headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 12/10/2024 - Ngày 10 Tháng 9 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

KINH DUY MA CẬT: III- PHẨM ĐỆ TỬ: CA-CHIÊN-DIÊN

TôngiaCachiendienHT. Thích Thanh Từ - giảng

Chánh văn:

Phật bảo ngài Ma-ha Ca-chiên-diên:

- Ông đi đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.

Ngài Ca-chiên-diên bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ thuở xưa, Phật vì các thầy Tỳ-kheo lược nói pháp yếu, con liền sau đó diễn bày nghĩa kia, nghĩa vô thường, khổ, không, vô ngã, tịch diệt. Khi ấy ông Duy-ma-cật đến bảo con: “Thưa ngài Ca-chiên-diên, không nên dùng tâm hạnh sanh diệt mà nói pháp thật tướng. Này Ca-chiên-diên, các pháp rốt ráo không sanh không diệt, ấy là nghĩa vô thường. Ngũ thọ ấm rỗng suốt không chỗ khởi, ấy là nghĩa khổ. Các pháp cứu cánh không chỗ có, ấy là nghĩa không. Ngã và vô ngã không hai, ấy là nghĩa vô ngã. Pháp xưa không sanh nay ắt không diệt, ấy là nghĩa tịch diệt.”

 

Khi ông nói pháp này, những vị Tỳ-kheo đó tâm liền được giải thoát. Cho nên con không thể đến thăm bệnh ông ấy.

 

Giảng:

 

Tôn giả Ca-chiên-diên là người nổi tiếng luận nghị đệ nhất. Khi Tôn giả đang diễn bày pháp yếu của Phật dạy về vô thường, khổ, không, vô ngã và Niết-bàn cho những vị Tỳ-kheo nghe, liền bị cư sĩ Duy-ma-cật quở: Không nên dùng tâm hạnh sanh diệt để nói thật tướng các pháp. Ngài nói về nghĩa vô thường, khổ, không, vô ngã và Niết-bàn tịch tĩnh là còn trên đối đãi, đứng về pháp tướng hư dối mà nói, chứ không phải thật tướng.

 

Các pháp rốt ráo không sanh không diệt, ấy là nghĩa vô thường. Pháp tướng có sanh diệt nên nói vô thường. Pháp cứu cánh không sanh không diệt, tại sao nói vô thường? Nói vô thường là chỉ cho cái giả tướng duyên hợp. Đứng về pháp tánh thì không sanh không diệt, nhưng duyên hợp thành tướng mới có sanh diệt. Cái không sanh không diệt đâu rời tướng sanh diệt, cho nên nói các pháp cứu cánh không sanh không diệt là nghĩa vô thường. Như cái bàn tánh nó là không, do duyên hợp tạm có, đủ duyên thì hợp hết duyên thì tan, nên có sanh có diệt là pháp vô thường. Như vậy vô thường là chỉ cho giả tướng duyên hợp, còn pháp tánh thì không sanh không diệt.

 

Ngũ thọ ấm rỗng suốt không chỗ khởi, ấy là nghĩa khổ. Thân của chúng ta do năm ấm chung hợp tạm có, bị chi phối bởi sanh già bệnh chết. Chúng sanh vô minh chấp năm ấm là thật, khi bị sanh diệt thì khổ đau. Nói khổ là trên tướng của năm ấm, còn trên tánh thì năm ấm rỗng suốt, là không. Từ cái tánh đó duyên hợp thành tướng, cho nên nói năm ấm rỗng không không có chỗ khởi, ấy là nghĩa khổ.

 

Các pháp cứu cánh không chỗ có, ấy là nghĩa không. Các pháp cứu cánh không, vì các pháp vốn không thật có mà do duyên hợp. Không pháp nào tự có nên cứu cánh là không. Như vậy mới gọi là nghĩa không.

 

Ngã và vô ngã không hai, ấy là nghĩa vô ngã. Nếu thấy cái ngã này là thật, vô ngã cũng thật, tức là thấy hai. Mà ngã và vô ngã không rời nhau, nên thấy có hai cái riêng khác là hư dối. Như người thế gian thấy thân này là thật, là hữu ngã. Khi biết tu thấy thân này không thật, không có chủ, là vô ngã. Như vậy hữu ngã, vô ngã cũng căn cứ trên thân này. Nếu không mắc kẹt bên hữu ngã, bên vô ngã tức là một niệm bình đẳng. Đó là nghĩa vô ngã.

 

Pháp xưa không sanh nay ắt không diệt, ấy là nghĩa tịch diệt. Tịch diệt tức là Niết-bàn. Thường chúng ta nghĩ tịch diệt là lặng lẽ, là đang động rồi dừng. Nhưng đây nói trước không sanh sau không diệt là lặng lẽ tịch diệt. Như Lục Tổ nói: Niệm trước không sanh tức tâm, niệm sau không diệt tức Phật, chính là nghĩa này.

 

Trước không sanh, nay không diệt. Thấy không sanh không diệt chính là đạt được nghĩa tịch diệt. Ngay thân tứ đại này nếu thấy thật mới có sanh tử, còn nếu không thật thì đâu có sanh tử. Như bóng hiện rồi mất, mất rồi hiện thì sự mất hiện đó không có nghĩa sanh tử, chỉ là cái bóng, là huyễn hóa. Bởi thấy huyễn hóa nên sanh không thật sanh, tử không thật tử, vấn đề sanh tử đã hết, ngay đó là giải thoát. Giải thoát cũng không nói giải thoát mới thật là bất nhị. Như vậy muốn đạt tới chỗ tịch diệt Niết-bàn thì thấy các pháp nguyên thể là không sanh không diệt. Đó là ý nghĩa tịch diệt.

 

Tóm lại, cư sĩ Duy-ma-cật nói nghĩa vô thường, khổ, không, vô ngã và Niết-bàn là đứng trên pháp tánh. Còn tôn giả Ca-chiên-diên căn cứ trên pháp tướng mà nói, nên đồng với cái thấy hiểu theo nghĩa tương đối của chúng ta.

 

[ Quay lại ]