headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 04/12/2024 - Ngày 4 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

KINH DUY MA CẬT: III- PHẨM ĐỆ TỬ: ƯU-BA-LY

TongiaUuPaLyChánh văn:
Phật bảo ngài Ưu-ba-ly:
- Ông đi đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.
Ngài Ưu-ba-ly bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ lại thuở xưa có hai vị Tỳ-kheo phạm luật hạnh, cho là hổ thẹn không dám hỏi Phật, đến hỏi con: “Thưa ngài Ưu-ba-ly, chúng tôi phạm giới luật, thật là xấu hổ, không dám đến hỏi Phật, cúi mong ngài giải quyết nghi ngờ cho chúng tôi, để được thoát khỏi những lỗi này!”

Con liền đúng như pháp vì họ giải nói. Khi ấy ông Duy-ma-cật đến bảo con: “Thưa ngài Ưu-ba-ly, không nên thêm tội cho hai thầy Tỳ-kheo này! Phải thẳng trừ diệt, chớ có làm nhiễu loạn tâm hai vị ấy. Vì cớ sao? Vì tánh tội không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa, như lời Phật nói tâm cấu nên chúng sanh cấu, tâm tịnh nên chúng sanh tịnh. Tâm cũng không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa, tâm kia như thế, tội cấu như thế, các pháp cũng như thế, không ra ngoài chân như. Như ngài Ưu-ba-ly, khi do tâm tướng được giải thoát, há có cấu chăng?”

Con trả lời: “Không vậy.” Ông Duy-ma-cật nói: “Tất cả chúng sanh tâm tướng không cấu, cũng lại như thế. Thưa ngài Ưu-ba-ly, vọng tưởng là cấu, không vọng tưởng là tịnh. Điên đảo là cấu, không điên đảo là tịnh. Chấp ngã là cấu, không chấp ngã là tịnh. Này ngài Ưu-ba-ly, tất cả pháp sanh diệt không trụ không dừng, như huyễn như điện, các pháp không đối đãi cho đến một niệm cũng không dừng. Các pháp đều là vọng kiến, như mộng, như sóng nắng, như trăng trong nước, như bóng trong gương, do vọng tưởng sanh. Người biết được như thế mới gọi là giữ giới luật. Người biết được như thế, ấy mới gọi là khéo hiểu.”

Khi ấy hai thầy Tỳ-kheo nói: “Thật là thượng trí thay! Ngài Ưu-ba-ly không thể nào bì kịp, ngài là người giữ giới hơn hết mà cũng không thể nói được.”

Con liền đáp: “Ngoài đức Như Lai ra, chưa có hàng Thanh văn hay Bồ-tát nào có thể chế phục được nhạo thuyết biện tài của ông Duy-ma-cật, trí tuệ minh đạt của ông là như vậy đó.”

Lúc bấy giờ hai thầy Tỳ-kheo liền dứt hết các nghi, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và phát nguyện: “Nguyện cho tất cả chúng sanh đều được biện tài như thế.” Cho nên con không thể đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.

Giảng:

Đoạn này chúng ta thấy tôn giả Ưu-ba-ly đứng trên phương diện giới tướng kết tội, giải nghi cho hai vị Tỳ-kheo. Như người phạm giới sát hay dâm dục, về tướng thì đã phạm giới bị kết tội, vì thấy tội đó là thật, không thể giảm chế được. Còn cư sĩ Duy-ma-cật đứng về phương diện tánh để luận tội.

Trong bài sám hối hằng đêm của chúng ta có câu:

Tội tánh bản không do tâm tạo,
Tâm nhược diệt thời tội diệt vong;
Tội vong tâm diệt lưỡng câu không,
Thị tắc danh vi chân sám hối.

Tánh tội vốn là không, vì tội không thật, không cố định, làm sao kết tội được. Như chúng ta làm tội, trước do ý thức nhiễm. Từ ý thức khởi, thân miệng mới hành, tạo thành nghiệp thành tội. Như vậy động cơ chủ yếu tạo tội là ý thức. Nhưng ý thức khởi tạo tội ở đâu, ở trong, ở ngoài, hay ở chặng giữa, nó thật hay không thật? Tìm lại thì mất, chỉ là một mớ vọng tưởng liên tục tạm gọi là ý thức. Khi biết bản chất vọng tưởng là gốc tạo tội không thật, nghiệp do tội tạo ra cũng không thật thì tướng của tội đâu có thật.

Thí dụ có người xây nhà lầu ba tầng, tầng một không bền chắc thì tầng hai tầng ba sẽ mau hư hoại. Cũng vậy, từ tâm khởi niệm tạo tội, khẩu thân cũng theo đó tạo thành tội thành nghiệp nên kết quả phải chịu quả báo của tội. Tâm là gốc, vốn không thật thì khẩu thân cũng không thật. Nếu đứng trên tướng tội mà luận thì chưa rốt ráo, trên tánh tội thấy nó không thật thì tội đâu còn, mới là rốt ráo.

Trở lại bài sám hối: Tánh tội vốn là không, do tâm tạo, mà tâm không thật, nên khi nhìn lại nó mất tức là tâm diệt. Tâm diệt thì tội theo đó cũng không còn. Như vậy gọi là sám hối về tánh tội.

Kế đây nói về tánh của tâm. Chúng sanh thành cấu thành tịnh là do tâm cấu tịnh, thành người xấu người tốt là do tâm nghĩ xấu nghĩ tốt. Như vậy tốt xấu là gốc từ tâm. Mà tâm vốn không thật có, không ở trong, không ở ngoài, cũng không ở chặng giữa. Tìm đến rốt ráo thì trở về lặng lẽ như như. Tâm đã như, các tội cũng như. Các tội như thì chúng sanh cũng như. Chúng ta tu nếu biết phản quan thì thấy tâm không thật, tội lỗi theo đó dứt. Thấy được như vậy là thấy tột cùng gốc tội lỗi. Trên giả tướng, tội lỗi là tướng hư dối. Vì thân và nghiệp đều là tướng biến dịch, không thật. Thế nên tu là phải tìm tận gốc tánh của tội và tánh của tâm.

Cư sĩ Duy-ma-cật dẫn chứng cho tôn giả Ưu-ba-ly, tâm tướng của ngài do tu hành thanh tịnh được giải thoát. Khi giải thoát nó còn cấu hay không? Tôn giả Ưu-ba-ly đáp không. Cư sĩ Duy-ma-cật kết luận, tất cả chúng sanh tâm tướng không cấu cũng lại như thế. Nếu tâm chúng sanh cố định là cấu thì không thể bỏ cấu được tịnh. Phật tánh đã sẵn có nơi mỗi người, nhưng vì lớp vỏ phiền não cấu uế phủ che bên ngoài nên không thể thấy. Khi nào phá được lớp vỏ đó thì tâm cấu trở thành tịnh. Vì vậy ai tu cũng có thể giác ngộ giải thoát thành Phật được. Vậy trên đường tu chúng ta chỉ cần khéo gạn lọc, phiền não cấu uế nơi tâm sạch rồi, Phật tánh sẽ hiển bày chứ không tìm kiếm đâu xa.

Ví như người cha có của báu để trong hũ chôn dưới đất, dặn bảo con, cha có chôn hũ vàng ở bụi tre sau vườn, khi cha chết con đào lên lấy để xài. Cha qua đời, người con biết rõ chỗ cha chỉ, đào lên lấy được hũ vàng. Người đó có ngán đào không? Dù mệt cũng cố đào vì biết sẽ được của báu. Của báu sẵn có trong nhà dại gì không lấy ra xài. Cũng vậy, chúng ta đầy đủ phước duyên, được học Phật pháp nên biết được tâm giác ngộ giải thoát có sẵn nơi mỗi người. Chỉ cần nỗ lực tiến tu, dẹp hết những nhơ cấu trong tâm sẽ nhận được của báu, đừng chần chừ nhút nhát, uổng phí một đời.

Tất cả chúng sanh tâm tướng không cấu, cũng lại như thế. Thưa ngài Ưu-ba-ly, vọng tưởng là cấu, không vọng tưởng là tịnh. Điên đảo là cấu, không điên đảo là tịnh. Chấp ngã là cấu, không chấp ngã là tịnh.

Việc tu của chúng ta là buông bỏ vọng tưởng để tâm được tịnh. Tâm tịnh tức được giải thoát, giác ngộ. Nếu còn vọng tưởng là còn cấu nhơ. Có vọng tưởng mới có điên đảo, trong kinh Bát-nhã gom vọng tưởng và điên
đảo chung thành một. Như vậy vọng tưởng điên đảo là cấu, không vọng tưởng điên đảo là tịnh.

Người xuất gia phải giữ giới luật, nếu giữ giới mà chấp ngã nặng thì không thể giải thoát. Thí dụ giới luật Tỳ-kheo không được cuốc đất, không làm tổn hại cỏ cây... Mình giữ luật nghiêm trang, người khác không giữ được thì khinh họ. Vậy là còn chấp ngã, là chưa giải thoát. Dù lăn lộn giữa quần chúng mà không chấp ngã thì vẫn thanh tịnh, còn nếu ngồi trong đạo tràng mà chấp ngã cao cũng là cấu uế. Chủ yếu là đừng chấp ngã. Cội gốc phiền não, ngã mạn, nóng giận, kiêu căng v.v... đều do chấp ngã mà ra. Vì thấy ta là quan trọng nên ai động tới liền nổi sân. Không ngã thì không phiền não, tâm được an tịnh. Như vậy lời giảng của cư sĩ Duy-ma-cật rất chí lý, chỉ thẳng cái thật cho mình biết, không nên chấp tướng.

Trong luật Tỳ-kheo, phần y và bát gần hết một phần ba số giới luật. Người tu ra khỏi trú xứ cách đêm phải mang theo ba y và bình bát. Hiện nay vẫn còn một số vị giữ đúng luật này. Nhưng ở thiền viện hay ngôi già-lam, ra đường không quấn y mang bát đi khất thực, như vậy là có bỏ giới luật không? Theo tinh thần Đại thừa, giữ giới luật không cố chấp trên hình thức khuôn khổ. Có nhiều vị tu thiền tập quán chiếu theo trí Bát-nhã, chính khi tu như vậy là đã giữ giới luật. Giới luật của Phật ngăn cấm những tâm niệm phóng túng buông lung, không cho chạy theo sáu trần ô nhiễm. Bây giờ vọng tưởng dấy lên không theo là đã giữ giới, đây là giữ giới tận gốc rễ, không phải bằng hình tướng bên ngoài. Nếu giữ giới tướng mà còn chấp ngã là chưa đúng tinh thần giữ giới của Phật dạy. Phải biết tất cả các pháp là hư giả không theo, đó là chỗ thiết yếu. Cư sĩ Duy-ma-cật giải thích cho tôn giả Ưu-ba-ly nghe tường tận, cũng là dạy gián tiếp cho chúng ta.

Tất cả pháp sanh diệt không trụ không dừng, như huyễn như điện, các pháp không đối đãi cho đến một niệm cũng không dừng. Các pháp đều là vọng kiến, như mộng, như sóng nắng, như trăng trong nước, như bóng
trong gương, do vọng tưởng sanh. Người biết được như thế mới gọi là giữ giới luật. Người biết được như thế, ấy mới gọi là khéo hiểu.

Hằng thấy các pháp như huyễn như hóa, như trăng trong nước, như bóng trong gương và biết tất cả đều do vọng tưởng sanh, người đó đã giữ giới luật. Sở dĩ Phật cấm không cho tham nhiễm ngũ dục vì ngũ dục tạo nên tội lỗi. Thấy ngũ dục huyễn hóa thì còn gì tham nhiễm. Thấy đúng như vậy là đã giữ giới, biết được như vậy gọi là người khéo hiểu.

Tóm lại, đoạn trước ông chỉ cho chúng ta thấy tánh tội không thật, từ tâm mà ra. Tâm không thật, tội cũng không thật nên trở về như.

Đoạn giữa, chỉ tâm cấu, ngã cấu và chúng sanh cũng cấu, tâm tịnh thì chúng sanh tịnh. Vọng tưởng là nhơ, hết vọng tưởng là sạch v.v... Như vậy, tất cả tội gốc từ tâm ra. Tâm thanh tịnh, muôn tội theo đó đều hết.

Đoạn sau, thấy biết tất cả pháp như huyễn hóa thì không còn dính mắc, là người chân chánh giữ giới luật.

Khi ấy, hai thầy Tỳ-kheo liền dứt hết nghi và phát tâm vô thượng Bồ-đề.

[ Quay lại ]