headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 31/10/2024 - Ngày 29 Tháng 9 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

KINH DUY MA CẬT: III- PHẨM ĐỆ TỬ-XÁ-LỢI-PHẤT

sariputtaHT. Thích Thanh Từ - giảng

Chánh văn:

Khi ấy trưởng giả Duy-ma-cật tự nghĩ, nằm bệnh trên giường, Thế Tôn là đấng đại từ, đâu chẳng thương xót.

Phật biết ý ông Duy-ma-cật, liền bảo ngài Xá-lợi-phất:

- Ông hãy đi đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.

Ngài Xá-lợi-phất bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ thuở xưa, từng ở trong rừng ngồi yên dưới cội cây, khi ấy ông Duy-ma-cật đến bảo con: “Thưa ngài Xá-lợi-phất, không hẳn ngồi thế ấy là ngồi yên. Phàm ngồi yên thì ở tam giới mà không hiện thân ý, ấy là ngồi yên. Không khởi Diệt tận định mà hiện các oai nghi, ấy là ngồi yên. Không bỏ đạo pháp mà hiện việc phàm phu, ấy là ngồi yên. Tâm không trụ trong cũng không ở ngoài, ấy là ngồi yên. Đối các kiến chấp không động mà tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo, ấy là ngồi yên. Không đoạn phiền não mà vào Niết-bàn, ấy là ngồi yên. Nếu có thể ngồi như thế thì Phật sẽ ấn chứng cho.”

Bạch Thế Tôn! Khi ấy con nghe những lời nói này, lặng thinh mà thôi, không thể nào đáp được. Cho nên con không kham đến thăm bệnh ông ấy.

Giảng:

Khi nằm bệnh, cư sĩ Duy-ma-cật thầm nghĩ, đức Thế Tôn đại bi thế nào cũng đến thăm. Ông vừa khởi niệm, Phật liền cảm ứng bảo tôn giả Xá-lợi-phất tới thăm bệnh. Qua đó chúng ta thấy, do tâm thanh tịnh nên dễ được cảm ứng. Nếu tâm thanh tịnh vừa nhớ Phật, Phật liền ứng; vừa nhớ pháp, pháp liền hiện; nhớ tăng, tăng liền có.

Được Phật cử đi, tôn giả Xá-lợi-phất xin từ chối vì đã từng bị cư sĩ Duy-ma-cật chất vấn.

Phàm ngồi yên thì ở tam giới mà không hiện thân ý, ấy là ngồi yên. Chúng ta thường quan niệm ngồi một mình trong rừng vắng, dưới cội cây, hoặc trên thiền đường, hoặc trong thất riêng mới là ngồi yên. Nhưng cư sĩ Duy-ma-cật nói, ngồi yên là ngay khi đang sống trong tam giới mà không hiện thân ý. Nghĩa là ngay trong tam giới mà vẫn biết thân là huyễn hóa không thật, tâm ý hư vọng, không loạn động mới thật là ngồi yên. Còn chúng ta ngồi nghiêm chỉnh trong thiền đường mà chấp thân thật, đó là còn hiện thân. Tâm ý cứ chạy lăng xăng, nghĩ hết việc này đến việc khác là động, chứ chưa
phải ngồi yên. Như vậy, khi nào thân ý không động mới gọi là ngồi yên.

Không khởi Diệt tận định mà hiện các oai nghi, ấy gọi là ngồi yên. Hàng Nhị thừa khi nhập Diệt tận định thân dường như chết, chỉ còn chút hơi ấm mà không còn hơi thở. Người bình thường không còn hơi thở gọi là chết. Cư sĩ Duy-ma-cật nói, không khởi tức không xả Diệt tận định, là hằng sống trong Diệt tận định mà hiện các oai nghi, mới là ngồi yên; còn nhập Diệt tận định ngồi yên như chết, ngưng hoạt động, không phải là yên thật. Ở đây ý muốn nói, đi đứng nằm ngồi, mọi hành động bình thường mà tâm như người nhập Diệt tận định. Lục Tổ cũng nói, nếu thấy có xuất nhập là còn động, chưa phải đại định.

Không bỏ đạo pháp mà hiện việc phàm phu, ấy là ngồi yên. Không xả đạo pháp là sống đúng với tinh thần đạo pháp mà làm các việc phàm phu. Như cuốc rẫy, làm ruộng v.v... chỉ biết việc mình đang làm không nghĩ nhớ xa xôi, không suy tính trúng thất. Làm mọi việc mà tâm không rời đạo pháp, đó mới thật ngồi yên.

Tâm không trụ trong cũng không ở ngoài, ấy là ngồi yên. Chúng ta hoặc là thấy tâm ở trong hoặc là thấy tâm chạy ra ngoài. Khi phóng ra thì thấy tâmở ngoài, khi không phóng nghĩ là đang yên ở trong.
Tâm thật thì trùm khắp, không ở trong không ở ngoài, đó mới thật là ngồi yên.

Đối các kiến chấp không động mà tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo, ấy là ngồi yên. Muốn tu theo chánh pháp, phải diệt tà kiến mới được chánh kiến. Ở đây tà kiến không cần diệt, chỉ cần tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo là đã hành chánh kiến. Đó mới là ngồi yên.

Không đoạn phiền não mà vào Niết-bàn, ấy là ngồi yên. Nếu có thể ngồi như thế thì Phật sẽ ấn chứng cho. Chúng ta thấy nên đoạn phiền não để vào Niết-bàn, cư sĩ Duy-ma-cật cho rằng không đoạn phiền não mà vào Niết-bàn mới là ngồi yên, mới được Phật ấn chứng.

Đoạn này ý cư sĩ Duy-ma-cật chỉ cho tôn giả Xá-lợi-phất cũng như chúng ta biết, muốn được yên không phải thân tướng ở chỗ vắng vẻ mới yên, mà tâm không còn thấy hai, đó mới thật là yên.

[ Quay lại ]