headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 25/04/2024 - Ngày 17 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

LƯỢC KHẢO LỊCH SỬ KINH

Duy Ma CatHT. Thích Thanh Từ - giảng

Trước khi giảng bộ kinh này, tôi nói sơ qua một vài đặc điểm.

I- PHIÊN DỊCH

Lược khảo bản kinh này chia ra ba phần: Phần dịch Phạn-Hán, phần sớ giải và phần dịch Hán-Việt.

1. Dịch Phạn - Hán

Theo lời giải thích của ngài Trí Giả đại sư, quyển kinh này có năm nhà dịch, nhưng hiện nay trong Hán tạng chúng ta chỉ thấy có ba bản dịch, còn hai bản khác đã thất truyền. Ba nhà dịch đó là:
- Ngài Chi Khiêm đời Ngô, dịch là Phật Thuyết Duy-ma-cật Kinh, hai quyển.

- Ngài Cưu-ma-la-thập đời Diêu Tần, dịch là Duy-ma-cật Sở Thuyết Kinh, còn gọi là Bất Khả Tư Nghì Giải Thoát Kinh, ba quyển.
- Ngài Huyền Trang đời Đường, dịch là Thuyết Vô Cấu Xưng Kinh, sáu quyển.

2. Phần sớ giải

Ở Trung Hoa có tám nhà sớ giải:
- Ngài Trí Khải để tên là Duy-ma Kinh Huyền Sớ, sáu quyển.
- Ngài Trạm Nhiên để tên là Duy-ma Kinh Lược Sớ, mười quyển.
- Ngài Trí Viên để tên là Duy-ma Kinh Lược Sớ Thùy Dụ Ký, mười quyển.
- Ngài Cát Tạng để tên là Tịnh Danh Huyền Luận, tám quyển; và Duy-ma Kinh Nghĩa Sớ, sáu quyển.
- Ngài Khuy Cơ để tên là Thuyết Vô Cấu Xưng Kinh Sớ, sáu quyển.
- Ngài Tăng Triệu chú để tên là Chú Duy-ma-cật Kinh, mười quyển.
- Ngài Huệ Viễn để tên là Duy-ma Nghĩa Sớ, bốn quyển.
- Gần đây nhất là ngài Thế Viên, để tên là Duy-ma Kinh Lược Sớ hay Lược Giải.

3. Dịch Hán - Việt

Có ba vị:
- Hòa thượng Huệ Hưng, dịch in vào năm 1951.
- Ông Đoàn Trung Còn.
- Sư bà Diệu Không.

Bộ kinh chúng ta học ở đây là bản do ngài Cưu-ma-la-thập dịch, gồm ba quyển, mười bốn phẩm. Mục đích kinh này giải thích về cõi Tịnh đôï của Bồ-tát hay tịnh Phật quốc độ. Nghĩa là làm sao thanh tịnh tự tâm và giáo hóa chúng sanh được thanh tịnh thì cõi nước mới thanh tịnh. Đó là trang nghiêm tịnh độ, chứ không phải bỏ cõi Ta-bà để cầu sanh nơi khác. Vậy tịnh độ của kinh Duy-ma-cật là tịnh độ của tự tâm, tịnh độ của Kinh A-di-đà là tịnh độ căn cứ trên quả của Phật đã chứng, đã nguyện.

II- XUẤT XỨ

Vì lòng từ bi bình đẳng của Phật cho nên bộ kinh này ra đời. Ban đầu, chỉ có những người xuất gia tu học theo giáo pháp của đức Phật mới được giải thoát sanh tử chứng A-la-hán, còn hàng cư sĩ tối đa chỉ chứng quả A-na-hàm. Như vậy muốn giải thoát sanh tử phải xuất gia, nếu tại gia tu chỉ là nhân tốt để đời sau tiếp tục tu. Cho nên đã bao thế kỷ qua, từ lúc đức Phật còn tại thế đến nay, người phát tâm tu muốn được giải thoát đều tìm cầu xuất gia. Tuy vậy, người xuất gia dù có nhiều chăng nữa cũng chỉ là số ít, nếu chỉ có một ít phần được giải thoát sanh tử còn đa số không được, tức là số người tu đạt đạo ngày càng bị hạn chế. Thế nên kinh Duy-ma-cật ra đời để nâng cao tinh thần của người cư sĩ tại gia. Nếu cư sĩ tại gia cũng có khả năng tu đạt đạo siêu việt, điều này cho thấy chánh pháp hay giáo lý Phật dạy đem lợi ích khắp mọi tầng lớp, chứ không chỉ dành riêng cho giới xuất gia.

Có một số nhà khảo cứu về lịch sử, thấy từ trước đến nay chỉ có hàng xuất gia đạt đạo chứng quả mà chưa ai nói đến cư sĩ chứng quả cao, bằng và hơn những người xuất gia. Nhưng đến khi kinh Duy-ma-cật ra đời, lại thấy một vị cư sĩ siêu xuất hơn cả người xuất gia nữa. Như vậy đó là một cuộc cách mạng để nâng cao giới cư sĩ, chứ không theo nếp cũ chỉ có người xuất gia mới đạt đạo, giải thoát tự tại v.v...

III- GIẢI THÍCH TÊN KINH

Quyển kinh chúng ta học là do ngài Cưu-ma-la-thập dịch. Tuy ba nhà dịch đều nổi tiếng, nhất là ngài Huyền Trang, nhưng đối chiếu lại từ trước đến nay, hầu hết những nhà học Phật đều lấy bản dịch của ngài Cưu-ma-la-thập làm định bản, tức là bản quyết định. Bản của ngài Cưu-ma-la-thập có hai tên, là Duy-ma-cật Sở Thuyết Kinh hay Bất Khả Tư Nghì Giải Thoát Kinh.

Duy-ma-cật Sở Thuyết Kinh

Duy-ma-cật (VimalakϹrti) là chữ Phạn. Trung Hoa dịch là Tịnh Danh, cũng dịch là Vô Cấu, là tên một vị cư sĩ. Tịnh Danh, Tịnh là trong sạch, Danh là tên, tên trong sạch thì vô nghĩa, nhưng ở đây danh không có nghĩa là tên, mà là danh trong danh sắc của mười hai nhân duyên. Danh là tinh thần, là tâm; sắc là vật chất. Tịnh Danh nghĩa là tâm thanh tịnh hay tâm trong sạch. Cư sĩ Duy-ma-cật là trưởng giả giàu có, thê thiếp, tiền bạc, tôi tớ đầy đủ mà không dính mắc trong danh lợi tài sắc, đó là tâm ông trong sạch, vì vậy gọi  là Tịnh Danh. Vô Cấu là không nhơ tức trong sạch, cho nên hai chữ Tịnh Danh và Vô Cấu nghĩa không khác nhau. Kinh này do cư sĩ Duy-ma-cật nói ra nên có tên là Duy-ma-cật Sở Thuyết.

Bất Khả Tư Nghì Giải Thoát Kinh

Bất khả tư nghì giải thoát, nghĩa là sự giải thoát không thể nghĩ bàn. Như có người muốn dứt hết những nhiễm ô trần tục, nên khi đang giàu có sang trọng, họ bỏ hết tất cả sự nghiệp tài sản, vợ đẹp con yêu để xuất gia. Vào chùa một bề tu hành thanh tịnh, không còn nghĩ tưởng, dính mắc những dục lạc thế gian nữa, những vị đó được giải thoát thì dễ hiểu. Ngược lại, cư sĩ Duy-ma-cật là trưởng giả, vợ con tiền của đầy đủ, mà nói giải thoát thì thật khó tin. Chính vì ở trong cảnh đầy dẫy những nhiễm ô, lại không dính mắc mà còn làm tất cả Phật sự không chướng ngại, thì sự giải thoát đó không thể nghĩ bàn, thế nên gọi là giải thoát bất khả tư nghì. Đây chỉ nói đơn giản nhưng là phần chính yếu của ý nghĩa bộ kinh.

Ngoài ra, kinh Duy-ma-cật là bộ kinh liên hệ rất nhiều đến Thiền tông, thiền sư Huyền Giác do nghiên cứu kinh Duy-ma-cật mà giác ngộ. Một hôm ngài gặp và nói chuyện với thiền sư Huyền Sách, nhận thấy chỗ hiểu của ngài đúng với chư tổ, Huyền Sách mới khuyên ngài đến chỗ Lục Tổ để cầu ấn chứng. Qua lời đối đáp, ngài được Lục Tổ ấn chứng. Như vậy chúng ta thấy ngài ngộ từ kinh Duy-ma-cật, nên kinh này có ảnh hưởng rất lớn trong giới tu thiền.

IV- NỘI DUNG KINH

Trong những bộ kinh, phẩm đầu là phẩm Tự tức là lời tựa. Nhưng ở đây phẩm đầu là phẩm Phật Quốc. Bởi vì trong toàn bộ kinh Duy-ma-cật, chủ đích là thanh tịnh cõi Phật. Muốn thanh tịnh cõi Phật thì phải y cứ nơi tâm chúng sanh. Cõi Phật thanh tịnh là quả, tâm chúng sanh là nhân. Có tâm thanh tịnh mới có cõi Phật thanh tịnh. Như vậy phẩm Phật Quốc là phần tổng quát cho toàn bộ kinh, nên không có phẩm Tựa.

[ Quay lại ]