duy-ma-cật, đều nói rằng chúng con không kham đến thăm bệnh ông ấy.

Phẩm trước tất cả đệ tử Thanh văn của Phật đều không dám thăm bệnh cư sĩ Duy-ma-cật. Đến đây các vị Bồ-tát cũng từ chối luôn.

 

[ Quay lại ]