headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 05/12/2024 - Ngày 5 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

KINH DUY MA CẬT: III- PHẨM ĐỆ TỬ: TU-BỒ-ĐỀ

HT. Thích Thanh Từ - giảng

tongiatubodeChánh văn:

Phật bảo ngài Tu-bồ-đề:
- Ông đi đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.
Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Nhớ lại thuở xưa, con vào nhà ông Duy-ma-cật khất thực, khi ấy ông nhận bát của con, sớt thức ăn đầy bát, bảo con rằng: “Thưa ngài Tu-bồ-đề, nếu đối với thức ăn bình đẳng thì các pháp cũng bình đẳng, các pháp bình đẳng thì đối với thức ăn cũng bình đẳng. Hành khất thực như thế mới nên nhận lấy thức ăn.

Nếu ngài Tu-bồ-đề không đoạn tham sân si cũng không chung cùng với nó. Không phá hoại thân mà tùy nhất tướng. Không diệt si ái mà khởi được giải thoát. Do tướng ngũ nghịch mà được giải thoát, cũng không mở không trói. Không thấy tứ đế và không phải không thấy tứ đế. Không được quả cũng không phải không được quả. Không phàm phu, không lìa pháp phàm phu. Không thánh nhân, không chẳng thánh nhân. Tuy thành tựu tất cả pháp mà lìa tướng các pháp, mới có thể nhận thức ăn.

Nếu ngài Tu-bồ-đề không thấy Phật, không nghe pháp, những lục sư ngoại đạo kia là Phúlan- na Ca-diếp, Mạt-già-lê Câu-xa-lê Tử, San-xà-dạ Tỳ-la-chi Tử, A-kỳ-đa-xí-xá Kham-bà-la, Ca-la-cưu-đà Ca-chiên-diên, Ni-kiền-đà Nhã-đề Tử, đó là thầy của ông. Nhờ những lục sư ngoại đạo đó mà ông xuất gia, những ông thầy đó đọa thì ông cũng phải đọa, như vậy mới nên nhận thức ăn.

Nếu ngài Tu-bồ-đề vào trong các tà kiến không đến bờ kia. Trụ nơi tám nạn, chẳng được không nạn. Đồng với phiền não, lìa pháp thanh tịnh. Ông được Vô tránh tam-muội, tất cả chúng sanh cũng được định ấy. Người thí cho ông không gọi là phước điền. Người cúng dường cho ông rơi vào ba đường ác. Ông và chúng ma nắm tay nhau làm bạn lữ, ông cùng với chúng ma và các trần lao đồng nhau không khác. Đối với tất cả chúng sanh có tâm oán, chê bai Phật hủy báng pháp, không vào chúng tăng, trọn không được diệt độ. Ông nếu như thế mới nên nhận thức ăn.”

Bạch Thế Tôn! Khi con nghe lời nói này, mờ mịt không biết phải nói gì, không biết dùng lời nào để đáp. Con liền để bát xuống, muốn chạy ra khỏi nhà ông. Ông Duy-ma-cật nói: “Thưa ngài Tu-bồ-đề, nhận bát chớ có sợ. Ý ông nghĩ sao? Như đức Như Lai hóa ra một người, người ấy đem việc này hỏi ông thì ông đâu có sợ phải không?” Con nói: “Không vậy.” Ông Duy-ma-cật nói: “Tất cả các pháp như tướng huyễn hóa, nay ông không nên sợ. Vì cớ sao? Tất cả lời nói không lìa tướng ấy. Đến với người trí, không chấp văn tự nên không sợ. Vì cớ sao? Tánh văn tự lìa, không có văn tự, ấy là giải thoát. Tướng giải thoát ắt là các pháp vậy.”

Khi ông Duy-ma-cật nói pháp này, hai trăm thiên tử được pháp nhãn trong sạch, thế nên con không kham đến thăm bệnh ông ấy.

Giảng:

Nếu ngài Tu-bồ-đề không đoạn tham sân si cũng không chung cùng với nó. Không phá hoại thân mà tùy nhất tướng. Không diệt si ái mà khởi được giải thoát. Do tướng ngũ nghịch mà được giải thoát, cũng không mở không trói. Không thấy tứ đế và không phải không thấy tứ đế. Không được quả cũng không phải không được quả. Không phàm phu, không lìa pháp phàm phu. Không thánh nhân, không chẳng thánh nhân. Tuy thành tựu tất cả pháp mà lìa tướng các pháp, mới có thể nhận thức ăn.

Đoạn này nói đến chỗ chân thật bình đẳng không hai. Trong tham sân si có giải thoát, giải thoát là từ tham sân si. Hai pháp đó không rời nhau, không riêng khác, nên không giải thoát cũng không trói buộc. Không thấy tứ đế cũng không chẳng thấy tứ đế... cả hai bên đều không có, được như vậy là thấy pháp bình đẳng, mới nên nhận thức ăn.

Pháp không có hai bên, còn đối đãi không phải là pháp thật. Chúng ta thường nói tu là diệt sạch tham sân si mới giải thoát. Như có người bị trói chặt vào thân cây bằng ba sợi dây, muốn thoát khỏi ba sợi dây đó thì phải mở, vậy mở là từ trói mới có. Tất cả chúng ta, lẽ thật đâu có ai bị trói mà cần phải mở. Trói mở chỉ là tạm thời. Cũng vậy, lập giải thoát khi nào thấy có triền phược. Triền phược không thì giải thoát cũng không. Trên giả tướng có triền phược có giải thoát, còn trên tánh thì không. Mọi đối đãi đều không phải là pháp tánh. Nếu nhận được pháp tánh mới xứng đáng đi khất thực.

Nếu ngài Tu-bồ-đề không thấy Phật, không nghe pháp, những lục sư ngoại đạo kia là Phú-lan-na Ca-diếp, Mạt-già-lê Câu-xa-lê Tử, San-xà-dạ Tỳ-la-chi Tử, A-kỳ-đa-xí-xá Kham-bà-la, Ca-la-cưu-đà Ca-chiên-diên, Ni-kiền-đà Nhã-đề Tử, đó là thầy của ông. Nhờ những lục sư ngoại đạo đó mà ông xuất gia, những ông thầy đó đọa thì ông cũng phải đọa, như vậy mới nên nhận thức ăn.

Không thấy Phật là không chấp Phật, không nghe pháp là không kẹt nơi pháp. Quan niệm của chúng ta đối với Phật pháp luôn tôn sùng, còn đối với ngoại đạo thì chống đối. Đó là tâm không bình đẳng. Không chống đối tức hòa thuận, nghĩa là xem như vị thầy xuất gia của mình, nên thầy đọa trò cũng đọa theo.

Nhưng ở đây lục sư ngoại đạo theo thiền sư giảng, ngầm ý chỉ cho sáu căn. Chúng ta tu cũng căn cứ trên sáu căn mà chuyển. Sáu căn chạy theo sáu trần gọi là bị đọa, không chạy theo gọi là xuất gia, là giải thoát. Như vậy là thoát khỏi sự chấp trước nơi căn trần, đó mới kham thọ nhận thức ăn.

Nếu ngài Tu-bồ-đề vào trong các tà kiến không đến bờ kia. Trụ nơi tám nạn, chẳng được không nạn. Đồng với phiền não, lìa pháp thanh tịnh. Ông được Vô tránh tam-muội, tất cả chúng sanh cũng được định ấy. Người thí cho ông không gọi là phước điền. Người cúng dường cho ông rơi vào ba đường ác. Ông và chúng ma nắm tay nhau làm bạn lữ, ông cùng với chúng ma và các trần lao đồng nhau không khác. Đối với tất cả chúng sanh có tâm oán, chê bai Phật hủy báng pháp, không vào chúng tăng, trọn không được diệt độ. Ông nếu như thế mới nên nhận thức ăn.

Những câu này nghe thật lạ lùng. Ngài Huệ Nam mỗi khi đến thưa hỏi đạo lý với thiền sư Từ Minh, đều bị Sư mắng chửi đuổi ra. Đến khi không còn kham nhẫn nổi, Huệ Nam nói:

- Mắng chửi đâu phải quy củ từ bi thí pháp!

Ngài Từ Minh cười nói:

- Đó là mắng chửi sao?

Ngay câu này ngài Huệ Nam đại ngộ.

Đây cũng vậy, vì ngôn ngữ là không thật, là tánh ly. Những lời cư sĩ Duy-ma-cật nói với tôn giả Tu-bồ-đề là dùng ngôn ngữ ngược lẽ thường. Như người thí không có phước, người cúng dường rơi vào ba đường ác, ông là bạn của chúng ma và đồng các trần lao không khác, có tâm oán giận chúng sanh, chê bai Phật hủy báng pháp... Vì ngôn ngữ không thật, nếu chấp là thật tức còn mê muội.

Bạch Thế Tôn! Khi con nghe lời nói này, mờ mịt không biết phải nói gì, không biết dùng lời nào để đáp. Con liền để bát xuống, muốn chạy ra khỏi nhà ông. Ông Duy-ma-cật nói: “Thưa ngài Tu-bồ-đề, nhận bát chớ có sợ. Ý ông nghĩ sao? Như đức Như Lai hóa ra một người, người ấy đem việc này hỏi ông thì ông đâu có sợ phải không?” Con thưa: “Không vậy.”

Ông Duy-ma-cật nói: “Tất cả các pháp như tướng huyễn hóa. Nay ông không nên sợ. Vì cớ sao? Tất cả lời nói không lìa tướng ấy. Đến với người trí, không chấp văn tự, nên không sợ. Vì cớ sao? Tánh văn tự lìa, không có văn tự, ấy là giải thoát. Tướng giải thoát ắt là các pháp vậy.”

Tôn giả Tu-bồ-đề nghe những lời nói táo bạo đó liền hoảng sợ, muốn để bát xuống bỏ chạy. Cư sĩ Duy-ma-cật giải thích với tôn giả Tu-bồ-đề, những ngôn ngữ tôi nói là không thật, mà ngài thấy thật là còn mê còn chấp. Còn mê chấp thì không đáng thọ thực. Như vậy mới thấy ý của cư sĩ Duy-ma-cật.

Tóm lại, với tôn giả Tu-bồ-đề thì cư sĩ Duy-ma-cật nói từng phần. Phần trước chỉ cho khất thực phải tâm bình đẳng, thấy pháp bình đẳng. Phần kế phải chuyển được sáu căn đến chỗ giải thoát. Phần sau phải thấy ngôn ngữ văn tự là không thật. Như vậy mới xứng đáng nhận thức ăn.

[ Quay lại ]