KINH DUY MA CẬT: III- PHẨM ĐỆ TỬ: A-NAN
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ năm, 22 Tháng một 2015 13:22
Chánh văn:
Phật bảo ngài A-nan:
- Ông đi đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.
Ngài A-nan bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ thuở xưa, Thế Tôn thân có chút bệnh phải dùng sữa bò, con liền mang bát đến đứng trước cửa nhà đại Bà-la-môn. Khi ấy ông Duy-ma-cật đến hỏi con: “Thưa ngài A-nan, vì sao sáng sớm mang bát đến đứng đây?”
Con đáp: “Này cư sĩ, thân Thế Tôn có chút bệnh phải dùng sữa bò, nên tôi đến đứng đây.”
Ông Duy-ma-cật nói: “Thôi, thôi! A-nan chớ có nói lời ấy. Thân Như Lai là thể kim cang, các ác đã dứt, các thiện đã đầy đủ, sao phải có bệnh, sao phải có não? Lặng lẽ mà đi, A-nan. Chớ phỉ báng Như Lai, chớ cho những người khác nghe lời thô này. Không nên để chư thiên đầy đủ oai đức và những vị Bồ-tát đến từ các cõi tịnh độ khác nghe được lời nói này. A-nan, vị Chuyển luân thánh vương chỉ có chút ít phước còn được không bệnh, huống chi Như Lai đầy đủ vô lượng phước đức thù thắng đó ư! Hãy đi A-nan! Chớ khiến chúng tôi phải chịu sự hổ thẹn. Ngoại đạo, Phạm chí nếu nghe được lời này thì sẽ khởi nghĩ rằng: “Sao gọi là thầy? Tự mình không thể cứu bệnh mà có thể cứu bệnh cho người khác?” Ngài nên lén đi mau, chớ để cho người nghe. A-nan nên biết, thân Như Lai tức là pháp thân không phải thân tư dục. Phật là bậc Thế Tôn vượt qua cả tam giới. Thân Phật vô lậu, các lậu đã dứt. Thân Phật vô vi, không rơi vào các số. Thân như thế sao còn có bệnh? Sao còn có não?”
Bạch Thế Tôn! Khi ấy con thật là hổ thẹn, chẳng lẽ con gần Phật mà nghe lầm ư ?
Liền khi ấy ở trong không trung có tiếng: “Này A-nan, đúng như cư sĩ nói. Chỉ vì Phật ra đời nơi ngũ trược ác thế nên thị hiện pháp này để độ thoát chúng sanh. Hãy đi A-nan, nhận lấy sữa chớ hổ thẹn.”
Bạch Thế Tôn! Ông Duy-ma-cật trí tuệ biện tài như thế. Nên con không dám đến thăm bệnh ông.
Như thế năm trăm vị đại đệ tử mỗi vị hướng về Phật nói về bản duyên kia, thuật lại những lời ông Duy-ma-cật, đều nói: “Con không kham đến thăm bệnh ông ấy!”
Giảng:
Đức Thế Tôn có chút bệnh, tôn giả A-nan mang bát đến trước cửa nhà một vị đại Bà-la-môn để xin sữa. Khi ấy cư sĩ Duy-ma-cật đến hỏi tôn giả A-nan, vì sao sáng sớm mang bát đứng đây làm gì? A-nan nói, vì thân Thế Tôn có chút bệnh nên tôi đến đây để xin sữa. Cư sĩ Duy-ma-cật nói: Thân Như Lai là thể kim cang, các ác đã dứt, các thiện đã đầy đủ, sao lại nói có bệnh có não? Tôn giả A-nan hãy lặng lẽ đi mau. Nói như vậy là phỉ báng Như Lai, đừng để ngoại đạo, chư thiên và chư Bồ-tát đến từ các cõi tịnh độ khác nghe lời nói này, thật là xấu hổ.
A-nan, vị Chuyển luân thánh vương chỉ có chút ít phước còn được không bệnh, huống chi Như Lai đầy đủ vô lượng phước đức thù thắng đó ư! Hãy đi A-nan! Chớ khiến chúng tôi phải chịu sự hổ thẹn. Ngoại đạo, Phạm chí nếu nghe được lời này thì sẽ khởi nghĩ rằng: Sao gọi là thầy ? Tự mình không thể cứu bệnh mà có thể cứu bệnh cho người khác ? Vì sao tôn giả A-nan nói thân Như Lai bệnh mà cư sĩ Duy-ma-cật cho là hổ thẹn? Vì ông sợ ngoại đạo, Phạm chí nghe nói lời này sẽ đặt câu hỏi: Đã là một vị thầy, có bệnh không tự cứu, làm sao có thể cứu bệnh cho người khác được ?
Bệnh có thân bệnh và tâm bệnh. Về thân, tôi thường dạy các Phật tử siêng năng ngồi thiền, thân sẽ ít bệnh. Nói về tâm, tu là để diệt phiền não hết khổ đau, chứ đâu có ai nói tu là nuôi phiền não. Mình chưa diệt phiền não làm sao dạy người diệt phiền não được. Người xuất gia dù chỉ mới tu năm tháng mười tháng, ít ra phải bớt phiền não, gương mặt luôn vui tươi. Như vậy mới tạo niềm tin cho người phát tâm đến với đạo.
Có Phật tử nói: “Hôm trước, Thầy con giận mấy chú điệu, muốn bỏ chùa đi. Tụi con phải năn nỉ, xin Thầy ở lại.” Thầy dọa bỏ đi không phải là vì phiền não. Tâm nguyện vị thầy luôn muốn đệ tử trở thành người hữu dụng trong Phật pháp, nên phải răn dạy, rầy la mỗi khi họ làm những điều sai quấy. Nếu không họ cứ tưởng làm như vậy là hay là đúng. Rầy la như thế là vì lòng từ bi.
Người tu phải vượt qua những khó khăn buổi đầu, như ngồi thiền phải chịu đau chân, lúc bệnh không rên không than. Phải tập có sức chịu đựng, thắng được những cơn bệnh nhỏ, chứ đừng yếu đuối. Gốc của việc tu là giải thoát, mà không chịu nắm giữ, cứ vịn những cành lá phiền não rồi nhọc nhằn với nó. Phải gan dạ, dứt khoát buông bỏ mới có thể tiến được. Trước kia tôi bệnh phổi, bác sĩ đang điều trị, bệnh chưa dứt hẳn, nhưng nhờ tôi ngồi thiền nhiều nên hết bệnh lúc nào không hay. Người tu thiền, khi bị cảm ho chỉ cần dụng công ngồi thiền đúng phương pháp, bệnh sẽ tự khỏi.
Ngài nên lén đi mau, chớ để cho người nghe. A-nan nên biết, thân Như Lai tức là pháp thân không phải thân tư dục. Phật là bậc Thế Tôn vượt qua cả tam giới. Thân Phật vô lậu, các lậu đã dứt. Thân Phật vô vi, không rơi vào các số. Thân như thế sao còn có bệnh? Sao còn có não ?
Bạch Thế Tôn! Khi ấy con thật là hổ thẹn. Chẳng lẽ con gần Phật mà nghe lầm ư ?
Ở đây cư sĩ Duy-ma-cật bảo tôn giả A-nan phải lén đi cho nhanh, chớ để cho người khác nghe. Vì thân Phật là pháp thân, là thân đã vượt ra khỏi tam giới, không còn lậu hoặc nên không còn bệnh không còn não.
Lúc đó tôn giả A-nan quá hổ thẹn, cứ bị đuổi đi hoài nên cảm thấy tủi thân. Thầm nghĩ, Phật bệnh mình đi xin sữa cho Phật mà bị ông ấy đuổi như vậy, chẳng lẽ gần bên Phật mà mình nghe lầm chăng ?
Liền khi ấy ở trong không trung có tiếng: “Này A-nan, đúng như cư sĩ nói. Chỉ vì Phật ra đời nơi ngũ trược ác thế nên thị hiện pháp này để độ thoát chúng sanh. Hãy đi A-nan, nhận lấy sữa chớ hổ thẹn.”
Tôn giả A-nan đang suy nghĩ, bỗng trên không trung có tiếng nói xác nhận thêm lời cư sĩ Duy-ma-cật là đúng. Pháp thân Như Lai đâu có bệnh, nhưng vì phương tiện Phật thị hiện sanh trong đời ác ngũ trược, nên cũng có sanh già bệnh chết như chúng sanh để giáo hóa cứu độ họ. Đó là ứng thân của Như Lai. Thế nên tôn giả A-nan phải đi xin sữa cho đức Thế Tôn, đâu có gì phải hổ thẹn.
Bạch Thế Tôn! Ông Duy-ma-cật trí tuệ biện tài như thế. Nên con không dám đến thăm bệnh ông.
Như thế, năm trăm vị đại đệ tử mỗi vị hướng về Phật nói về bản duyên kia, thuật lại những lời ông Duy-ma-cật, đều nói: “Con không kham đến thăm bệnh ông ấy !”
Trong kinh sử của Phật giáo Nguyên thủy nói rất rõ, hàng Nhị thừa quan niệm thân Phật là thân hiện hữu ở thế gian, có ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp, đó là báo thân hay ứng thân. Còn trong giáo lý Đại thừa thấy thân Phật là pháp thân, là thể kim cương bất sanh bất diệt. Kim cương là chất cứng rắn nhất, không gì hoại được, nên trong kinh dùng thể kim cương dụ cho pháp thân. Pháp thân không có tướng, chứ không phải thân hiện hữu khi Phật còn ở Ấn Độ. Pháp thân không tướng làm sao có bệnh mà nói đi xin sữa.
Qua đó chúng ta thấy mỗi bên có cái nhìn khác nhau, một bên nhìn về báo thân hay ứng thân, còn một bên nhìn về pháp thân. Ứng thân hay báo thân là tướng sanh diệt. Nếu tu chỉ được phước tướng, qua mấy mươi năm rồi cũng phải hoại. Mục đích cứu cánh của người tu là phải đạt được pháp thân bất sanh bất diệt. Tuy nhiên, nhờ thân sanh diệt này để tu mới đạt được pháp thân, cho nên từ tướng sanh diệt để tiến tới chỗ vô sanh, mới đúng ý nghĩa cứu cánh chân thật.
Tóm lại, ngoài mười vị đệ tử lớn kể trên còn năm trăm vị đại đệ tử nữa, mỗi vị đều hướng về Phật nói nhân duyên trước kia để khen ngợi cư sĩ Duy-ma-cật, đều nói không kham đến thăm bệnh ông ấy. Chúng ta thấy tinh thần nêu lên ở đây, dù là cư sĩ nhưng đạt đến chỗ cứu cánh thì người xuất gia vẫn khen ngợi tán thán. Muốn đến chỗ cứu cánh bình đẳng chân thật thì phải thấy thẳng pháp tánh, nhận ra pháp thân.
Thanh văn và Bồ-tát khác nhau, nhưng hỗ tương nhau để triển khai từ tướng thẳng vào tánh, chứ không phải các ngài chống đối nhau. Hàng Thanh văn thì nương trên tướng, còn Bồ-tát đi thẳng vào tánh. Muốn tu thì từ thân này mà tu, mới thấy được pháp thân. Pháp thân là thể, ứng thân hay hóa thân là dụng.
Tin mới
- KINH DUY MA CẬT: V- PHẨM VĂN THÙ THĂM BỆNH - 09/05/2015 04:08
- KINH DUY MA CẬT: IV- PHẨM BỒ-TÁT- TRƯỞNG GIẢ THIỆN ĐỨC - 22/04/2015 13:46
- KINH DUY MA CẬT: IV- PHẨM BỒ-TÁT- BỒ-TÁT TRÌ THẾ - 02/04/2015 02:24
- KINH DUY MA CẬT: IV- PHẨM BỒ-TÁT- ĐỒNG TỬ QUANG NGHIÊM - 15/03/2015 12:34
- KINH DUY MA CẬT: IV- PHẨM BỒ-TÁT-BỒ-TÁT DI-LẶC - 17/02/2015 13:28
Các tin khác
- KINH DUY MA CẬT: III- PHẨM ĐỆ TỬ: LA-HẦU-LA - 06/01/2015 02:32
- KINH DUY MA CẬT: III- PHẨM ĐỆ TỬ: ƯU-BA-LY - 11/12/2014 08:13
- KINH DUY MA CẬT: III- PHẨM ĐỆ TỬ: A-NA-LUẬT - 19/11/2014 04:22
- KINH DUY MA CẬT: III- PHẨM ĐỆ TỬ: CA-CHIÊN-DIÊN - 30/10/2014 01:53
- KINH DUY MA CẬT: III- PHẨM ĐỆ TỬ: PHÚ-LÂU-NA - 13/10/2014 05:25