headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 08/01/2025 - Ngày 9 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

KINH DUY MA CẬT: III- PHẨM ĐỆ TỬ: ĐẠI CA-DIẾP

tongiadaicadiepHT. Thích Thanh Từ - giảng

Chánh văn:

Phật bảo ngài Đại Ca-diếp:

- Ông hãy đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.

Ngài Ca-diếp bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Nhớ thuở xưa, con đi khất thực trong xóm nghèo, khi ấy ông Duy-ma-cật đến bảo con: “Thưa tôn giả Đại Ca-diếp, có lòng từ bi mà không rộng khắp, bỏ nhà giàu đến nhà nghèo khất thực. Ngài Ca-diếp, phải trụ nơi pháp bình đẳng, nên theo thứ lớp mà khất thực

Vì không ăn nên đi khất thực. Vì phá hoại tướng hòa hợp nên nhận thức ăn từng nắm. Vì không thọ nên nhận thức ăn kia. Vì dùng tưởng không tụ vào trong xóm làng. Thấy sắc cùng với người mù đồng, nghe tiếng cùng với âm vang đồng, ngửi mùi hương cùng với gió đồng, nếm vị không phân biệt, thọ các xúc như trí chứng, biết các pháp như tướng huyễn. Không tự tánh, không tha tánh. Vốn tự không sanh, nay cũng không diệt. Này Ca-diếp, nếu hay không xả tám tà vào tám giải thoát, dùng tướng tà vào chánh pháp. Dùng một bữa ăn thí cho tất cả, cúng dường chư Phật và các bậc hiền thánh, sau đó mới có thể ăn. Ăn như thế không phiền não không lìa phiền não. Chẳng vào định ý cũng chẳng khởi định ý. Không trụ thế gian cũng không trụ Niết-bàn. Người thí không có phước lớn không có phước nhỏ, không được lợi ích không bị tổn hại, ấy chính là vào Phật đạo, không y nơi hàng Thanh văn. Ngài Ca-diếp, nếu ăn như thế là không uổng thức ăn của thí chủ.”

Bạch Thế Tôn! Khi con nghe nói lời này rồi, được việc chưa từng có, liền đối với tất cả Bồ-tát sâu khởi tâm cung kính, lại khởi nghĩ thế này: “Đây là hàng danh tiếng được biện tài trí tuệ mới có thể nói được như thế! Ai nghe mà không phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.” Từ đây về sau, con không dám dùng pháp Thanh văn hay Bích-chi Phật để khuyên dạy người thực hành. Thế nên con không kham đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.

Giảng:

Pháp khất thực của hai tôn giả Ca-diếp và Tu-bồ-đề là có tâm thiên lệch. Tôn giả Ca-diếp thì thương người nghèo nên đi khất thực trong xóm nghèo để họ gieo căn lành, sau này mới thoát khỏi cái nghèo. Nếu sợ họ nghèo không dám đến yêu cầu làm phước thì tâm ích kỷ của họ càng tăng, làm sao đời sau có phước. Vì muốn chuyển tâm của họ, từ nghèo trở thành giàu, nên ngài tìm đến nhà nghèo để khất thực, ngay cả người cùi... cũng xin của họ nữa. Qua đó chúng ta thấy, phải là người có tâm từ bi mới làm được như vậy. Ngược lại tôn giả Tu-bồ-đề thì khất thực nhà giàu. Ngài quan niệm đơn giản, họ dư mình xin một chút đâu có tổn hại gì. Như vậy việc khất thực không làm thiệt thòi cho người cúng. Đây cũng là lòng từ bi của ngài. Hai vị đại đệ tử này, một bên thì muốn gieo duyên với người nghèo, một bên lại nghĩ xin người giàu không làm họ khó khổ và thiệt thòi. Như vậy cả hai ngài đều vì lòng từ bi, nhưng tâm còn thiên lệch.

Cư sĩ Duy-ma-cật thấy tôn giả Ca-diếp đến xóm nghèo khất thực nên nói, tôn giả đi khất thực mà bỏ người giàu xin người nghèo là lòng từ bi không bình đẳng. Ngài phải trụ nơi pháp bình đẳng, theo thứ lớp mà khất thực, theo thứ tự từng nhà, đến đâu người ta cho thì nhận, chứ không lựa chọn giàu nghèo. Đó mới gọi là bình đẳng.

Vì không ăn nên đi khất thực. Không ăn thì đi khất thực làm gì? Chữ thực ở đây không có nghĩa là ăn, mà có nghĩa là tâm duyên theo sáu trần. Khi sáu căn tiếp xúc sáu trần, tâm không dính mắc nghĩa là không ăn. Không ăn như vậy mới xứng đáng đi khất thực. Nếu là thân này thì phải có ăn để nuôi mạng sống tu hành. Tu để nhận ra pháp thân, sống với pháp thân. Mà pháp thân đâu có ăn. Nhận được lý đó mới nên đi khất thực.

Vì phá hoại tướng hòa hợp nên nhận thức ăn từng nắm. Hòa hợp tướng là chỉ thân tứ đại hay thân ngũ uẩn hòa hợp, giả dối không thật. Sở dĩ đi khất thực là vì cầu sự giải thoát, chứ không phải muốn tiếp tục nuôi dưỡng thân giả tướng này. Khất thực như thế mới đúng pháp.

Vì không thọ nên nhận thức ăn kia. Chúng ta có năm giác quan. Năm giác quan đó đối với năm trần có cảm thọ. Còn pháp thân thì không cảm thọ. Vì vậy nói phải dùng không thọ mà đi khất thực.

Vì dùng tưởng không tụ vào trong xóm làng. Tưởng không tụ tức là tưởng thân này giống như một chỗ trống, không người, không thật, không chủ tức là vô ngã. Nếu vào trong xóm làng khất thực mà tâm vô ngã thì không bị dính mắc.

Thấy sắc cùng với người mù đồng, nghe tiếng cùng với âm vang đồng. Người mù thì không thấy sắc. Thấy sắc mà sao như mù được? Vì thấy mà không có niệm phân biệt đẹp xấu, nên nói thấy như mù. Nghe tiếng khen chê tưởng như tiếng vang trong núi dội lại thì đâu có giận đâu có mừng. Nhưng chúng ta nghe chê thì buồn, nghe khen lại vui, là tại sao? Là vì mình chưa sống với pháp bình đẳng đó.

Ngửi mùi hương cùng với gió đồng. Ngửi mùi thơm hôi cũng như gió thoảng, qua rồi mất, đừng để nó chi phối.

Nếm vị không phân biệt, thọ các xúc như trí chứng. Khi thức ăn vào lưỡi không khởi phân biệt, chứ không phải không biết ngon dở. Chỗ này có lắm người nghe nói không phân biệt ngon dở thì tưởng lầm ăn mà không biết gì hết. Nếu không biết ngon dở thì lưỡi đã mất cảm giác. Như vậy không phân biệt nghĩa là sao? Vị vào lưỡi vẫn biết ngon dở, nhưng không ưa ngon ghét dở, gọi là không phân biệt. Thế mới đúng là nếm vị mà không phân biệt.

Tóm lại, mắt thấy như mù là thấy mà không phân biệt đẹp xấu. Thấy đẹp vẫn biết đẹp, xấu vẫn biết xấu, nhưng không có niệm đuổi theo cái đẹp chán ghét cái xấu, thì gọi là như mù. Lưỡi nếm vị ngon biết ngon, dở biết dở, nhưng ngon không luyến dở không chán ghét, đó gọi là không phân biệt vị. Khi xúc chạm, trí liền nhận biết đúng như thật, chứ không phải theo cảm giác. Thường khi xúc chạm là có cảm giác, những cảm giác đó có ưa thích, vui buồn. Nhưng sự cảm thọ và xúc chạm, mình đều thấy như huyễn như hóa không thật có, do đó tâm không nhiễm trước, nên gọi là thọ các xúc như trí chứng.

Biết các pháp như tướng huyễn. Không tự tánh, không tha tánh. Vốn tự không sanh, nay cũng không diệt. Các pháp ở thế gian này đều là tướng hư huyễn. Vì không tự tánh, không tha tánh, do duyên sanh nên nó không thật có. Như muốn có cái bàn, phải đủ các duyên gỗ, đinh, thợ mộc... hợp lại mới thành. Cái bàn vốn không tự tánh, gỗ đinh thợ mộc đều không thật có nên cũng không tha tánh. Tự tánh tha tánh đã không thì cái gì sanh diệt? Không sanh diệt tức là vô sanh. Cho nên nói xưa không sanh nay cũng không diệt.

Này Ca-diếp, nếu hay không xả tám tà vào tám giải thoát, dùng tướng tà vào chánh pháp. Dùng một bữa ăn thí cho tất cả, cúng dường chư Phật và các bậc hiền thánh, sau đó mới có thể ăn. Ở đây chỉ cho pháp vượt ngoài đối đãi, bình đẳng không phân biệt tà chánh, trói buộc hay giải thoát, tức không còn kẹt hai bên. Ngay trong tà đã có chánh, trong phiền não có giải thoát, trong sanh tử có Niết-bàn. Được như vậy mới có thể dùng một bữa ăn cúng dường chư Phật, chư hiền thánh và bố thí cho tất cả, rồi sau mới ăn. Vì đã có tâm bình đẳng, nên món ăn dù ít cũng trùm khắp không bị hạn cuộc.

Ăn như thế không phiền não không lìa phiền não. Chẳng vào định ý cũng chẳng khởi định ý. Không trụ thế gian cũng không trụ Niết-bàn. Người thí không có phước lớn không có phước nhỏ, không được lợi ích không bị tổn hại, ấy chính là vào Phật đạo, không y nơi hàng Thanh văn. Ngài Ca-diếp, nếu ăn như thế là không uổng thức ăn của thí chủ.

Đã thấy các pháp bình đẳng tức là nhất tướng bình đẳng thì đâu còn thấy hai bên, phiền não và lìa phiền não, không nhập định và xuất định, không trụ thế gian và trụ Niết-bàn. Người thí thấy các pháp bình đẳng thì không có phước lớn phước nhỏ, không tăng không giảm, không lợi ích không tổn hại. Không nương nơi hàng Thanh văn, vì Thanh văn còn nhìn trên đối đãi. Được vậy mới thẳng vào Phật đạo, mới đúng là hành Phật đạo. Người nhận thức ăn như thế mới không uổng công thí chủ cúng dường.

Tóm lại, đoạn này cư sĩ Duy-ma-cật muốn nhắc ngài Ca-diếp, người khất thực phải có tâm bình đẳng không còn thấy hai mới đi thẳng vào Phật đạo.

Bạch Thế Tôn! Khi con nghe nói lời này rồi, được việc chưa từng có, liền đối với tất cả Bồ-tát sâu khởi tâm cung kính, lại khởi nghĩ thế này: “Đây là hàng danh tiếng được biện tài trí tuệ mới có thể nói được như thế! Ai nghe mà không phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.” Từ đây về sau, con không dám dùng pháp Thanh văn hay Bích-chi Phật để khuyên dạy người thực hành. Thế nên con không kham đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.

Tôn giả Ca-diếp khi thuật lại câu chuyện bị cư sĩ Duy-ma-cật vấn nạn, liền tỏ ngộ điều chưa từng có, phát khởi thâm tâm cung kính đối với tất cả các vị Bồ-tát. Ngài lại thầm thán phục đây là bậc biện tài trí tuệ, ai nghe mà không phát tâm Bồ-đề. Như vậy chính ngài đã chuyển tâm niệm, không còn chấp pháp của hàng Nhị thừa. Đó là điểm đặc biệt của tôn giả Ca-diếp khác hơn những vị trước.
 

[ Quay lại ]