headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 07/01/2025 - Ngày 8 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

KINH DUY MA CẬT: III- PHẨM ĐỆ TỬ: LA-HẦU-LA

TongiaLaHauLaChánh văn:

Phật bảo ngài La-hầu-la:

- Ông đi đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.

Ngài La-hầu-la bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ thuở xưa ở thành Tỳ-da-ly, các con ông trưởng giả đến chỗ của con, cúi đầu làm lễ, hỏi con rằng: “Thưa ngài La-hầu-la, ngài là con của Phật, đã bỏ ngôi Chuyển luân thánh vương đi xuất gia hành đạo. Xuất gia đó có những lợi ích gì?”

Con liền đúng như pháp vì họ nói lợi ích của công đức xuất gia. Khi ấy ông Duy-ma-cật đến bảo con rằng: “Thưa ngài La-hầu-la, không nên nói cái lợi của công đức xuất gia. Vì cớ sao? Không lợi, không công đức, ấy là xuất gia. Pháp hữu vi thì có thể nói có lợi, có công đức. Phàm xuất gia là pháp vô vi, mà trong pháp vô vi thì không lợi, không công đức. La-hầu-la, xuất gia đó không kia không đây, cũng không khoảng giữa. Lìa sáu mươi hai kiến chấp, ở nơi Niết-bàn. Người trí thọ nhận là chỗ sở hành của hàng thánh giả. Hàng phục chúng ma, qua được năm đạo, trong sạch ngũ nhãn, được ngũ lực, lập ngũ căn. Không não hại người khác, lìa các tạp ác. Dẹp phá các ngoại đạo, vượt khỏi các giả danh. Ra khỏi bùn lầy, không bị trói buộc. Không ngã sở, không sở thọ. Không bị nhiễu loạn, trong tâm vui vẻ. Bảo hộ ý kia, tùy thuận thiền định, lìa các lỗi ác. Nếu hay như thế, ấy là chân xuất gia.” Khi đó ông Duy-ma-cật bảo các con trưởng giả: “Các ông ở trong chánh pháp nên cùng nhau xuất gia. Vì cớ sao? Vì Phật ra đời rất khó được gặp.”

Các con trưởng giả thưa: “Thưa cư sĩ, chúng tôi nghe Phật nói cha mẹ không cho thì không được xuất gia.”

Ông Duy-ma-cật nói: “Đúng vậy! Ngay khi các ông phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đó chính là xuất gia, đó chính là thọ giới Cụ túc.”

Khi ấy ba mươi hai người con ông trưởng giả đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên con không kham đến thăm bệnh ông ấy.

Giảng:

Tôn giả La-hầu-la nói về lợi ích của công đức xuất gia là trên hình thức. Trong kinh Phật cũng nói về việc này nhưng trên phương diện đối đãi của tướng hữu vi, chứ không nói đến nghĩa vô vi. Còn cư sĩ Duy-ma-cật nói thẳng đến chỗ vô vi không tướng. Không tướng thì nói gì có lợi, có công đức! Ở đây giống ý tổ Đạt-ma trả lời câu hỏi của vua Lương Võ Đế, ông cất chùa và nuôi tăng chúng v.v... rất nhiều, vậy có lợi ích, có công đức gì không? Tổ đáp, hoàn toàn không công đức. Nói công đức, phước đức chỉ là tướng sanh diệt, còn chỗ chân thật ra ngoài tướng đối đãi, nên nói là không.

Như vậy cái nhìn của cư sĩ Duy-ma-cật gần với nhà thiền. Quan niệm của đa số người xuất gia cho rằng không lợi, không công đức thì tu làm gì. Nhưng đến chỗ vô vi giải thoát không còn nằm trên giả tướng thì đâu còn thấy có lợi, có công đức.

Pháp hữu vi thì có thể nói có lợi, có công đức. Phàm xuất gia là pháp vô vi, mà trong pháp vô vi thì không lợi, không công đức. Câu này cư sĩ Duy-ma-cật xác nhận, không lợi không công đức là đứng trên pháp vô vi.

Như nói người xuất gia không bận việc gia đình, khỏi lo con cái, nên rảnh rang tu hành, đó là lợi về hình thức. Chủ yếu người xuất gia đâu chỉ muốn được phước tương đối, mà mục đích cứu cánh là mong cầu giải thoát, tức là đi tới chỗ vô vi.

La-hầu-la, xuất gia đó, không kia không đây, cũng không khoảng giữa. Lìa sáu mươi hai kiến chấp, ở nơi Niết-bàn. Người trí thọ nhận là chỗ sở hành của hàng thánh giả. Hàng phục chúng ma, qua được năm đạo, trong sạch ngũ nhãn, được ngũ lực, lập ngũ căn. Không não hại người khác, lìa các tạp ác. Dẹp phá các ngoại đạo, vượt khỏi các giả danh. Ra khỏi bùn lầy, không bị trói buộc. Không ngã sở, không sở thọ. Không bị nhiễu loạn, trong tâm vui vẻ. Bảo hộ ý kia, tùy thuận thiền định, lìa các lỗi ác. Nếu hay như thế, ấy là chân xuất gia.

Như vậy người xuất gia là người thoát khỏi ngã nhân chúng sanh, là chỗ thọ nhận của người trí, chỗ sở hành của bậc thánh, hàng phục chúng ma, qua được năm đạo. Nếu nói chỉ từ bỏ nhà thế tục, nhà cha mẹ vào chùa là xuất gia, hiểu như thế thì đời tu chưa có giá trị. Theo cư sĩ Duy-ma-cật, xuất gia không phải chỉ ra khỏi nhà thế tục mà phải ra khỏi nhà phiền não và nhà tam giới. Phải rời ngã ngã sở, hằng ở nơi Niết-bàn, hằng vượt ra khỏi mọi trói buộc nhiễm ô và hằng ở trong thiền định. Đó mới là mục đích cứu cánh của người chân chánh xuất gia. Như vậy ông đã làm sáng tỏ thêm ý nghĩa xuất gia chứ không phải nói lý suông.

Khi đó ông Duy-ma-cật bảo các con trưởng giả: “Các ông ở trong chánh pháp nên cùng nhau xuất gia. Vì cớ sao? Vì Phật ra đời rất khó được gặp.” Cư sĩ Duy-ma-cật khuyên các con trưởng giả nên ở trong chánh pháp phát tâm xuất gia, vì được gặp Phật ra đời là rất khó.

Các con trưởng giả thưa: “Thưa cư sĩ, chúng tôi nghe Phật nói cha mẹ không cho thì không được xuất gia.”

Ông Duy-ma-cật nói: “Đúng vậy! Ngay khi các ông phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đó chính là xuất gia, đó chính là thọ giới Cụ túc.”

Theo luật Phật chế, muốn xuất gia thì phải được sự chấp thuận của cha mẹ, phải vào chùa cạo bỏ râu tóc. Ở đây cư sĩ Duy-ma-cật không nặng về hình thức, mà cho rằng ngay khi phát tâm cầu thành Phật, đó là xuất gia, là thọ giới Cụ túc. Thế nên người xuất gia phải luôn nhớ và nhắm thẳng mục đích cứu cánh là cầu thành Phật để tiến tu.

Khi ấy ba mươi hai người con ông trưởng giả đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên con không kham đến thăm bệnh ông ấy.

Tóm lại, ở đây cư sĩ Duy-ma-cật muốn nói nghĩa xuất gia là pháp vô vi, là đi thẳng vào giải thoát, nên khuyên tôn giả La-hầu-la đừng lấy lợi của pháp hữu vi mà nói với các con ông trưởng giả. Đoạn kế muốn giản trạch, người xuất gia là phá được tất cả phiền não, ra khỏi nhà tam giới, ở nơi Niết-bàn. Đó là ý nghĩa xuất gia chân thật.

 

[ Quay lại ]