headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 09/01/2025 - Ngày 10 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

KINH DUY MA CẬT: I- PHẨM PHẬT QUỐC

phamphatquocHT. Thích Thanh Từ - giảng

Chánh văn:

Tôi nghe như vầy: Một hôm Phật ở thành Tỳ-da-ly, vườn cây am-la, cùng với chúng đại Tỳ-kheo tám ngàn người chung hội, Bồ-tát có ba muôn hai ngàn vị là những bậc có tiếng tăm, đại trí bản hạnh thảy đều thành tựu. Do oai thần của chư Phật mà dựng lập nên, là thành để hộ pháp và thọ trì chánh pháp. Các vị Bồ-tát đó hay rống tiếng rống sư tử, danh tiếng đồn đãi khắp mười phương. Các ngài làm bạn không đợi chúng thỉnh, đến để an ủi họ. Và nối tiếp Tam bảo, hay khiến không đoạn dứt. Hàng phục các ma quái và chế ngự chúng ngoại đạo.

Các ngài đều đã thanh tịnh, hằng lìa triền cái. Tâm thường an trụ trong vô ngại giải thoát. Nào là niệm, định, tổng trì, biện tài không dứt. Nào là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ và sức phương tiện thảy đều đầy đủ, đều không sở đắc, không khởi pháp nhẫn.

Đã hay tùy thuận chuyển bánh xe bất thối. Khéo hiểu pháp tướng, biết được căn cơ của chúng sanh. Che chở các đại chúng được vô sở úy, dùng công đức trí tuệ để tu tâm, lấy tướng hảo để trang nghiêm sắc thân làm đệ nhất, xả bỏ hết các đồ trang sức ở thế gian.

Danh tiếng của các ngài cao xa, vượt cả núi Tu-di. Lòng tin vững chắc như kim cương. Pháp bảo này soi khắp như mưa nước cam lồ. Ở trong chúng nói pháp vi diệu đệ nhất. Các ngài thâm nhập được lý duyên khởi và đoạn các tà kiến, không dính mắc hai bên có không và không còn những tập khí thừa. Diễn pháp không sợ, như sư tử rống, những lời của các ngài giảng nói ra như tiếng sấm vang, không có lượng và đã quá hạn lượng.

Nhóm họp các pháp bảo, như hải đạo sư, thấu suốt nghĩa thâm diệu của các pháp. Khéo biết chỗ qua lại và tâm sở hành của chúng sanh. Gần bậc Phật vô đẳng đẳng, tự tại tuệ, thập lực, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng. Các vị Bồ-tát này đã đóng cửa tất cả các đường ác mà sanh trong ngũ thú để hiện thân kia.

Các ngài là vua thầy thuốc, khéo trị lành bệnh cho chúng sanh, hợp với bệnh cho thuốc, khiến đều được lành bệnh. Các ngài vô lượng công đức thảy đều thành tựu, vô lượng cõi Phật thảy đều trang nghiêm thanh tịnh. Ai thấy hay nghe được các ngài đều có lợi ích. Những việc làm của các ngài đều không luống uổng. Như thế tất cả công đức thảy đều đầy đủ.

Tên của các ngài là Bồ-tát Đẳng Quán, Bồ-tát Bất Đẳng Quán, Bồ-tát Đẳng Bất Đẳng Quán, Bồ-tát Định Tự Tại Vương, Bồ-tát Pháp Tự Tại Vương, Bồ-tát Pháp Tướng, Bồ-tát Quang Tướng, Bồ-tát Quang Nghiêm, Bồ-tát Đại Nghiêm, Bồ-tát Bảo Tích, Bồ-tát Biện Tích, Bồ-tát Bảo Thủ, Bồ-tát Bảo Ấn Thủ, Bồ-tát Thường Cử Thủ, Bồ-tát Thường Hạ Thủ, Bồ-tát Thường Thảm, Bồ-tát Hỷ Căn, Bồ-tát Hỷ Vương, Bồ-tát Biện Âm, Bồ-tát Hư Không Tạng, Bồ-tát Chấp Bảo Cự, Bồ-tát Bảo Dũng, Bồ-tát Bảo Kiến, Bồ-tát Đế Võng, Bồ-tát Minh Võng, Bồ-tát Vô Duyên Quán, Bồ-tát Huệ Tích, Bồ-tát Bảo Thắng, Bồ-tát Thiên Vương, Bồ-tát Hoại Quỷ, Bồ-tát Điện Đức, Bồ-tát Tự Tại Vương, Bồ-tát Công Đức Tướng Nghiêm, Bồ-tát Sư Tử Hống, Bồ-tát Lôi Âm, Bồ-tát Sơn Tướng Kích Âm, Bồ-tát Hương Tượng, Bồ-tát Bạch Hương Tượng, Bồ-tát Thường Tinh Tấn, Bồ-tát Bất Hưu Tức, Bồ-tát Diệu Sanh, Bồ-tát Hoa Nghiêm, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đắc Đại Thế, Bồ-tát Phạm Võng, Bồ-tát Bảo Trượng, Bồ-tát Vô Thắng, Bồ-tát Nghiêm Độ, Bồ-tát Kim Kế, Bồ-tát Châu Kế,  Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp Vương Tử... Như thế ba muôn hai ngàn vị.

Lại có muôn vị Phạm thiên, Phạm thiên vương, Thi Khí... từ ở tứ thiên hạ khác đến chỗ Phật để nghe pháp. Lại có một muôn hai ngàn thiên đế cũng từ ở tứ thiên hạ khác đến, ngồi ở trong hội. Cùng những vị chư thiên đại oai lực, long thần, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già... thảy đến ngồi trong hội. Những vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di đều đến ngồi ở trong hội.

Bấy giờ Phật cùng vô lượng trăm ngàn chúng cung kính vây quanh mà vì họ nói pháp, ví như núi chúa Tu-di hiển hiện trong biển cả, ngài ngồi yên trên tòa báu sư tử che trùm khắp cả đại chúng.

Khi ấy ở thành Tỳ-da-ly có ông trưởng giả tên là Bảo Tích, cùng với năm trăm trưởng giả đều mang lọng bảy báu đến chỗ Phật, đầu mặt lễ chân Phật, mỗi vị lấy lọng của mình dâng lên cúng dường Phật. Phật dùng oai lực khiến cho các lọng báu hợp lại thành một cái, che khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, mà những tướng của thế giới rộng lớn này thảy đều hiện ở trong đó. Lại có các núi Tu-di, núi Vân, núi Tuyết, núi Mục-chân-lân-đà, núi Ma-ha Mục-chân-lân-đà, núi Hương, núi Bảo, núi Kim, núi Hắc, núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi, biển cả sông ngòi, các dòng suối và mặt trời mặt trăng,  tinh tú, thiên cung, long cung, cung của các vị tôn thần ở tam thiên đại thiên thế giới này, thảy đều hiện trong cái lọng báu ấy. Lại chư Phật ở mười phương, chư Phật đang nói pháp, cũng đều hiện ở trong lọng báu ấy.

Khi ấy tất cả đại chúng xem thấy thần lực của Phật liền tán thán là điều chưa từng có, đều chắp tay lễ Phật, chiêm ngưỡng dung nhan của Phật, mắt không hề rời. Bấy giờ trưởng giả Bảo Tích liền ở trước Phật làm bài tụng để tán thán:

Mắt Phật đẹp như hoa sen xanh,
Tâm tịnh vượt qua các thiền định;
Tịnh nghiệp lâu đời chẳng kể xiết,
Dùng tịch dẫn chúng nên cúi lạy.
Đã thấy Đại thánh dùng thần biến,
Khắp hiện mười phương vô lượng cõi;
Trong đấy chư Phật diễn nói pháp,
Nơi đây tất cả đều thấy nghe.
Pháp lực của Phật vượt quần sanh,
Thường dùng pháp tài thí tất cả;
Hay khéo phân biệt tướng các pháp,
Nơi nghĩa đệ nhất mà không động;
Đối với các pháp được tự tại,
Nên con cúi đầu lễ Pháp vương.
Nói pháp chẳng có cũng chẳng không,
Do nhân duyên nên các pháp sanh;
Vô ngã, vô tạo, vô thọ giả,
Mà nghiệp thiện ác cũng không mất.
Trước sức hàng ma nơi Phật thọ,
Được cam lồ diệt, thành đạo giác;
Đã không tâm ý không thọ hành,
Mà đều hàng phục các ngoại đạo.
Ba phen chuyển pháp cõi đại thiên,
Pháp ấy xưa nay thường thanh tịnh;
Trời người đắc đạo đó là chứng,
Tam bảo bấy giờ hiện thế gian.
Dùng pháp mầu này độ chúng sanh,
Thọ rồi không lui, thường vắng lặng;
Khỏi già bệnh chết đấng Y vương,
Lạy ngôi Pháp hải đức không lường.
Khen chê chẳng động như Tu-di,
Lòng từ chan rải kẻ lành dữ;
Tâm hạnh bình đẳng như hư không,
Nghe đấng Nhân bảo, ai chẳng kính.
Nay dâng Thế Tôn lọng nhỏ này,
Cõi tam thiên con hiện trong đó;
Thiên cung, long, thần... đều nương ở,
Phẩm Phật Quốc
Càn-thát-bà cùng với dạ-xoa;
Mọi vật trong đời đều thấy rõ,
Phật thương hiện ra biến hóa này;
Thấy việc hy hữu chúng khen Phật,
Con nay lễ đấng Tam giới tôn.
Đại thánh Pháp vương chúng quy ngưỡng,
Tâm tịnh quán Phật thảy vui vẻ;
Đều thấy Thế Tôn ở trước mình,
Đây là thần lực pháp bất cộng.
Phật dùng một tiếng diễn nói pháp,
Chúng sanh tùy loại, thảy được hiểu;
Đều bảo Thế Tôn đồng tiếng mình,
Đây là thần lực pháp bất cộng.
Phật dùng một tiếng diễn nói pháp,
Chúng sanh chỗ hiểu tùy mỗi hạng;
Khắp được thọ hành đều lợi ích,
Đây là thần lực pháp bất cộng.
Phật dùng một tiếng diễn nói pháp,
Hoặc có sợ hãi, hoặc vui mừng;
Hoặc sanh nhàm lìa hoặc dứt nghi,
Đây là thần lực pháp bất cộng.
Kính lễ thập lực đại tinh tấn,
Kính lễ bậc được vô sở úy;29 30
Kinh Duy-ma-cật Giảng Giải
Kính lễ bậc trụ Pháp bất cộng,
Kính lễ tất cả Đại đạo sư;
Kính lễ hay đoạn các kiết phược,
Kính lễ bậc đã đến bờ kia;
Kính lễ hay độ các thế gian,
Kính lễ hằng lìa đường sanh tử.
Thảy biết chúng sanh tướng qua lại,
Khéo nơi các pháp được giải thoát;
Không chấp thế gian như hoa sen,
Thường khéo vào nơi hạnh không tịch;
Đạt các pháp tướng không quái ngại,
Lễ đấng không nương tợ hư không.

Khi ấy ông trưởng giả Bảo Tích nói kệ này rồi bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Năm trăm ông trưởng giả này đều đã phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mong được nghe cõi Phật thanh tịnh. Cúi mong Thế Tôn nói hạnh của các vị Bồ-tát ở cõi Phật thanh tịnh.

Phật bảo:

- Lành thay! Bảo Tích, mới hay vì chư Bồ-tát mà hỏi hạnh của Như Lai ở cõi tịnh. Lắng nghe, lắng nghe! Hãy khéo suy nghĩ, tôi sẽ vì ông nói.

Khi ấy Bảo Tích và năm trăm ông trưởng giả vâng lời Phật dạy lắng nghe. Phật bảo:

- Bảo Tích, những loài chúng sanh là cõi Phật của Bồ-tát. Vì cớ sao? Bồ-tát tùy chỗ hóa độ chúng sanh mà nhận lấy cõi Phật, tùy chỗ điều phục chúng sanh mà nhận lấy cõi Phật, tùy chúng sanh ưng theo quốc độ nào vào được trí tuệ Phật mà nhận lấy cõi Phật, tùy chúng sanh ưng theo quốc độ nào phát khởi căn tánh Bồ-tát mà nhận lấy cõi Phật. Vì cớ sao? Bồ-tát nhận lấy cõi tịnh độ, đều vì lợi ích cho chúng sanh. Ví như có người muốn nơi chỗ đất trống xây dựng nhà cửa lâu đài, tùy ý không trở ngại. Nếu ở trong hư không thì trọn không thể xây dựng được. Bồ-tát cũng như thế, vì thành tựu chúng sanh nên nguyện nhận lấy cõi Phật, nguyện nhận lấy cõi Phật chẳng phải là nguyện suông.

Bảo Tích nên biết! Trực tâm là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, những chúng sanh không dua nịnh được sanh về cõi nước kia.

Thâm tâm là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, những chúng sanh nào đầy đủ công đức mới được sanh về cõi nước kia.

Bồ-đề tâm là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, những chúng sanh nào phát tâm Đại thừa sẽ được sanh vào cõi nước đó.

Bố thí là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, những chúng sanh hay xả bỏ tất cả được sanh về cõi nước kia.

Trì giới là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, những chúng sanh nào thực hành mười điều thiện, hạnh nguyện đầy đủ, sẽ được sanh về cõi nước kia.

Nhẫn nhục là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, những chúng sanh trang nghiêm ba mươi hai tướng tốt sẽ sanh về cõi nước kia.

Tinh tấn là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, tất cả những chúng sanh siêng năng tinh tấn đầy đủ công đức thì sanh về cõi nước kia.

Thiền định là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, những chúng sanh nhiếp tâm không loạn thì được sanh về cõi nước kia.

Trí tuệ là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, tất cả những chúng sanh chánh định thì được sanh về cõi nước kia.

Tứ vô lượng tâm là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, những chúng sanh thành tựu từ bi hỷ xả sẽ được sanh về cõi nước kia.

Tứ nhiếp pháp là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, chúng sanh được nhiếp phục giải thoát sẽ sanh về cõi nước kia.

Phương tiện là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, chúng sanh đối tất cả pháp khéo phương tiện không ngăn ngại thì được sanh về cõi nước kia.

Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, những chúng sanh được niệm xứ, chánh cần, thần túc, căn lực, giác chi, bát chánh đạo, được sanh về cõi kia.

Hồi hướng tâm là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật được tất cả công đức đầy đủ ở cõi Phật.

Nói trừ tám nạn ấy là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, cõi nước không có ba đường ác và tám nạn.

Tự giữ giới hạnh chẳng có chê bai khuyết điểm của người khác, ấy là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật thì cõi nước không có danh từ phạm giới.

Thập thiện là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật thì những chúng sanh mạng không bị chết yểu, giàu có, Phạm hạnh, nói ra những lời chân thật, thường nói lời nhỏ nhẹ, quyến thuộc không chia lìa, khéo điều hòa các sự thưa kiện, nói ra đều lợi ích cho người, không tật đố, không nóng giận, được chánh kiến sẽ được sanh về cõi nước kia.

Như thế Bảo Tích, Bồ-tát tùy tâm ngay thẳng kia thì hay phát hạnh. Tùy phát hạnh đó liền được thâm tâm. Tùy thâm tâm kia ắt ý được điều phục. Tùy tâm ý điều phục ắt là được việc làm như lời nói.

Khi lời nói việc làm đi đôi, mới hay hồi hướng. Tùy hồi hướng đó mà tiến tới phương tiện.

Tùy phương tiện ắt thành tựu chúng sanh. Tùy thành tựu chúng sanh ắt được cõi Phật thanh tịnh. Tùy cõi Phật thanh tịnh ắt nói pháp được thanh tịnh. Tùy nói pháp thanh tịnh đó thì trí tuệ thanh tịnh.

Tùy trí tuệ thanh tịnh, tâm được thanh tịnh. Tùy tâm thanh tịnh ắt tất cả công đức được thanh tịnh.

Thế nên Bảo Tích, nếu Bồ-tát muốn được cõi tịnh độ phải tịnh tâm kia. Tùy tâm kia tịnh thì cõi Phật tịnh.

Khi ấy ngài Xá-lợi-phất nương nơi oai thần của Phật, khởi nghĩ thế này: "Nếu tâm của Bồ-tát thanh tịnh thì cõi nước thanh tịnh, đức Thế Tôn của ta ngày xưa khi làm Bồ-tát, ý đâu chẳng thanh tịnh, mà cõi Phật này bất tịnh như thế ấy?"

Phật biết ý nghĩ của ngài Xá-lợi-phất, liền bảo ngài rằng:

- Ý ông nghĩ sao, mặt trời mặt trăng há chẳng sáng ư, mà người mù không thể thấy?

Ngài Xá-lợi-phất thưa:

- Bạch Thế Tôn, không phải vậy. Lỗi là tại người mù, chứ không phải lỗi tại mặt trời mặt trăng.

Phật bảo:

- Xá-lợi-phất! Vì chúng sanh tội chướng không thấy được cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh của Như Lai, chẳng phải lỗi của Như Lai. Này Xá-lợi-phất, cõi nước này của ta thanh tịnh mà ông không thấy.
Khi đó Phạm vương Loa Kế nói với ngài Xá-lợi-phất:

- Chớ khởi nghĩ cõi Phật này là không thanh tịnh. Vì cớ sao? Tôi thấy cõi Phật thanh tịnh của đức Thích-ca-mâu-ni ví như là cung của vua trời Tự Tại vậy.

Ngài Xá-lợi-phất nói:

- Tôi thấy cõi này gò nổng hầm hố, gai góc cát sỏi, đất đá núi non, nhơ nhớp dẫy đầy.

Phạm vương Loa Kế mới nói:

- Tâm nhân giả có cao thấp, không nương nơi trí tuệ Phật, cho nên thấy cõi này ô uế như vậy. Thưa ngài Xá-lợi-phất, Bồ-tát đối với tất cả chúng sanh thảy đều bình đẳng, thâm tâm thanh tịnh nương nơi trí tuệ Phật, hay thấy cõi Phật thanh tịnh.

Bấy giờ Phật dùng ngón chân ấn xuống đất, liền khi đó tam thiên đại thiên thế giới, bao nhiêu trăm ngàn trân bảo trang sức, ví như là cõi nước Vô Lượng Công Đức Bảo Trang Nghiêm của đức Phật Bảo Trang Nghiêm. Tất cả đại chúng khen ngợi việc chưa từng có và đều tự thấy đang ngồi trên tòa sen báu. Phật bảo ngài Xá-lợi-phất:

- Ông hãy xem, cõi nước Phật trang nghiêm thanh tịnh chăng ?

Ngài Xá-lợi-phất thưa:

- Thưa vâng, Bạch Thế Tôn! Từ trước đến giờ con chưa từng thấy, chưa từng nghe, nay cõi nước Phật đều hiện rõ trang nghiêm thanh tịnh.

Phật bảo ngài Xá-lợi-phất:

- Cõi nước của ta thường thanh tịnh như thế, nhưng vì muốn độ những kẻ căn cơ hạ liệt, nên thị hiện ra cõi đầy nhơ nhớp xấu xa bất tịnh đó thôi. Ví như chư thiên cùng một bát báu đựng thức ăn, tùy phước đức của những người kia mà sắc cơm trong bát có sai khác. Như thế Xá-lợi-phất, nếu người tâm tịnh sẽ thấy cõi này công đức trang nghiêm.

Ngay khi đức Phật hiện cõi nước trang nghiêm thanh tịnh này, năm trăm trưởng giả do ngài Bảo Tích dẫn theo đều được Vô sanh pháp nhẫn, tám muôn bốn ngàn người đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Phật nhiếp thần túc, khi ấy thế giới trở lại như cũ. Ba muôn hai ngàn chư thiên và những người cầu Thanh văn thừa, đều biết pháp hữu vi thảy đều vô thường, xa lìa trần cấu, được pháp nhãn tịnh. Tám ngàn Tỳ-kheo không thọ các pháp, lậu tận ý giải.
 

Giảng:

Tôi nghe như vầy: Một hôm Phật ở thành Tỳ-da-ly, vườn cây am-la, cùng với chúng đại Tỳ-kheo tám ngàn người chung hội, Bồ-tát có ba muôn hai ngàn vị là những bậc có tiếng tăm, đại trí bản hạnh thảy đều thành tựu. Do oai thần của chư Phật mà dựng lập nên, là thành để hộ pháp và thọ trì chánh pháp. Các vị Bồ-tát đó hay rống tiếng rống sư tử, danh tiếng đồn đãi khắp mười phương. Các ngài làm bạn không đợi chúng thỉnh, đến để an ủi họ. Và nối tiếp Tam bảo, hay khiến không đoạn dứt. Hàng phục các ma quái và chế ngự chúng ngoại đạo.

Đây là tán thán công đức của ba muôn hai ngàn vị Bồ-tát có mặt trong hội. Thường trong những thời Phật thuyết pháp có một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo câu hội, ở đây có tám ngàn đại Tỳ-kheo mà không nêu tên, chỉ kể và đề cao các vị Bồ-tát. Đó là đặc điểm của bộ kinh. Những vị Bồ-tát này tất cả thiên hạ ai cũng nghe cũng biết, là những bậc trí tuệ rộng lớn và công hạnh đều đã thành tựu. Các ngài đã được chư Phật lâu đời dựng lập nên. Các vị Bồ-tát này là thành hộ pháp tức ủng hộ chánh pháp, và cũng thọ trì chánh pháp, hay giảng dạy, danh tiếng đồn khắp mười phương.
Các ngài làm bạn không đợi thỉnh mời, nói lên tâm của Bồ-tát khi cần làm lợi ích chúng sanh thì lăn xả vào làm. Còn chúng ta có ai mời mới giảng, như vậy chỉ là bạn khi nào có kẻ mời. Các ngài có khả năng nối nắm, hưng thịnh, duy trì Tam bảo, hàng phục ma quân và ngoại đạo.

Các ngài đều đã thanh tịnh, hằng lìa triền cái. Tâm thường an trụ trong vô ngại giải thoát. Nào là niệm, định, tổng trì, biện tài không dứt. Chữ cái là ngũ cái, triền là thập triền. Các ngài hằng xa lìa được ngũ cái và thập triền. Tổng trì là gồm hết, nhớ hết. Biện tài là tài biện luận. Đó là khả năng của các ngài.

Nào là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ và sức phương tiện thảy đều đầy đủ, đều không sở đắc, không khởi pháp nhẫn. Tại sao tu mà không khởi pháp nhẫn? Như hiện giờ, chúng ta do tâm ý còn sân si nhiều, ai động đến liền nổi giận. Người muốn tu phải đè cơn giận xuống là nhẫn, nhẫn nhịn như thế gọi là tu. Nếu người nói tới mà ta không nhẫn thì dễ sân si. Nhưng tại sao ở đây các ngài lại không khởi pháp nhẫn? Đối với chúng ta, tưởng nhẫn hay là tu hay, nhưng nhẫn hay là tại sân nhiều. Còn các ngài tham sân si đã dứt, đâu cần khởi nhẫn! Vì vậy nên nói vô sở đắc.
Đã hay tùy thuận chuyển bánh xe bất thối. Khéo hiểu pháp tướng, biết được căn cơ của chúng sanh. Che chở các đại chúng được vô sở úy, dùng công đức trí tuệ để tu tâm, lấy tướng hảo để trang nghiêm sắc thân làm đệ nhất, xả bỏ hết các đồ trang sức ở thế gian.

Lấy công đức trí tuệ mà tu tâm thì dễ hiểu, còn lấy tướng tốt để trang nghiêm sắc thân làm bậc nhất, xả bỏ đồ trang sức thế gian là sao? Thường ở thế gian, muốn trang nghiêm thân phải có đồ trang sức để làm tăng vẻ đẹp. Đó chỉ là hình thức, là phương tiện bên ngoài. Với Bồ-tát thì lấy ba mươi hai tướng tốt của Phật để trang nghiêm thân. Ba mươi hai tướng tốt đều do công phu tu hành mà được. Nghĩa là muốn trang nghiêm thân thì lấy công đức tu hành để thân có đầy đủ tướng tốt, chứ không phải mượn các món trang sức bên ngoài. Trong ba mươi hai tướng tốt của Phật, như tướng lưỡi rộng dài là do tu hạnh không nói dối, trái tai dài được sống thọ là do tu hạnh không giết hại chúng sanh. Mỗi tướng tốt đều do công hạnh tu của các ngài mà được.

Như vậy muốn được những tướng tốt đó phải tu những công hạnh nêu trên. Lấy công hạnh để trang sức thân mình, chứ không vay mượn những thứ bên ngoài. Thế nên, các ngài bỏ hết những đồ trang sức ở thế gian là vậy. Danh tiếng của các ngài cao xa, vượt cả núi Tu-di. Lòng tin vững chắc như kim cương. Pháp bảo này soi khắp như mưa nước cam lồ. Ở trong chúng nói pháp vi diệu đệ nhất. Các ngài thâm nhập được lý duyên khởi và đoạn các tà kiến, không dính mắc hai bên có không và không còn những tập khí thừa. Diễn pháp không sợ, như sư tử rống, những lời của các ngài giảng nói ra như tiếng sấm vang, không có lượng và đã quá hạn lượng.

Tiếng tăm của các ngài lưu truyền rộng khắp. Pháp âm vang xa không ngằn mé.

Nhóm họp các pháp bảo, như hải đạo sư, thấu suốt nghĩa thâm diệu của các pháp. Khéo biết chỗ qua lại và tâm sở hành của chúng sanh. Gần bậc Phật vô đẳng đẳng, tự tại tuệ, thập lực, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng.

Hải đạo sư là vị thầy dẫn đường đi biển. Pháp của Phật nói ra đều tùy bệnh cho thuốc, chúng sanh bệnh nhiều nên pháp Phật cũng nhiều. Các vị Bồ-tát nhóm họp các pháp bảo, thấu suốt nghĩa thâm diệu của các pháp, có đủ phương tiện dìu dắt chúng sanh như bậc thầy dẫn người đi biển. Các vị Bồ-tát này thường gần gũi đức Phật là bậc Vô đẳng đẳng, được tự tại tuệ, được thập lực, được tứ vô sở úy, thập bát bất cộng.

Các vị Bồ-tát này đã đóng cửa tất cả các đường ác mà sanh trong ngũ thú để hiện thân kia.

Đóng cửa các đường ác thì nghiệp dẫn sanh trong cõi xấu ác không còn nữa, nhưng ở đây nói các ngài đã đóng cửa tất cả đường ác lại hiện sanh trong ngũ thú. Câu này nghe mâu thuẫn, bởi các ngài đã không còn nghiệp để sanh trong tam giới. Nhưng vì lòng đại bi thệ nguyện vào trong ngũ thú để giáo hóa chúng sanh.

Các ngài là vua thầy thuốc, khéo trị lành bệnh cho chúng sanh, hợp với bệnh cho thuốc, khiến đều được lành bệnh. Các ngài vô lượng công đức thảy đều thành tựu, vô lượng cõi Phật thảy đều trang nghiêm thanh tịnh. Ai thấy hay nghe được các ngài đều có lợi ích. Những việc làm của các ngài đều không luống uổng. Như thế tất cả công đức thảy đều đầy đủ.

Đoạn này tán thán công đức của những vị Bồ-tát rất đầy đủ.

Tên của các ngài là Bồ-tát Đẳng Quán, Bồ-tát Bất Đẳng Quán, Bồ-tát Đẳng Bất Đẳng Quán, Bồ-tát Định Tự Tại Vương, Bồ-tát Pháp Tự Tại Vương, Bồ-tát Pháp Tướng, Bồ-tát Quang Tướng, Bồ-tát Quang Nghiêm, Bồ-tát Đại Nghiêm, Bồ-tát Bảo Tích, Bồ-tát Biện Tích, Bồ-tát Bảo Thủ, Bồ-tát Bảo Ấn Thủ, Bồ-tát Thường Cử Thủ, Bồ-tát Thường Hạ Thủ, Bồ-tát Thường Thảm, Bồ-tát Hỷ Căn, Bồ-tát Hỷ Vương, Bồ-tát Biện Âm, Bồ-tát Hư Không Tạng, Bồ-tát Chấp Bảo Cự, Bồ-tát Bảo Dũng, Bồ-tát Bảo Kiến, Bồ-tát Đế Võng, Bồ-tát Minh Võng, Bồ-tát Vô Duyên Quán, Bồ-tát Huệ Tích, Bồ-tát Bảo Thắng, Bồ-tát Thiên Vương, Bồ-tát Hoại Quỷ, Bồ-tát Điện Đức, Bồ-tát Tự Tại Vương, Bồ-tát Công Đức Tướng Nghiêm, Bồ-tát Sư Tử Hống, Bồ-tát Lôi Âm, Bồ-tát Sơn Tướng Kích Âm, Bồ-tát Hương Tượng, Bồ-tát Bạch Hương Tượng, Bồ-tát Thường Tinh Tấn, Bồ-tát Bất Hưu Tức, Bồ-tát Diệu Sanh, Bồ-tát Hoa Nghiêm, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đắc Đại Thế, Bồ-tát Phạm Võng, Bồ-tát Bảo Trượng, Bồ-tát Vô Thắng, Bồ-tát Nghiêm Độ, Bồ-tát Kim Kế, Bồ-tát Châu Kế, Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp Vương Tử... Như thế ba muôn hai ngàn vị.

Lại có muôn vị Phạm thiên, Phạm thiên vương, Thi Khí... từ ở tứ thiên hạ khác đến chỗ Phật để nghe pháp. Lại có một muôn hai ngàn thiên đế cũng từ ở tứ thiên hạ khác đến, ngồi ở trong hội. Cùng những vị chư thiên đại oai lực, long thần, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già... thảy đến ngồi trong hội. Những vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di đều đến ngồi ở trong hội.

Bấy giờ Phật cùng vô lượng trăm ngàn chúng cung kính vây quanh mà vì họ nói pháp, ví như núi chúa Tu-di hiển hiện trong biển cả, ngài ngồi yên trên tòa báu sư tử che trùm khắp cả đại chúng.

Đoạn này là phần tựa, diễn tả cảnh pháp hội Phật sắp thuyết giảng. Trong pháp hội gồm có những ai, số người tham dự và buổi họp đó diễn ra nơi nào, đều kể ra cho chúng ta biết.

Khi ấy ở thành Tỳ-da-ly có ông trưởng giả tên là Bảo Tích, cùng với năm trăm trưởng giả đều mang lọng bảy báu đến chỗ Phật, đầu mặt lễ chân Phật, mỗi vị lấy lọng của mình dâng lên cúng dường Phật. Phật dùng oai lực khiến cho các lọng báu hợp lại thành một cái, che khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, mà những tướng của thế giới rộng lớn này thảy đều hiện ở trong đó. Lại có các núi Tu-di, núi Vân, núi Tuyết, núi Mục-chân-lân-đà, núi Ma-ha Mục-chân-lân-đà, núi Hương, núi Bảo, núi Kim, núi Hắc, núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi, biển cả sông ngòi, các dòng suối và mặt trời mặt trăng, tinh tú, thiên cung, long cung, cung của các vị tôn thần ở tam thiên đại thiên thế giới này, thảy đều hiện trong cái lọng báu ấy. Lại chư Phật ở mười phương, chư Phật đang nói pháp, cũng đều hiện ở trong lọng báu ấy.

Đoạn này có hai phần: Sự và Lý.

Phần sự, trưởng giả Bảo Tích cùng năm trăm trưởng giả, mỗi người đem lọng báu của mình hiến dâng lên Phật. Do thần lực của Phật hóa hiện những lọng báu hợp lại thành một. Khi ấy tất cả núi sông đất liền... trong cõi tam thiên đại thiên thế giới này, cho tới hình ảnh cung trời, cùng các vị thần..., mười phương chư Phật nói pháp ở các cõi nước xa, đều hiển hiện trong đó.

Phần lý, trong bản kinh này chủ yếu là nói về tâm. Ở đây những lọng báu của các vị trưởng giả là dụ cho tâm riêng. Tâm riêng tư thì không có diệu dụng. Khi đã hợp nhất rồi, tâm mới thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì mười phương cõi Phật, cho tới sum la vạn tượng đều hiện rõ trong đó. Nên nói tâm tịnh thì quốc độ tịnh. Đây là một bằng chứng cụ thể, không phải nói xa vời.

Thí dụ đức Phật ngồi tu dưới cội bồ-đề, khi tâm hoàn toàn thanh tịnh thì mười phương cõi nước hay các hành tinh xa tít ngài đều nhìn thấy rõ, cho nên ngài mới nói có hằng hà sa số thế giới. Do tâm thanh tịnh nên đức Phật thấy được vô số thế giới bên ngoài, cũng như thấy những vi trùng nhỏ tí ti, mà lúc đó chưa có phương tiện để thấy được như thời nay. Như vậy rõ ràng tâm tịnh thì tất cả đều hiện và thấy được hết. Đó là những điều có thật, không phải do tưởng tượng. Chúng ta tu không mơ ước thần thông, chỉ tiêu diệt phiền não để tâm thanh tịnh. Tâm tịnh thì mọi cảnh bên ngoài, những gì cần biết liền thấy liền biết, không còn nghi ngờ nữa. Chủ yếu của đạo Phật là đạt đến chỗ tâm thanh tịnh thì mới thành cõi Phật thanh tịnh.

Chúng ta mơ ước cõi Phật mà không tu, không điều phục tâm thì điều mơ ước đó chỉ là viển vông.

Khi ấy tất cả đại chúng xem thấy thần lực của Phật liền tán thán là điều chưa từng có, đều chắp tay lễ Phật, chiêm ngưỡng dung nhan của Phật, mắt không hề rời. Bấy giờ trưởng giả Bảo Tích liền ở trước Phật làm bài tụng để tán thán.

Đoạn này ý nói, đại chúng thấy việc chưa từng có, nên chắp tay lễ Phật và tán dương ngài. Lúc bấy giờ trưởng giả Bảo Tích ở trước Thế Tôn làm kệ tán thán.

Mắt Phật đẹp như hoa sen xanh,
Tâm tịnh vượt qua các thiền định;
Tịnh nghiệp lâu đời chẳng kể xiết,
Dùng tịch dẫn chúng nên cúi lạy.

Câu thứ nhất tán thán sắc thân của Phật đẹp đẽ, vì Phật là bậc giác ngộ nên trí tuệ biểu hiện nơi con mắt trong sáng. Câu thứ hai tán thán tâm của Phật. Vì tâm ngài đã hoàn toàn thanh tịnh, nên vượt qua hết các tầng thiền định. Còn tâm chúng ta chưa thanh tịnh, nên phải ngồi thiền để hàng phục và an trụ tâm. Nếu tâm đã an định rồi thì đâu cần ngồi thiền chi nữa! Câu thứ ba tán thán về sự tích lũy vô lượng tịnh nghiẹâp của ngài. Câu thứ tư tán dương Phật là vị đại đạo sư dẫn dắt chúng sanh đến chỗ tịch tịnh Niết-bàn, cho nên đại chúng đảnh lễ ngài. Như vậy chỉ bốn câu kệ đầu, chúng ta thấy đã tán thán đầy đủ: thân, tâm, tịnh nghiệp và luôn cả sự giáo hóa chúng sanh của đức Phật.

Đã thấy Đại thánh dùng thần biến,
Khắp hiện mười phương vô lượng cõi;
Trong đấy chư Phật diễn nói pháp;
Nơi đây tất cả đều thấy nghe.

Bốn câu này tán thán thần lực của Phật. Khi ngài dùng thần lực để hợp các lọng thành một, thì mười phương vô lượng cõi nước đều hiện rõ trong đó và chư Phật đang diễn nói pháp.

Pháp lực của Phật vượt quần sanh,
Thường dùng pháp tài thí tất cả;
Hay khéo phân biệt tướng các pháp,
Nơi nghĩa đệ nhất mà không động;

Bốn câu này tán thán Phật khéo nói pháp. Ngài là đấng Pháp vương, khéo dùng pháp lực để dẫn dắt chúng sanh siêu vượt hơn tất cả. Thường dùng cả tài thí và pháp thí để làm lợi ích cho mọi người. Lại khéo phân biệt tướng các pháp, đối với nghĩa đệ nhất không động. Còn phân biệt là động, nhưng ở đây đối với nghĩa đệ nhất, ngài phân biệt pháp tướng mà tâm không động. Thí dụ cái nhà vốn không tự có, do gạch, xi-măng, cát, nước, tôn, gỗ... hợp lại thành. Phân tích như vậy để thấy cái nhà không thật có, bởi tự tánh là không, mà tánh Không tức là đệ nhất nghĩa.

Đối với các pháp được tự tại,
Nên con cúi đầu lễ Pháp vương.
Nói pháp chẳng có cũng chẳng không,
Do nhân duyên nên các pháp sanh;
Vô ngã, vô tạo, vô thọ giả,
Mà nghiệp thiện ác cũng không mất.

Hai câu đầu, ngài tán thán đức Phật đối với các pháp đã được tự tại, nên cúi đầu đảnh lễ đấng Pháp vương. Bốn câu kế là khen ngợi sự khéo léo nói pháp của Phật. Pháp Phật nói do nhân duyên nên các pháp sanh, không thuộc về có cũng không thuộc về không. Không ngã, không tạo tác, không thọ giả mà nghiệp thiện ác không mất. Thí dụ như bàn tay của tôi, khi xòe năm ngón ra rồi nắm lại thì gọi là nắm tay. Nắm tay có là do nhân duyên hợp. Trước khi năm ngón chưa co lại không có nắm tay, khi co lại tạm gọi là nắm tay, buông ra nắm tay không còn. Nắm tay trước không, sau cũng không. Nếu phân tích từng ngón, ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp, ngón út, tìm nắm tay cũng không có. Như vậy thể của nắm tay là không, duyên hợp tạm có. Nên nói nắm tay là có là không đều không được. Nó có như huyễn như hóa, là hư dối không thật. Thấy được lý nhân duyên thì thấy các pháp không thật, là người trí. Cho nên pháp Phật nói rất khó hiểu, vì trái với cái thấy của phàm phu ngu mê.
Các pháp là vô ngã, là không ta, không người tạo tác, cũng không người thọ nhận mà nghiệp thiện ác không mất. Chúng ta thường nói, đời này làm lành đời sau hưởng phước, như vậy có mình đời này làm và cũng có mình đời sau để hưởng thì dễ hiểu. Ở đây Phật nói vô ngã là không có ta thật, thì làm điều lành rồi đời sau ai hưởng? Mà không có ta thật thì ai làm lành ?

Không có người làm cũng không có người hưởng, tại sao nghiệp báo không mất? Nói như vậy thật khó hiểu. Như hiện tại đây, cái gì là mình? Cái gì là ta? Cái ta thật khó chỉ. Ngay thân này cái gì là ta, chỉ ra không được. Thế mà lúc nào cũng nghĩ có cái ta làm chủ thân này, mà mình làm chủ được thân này chưa ?

Giả sử, có một số trẻ con phá rào chui vô quậy phá vườn chùa, thầy Tri sự thấy liền ra đuổi bọn trẻ. Đó là làm chủ đối với sự việc bên ngoài, có ai xâm phạm mình liền biết và tự giải quyết. Còn trong thân chúng ta, khi ăn là vì muốn ăn hay bao tử trống đòi ăn? Nếu muốn ăn, khi bụng đã no thì dù gặp món rất thích cũng nuốt không vô. Do đó để thấy khi bao tử trống đòi hỏi nên phải ăn. Vậy mà lúc nào cũng nói tôi muốn ăn. Khi ăn chúng ta chỉ biết đem thức ăn vào cơ thể, nó chuyển hóa thế nào, ra sao mình không hay biết. Phải chi ăn vô rồi muốn nó tạo thành chất bổ dưỡng như ý, thì mình mới là chủ. Cũng như những vi trùng ở ngoài xâm nhập vào cơ thể, mình có thể điều khiển các vi trùng bên trong tiêu diệt chúng không? Không thể được. Như vậy chủ ở chỗ nào? Có chủ không? Mà không chủ thì không có ta, không ta tức là vô ngã.

Tuy không chủ nhưng nếu người uống rượu, hút thuốc hoặc á phiện lâu ngày thành ghiền. Ghiền là thói quen khó bỏ, đã tạo thành nghiệp. Như vậy mới thấy không có ngã, không tạo tác, không thọ giả mà nghiệp không mất. Đây là điểm đặc biệt. Lâu nay chúng ta si mê cứ nghĩ mình là chủ, nhưng đó chỉ là tưởng tượng.

Cái giả mà tưởng là thật chứ không có thật. Vì ngay nơi con người, mình chỉ biết khái quát, như những nhu cầu đòi hỏi của thân, chẳng hạn cổ họng khô, uống nước vô cho đỡ khát, được mát mẻ, giúp cơ thể hoạt động... còn mọi sinh hoạt bên trong đều không biết.

Như vậy chúng ta thấy ý nghĩa của đạo Phật thật tế nhị, khó suy lường. Đó là bốn câu tán thán pháp Phật rất nhiệm mầu khó hiểu.

Trước sức hàng ma nơi Phật thọ,
Được cam lồ diệt, thành đạo giác;
Đã không tâm ý không thọ hành,
Mà đều hàng phục các ngoại đạo.

Khi đức Phật ngồi tu dưới cội bồ-đề, ngài dùng sức định để hàng phục chúng ma. Trong tứ đế, diệt đế là Niết-bàn, nên cam lồ diệt tức là vị Niết-bàn. Được diệt đế mới giác ngộ thành đạo, lúc bấy giờ tâm ý và thọ hành, tức là nghiệp đều không còn, mà hàng phục được các ngoại đạo. Như vậy chỉ với mấy chữ thôi mà nghĩa lý thật thâm sâu. Thường thường chúng ta muốn hàng phục, muốn lý luận với ai, trước tiên phải suy nghĩ, tìm đủ lý lẽ để chinh phục họ, đó là sử dụng tâm ý trước. Còn đối với đức Phật, ý nghiệp đã hết, phiền não dứt sạch, tâm hoàn toàn thanh tịnh. Khi ma quái và ngoại đạo đến đề xướng điều gì, ngài không cần suy nghĩ, thấy rõ mọi vấn đề nên khéo nhiếp phục họ. Đó là điểm đặc biệt của Phật, gọi là thời trí.

Ba phen chuyển pháp cõi đại thiên,
Pháp ấy xưa nay thường thanh tịnh;
Trời người đắc đạo đó là chứng,
Tam bảo bấy giờ hiện thế gian.

Đây là tán thán đức Phật ba lần chuyển pháp luân tại vườn Lộc Uyển, cho năm anh em Kiều-trần-như. Ngoài ra, những vị hiện có mặt là trời, người... nhờ đó mà chứng được đạo. Pháp âm của Phật vang xa khắp cõi tam thiên, chư thiên ở các cõi trời, cõi Phạm thiên, long thần, thổ địa... đều lặp lại tiếng thuyết pháp đó. Nên nói là chuyển pháp luân cả đại thiên.

Ba phen chuyển pháp luân tức là chuyển pháp tứ đế, pháp đó xưa nay thường thanh tịnh. Chư thiên và người nhờ pháp này mà chứng được đạo quả. Từ đó mới có đầy đủ Tam bảo hiện ở thế gian. Tam bảo gồm có Phật là Phật bảo, pháp tứ đế là Pháp bảo, năm anh em Kiều-trần-như là Tăng bảo.

Dùng pháp mầu này độ chúng sanh,
Thọ rồi không lui, thường vắng lặng;
Khỏi già bệnh chết đấng Y vương,
Lạy ngôi Pháp hải đức không lường.

Bốn câu này là nói kết quả của pháp Phật rất vi diệu, cứu giúp quần sanh. Người nghe được pháp này tâm không lui sụt, đạt đến chỗ thường vắng lặng thanh tịnh. Đức Phật là đấng Y vương, cho thuốc chúng sanh khỏi  già bệnh chết. Thế nên kính lễ Pháp rộng lớn như biển không ngằn mé, có đầy đủ công đức vô lượng vô biên.

Khen chê chẳng động như Tu-di,
Lòng từ chan rải kẻ lành dữ;
Tâm hạnh bình đẳng như hư không,
Nghe đấng Nhân bảo, ai chẳng kính.

Bốn câu kệ này tán dương đức Phật, đối với khen chê tâm ngài đều không động, như núi Tu-di dù có giông bão vẫn không lay động. Ngài dùng tâm từ bi, với người thiện ác đều thương xót bình đẳng không riêng khác. Ở thế gian thấy người hiền gặp khổ thì thương, không thích người dữ nên họ khổ thì cười, còn Phật thì thương tất cả. Vì vậy nói tâm hành của ngài bình đẳng như hư không, nên ai nghe đến đấng quý báu hơn cả cõi trời cõi người, thảy đều kính trọng vâng theo.

Nay dâng Thế Tôn lọng nhỏ này,
Cõi tam thiên con hiện trong đó;
Thiên cung, long, thần... đều nương ở,
Càn-thát-bà cùng với dạ-xoa;
Mọi vật trong đời đều thấy rõ,
Phật thương hiện ra biến hóa này;

Đoạn này khen ngợi thần lực của Phật. Khi ngài biến các lọng riêng thành một lọng lớn chung và các thế giới đều hiện trong ấy.

Thấy việc hy hữu chúng khen Phật,
Con nay lễ đấng Tam giới tôn.
Đại thánh Pháp vương chúng quy ngưỡng,
Tâm tịnh quán Phật thảy vui vẻ;
Đều thấy Thế Tôn ở trước mình,
Đây là thần lực pháp bất cộng.

Đại chúng thấy việc làm của Phật thật hy hữu, nên tất cả đều tán thán và cung kính đảnh lễ ngài là bậc tối tôn trong tam giới. Phật là đấng Đại thánh, là đấng Pháp vương, mọi người đều quy hướng. Tâm ai thanh tịnh nhìn thấy Phật đều hoan hỷ như ngài đang ở trước mình. Đây là do thần lực của pháp bất cộng.

Phật dùng một tiếng diễn nói pháp,
Chúng sanh tùy loại, thảy được hiểu;
Đều bảo Thế Tôn đồng tiếng mình,
Đây là thần lực pháp bất cộng.

Phật nói pháp chỉ một thứ tiếng mà mỗi người mỗi loài đều nghe như Phật đang dùng tiếng nói của mình, nên tất cả đều kính ngưỡng, đều nhận hiểu. Đó là do thần lực của pháp bất cộng. Như chúng ta nói tiếng Việt, người Việt nghe thì hiểu, còn người Hoa, người Nhật, người Pháp... họ sẽ không hiểu. Trong pháp hội của Phật, chúng quy tụ nào là người, trời, quỷ thần, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la... và chư Bồ-tát từ các nơi đến, mà ngài nói pháp ai cũng nghe cũng hiểu. Cho nên chỉ cần tu thành Phật rồi, nói một thứ tiếng mọi người đều nghe như tiếng của họ, chứ không phải nhọc nhằn học nhiều thứ tiếng nói thiên hạ mới nghe mới hiểu.

Phật dùng một tiếng diễn nói pháp,
Chúng sanh chỗ hiểu tùy mỗi hạng;
Khắp được thọ hành đều lợi ích,
Đây là thần lực pháp bất cộng.

Phật dùng một thứ tiếng nói pháp, mỗi loài đều hiểu và thực hành được lợi ích. Đó cũng là do thần lực của pháp bất cộng.

Phật dùng một tiếng diễn nói pháp,
Hoặc có sợ hãi, hoặc vui mừng;
Hoặc sanh nhàm lìa hoặc dứt nghi,
Đây là thần lực pháp bất cộng.

Phật chỉ dùng một thứ tiếng, nói một pháp, mà có người nghe thì sợ, người nghe sanh vui mừng, người sanh nhàm chán, người lại dứt nghi. Thí dụ Phật nói làm thập ác phải đọa địa ngục, tu thập thiện được sanh lên cõi trời. Người làm thập ác nghe hoảng sợ, người tu thập thiện tâm sanh vui mừng. Những người từ trước đến giờ việc lành việc ác đều có làm, khi nghe Phật dạy họ chán điều ác, cố làm điều lành, tức là chán lìa. Lại có người thấy người này làm lành, người kia làm ác, họ không biết kết quả ra sao, bây giờ nghe Phật dạy nên không còn nghi. Chỉ một câu nói mà có kẻ sợ, người mừng, kẻ chán, người hết nghi. Qua đó chúng ta thấy ý nghĩa của Phật diễn nói rất rộng rãi cũng do thần lực của pháp bất cộng.

Kính lễ thập lực đại tinh tấn,
Kính lễ bậc được vô sở úy;
Phẩm Phật Quốc
Kính lễ bậc trụ Pháp bất cộng,
Kính lễ tất cả Đại đạo sư;
Kính lễ hay đoạn các kiết phược,
Kính lễ bậc đã đến bờ kia;
Kính lễ hay độ các thế gian,
Kính lễ hằng lìa đường sanh tử.

Đoạn này trưởng giả Bảo Tích kính lễ đức Phật là đấng đầy đủ thập lực, đại tinh tấn, đã chứng được tứ vô sở úy, trụ nơi pháp bất cộng, là vị Đại đạo sư của tất cả. Ngài đã đoạn dứt những trói buộc của ngũ dục trong tam giới, lìa đường sanh tử đến bờ giác ngộ, độ khắp thế gian.

Thảy biết chúng sanh tướng qua lại,
Khéo nơi các pháp được giải thoát;
Không chấp thế gian như hoa sen,
Thường khéo vào nơi hạnh không tịch;
Đạt các pháp tướng không quái ngại,
Lễ đấng không nương tợ hư không.

Sáu câu này ý nói Phật là người khéo thấy biết tướng qua lại trong ngũ đạo lục thú của chúng sanh, khéo đối các pháp được giải thoát. Ngài không dính mắc ở thế gian, như hoa sen ra khỏi bùn không hôi mùi bùn, thường khéo vào hạnh không tịch. Ngài thấu suốt tướng các pháp không còn gì chướng ngại. Câu cuối trưởng giả Bảo Tích kính lễ Phật như hư không vô sở y. Đến đây, ông không còn lễ Phật hình tướng mà lễ Phật vô y, như trong nhà thiền thường nói đạo nhân vô y. Vô y tức là không chỗ nương tựa, không hình tướng, nên lễ Phật vô y là lễ Phật pháp thân. Pháp thân không tướng mạo không chỗ nương tựa, trùm khắp như hư không.

Tóm lại, toàn bài kệ này trưởng giả Bảo Tích tán thán Tam bảo, cuối cùng tán thán Phật pháp thân. Phật pháp thân sẵn có nơi mỗi người chứ không chỉ riêng đức Phật. Như vậy những đoạn trên chỉ là phần diễn tả hội của chư Bồ-tát tập hợp nghe Phật nói pháp và tán thán công đức của Phật thôi.

Khi ấy ông trưởng giả Bảo Tích nói kệ này rồi bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Năm trăm ông trưởng giả này đều đã phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Mong được nghe cõi Phật thanh tịnh. Cúi mong Thế Tôn nói hạnh của các vị Bồ-tát ở cõi Phật thanh tịnh.

Phật bảo:

- Lành thay! Bảo Tích, mới hay vì chư Bồ-tát mà hỏi hạnh của Như Lai ở cõi tịnh. Lắng nghe, lắng nghe! Hãy khéo suy nghĩ, tôi sẽ vì ông nói.

Khi ấy Bảo Tích và năm trăm ông trưởng giả vâng lời Phật dạy lắng nghe. Phật bảo:

- Bảo Tích, những loài chúng sanh là cõi Phật của Bồ-tát. Vì cớ sao? Bồ-tát tùy chỗ hóa độ chúng sanh mà nhận lấy cõi Phật, tùy chỗ điều phục chúng sanh  mà nhận lấy cõi Phật, tùy chúng sanh ưng theo quốc độ nào vào được trí tuệ Phật mà nhận lấy cõi Phật, tùy chúng sanh ưng theo quốc độ nào phát khởi căn tánh Bồ-tát mà nhận lấy cõi Phật. Vì cớ sao? Bồ-tát nhận lấy cõi tịnh độ, đều vì lợi ích cho chúng sanh. Ví như có người muốn nơi chỗ đất trống, xây dựng nhà cửa lâu đài, tùy ý không trở ngại. Nếu ở trong hư không thì trọn không thể xây dựng được. Bồ-tát cũng như thế, vì thành tựu chúng sanh nên nguyện nhận lấy cõi Phật, nguyện nhận lấy cõi Phật chẳng phải là nguyện suông.

Đức Phật giải thích cho ngài Bảo Tích và các vị trưởng giả biết rằng, các loài chúng sanh là cõi tịnh độ của Bồ-tát. Tùy chúng sanh được giáo hóa hoặc được điều phục, tùy chúng sanh ưng cõi nước nào để đạt đến trí tuệ Phật, thì các vị Bồ-tát sẽ nhận lấy cõi Phật tương xứng để giáo hóa, khiến họ phát căn lành, tu hành đến quả vị Bồ-tát hay quả vị Phật.

Bồ-tát nhận lấy cõi Phật thanh tịnh không phải để thụ hưởng cho riêng mình, mà vì sự giáo hóa và lợi ích chúng sanh. Như làm Phật sự, muốn cất chùa to Phật lớn, thâu chúng đông để tạo uy tín riêng mình, vì danh lợi cá nhân mà làm thì không phải hạnh nguyện Bồ-tát. Còn nếu muốn có chỗ trang nghiêm, giúp mọi người an tâm tu hành, đem lợi ích đến cho nhiều người mà trải thân ra làm. Ấy là tâm hạnh Bồ-tát, vì chúng sanh tạo cảnh tịnh độ.

Bởi tâm Bồ-tát lúc nào cũng nhắm thẳng vào chúng sanh, nên các loài chúng sanh là tịnh độ của Bồ-tát. Câu này rất quan trọng. Nếu Bồ-tát làm ngoài ý muốn giáo hóa chúng sanh, đó không phải là Bồ-tát. Như vậy cõi Phật thanh tịnh của chư Bồ-tát là vì lợi ích chúng sanh mà lập, vì lợi ích chúng sanh mà tạo, chứ không phải để thụ hưởng.

Bảo Tích nên biết! Trực tâm là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, những chúng sanh không dua nịnh được sanh về cõi nước kia.

Người thế gian sống vì danh lợi, tiền tài... nên họ chiều uốn để được những gì mong muốn. Còn chúng ta tu sống đơn giản, không nhà cửa, không gia đình, không có những nhu cầu quan trọng thì đâu cần có tâm quanh co chiều uốn, vậy mà thỉnh thoảng cũng có chút chút. Do đó, muốn vào cửa đạo hay muốn sanh về cõi nước của Bồ-tát thì phải trực tâm, vì trực tâm là tịnh độ của Bồ-tát.

Lục Tổ cũng nói trực tâm là đạo tràng. Như vậy Phật và Tổ nhắc nhở chúng ta, đã vào đạo rồi tâm phải ngay thẳng, không chiều uốn để được lòng người. Bồ-tát do nhân trực tâm mà được cõi tịnh độ. Những chúng sanh muốn hưởng quả sanh về cõi nước Bồ-tát đó, cũng phải gieo nhân trực tâm, phải bỏ những dối trá mới được. Điều này không thể thiếu đối với người tu.

Thâm tâm là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, những chúng sanh nào đầy đủ công đức mới được sanh về cõi nước kia.

Thâm tâm là tâm sâu kín, tâm đã tạo đầy đủ nhân tốt, nhân lành; do đó nói thâm tâm là tịnh độ của Bồ-tát. Người muốn sanh về cõi Tịnh độ của Bồ-tát phải có đầy đủ công đức, nên nói khi Bồ-tát thành Phật rồi, chúng sanh nào đầy đủ những công đức mới được sanh về đó.

Bồ-đề tâm là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, những chúng sanh nào phát tâm Đại thừa sẽ được sanh vào cõi nước đó.

Ba thứ tâm này rất thâm thúy. Trực tâm là cửa, thâm tâm là dụng, Bồ-đề tâm là giác. Người tu muốn thành Phật, nhân ban đầu là trực tâm, kế là thâm tâm, sau cùng là giác ngộ. Thế nên người phát tâm Đại thừa là phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mới được sanh về cõi kia. Vì cõi Phật do nhân giác ngộ mà thành, muốn về cõi Phật thanh tịnh mà thiếu giác ngộ thì không thể được.

Bố thí là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, những chúng sanh hay xả bỏ tất cả được sanh về cõi nước kia.

Trì giới là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, những chúng sanh nào thực hành mười điều thiện, hạnh nguyện đầy đủ, sẽ được sanh về cõi nước kia.

Nhẫn nhục là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, những chúng sanh trang nghiêm ba mươi hai tướng tốt sẽ sanh về cõi nước kia.

Tinh tấn là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, tất cả những chúng sanh siêng năng tinh tấn đầy đủ công đức thì sanh về cõi nước kia.

Thiền định là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, những chúng sanh nhiếp tâm không loạn thì được sanh về cõi nước kia.

Trí tuệ là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, tất cả những chúng sanh chánh định thì được sanh về cõi nước kia.

Pháp tu lục độ là nhân để Bồ-tát được quả cõi Phật thanh tịnh. Chúng sanh muốn được sanh về cõi ấy phải tu nhân lục độ.

Tứ vô lượng tâm là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, những chúng sanh thành tựu từ bi hỷ xả sẽ được sanh về cõi nước kia.

Tứ nhiếp pháp là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, chúng sanh được nhiếp phục giải thoát sẽ sanh về cõi nước kia.

Phương tiện là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, chúng sanh đối tất cả pháp khéo phương tiện không ngăn ngại thì được sanh về cõi nước kia.

Tứ vô lượng tâm là bốn tâm vô lượng: từ, bi, hỷ, xả. Bồ-tát tu tứ vô lượng tâm, thành Phật thì cõi Phật được thanh tịnh. Những chúng sanh tu tứ vô lượng tâm, khi thành tựu viên mãn cũng được sanh về cõi của các ngài. Tứ nhiếp pháp là tịnh độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát  thành Phật, những chúng sanh được nhiếp phục giải thoát sẽ sanh về cõi ấy.

Phương tiện là tịnh độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, chúng sanh đối với các pháp khéo dùng phương tiện không ngại sẽ được sanh về cõi nước kia. Như vậy chúng ta thấy, muốn trang nghiêm cõi Phật thanh tịnh, Bồ-tát phải tu đủ các công hạnh như lục độ, tứ vô lượng tâm, tứ nhiếp pháp, phương tiện...

Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, những chúng sanh được niệm xứ, chánh cần, thần túc, căn lực, giác chi, bát chánh đạo, được sanh về cõi kia.

Hồi hướng tâm là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật được tất cả công đức đầy đủ ở cõi Phật.

Nói trừ tám nạn ấy là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, cõi nước không có ba đường ác và tám nạn.

Tự giữ giới hạnh chẳng có chê bai khuyết điểm của người khác, ấy là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật thì cõi nước không có danh từ phạm giới.

Thập thiện là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật thì những chúng sanh mạng không bị chết yểu, giàu có, Phạm hạnh, nói ra những lời chân thật, thường nói lời nhỏ nhẹ, quyến thuộc không chia lìa, khéo điều hòa các sự thưa kiện, nói ra đều lợi ích cho người, không tật đố, không nóng giận, được chánh kiến sẽ được sanh về cõi nước kia.

Ba mươi bảy phẩm trợ đạo gồm tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo. Ba mươi bảy pháp này giúp người tu hành thành tựu đạo quả, nên gọi là trợ đạo.
Hồi hướng tâm là khởi lòng đại bi cứu độ chúng sanh, chuyển công đức lành hướng về quả vị Vô thượng Bồ-đề, Bồ-tát khi thành Phật, được tất cả công đức đầy đủ ở cõi Phật. Sở dĩ gọi tám nạn vì ở tám chỗ này, cảm thọ quả khổ vui có khác, nhưng đều không được thấy Phật, không được nghe chánh pháp. Ở đây đã trừ hết các nạn, nên cõi Phật không có ba đường ác, cũng không có tám nạn. Trong tám nạn này, chúng ta thấy có nạn sanh ở cõi trời Trường Thọ. Tại sao ở cõi trời Trường Thọ lại nói là nạn? Trong kinh Phật nói những người ở cõi trời đó sống lâu cả tiểu kiếp, luôn thụ hưởng sung sướng, nhưng không được thấy Phật, không được nghe chánh pháp. Sống lâu để hưởng mà không có cơ hội để phát tâm làm phước lành, tỉnh giác tiến tu, thì như bị nhốt trong tháp ngà, hưởng hết phước rơi trở lại trần tục, không được lợi ích. Hiểu điều này chúng ta mới thấy, đạo Phật cốt dạy người tu không nên thụ hưởng nhiều, sống trong hoàn cảnh nào mà dễ phát tâm, dễ thức tỉnh để lo tu hành đó là tốt.

Vậy người tu có sợ tai nạn, sợ khổ, sợ bệnh hoạn không? Nhờ bệnh mới thấy thân này vô thường, nhờ tai nạn mới thấy cuộc đời không gì bảo đảm, nhờ cuộc sống chật vật nghèo khó mới thấy cuộc đời là khổ đau. Thế nên những gì thế gian sợ, Phật cho là cần; thế gian ưa muốn Phật cho là nạn. Như người sanh trong gia đình luôn được sung sướng như ý, khó phát tâm tu. Hiểu vậy mới thấy không phải thiếu thốn khổ đau mới là nạn, mà sống trong si mê không biết tu Phật cũng gọi là nạn.

Giữ giới hạnh không chê bai khuyết điểm của người khác là tịnh độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, cõi nước của các ngài không có từ phạm giới. Bổn phận người tu là tự giữ giới hạnh. Người khác không giữ không nên chê bai, biết đâu họ là Bồ-tát thị hiện, làm những điều sai phạm để cảnh tỉnh giáo hóa người. Vì vậy sự tu hành của chúng ta, nếu không có bổn phận trách nhiệm thì không nên chê trách người, cũng không ghét người phạm giới để tỏ ra mình là người trong sạch. Đó là tự làm tổn công đức.

Thập thiện là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành tựu cõi nước thanh tịnh rồi, chúng sanh có đầy đủ những điều kiện là sống lâu, giàu có, phạm hạnh, nói chân thật, thường nói nhỏ nhẹ... không nóng giận, được chánh kiến. Mười điều lợi ích này là do tu nhân thập thiện mà được quả. Giữ giới không sát sanh kết quả là không chết yểu, không trộm cướp thì được giàu có, không tà dâm thì được phạm hạnh. Không nói dối thì được mọi người tin tưởng, không nói ác khẩu thì được người yêu mến, không nói ly gián thì được quyến thuộc không chia lìa, không vu oan cho người thì hòa hợp được sự tranh tụng, không nói thêu dệt thì đem lại lợi ích cho người. Không tham thì không bị tật đố, không sân thì không bị sân nhuế, không tà kiến thì được chánh kiến.

Như thế Bảo Tích, Bồ-tát tùy tâm ngay thẳng kia thì hay phát hạnh. Tùy phát hạnh đó liền được thâm tâm. Tùy thâm tâm kia ắt ý được điều phục. Tùy tâm ý điều phục ắt là được việc làm như lời nói. Khi lời nói việc làm đi đôi, mới hay hồi hướng. Tùy hồi hướng đó mà tiến tới phương tiện. Tùy phương tiện ắt thành tựu chúng sanh. Tùy thành tựu chúng sanh ắt được cõi Phật thanh tịnh. Tùy cõi Phật thanh tịnh ắt nói pháp được thanh tịnh. Tùy nói pháp thanh tịnh đó thì trí tuệ thanh tịnh. Tùy trí tuệ thanh tịnh, tâm được thanh tịnh. Tùy tâm thanh tịnh ắt tất cả công đức được thanh tịnh.

Từ tâm ngay thẳng nên làm việc gì đều lợi ích cho chúng sanh, gọi là phát hạnh. Nhờ hay làm điều lợi ích chúng sanh, nên mới được thâm tâm. Từ thâm tâm mới được ý điều hòa chinh phục. Từ điều hòa chinh phục được ý rồi, lời nói và việc làm mới đi đôi nhau v.v... Tóm lại từ trực tâm cho đến tùy tâm thanh tịnh, thì tất cả công đức đều được thanh tịnh. Câu này chúng ta phải gắng ghi nhớ.

Thế nên Bảo Tích, nếu Bồ-tát muốn được cõi tịnh độ phải tịnh tâm kia. Tùy tâm kia tịnh thì cõi Phật tịnh.

Bồ-tát muốn trang nghiêm tịnh độ, trước tiên tâm phải thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là nhân, cõi Phật thanh tịnh là quả. Nếu tâm cong vạy, nhơ nhớp muốn được về cõi Phật tịnh thì không thể được. Như người nguyện sanh về tịnh độ mà tâm không tịnh, thì cõi Phật làm sao tịnh được? Người biết tu phải lấy tâm làm gốc, không lệ thuộc vào cảnh. Chúng ta thường nghe nói thân là chánh báo, cảnh là y báo. Ở đây Phật nói thẳng, tâm mới là chủ, vì vậy phải sửa tâm trước thì cõi Phật mới được thanh tịnh. Đó là căn bản của sự tu.

Khi ấy ngài Xá-lợi-phất nương nơi oai thần của Phật, khởi nghĩ thế này: "Nếu tâm của Bồ-tát thanh tịnh thì cõi nước thanh tịnh, đức Thế Tôn của ta ngày xưa khi làm Bồ-tát, ý đâu chẳng thanh tịnh, mà cõi Phật này bất tịnh như thế ấy?"

Phật biết ý nghĩ của ngài Xá-lợi-phất, liền bảo ngài rằng:

- Ý ông nghĩ sao, mặt trời mặt trăng há chẳng sáng ư, mà người mù không thể thấy?

Ngài Xá-lợi-phất thưa:

- Bạch Thế Tôn, không phải vậy. Lỗi là tại người mù, chứ không phải lỗi tại mặt trời mặt trăng.

Phật bảo:

- Xá-lợi-phất! Vì chúng sanh tội chướng không thấy được cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh của Như Lai, chẳng phải lỗi của Như Lai. Này Xá-lợi-phất, cõi nước này của ta thanh tịnh mà ông không thấy.

Tôn giả Xá-lợi-phất khởi nghi này thật hợp lý. Vì nói tâm Bồ-tát thanh tịnh nên cõi nước được thanh tịnh. Vậy đức Phật Thích-ca thuở xưa tu hạnh Bồ-tát chẳng lẽ tâm ngài không thanh tịnh, mà bây giờ cõi Ta-bà của Phật lại ô uế thế này? Phật biết ý nghĩ của ngài Xá-lợi-phất nên nói, mặt trời mặt trăng lúc nào cũng sáng nhưng vì người mù không thể thấy nên họ thấy tối. Tối là lỗi tại người mù, chứ không phải lỗi tại mặt trời mặt trăng. Cũng vậy, do chúng sanh tội nghiệp sâu dầy, nên không thấy cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh, đó là lỗi của chúng sanh chứ đâu phải lỗi của đức Như Lai.

Khi đó Phạm vương Loa Kế nói với ngài Xá-lợi-phất:

- Chớ khởi nghĩ cõi Phật này là không thanh tịnh. Vì cớ sao? Tôi thấy cõi Phật thanh tịnh của đức Thích-ca-mâu-ni ví như là cung của vua trời Tự Tại vậy.

Ngài Xá-lợi-phất nói:

- Tôi thấy cõi này gò nổng hầm hố, gai góc cát sỏi, đất đá núi non, nhơ nhớp dẫy đầy.

Phạm vương Loa Kế mới nói:

- Tâm nhân giả có cao thấp, không nương nơi trí tuệ Phật, cho nên thấy cõi này ô uế như vậy. Thưa ngài Xá-lợi-phất, Bồ-tát đối với tất cả chúng sanh thảy đều bình đẳng, thâm tâm thanh tịnh nương nơi trí tuệ Phật, hay thấy cõi Phật thanh tịnh.

Ngay cõi Ta-bà này mà ngài Xá-lợi-phất thì thấy dẫy đầy những điều bất tịnh, còn Phạm vương Loa Kế lại thấy thanh tịnh như cõi trời Tự Tại. Ông giải thích cho ngài Xá-lợi-phất biết, tại sao ngài lại thấy cõi này gai góc, sỏi sạn... Vì tâm ngài còn phân biệt cao thấp. Nếu tâm bình đẳng thì được thâm tâm thanh tịnh, nương nơi trí tuệ Phật sẽ thấy cõi Phật thanh tịnh. Như vậy ngài Xá-lợi-phất và Phạm vương Loa Kế, một bên thấy uế một bên thấy tịnh, là do thấy theo nghiệp.

Như cảnh thiền viện Thường Chiếu ai đến cũng khen đẹp, nhưng trong chúng có người tâm đang bất an, rối loạn thì cảm thấy bực bội, còn người tâm tự tại thoải mái lại thấy vui tươi. Cùng một cảnh, tùy tâm mỗi người nhìn thấy khác nhau. Tâm đang bực bội dù cảnh thế nào cũng thấy bực bội, tâm an lành tự tại nhìn cảnh nào cũng an lành tự tại.

Thế nên các thiền sư dù ở trong núi rừng vắng vẻ vẫn thấy an vui. Còn chúng ta ở trong chùa trang nghiêm thanh tịnh lại bực bội rầu rĩ, muốn bỏ chùa đi là tại sao? Vì trong tâm đang rối loạn. Bởi tâm không an nên dù trong cảnh nào cũng bất an. Do đó mà chúng ta mới thấy rõ trọng tâm phải đặt ở chỗ nào. Ở nơi tâm.

Bấy giờ Phật dùng ngón chân ấn xuống đất, liền khi đó tam thiên đại thiên thế giới, bao nhiêu trăm ngàn trân bảo trang sức, ví như là cõi nước Vô Lượng Công Đức Bảo Trang Nghiêm của đức Phật Bảo Trang Nghiêm. Tất cả đại chúng khen ngợi việc chưa từng có và đều tự thấy đang ngồi trên tòa sen báu. Phật bảo ngài Xá-lợi-phất:

- Ông hãy xem, cõi nước Phật trang nghiêm thanh tịnh chăng?

Ngài Xá-lợi-phất thưa:

- Thưa vâng, Bạch Thế Tôn! Từ trước đến giờ con chưa từng thấy, chưa từng nghe, nay cõi nước Phật đều hiện rõ trang nghiêm thanh tịnh.  Như vậy Phật chỉ cần ấn ngón chân, tôn giả Xá-lợi-phất và đại chúng liền thấy cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh hiện ra. Ngài mới thưa với Phật, từ trước đến giờ con chưa từng thấy, chưa từng nghe. Cả đại chúng đều khen ngợi việc chưa từng có và thấy mình ngồi trên tòa sen báu.

Phật bảo ngài Xá-lợi-phất:

- Cõi nước của ta thường thanh tịnh như thế, nhưng vì muốn độ những kẻ căn cơ hạ liệt, nên thị hiện ra cõi đầy nhơ nhớp xấu xa bất tịnh đó thôi. Ví như chư thiên cùng một bát báu đựng thức ăn, tùy phước đức của những người kia mà sắc cơm trong bát có sai khác. Như thế Xá-lợi-phất, nếu người tâm tịnh sẽ thấy cõi này công đức trang nghiêm.

Cõi nước của Phật thường thanh tịnh, vì muốn độ chúng sanh những kẻ căn cơ hạ liệt nên ngài thị hiện ra cõi nước đầy cấu uế. Tùy theo nghiệp của mỗi người nên thấy khác nhau. Người tâm tịnh thấy cõi này trang nghiêm thanh tịnh, tâm không tịnh thì thấy cõi này nhớp nhúa. Đây là lẽ thật, không thể chối cãi.

Chúng ta ở nơi nào cảnh nào mà tâm thanh tịnh thì nơi đó thanh tịnh. Như những lúc tâm mình thanh thản nhẹ nhàng, ra ngồi dưới gốc điều lòng cảm thấy vui vui. Còn khi bị ai nói nặng nhẹ, bị làm khó dễ, ra ngồi gốc điều lòng cảm thấy buồn bực. Như vậy chúng ta thấy, tâm tịnh liền thấy cõi tịnh, tâm không tịnh dù cõi tịnh cũng biến thành không tịnh.

Tóm lại, muốn thấy cõi nước Phật thanh tịnh thì trước phải tịnh tâm. Tâm mình tịnh, cõi nước mới được thanh tịnh. Với tâm nhơ nhớp, muốn sanh lên cõi tịnh cũng không bao giờ được. Đó là trọng tâm tu hành.

Ở đây Phật dùng thí dụ, ngài nói chư thiên đều có bát báu giống nhau, tùy phước mỗi người mà thức ăn trong bát hiện ra màu sắc, ngon dở khác nhau. Thí dụ này của Phật chúng ta khó hiểu, vì mình chưa bao giờ biết. Thí dụ khác thực tế dễ hiểu hơn, như thí chủ cúng dường một bữa ăn, mâm cao cỗ đầy. Nhưng tùy phước báo mỗi người, người khỏe mạnh ăn thấy ngon, người có bệnh ăn không ngon còn sợ, ngán. Như vậy tùy nghiệp phước của mỗi người mà cảm thọ có khác, chứ không phải do thức ăn.

Ngay khi đức Phật hiện cõi nước trang nghiêm thanh tịnh này, năm trăm trưởng giả do ngài Bảo Tích dẫn theo đều được Vô sanh pháp nhẫn, tám muôn bốn ngàn người đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Phật nhiếp thần túc, khi ấy thế giới trở lại như cũ. Ba muôn hai ngàn chư thiên và những người cầu Thanh văn thừa, đều biết pháp hữu vi thảy đều vô thường, xa lìa trần cấu, được pháp nhãn tịnh. Tám ngàn Tỳ-kheo không thọ các pháp, lậu tận ý giải.

Ngay khi Phật hiện cõi nước trang nghiêm thanh tịnh này, thì trưởng giả Bảo Tích và năm trăm trưởng giả đều được Vô sanh pháp nhẫn, còn tám muôn bốn ngàn vị khác đều phát tâm Bồ-đề. Như vậy khi cảnh trang nghiêm thanh tịnh đang hiện, những vị Bồ-tát liền được Vô sanh pháp nhẫn hoặc phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Còn hàng Thanh văn và người phải đợi đến lúc Phật thâu thần túc lại rồi, thì thấy đang là cõi tịnh bây giờ thành cõi uế, các ngài mới ngộ được lý vô thường, nên xa lìa trần cấu, được pháp nhãn tịnh. Các vị Tỳ-kheo chứng được lậu tận ý giải.

Bồ-tát thấy rõ cõi này vốn thanh tịnh, vì chúng sanh mê nên thấy là bất tịnh. Khi Phật hiện cõi thanh tịnh, các ngài nhận được tịnh độ là từ tâm, nên ngay đó phát tâm vô thượng hoặc chứng đạo. Hàng Thanh văn thấy cõi tịnh biến thành cõi uế, mới thức tỉnh nhận được lý vô thường, chứng được đạo quả Thanh văn. Do đó chúng ta thấy hai trình độ sai biệt nên kết quả cũng sai biệt.

[ Quay lại ]