headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 07/01/2025 - Ngày 8 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

KINH DUY MA CẬT: XI- PHẨM BỒ-TÁT HẠNH

phambotatHT. Thích Thanh Từ giảng

Đây là phẩm nói về hạnh tu của Bồ-tát. Những phẩm trước, cư sĩ Duy-ma-cật và các vị đại đệ tử Phật vấn đáp qua lại để phá chấp cho hàng Thanh văn, chỉ nêu ra hạnh tu của Bồ-tát chứ chưa hỏi về đường lối tu của các ngài. Đến phẩm này, các vị Bồ-tát ở nước Chúng Hương thưa hỏi Phật, Bồ-tát phải tu như thế nào và đã được đức Phật chỉ dạy rõ ràng. Vì vậy phẩm này có tên là Bồ-tát Hạnh.

Chánh văn:

Khi ấy Phật nói pháp ở vườn cây am-la, đất ở đó bỗng nhiên rộng lớn trang nghiêm, tất cả chúng hội đều thành sắc vàng. A-nan bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà có điềm lành này? Chỗ này bỗng nhiên rộng lớn trang nghiêm, tất cả chúng hội đều thành sắc vàng.

 Phật bảo A-nan:

- Ấy là ông Duy-ma-cật và Văn-thù-sư-lợi cùng với đại chúng cung kính vây quanh, phát ý muốn đến, nên trước hiện điềm lành này.

Bấy giờ ông Duy-ma-cật nói với ngài Văn-thù-sư-lợi:

- Nên cùng đến gặp Phật, cho các vị Bồ-tát lễ bái cúng dường.

Văn-thù-sư-lợi nói:

- Lành thay, nên đi! Nay chính phải thời.

Ông Duy-ma-cật liền dùng thần lực, nắm các đại chúng cùng với các tòa sư tử để trên lòng bàn tay phải, đem đến chỗ Phật. Đến nơi rồi ông để xuống đất, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu bên phải Phật bảy vòng, một lòng chắp tay, đứng qua một bên. Các vị Bồ-tát liền bước xuống tòa, cúi đầu lễ chân Phật, cũng nhiễu bảy vòng rồi đứng qua một bên. Các vị đại đệ tử, Đế-thích, Phạm thiên, Tứ thiên vương v.v... cũng đều bước xuống tòa, cúi đầu đảnh lễ chân Phật rồi đứng qua một bên.

Khi ấy Thế Tôn như pháp an ủi hỏi thăm các Bồ-tát rồi, bảo mỗi người ngồi lại chỗ cũ, các vị đều vâng lời dạy. Chúng đã ngồi yên, Phật bảo tôn giả Xá-lợi-phất:

- Ông thấy sức thần thông tự tại của vị đại sĩ Bồ-tát làm ra chăng?

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

- Thưa vâng, con đã thấy!

Phật hỏi: - Ý ông nghĩ sao?

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

- Bạch Thế Tôn, con thấy việc làm ấy không thể nghĩ bàn, chẳng phải ý mưu tính được, chẳng phải suy đoán đo lường được.

Lúc ấy tôn giả A-nan bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn, mùi hương nay được ngửi, từ trước chưa có, ấy là mùi hương gì?

Phật bảo A-nan:

- Ấy là mùi hương từ lỗ chân lông của các vị Bồ-tát kia.

Bấy giờ tôn giả Xá-lợi-phất nói với A-nan:

- Lỗ chân lông của chúng tôi cũng toát ra mùi hương này.

Tôn giả A-nan hỏi:

- Mùi hương này từ đâu đến?

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

- Đó là trưởng giả Duy-ma-cật xin cơm thừa của đức Phật từ nước Chúng Hương, đem về ăn nơi thất của ông, tất cả lỗ chân lông đều phát ra mùi hương như thế.

Tôn giả A-nan hỏi ông Duy-ma-cật:

- Mùi hương này còn được bao lâu?

Ông Duy-ma-cật nói:

- Đến khi nào cơm này tiêu.

A-nan hỏi:

- Cơm này khoảng bao lâu mới tiêu?

Ông Duy-ma-cật nói:

- Thế lực của cơm này đến bảy ngày, sau đó mới tiêu. Lại A-nan, nếu người Thanh văn chưa vào chánh vị, ăn cơm này, được vào chánh vị rồi sau mới tiêu. Còn người được vào chánh vị ăn cơm này, được tâm giải thoát sau đó mới tiêu. Nếu người chưa phát ý Đại thừa ăn cơm này, đến khi phát ý Đại thừa mới tiêu. Người đã phát ý Đại thừa ăn cơm này, đến khi được vô sanh pháp nhẫn sau đó mới tiêu. Người đã được vô sanh pháp nhẫn ăn cơm này, đến nhất sanh bổ xứ sau đó mới tiêu. Ví như có thuốc gọi là thượng vị, có người uống thuốc này, các độc trong thân diệt hết, sau đó mới tiêu. Cơm này cũng thế, diệt trừ tất cả các độc phiền não, sau đó mới tiêu.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, thật chưa từng có vậy! Mùi hương của cơm này hay làm được Phật sự.

Đức Phật bảo:

 - Đúng thế, đúng thế A-nan! Hoặc có cõi Phật dùng ánh sáng Phật mà làm Phật sự, có cõi dùng các vị Bồ-tát làm Phật sự, có cõi dùng những người hóa của Phật mà làm Phật sự, có cõi dùng cây bồ-đề mà làm Phật sự, có cõi dùng y phục, ngọa cụ mà làm Phật sự, có cõi dùng cơm mà làm Phật sự, có cõi dùng vườn cây đài quán mà làm Phật sự, có cõi dùng ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp mà làm Phật sự, có cõi dùng thân Phật mà làm Phật sự, có cõi dùng hư không mà làm Phật sự chúng sanh nên dùng duyên này được vào luật hạnh. Có cõi dùng mộng, huyễn, ảnh, tiếng, bóng trong gương, trăng đáy nước, sóng nắng khi trời nóng, những việc như thế mà làm Phật sự. Có cõi dùng âm thanh, ngôn ngữ, văn tự mà làm Phật sự. Hoặc có cõi Phật thanh tịnh lặng lẽ không nói không lời, không chỉ bày, không biết, không tạo tác mà làm Phật sự. Như thế A-nan, các oai nghi tới lui, các cử chỉ của chư Phật, đều là Phật sự.

 Này A-nan, có bốn thứ ma, tám muôn bốn ngàn các thứ phiền não mà chúng sanh cho là nhọc nhằn, chư Phật thì dùng pháp này mà làm Phật sự, ấy gọi là pháp môn Nhập nhất thiết chư phật. Bồ-tát vào được pháp môn này, nếu thấy tất cả cõi Phật đẹp đẽ chẳng cho là mừng, chẳng tham cũng chẳng tự cao. Nếu thấy tất cả cõi Phật nhơ nhớp chẳng lấy làm buồn, chẳng ngại chẳng ẩn. Chỉ đối với chư Phật sanh tâm thanh tịnh, hoan hỷ cung kính chưa từng có vậy! Chư Phật Như Lai công đức bình đẳng, vì giáo hóa chúng sanh mà hiện cõi Phật không đồng. Này A-nan, ông thấy cõi nước chư Phật đất có hạn lượng, hư không thì không có hạn lượng. Như thế thấy sắc thân chư Phật có hạn lượng, mà trí tuệ vô ngại của chư Phật không có hạn lượng.

Này A-nan, sắc thân của chư Phật, oai nghi, chủng tánh, giới, định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, lực, vô sở úy, pháp bất cộng, đại từ đại bi, oai nghi sở hành, và tuổi thọ của các ngài, thuyết pháp giáo hóa, thành tựu chúng sanh, cõi Phật thanh tịnh, đầy đủ pháp của chư Phật, thảy đều đồng nhau, thế nên gọi là Tam-miệu Tam-phật-đà, hay gọi Đa-đà A-già-độ, hay gọi là Phật-đà.

Này A-nan, nếu ta nói rộng ba nghĩa cú này, dù trọn một kiếp tuổi thọ của ông cũng không thể nhận hết được. Dù cho chúng sanh khắp trong tam thiên đại thiên thế giới đều đa văn đệ nhất như A-nan, được niệm tổng trì, những người này dùng tuổi thọ một kiếp cũng không thể nào thọ nhận hết được. Như thế A-nan, chư Phật Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không có hạn lượng, trí tuệ biện tài cũng không thể nghĩ bàn.

A-nan bạch Phật:

- Con từ nay về sau không dám tự cho mình là đa văn.

Phật bảo A-nan:

- Chớ khởi ý thối lui! Vì sao? Ta nói ông đa văn nhất trong hàng Thanh văn, chứ không phải trong hàng Bồ-tát. Hãy thôi, A-nan! Trí của hàng Thanh văn không nên so sánh với chư Bồ-tát. Tất cả biển sâu còn có thể đo lường; thiền định, trí tuệ, tổng trì, biện tài, tất cả công đức của Bồ-tát không thể lường được. A-nan, ông hãy bỏ qua việc làm của Bồ-tát. Ông Duy-ma-cật đây, một lúc hiện sức thần thông, tất cả Thanh văn Bích-chi Phật ở trong trăm ngàn kiếp, tận lực biến hóa đều không thể làm được.

Khi ấy các vị Bồ-tát ở thế giới Chúng Hương đến, chắp tay bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, chúng con ban đầu thấy cõi nước này, sanh tưởng hạ liệt, nay tự hối trách, buông bỏ tâm ấy. Vì cớ sao? Phương tiện chư Phật không thể nghĩ bàn. Vì độ các chúng sanh, tùy chỗ thích hợp mà có hiện ra cõi nước Phật khác. Cúi mong Thế Tôn, nguyện ban cho chúng con một ít pháp, để trở về cõi kia sẽ nhớ đức Như Lai.

Phật bảo các vị Bồ-tát:

- Có pháp môn Tận vô tận giải thoát, các ông phải học. Sao gọi là tận? Nghĩa là pháp hữu vi. Sao gọi là vô tận? Nghĩa là pháp vô vi. Như Bồ-tát chẳng tận hữu vi cũng không có trụ vô vi.

Sao gọi là chẳng tận hữu vi? Nghĩa là chẳng lìa đại từ chẳng bỏ đại bi; sâu phát tâm Nhất thiết trí mà chẳng tạm quên; giáo hóa chúng sanh trọn không chán mỏi, đối với tứ nhiếp pháp thường nhớ thuận hành; hộ trì chánh pháp không tiếc thân mạng; gieo trồng các căn lành không có mỏi mệt nhàm chán. Chí thường an trụ phương tiện hồi hướng; cầu pháp không giải đãi, nói pháp không lẫn tiếc; siêng năng cúng dường chư Phật. Cho nên vào sanh tử mà không sợ sệt; đối với các vinh nhục, tâm không vui buồn; chẳng khinh người chưa học, cung kính người học như Phật; người rơi vào phiền não, khiến họ phát khởi chánh niệm; đối với cái vui xa lìa, không cho là quý; không dính mắc cái vui của mình, mừng với niềm vui của người. Ở trong các thiền định tưởng như địa ngục, ở trong sanh tử tưởng như đang xem vườn, thấy người đến cầu tưởng như bậc thầy lành, bỏ các sở hữu tưởng như đầy đủ nhất thiết trí, thấy người phá giới khởi tưởng cứu hộ, các pháp ba-la-mật tưởng như cha mẹ, pháp đạo phẩm tưởng như quyến thuộc. Phát khởi thiện căn không có ngằn mé, lấy việc nghiêm sức các cõi thanh tịnh thành tựu cõi Phật của mình, thực hành bố thí không giới hạn được đầy đủ tướng tốt, trừ tất cả việc ác được thân khẩu ý thanh tịnh. Sanh tử vô số kiếp ý vẫn mạnh mẽ, nghe công đức vô lượng của Phật chí không mệt mỏi. Dùng kiếm trí tuệ phá giặc phiền não, ra khỏi ấm giới nhập gánh vác chúng sanh, hằng khiến được giải thoát. Dùng hạnh đại tinh tấn phá dẹp các ma quân, thường cầu vô niệm được thật tướng trí tuệ; đối với pháp thế gian ít muốn biết đủ, không chán mỏi với việc cầu xuất thế, mà không bỏ pháp thế gian, không hoại pháp oai nghi mà hay tùy tục. Khởi các thần thông trí tuệ, dẫn đường chúng sanh, được niệm tổng trì, chỗ nghe không quên. Khéo phân biệt các căn, đoạn nghi cho chúng sanh; dùng nhạo thuyết biện tài, diễn nói pháp không ngại. Trong sạch mười điều thiện, thọ phước cõi người cõi trời; tu tứ vô lượng, mở đường cõi Phạm thiên. Khuyến thỉnh nói pháp, tùy hỷ tán thán điều lành, được âm thanh của Phật; thân khẩu ý lành, được oai nghi của Phật. Tu sâu các pháp lành, việc làm càng thù thắng; dùng Đại thừa giáo, thành tựu Tăng Bồ-tát; tâm không buông lung, không mất các việc lành. Hành những pháp này, ấy là Bồ-tát chẳng tận hữu vi.

Sao gọi là Bồ-tát không trụ vô vi? Nghĩa là tu học Không, chẳng lấy Không làm chỗ chứng; tu học vô tướng vô tác, không lấy vô tướng vô tác làm chỗ chứng; tu học vô khởi, cũng không lấy vô khởi làm chỗ chứng. Quán vô thường mà không chán gốc lành; quán thế gian khổ mà không ghét sanh tử; quán vô ngã mà dạy người không mỏi mệt; quán tịch diệt mà không hằng tịch diệt; quán xa lìa mà thân tâm tu các việc lành; quán không chỗ trở về mà quy hướng về pháp lành; quán vô sanh mà dùng các pháp sanh gánh vác tất cả; quán vô lậu mà không đoạn các hữu lậu; quán vô sở hành mà dùng pháp hành để giáo hóa chúng sanh; quán không rỗng mà không xả đại bi; quán chánh pháp vị mà không theo Tiểu thừa; quán các pháp hư vọng không bền chắc không người, không chủ không tướng, bản nguyện chưa đầy đủ mà không luống qua những phước đức, thiền định, trí tuệ. Tu các pháp như thế, ấy là Bồ-tát không trụ vô vi.

Lại vì đủ phước đức, không trụ vô vi; vì đủ trí tuệ, chẳng tận hữu vi. Vì đại từ bi, không trụ vô vi; vì mãn bản nguyện, chẳng tận hữu vi. Vì nhóm thuốc pháp, không trụ vô vi; vì tùy trao thuốc, chẳng tận hữu vi. Vì biết bệnh chúng sanh, không trụ vô vi; vì diệt bệnh chúng sanh, chẳng tận hữu vi. Các chánh sĩ Bồ-tát dùng pháp này tu, chẳng tận hữu vi, không trụ vô vi, ấy gọi là pháp môn Tận vô tận giải thoát, các ông nên học.

Khi ấy các vị Bồ-tát ở nước kia nghe nói pháp này đều rất hoan hỷ, dùng các thứ hoa đẹp đủ loại màu sắc, đủ các mùi hương, rải khắp tam thiên đại thiên thế giới, cúng dường Phật và kinh pháp này cùng với các vị Bồ-tát, rồi cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, tán thán chưa từng có!

- Đức Phật Thích-ca-mâu-ni mới có thể ở nơi đây khéo hành phương tiện.

Nói rồi, bỗng dưng biến mất, trở về nước kia.

Giảng:

Khi ấy Phật nói pháp ở vườn cây am-la, đất ở đó bỗng nhiên rộng lớn trang nghiêm, tất cả chúng hội đều thành sắc vàng. A-nan bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà có điềm lành này? Chỗ này bỗng nhiên rộng lớn trang nghiêm, tất cả chúng hội đều thành sắc vàng.

Phật bảo A-nan:

- Ấy là ông Duy-ma-cật và Văn-thù-sư-lợi cùng với đại chúng cung kính vây quanh, phát ý muốn đến, nên trước hiện điềm lành này.

Bấy giờ ông Duy-ma-cật nói với ngài Văn-thù-sư-lợi:

- Nên cùng đến gặp Phật, cho các vị Bồ-tát lễ bái cúng dường.

Văn-thù-sư-lợi nói:

- Lành thay, nên đi! Nay chính phải thời.

Ông Duy-ma-cật liền dùng thần lực, nắm các đại chúng cùng với các tòa sư tử để trên lòng bàn tay phải, đem đến chỗ Phật. Đến nơi rồi ông để xuống đất, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu bên phải Phật bảy vòng, một lòng chắp tay, đứng qua một bên.

Cư sĩ Duy-ma-cật và các vị Bồ-tát đối đáp với nhau trong thất của ông đã xong, sau đó muốn cùng đến đảnh lễ đức Thế Tôn. Các vị Bồ-tát đều có thần thông, nhất là các vị ở cõi Chúng Hương có thần lực huyền bí phi thường, chỉ trong thoáng chốc đã có mặt tại thất cư sĩ Duy-ma-cật. Đoạn đường từ thất ông đến chỗ Phật không xa, mỗi vị có thể tự đến, vì sao cư sĩ Duy-ma-cật lại nắm hết các vị cùng các tòa sư tử bỏ lên bàn tay rồi dời đi? Điều này nói lên ý nghĩa gì ?

Thất cư sĩ Duy-ma-cật trống không, tượng trưng cho chỗ chân thật thênh thang rộng lớn trùm khắp tất cả. Những gì trong thất đó đều thuộc sở hữu hay diệu dụng của ông bày ra, cho nên tự tay ông chuyển đổi tất cả một cách tự tại. Nói cách khác, khi Bồ-tát nhập được thể chân thật thì thần thông diệu dụng không thể nghĩ bàn. Do đó mới hiện bày các tướng lạ cho chúng ta thấy đạo lực và sức thần biến vi diệu của các ngài.

Các vị Bồ-tát liền bước xuống tòa, cúi đầu lễ chân Phật, cũng nhiễu bảy vòng rồi đứng qua một bên. Các vị đại đệ tử, Đế-thích, Phạm thiên, Tứ thiên vương v.v... cũng đều bước xuống tòa, cúi đầu đảnh lễ chân Phật rồi đứng qua một bên.

Khi ấy Thế Tôn như pháp an ủi hỏi thăm các Bồ-tát rồi, bảo mỗi người ngồi lại chỗ cũ, các vị đều vâng lời dạy. Chúng đã ngồi yên, Phật bảo tôn giả Xá-lợi-phất:

- Ông thấy sức thần thông tự tại của vị đại sĩ Bồ-tát làm ra chăng?

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

- Thưa vâng, con đã thấy!

Phật hỏi:

- Ý ông nghĩ sao?

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

- Bạch Thế Tôn, con thấy việc làm ấy không thể nghĩ bàn, chẳng phải ý mưu tính được, chẳng phải suy đoán đo lường được.

Vừa đến hương thất của Phật, các vị Bồ-tát, các vị đại đệ tử A-la-hán như tôn giả Xá-lợi-phất v.v... đều bước xuống tòa đảnh lễ đức Thế Tôn. Bấy giờ đức Phật mới thăm hỏi, an ủi và xác minh những việc làm của cư sĩ Duy-ma-cật, lại còn dạy bảo thêm cho các vị Bồ-tát.

Lúc ấy tôn giả A-nan bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn, mùi hương nay được ngửi, từ trước chưa có, ấy là mùi hương gì?

Phật bảo A-nan:

- Ấy là mùi hương từ lỗ chân lông của các vị Bồ-tát kia.

Bấy giờ tôn giả Xá-lợi-phất nói với A-nan:

- Lỗ chân lông của chúng tôi cũng toát ra mùi hương này.

Ngài A-nan ngạc nhiên thắc mắc thưa hỏi Phật, ở đây có mùi hương gì lạ quá, từ trước đến giờ con chưa được ngửi. Đức Phật trả lời, đó là mùi hương từ lỗ chân lông của các vị Bồ-tát cõi nước Chúng Hương. Tôn giả Xá-lợi-phất liền nói rằng, trong lỗ chân lông của chúng tôi cũng có mùi hương này.

Tôn giả A-nan hỏi:

- Mùi hương này từ đâu đến?

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

- Đó là trưởng giả Duy-ma-cật, xin cơm thừa của đức Phật từ nước Chúng Hương, đem về ăn nơi thất của ông, tất cả lỗ chân lông đều phát ra mùi hương như thế.

Tôn giả A-nan hỏi ông Duy-ma-cật:

- Mùi hương này còn được bao lâu?

Ông Duy-ma-cật nói:

- Đến khi nào cơm này tiêu.

A-nan hỏi:

- Cơm này khoảng bao lâu mới tiêu?

Ông Duy-ma-cật nói:

- Thế lực của cơm này đến bảy ngày, sau đó mới tiêu. Lại A-nan, nếu người Thanh văn chưa vào chánh vị, ăn cơm này, được vào chánh vị rồi sau mới tiêu. Còn người được vào chánh vị ăn cơm này, được tâm giải thoát sau đó mới tiêu. Nếu người chưa phát ý Đại thừa ăn cơm này, đến khi phát ý Đại thừa mới tiêu. Người đã phát ý Đại thừa ăn cơm này, đến khi được vô sanh pháp nhẫn sau đó mới tiêu. Người đã được vô sanh pháp nhẫn ăn cơm này, đến nhất sanh bổ xứ sau đó mới tiêu. Ví như có thuốc gọi là thượng vị, có người uống thuốc này, các độc trong thân diệt hết, sau đó mới tiêu. Cơm này cũng thế, diệt trừ tất cả các độc phiền não, sau đó mới tiêu.

Đoạn trên nói, cơm này ăn bảy ngày sau mới tiêu. Đoạn sau nói, cơm này là cơm ngũ phần pháp thân hương, hàng Thanh văn chưa chứng quả ăn cơm này rồi chứng quả, sau đó mới tiêu... Cho đến Bồ-tát phát ý Đại thừa được ăn cơm này rồi, chứng vô sanh pháp nhẫn sau đó mới tiêu. Đã chứng vô sanh pháp nhẫn ăn cơm này rồi, đến nhất sanh bổ xứ sau đó mới tiêu.

Nhất sanh bổ xứ nghĩa là còn sanh lại một đời nữa mới thành Phật v.v... Cơm này là cơm giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Chừng nào dứt sạch tất cả giống độc phiền não, cơm đó mới tiêu. Ví như có thuốc thượng vị, người uống thuốc này, các độc trong thân đã dứt, sau đó thuốc mới tiêu.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, thật chưa từng có vậy! Mùi hương của cơm này hay làm được Phật sự.

Đức Phật bảo:

- Đúng thế, đúng thế, A-nan! Hoặc có cõi Phật dùng ánh sáng Phật mà làm Phật sự, có cõi dùng các vị Bồ-tát làm Phật sự, có cõi dùng những người hóa của Phật mà làm Phật sự, có cõi dùng cây bồ-đề mà làm Phật sự, có cõi dùng y phục, ngọa cụ mà làm Phật sự, có cõi dùng cơm mà làm Phật sự, có cõi dùng vườn cây đài quán mà làm Phật sự, có cõi dùng ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp mà làm Phật sự, có cõi dùng thân Phật mà làm Phật sự, có cõi dùng hư không mà làm Phật sự; chúng sanh nên dùng duyên này được vào luật hạnh.

Luật hạnh tức là đạo đức. Tất cả Phật sự của đức Phật không cố định, tùy theo duyên chúng sanh ưng pháp nào, các ngài hiện ra pháp đó, khiến cho họ vào được đạo lý.

Có cõi dùng mộng, huyễn, ảnh, tiếng, bóng trong gương, trăng đáy nước, sóng nắng khi trời nóng, những việc như thế mà làm Phật sự.

Như đức Phật Thích-ca giáo hóa cõi Ta-bà, ngài chỉ cho chúng sanh thấy nó giả dối, như bóng trong gương, như trăng đáy nước... để cho mình thức tỉnh.

Có cõi dùng âm thanh, ngôn ngữ, văn tự mà làm Phật sự. Hoặc có cõi Phật thanh tịnh lặng lẽ không nói không lời, không chỉ bày, không biết, không tạo tác mà làm Phật sự. Như thế A-nan, các oai nghi tới lui, các cử chỉ của chư Phật, đều là Phật sự.

Trong tất cả oai nghi, hành động tạo tác của chư Phật đều là Phật sự, chứ không riêng một pháp nào.

Này A-nan, có bốn thứ ma, tám muôn bốn ngàn các thứ phiền não mà chúng sanh cho là nhọc nhằn, chư Phật thì dùng pháp này mà làm Phật sự, ấy gọi là pháp môn Nhập nhất thiết chư Phật.

Đối với bốn thứ ma, tám muôn bốn ngàn phiền não, chúng ta chán sợ, mệt mỏi nhưng chư Phật lấy đó làm Phật sự. Vì sao? Thí dụ, trong Phật sự giảng pháp nếu chỉ giảng một lần, chúng ta nghe rồi hành đúng là đã thành Bồ-tát, đâu cần phải giảng nữa. Nhưng nghe rồi, biết tham sân si là xấu vẫn không bỏ được. Thế nên phải giảng mãi, năm này tháng kia, nhắc đi nhắc lại suốt đời, chắc cũng chưa xong việc. Chúng sanh quá nhiều phiền não, nên chư Phật Bồ-tát dùng các thứ phương tiện, với mục đích chỉ dạy cho họ hiểu rõ phiền não là gốc khổ đau, cần phải diệt trừ. Đó là Phật sự của chư Phật và Bồ-tát.

 Bồ-tát vào được pháp môn này, nếu thấy tất cả cõi Phật đẹp đẽ chẳng cho là mừng, chẳng tham cũng chẳng tự cao. Nếu thấy tất cả cõi Phật nhơ nhớp chẳng lấy làm buồn, chẳng ngại chẳng ẩn. Bồ-tát vào được pháp môn Nhập nhất thiết chư Phật, dù cõi Phật tịnh hay uế đều không chướng ngại. Thấy cõi Phật tịnh không mừng, không tham trước, tự cao. Thấy cõi Phật nhớp nhúa không lo buồn chán nản, không trở ngại, không ẩn trốn. Giữ tâm bình đẳng không sai biệt như thế là Bồ-tát vào được pháp môn Nhập nhất thiết chư Phật.

Chỉ đối với chư Phật sanh tâm thanh tịnh, hoan hỷ cung kính chưa từng có vậy! Chư Phật Như Lai công đức bình đẳng, vì giáo hóa chúng sanh mà hiện cõi Phật không đồng. Dù cõi Phật tịnh hay bất tịnh, đối với Phật chỉ một bề sanh tâm cung kính là đủ. Không nên thấy đức Phật ở cõi uế thì chê, ở cõi tịnh thì quý, đó là người chưa hiểu được ý nghĩa này. Công đức của chư Phật bình đẳng như nhau, nhưng vì giáo hóa chúng sanh mà khi hiện cõi tịnh, khi hiện cõi uế không đồng.

Này A-nan, ông thấy cõi nước chư Phật đất có hạn lượng, hư không thì không có hạn lượng. Như thế thấy sắc thân chư Phật có hạn lượng, mà trí tuệ vô ngại của chư Phật không có hạn lượng. Phật chỉ cho ngài A-nan chỗ bình đẳng của chư Phật, nên dùng thí dụ như đất ở cõi Phật có tốt xấu, rộng hẹp, nhiều thứ sai biệt, nhưng hư không không có hạn lượng, không có sai biệt. Cũng vậy, về sắc thân của chư Phật ở mỗi cõi có khác nhau, Phật sanh cõi tịnh sắc thân khác, sanh cõi uế sắc thân khác, nhưng về mặt trí tuệ vô ngại của chư Phật thì không có khác. Như vậy khi đã thành Phật, công đức và trí tuệ của chư Phật bình đẳng không hai. Nhưng tùy duyên giáo hóa chúng sanh, nên các ngài thị hiện ở cõi nước khác nhau.

Này A-nan, sắc thân của chư Phật, oai nghi, chủng tánh, giới, định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, lực, vô sở úy, pháp bất cộng, đại từ đại bi, oai nghi sở hành, và tuổi thọ của các ngài, thuyết pháp giáo hóa, thành tựu chúng sanh, cõi Phật thanh tịnh, đầy đủ pháp của chư Phật, thảy đều đồng nhau, thế nên gọi là Tam-miệu Tam-phật-đà, hay gọi Đa-đà A-già-độ, hay gọi là Phật-đà.

Tam-miệu Tam-phật-đà (Samyak Saϱbuddha) là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Chánh biến tri, Đa-đà A-già-độ (Tathϩ Ϩgata) dịch là Như Lai, Phật-đà (Buddha) dịch là Giác giả. Sắc thân của chư Phật, oai nghi tướng hảo hay chủng tánh, giới, định, tuệ... tất cả đều bình đẳng như nhau, nên gọi các ngài là Chánh biến tri, hoặc Như Lai, hoặc Giác giả...

Này A-nan, nếu ta nói rộng ba nghĩa cú này, dù trọn một kiếp tuổi thọ của ông cũng không thể nhận hết được. Dù cho chúng sanh khắp trong tam thiên đại thiên thế giới đều đa văn đệ nhất như A-nan, được niệm tổng trì, những người này dùng tuổi thọ một kiếp cũng không thể nào thọ nhận hết được. Như thế A-nan, chư Phật Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không có hạn lượng, trí tuệ biện tài cũng không thể nghĩ bàn.

Niệm tổng trì tức là ghi nhớ giỏi.

Tóm lại, đức Phật giải thích cho tôn giả A-nan cũng như chúng ta biết, cõi Chúng Hương của Phật Hương Tích, cõi Cực lạc của Phật A-di-đà đều là cõi tịnh, vì tâm địa các ngài cao cả thanh tịnh, còn cõi Ta-bà chúng ta đang sống là cõi uế. Sở dĩ có cõi nước, hình tướng sai biệt đều vì ứng hiện với tâm niệm chúng sanh. Bởi tâm chúng ta xấu xa, thấp hèn, mới sanh vào cảnh giới ô trược, thọ thân ô uế bất tịnh và những thứ nuôi dưỡng nó cũng hôi hám, uế trược. Vậy mà có nhiều người còn tự hào, ta đây là hay là giỏi, rồi xem thường người khác. Hoặc chê người ăn mặn hôi hám, ta ăn chay thanh bạch, nhưng những chất thải ra đều hôi thối như nhau. Ăn chay chẳng qua là muốn tránh bớt nghiệp, chứ không phải mục đích chính của sự tu.

Nói như vậy để chúng ta thấy hổ thẹn, tủi thân, tự trách mình phước đức cạn mỏng phải ráng tu, buông xả những mê lầm để tâm thanh tịnh. Tâm địa thanh tịnh thì cõi nước thanh tịnh. Nghiệp thanh tịnh thì chúng sanh đã là Bồ-tát. Như cõi Chúng Hương không có Thanh văn hay Bích-chi Phật, chỉ có chúng đại Bồ-tát thanh tịnh, ở cõi đó luôn toát ra mùi hương do công đức huân tu ngũ phần pháp thân hương. Còn chúng ta, tham sân si phiền não dẫy đầy nên thọ nhận quả báo xấu tương ưng. Thế nên, phải gieo nhân tốt mới được quả tốt. Mục tiêu của kinh Duy-ma-cật là trang nghiêm tịnh độ, cõi tịnh cõi uế là tùy theo nghiệp của chúng sanh mà Phật ứng hiện.

A-nan bạch Phật:

- Con từ nay về sau không dám tự cho mình là đa văn.

Phật bảo A-nan:

- Chớ khởi ý thối lui, vì sao? Ta nói ông đa văn nhất trong hàng Thanh văn, chứ không phải trong hàng Bồ-tát. Hãy thôi, A-nan!

Trí của hàng Thanh văn không nên so sánh với chư Bồ-tát. Tất cả biển sâu còn có thể đo lường; thiền định, trí tuệ, tổng trì, biện tài, tất cả công đức của Bồ-tát không thể lường được. A-nan, ông hãy bỏ qua việc làm của Bồ-tát. Ông Duy-ma-cật đây, một lúc hiện sức thần thông, tất cả Thanh văn Bích-chi Phật ở trong trăm ngàn kiếp, tận lực biến hóa đều không thể làm được. Đức Phật dạy ngài A-nan, hàng Thanh văn không nên so sánh với chư Bồ-tát, vì công đức thiền định, trí tuệ, tổng trì, biện tài... của các ngài không thể lường được.

Khi ấy các vị Bồ-tát ở thế giới Chúng Hương đến, chắp tay bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, chúng con ban đầu thấy cõi nước này, sanh tưởng hạ liệt, nay tự hối trách, buông bỏ tâm ấy. Vì cớ sao ? Phương tiện chư Phật không thể nghĩ bàn. Vì độ các chúng sanh, tùy chỗ thích hợp mà có hiện ra cõi nước Phật khác. Cúi mong Thế Tôn, nguyện ban cho chúng con một ít pháp, để trở về cõi kia sẽ nhớ đức Như Lai.

Khi mới đến cõi Ta-bà, các vị Bồ-tát nước Chúng Hương thấy cõi này nhiều điều xấu tệ, nên cảm thấy ngỡ ngàng. Bây giờ tự trách mình và biết ăn năn sám hối, bỏ tâm đó không dám nghĩ nữa. Vì sao? Vì phương tiện độ sanh của chư Phật không thể nghĩ bàn nên hiện cõi nước có sai khác. Sở dĩ đức Phật Thích-ca ở cõi xấu, không phải là phước đức trí tuệ ngài thua kém các đức Phật khác, mà do nghiệp lực chúng sanh nên ngài phải hiện sanh vào cõi nước xấu như vậy để giáo hóa họ. Sau cùng, các vị Bồ-tát nước Chúng Hương xin đức Thế Tôn ban cho những lời pháp, để khi trở về cõi kia thường nhớ đến Phật.

Phật bảo các vị Bồ-tát: Có pháp môn Tận vô tận giải thoát, các ông phải học. Sao gọi là tận? Nghĩa là pháp hữu vi. Sao gọi là vô tận? Nghĩa là pháp vô vi. Như Bồ-tát chẳng tận hữu vi cũng không có trụ vô vi. Hạnh tu của Bồ-tát chủ yếu là chẳng tận hữu vi và không trụ vô vi. Chẳng tận hữu vi là không hết pháp hữu vi. Không trụ vô vi là không an trụ Niết-bàn.

 Sao gọi là chẳng tận hữu vi? Nghĩa là chẳng lìa đại từ chẳng bỏ đại bi; sâu phát tâm Nhất thiết trí mà chẳng tạm quên. Không lìa đại từ không bỏ đại bi, vì lòng từ bi quá mạnh và muốn được Nhất thiết trí nên các ngài chẳng tận hữu vi. Nói cách khác, đối với việc tu học không cho là đủ, không sanh tâm tự mãn, cứ học mãi, tu mãi không chán mỏi. Vì muốn độ sanh không thối chuyển thì phải có trí tuệ đầy đủ. Chúng sanh còn khổ, Bồ-tát phải lăn xả trong sanh tử để độ họ, vì lòng đại từ bi vô hạn, nhưng từ bi mà không có trí tuệ thì Phật sự không thể thành tựu, do đó nói Bồ-tát chẳng tận hữu vi.

Giáo hóa chúng sanh trọn không chán mỏi; đối với tứ nhiếp pháp thường nhớ thuận hành; hộ trì chánh pháp không tiếc thân mạng; gieo trồng các căn lành không có mỏi mệt nhàm chán. Bồ-tát ứng dụng theo tứ nhiếp pháp để giáo hóa chúng sanh. Chúng sanh cang cường khó điều phục, nhưng vì bản nguyện độ sanh, nên Bồ-tát giáo hóa mãi vẫn không chán mỏi. Dù gặp bao khó khăn gian khổ, cũng không quên không bỏ chánh pháp, gìn giữ không tiếc thân mạng. Gieo trồng các căn lành không biết mỏi mệt, tức là siêng năng làm những việc lành không dừng nghỉ.

Chí thường an trụ phương tiện hồi hướng; cầu pháp không giải đãi, nói pháp không lẫn tiếc; siêng năng cúng dường chư Phật. Cho nên vào sanh tử mà không sợ sệt. Phải thường an trụ trong các phương tiện giáo hóa chúng sanh, hồi hướng về chỗ trang nghiêm tịnh độ. Cầu pháp là người học không lười biếng, nói pháp là người dạy không lẫn tiếc, hai bên đều sốt sắng nhiệt tình. Siêng năng cúng dường chư Phật, nên vào trong sanh tử mà không sợ sệt. Với những lý do trên, Bồ-tát vào sanh tử không biết mỏi mệt, không thấy sợ sệt.

Đối với các vinh nhục, tâm không vui buồn. Trước vinh nhục, tâm không vui buồn. Ở thế gian, khi được thăng quan tiến chức gọi là vinh, khi mất chức bị người xem thường, hủy nhục, gọi là nhục. Trong đạo không có thăng quan tiến chức, nhưng tu lâu được tấn phong lên Thượng tọa, Hòa thượng... Làm sao trước vinh nhục, tâm vẫn an nhiên không vui cũng không buồn. Thí dụ một vị tăng được Phật tử cung kính lễ bái, tán thán: "Thầy là bậc đức hạnh đầy đủ, đáng cho chúng con nương nhờ." Hoặc đang đi trên đường, gặp một số người tỏ vẻ xem thường nói: "Ôi, ông đó là giả tướng thầy tu, chứ tu hành gì!" Và buông lời nặng nhẹ. Trong hai trường hợp, hoặc được cung kính, hoặc bị khinh miệt, nếu tâm vẫn bình an là đã hành được hạnh này. Còn nếu nghe khen thì vui, nghe chê thì sân, là chưa được về cõi Chúng Hương.

Chẳng khinh người chưa học, cung kính người học như Phật. Người học rộng thì hiểu biết nhiều, người dốt là do chưa được học. Nếu họ được học, thì sau có thể hơn mình, nên nói chẳng khinh người chưa học. Còn với người học bằng hoặc hơn mình, phải khởi tâm cung kính như Phật. Như vậy mới dẹp được tâm tật đố. Nếu người hơn mình ghét, đố kỵ, kẻ thua thì khinh chê, đó là bệnh lớn của chúng sanh. Thế nên phải học hạnh chẳng khinh người chưa học, cung kính người học như Phật.

 Người rơi vào phiền não, khiến họ phát khởi chánh niệm; đối với cái vui xa lìa, không cho là quý; không dính mắc cái vui của mình, mừng với niềm vui của người. Người có phiền não, khuyên dạy họ buông bỏ, sống với chánh niệm sẽ được an lạc. Người ở núi vắng vẻ, chỗ tịch tĩnh, tâm được nhẹ nhàng thảnh thơi, cho đây là vui xa lìa dục lạc trần gian, rồi sanh tâm ưa thích đắm nhiễm, muốn ở mãi nơi đó thì đâu thể độ sanh được. Thế nên nói, đối với cái vui xa lìa không cho là quý.

Người thế gian vui thích đắm trước với niềm vui của mình, còn thấy người được vui mình không ưa. Nhưng ởû đây dạy không dính mắc cái vui của mình, mừng với niềm vui của người. Đó là tâm Bồ-tát. Điều này chúng ta chưa làm được, tự cảm thấy hổ thẹn, nhưng cũng cố gắng tu tập, bỏ bớt những điều xấu dở, để noi theo gương hạnh của các ngài.

 Ở trong các thiền định tưởng như địa ngục, ở trong sanh tử tưởng như đang xem vườn, thấy người đến cầu tưởng như bậc thầy lành, bỏ các sở hữu tưởng như đầy đủ nhất thiết trí, thấy người phá giới khởi tưởng cứu hộ, các pháp ba-la-mật tưởng như cha mẹ, pháp đạo phẩm tưởng như quyến thuộc.

Thiền định ở đây là nhập Diệt thọ tưởng định. Khi nhập định này rồi, thân tuy sống mà không có động, không còn hơi thở, có thể an trụ vài trăm năm hoặc vài ngàn năm. Còn đối với Bồ-tát, thời gian rất quý báu, nếu ở trong định đó, không làm lợi ích cho chúng sanh, nên các ngài thấy uổng phí, đau khổ như sống trong địa ngục.

Hàng Nhị thừa thấy sanh tử là đau khổ, nên muốn thoát khỏi. Bồ-tát nguyện đi trong sanh tử vì muốn hóa độ chúng sanh, nên thấy như đi trong vườn đẹp.

Những người đến cầu đạo, cầu pháp thì tưởng như bậc thầy lành đáng quý, vì nhờ họ mới có phương tiện thuyết pháp, có cơ hội để hành hạnh lợi sanh.

Bỏ các sở hữu, là bỏ những gì tùy thuộc về mình, tưởng như là có được nhất thiết trí. Nghĩa là bỏ mỗi thứ xem như được thêm một trí, bỏ tất cả sở hữu như được nhất thiết trí, nên không hối tiếc.

Thấy người hủy giới phá giới, khởi tưởng cứu hộ họ. Đối với pháp ba-la-mật tức lục độ, xem như cha mẹ. Đối với pháp ba mươi bảy phẩm trợ đạo, xem như quyến thuộc. Những điều này chúng ta phải nhớ thực hành.

Phát khởi thiện căn không có ngằn mé, lấy việc nghiêm sức các cõi thanh tịnh thành tựu cõi Phật của mình. Làm tất cả những căn lành, không giới hạn, không cho là đủ. Lấy việc trang nghiêm các cõi Phật thanh tịnh, thành tựu được cõi Phật của mình sau này. Như vậy muốn hồi hướng cõi Phật thanh tịnh trước hết phải làm những việc lành, những điều đạo đức để trang nghiêm cõi Phật đẹp đẽ sau này.

Thực hành bố thí không giới hạn được đầy đủ tướng tốt, trừ tất cả việc ác được thân khẩu ý thanh tịnh. Sanh tử vô số kiếp ý vẫn mạnh mẽ, nghe công đức vô lượng của Phật chí không mệt mỏi. Dùng kiếm trí tuệ phá giặc phiền não, ra khỏi ấm giới nhập gánh vác chúng sanh, hằng khiến được giải thoát. Dùng hạnh đại tinh tấn phá dẹp các ma quân, thường cầu vô niệm được thật tướng trí tuệ.

Bố thí không giới hạn, bố thí mãi, càng bố thí càng được nhiều tướng tốt. Đây là việc làm của Bồ-tát. Bố thí là đem niềm vui đến cho chúng sanh, mà làm cho họ vui tức là trang nghiêm tướng tốt cho mình sau này. Như đức Phật không phải ngẫu nhiên có đầy đủ tướng tốt, mà do ngài tu hạnh bố thí không giới hạn.

Còn chúng ta ai sanh ra có được tướng tốt là nhờ phước bố thí đời trước. Người có tướng xấu thì biết là thiếu phước, nên phải ráng tu thêm, đời sau nếu có trở lại sẽ được tướng tốt hơn, để chúng sanh nhìn ít chán, mới dễ giáo hóa họ. Đó là điều thiết yếu, chúng ta cần phải hiểu để ứng dụng tu.

Phải trừ dẹp tất cả điều ác, luôn giữ thân khẩu ý thanh tịnh. Trong sanh tử vô số kiếp, ý vẫn dũng mãnh. Nếu chúng ta được Phật thọ ký như trong kinh Pháp Hoa phải tu vô số kiếp nữa mới thành Phật, nghe như vậy có mừng không, hay thấy ngán vì thời gian quá lâu? Còn nói tu ba năm nữa, hoặc tu hết đời này sẽ thành Phật chắc mừng lắm. Ở đây nói, dù phải trôi lăn trong sanh tử vô lượng kiếp mà ý vẫn mạnh mẽ phấn chấn, miễn sao ra đời làm lợi ích chúng sanh là các ngài vui, chứ không ngán sợ. Phật có vô lượng công đức, vì làm lợi ích cho vô lượng chúng sanh, nghe như vậy mình thấy ngán, nhưng với chư vị Bồ-tát thì chí không mỏi mệt.

Bồ-tát dùng kiếm trí tuệ phá trừ phiền não để ra khỏi ấm, giới, nhập. Tức là có thân mà không bị nghiệp dẫn, ra khỏi ấm giới nhập để gánh vác chúng sanh, hằng khiến họ được giải thoát. Chúng ta chưa thể cõng vác người ra khỏi sanh tử, mà chỉ cần ráng tu làm mẫu mực, khuyên người cùng tu để được giải thoát. Đó là một phần nhỏ so với các ngài, nhưng nếu làm được như vậy cũng là tốt, là hay rồi.

Dùng đại tinh tấn để dẹp phá quân ma, thường cầu vô niệm được thật tướng trí tuệ. Vô niệm là thật tướng của trí tuệ. Người tu hạnh Bồ-tát phải đầy đủ các công đức trí tuệ.

Đối với pháp thế gian ít muốn biết đủ, không chán mỏi với việc cầu xuất thế, mà không bỏ pháp thế gian, không hoại pháp oai nghi mà hay tùy tục. Bồ-tát ít muốn biết đủ, không chán mỏi việc cầu xuất thế, nhưng không bỏ pháp thế gian. Vì muốn giúp người, phải có dư mới giúp được, nếu làm chỉ đủ cho mình tiêu dùng thì còn giúp được ai, nên vẫn hăng hái làm để phần dư thừa giúp người khác. Đó là hạnh ít muốn biết đủ mà không bỏ pháp thế gian.

Biết người uống rượu say thân sẽ mang bệnh, Bồ-tát thương, muốn cứu độ họ nên phải vào quán rượu để có cơ hội gần gũi khuyên nhắc, giúp họ thức tỉnh biết tai hại của rượu, từ bỏ không uống nữa. Đó là vào chỗ thế tục nhưng không phạm lỗi, vì muốn giáo hóa chúng sanh. Còn nếu mỗi chiều họ đến quán mình cũng ngồi quán, họ uống say mình cũng uống say là lầm lẫn, mất oai nghi. Như vậy trái với tinh thần của Bồ-tát: không hoại pháp oai nghi mà hay tùy tục.

Khởi các thần thông trí tuệ, dẫn đường chúng sanh, được niệm tổng trì, chỗ nghe không quên. Khéo phân biệt các căn, đoạn nghi cho chúng sanh; dùng nhạo thuyết biện tài, diễn nói pháp không ngại. Dùng thần thông trí tuệ làm phương tiện dẫn đường chúng sanh. Được niệm tổng trì, ghi nhớ hết không quên. Khéo phân biệt rành rõ các căn cơ cao thấp của chúng sanh, để nói pháp đúng với sở thích và dứt nghi cho họ. Dùng biện tài nói pháp cho người nghe thông suốt không chướng ngại.

Trong sạch mười điều thiện, thọ phước cõi người cõi trời; tu tứ vô lượng, mở đường cõi Phạm thiên. Tu thập thiện để đầy đủ phước đức cõi người, cõi trời. Tu tứ vô lượng tâm, dẫn đường cho những tứ vô lượng người sanh lên cõi Phạm thiên. Đó là phương tiện độ sanh chứ không phải để hưởng thụ dục lạc ở những cảnh đó.

Khuyến thỉnh nói pháp, tùy hỷ tán thán điều lành, được âm thanh của Phật; thân khẩu ý lành, được oai nghi của Phật. Thường khuyến thỉnh người nói pháp, tùy hỷ tán thán những điều lành của người khác, là người biết tu âm thanh của Phật. Như đức Phật nhờ tu nhân này, được lời nói trong trẻo như tiếng Ca-lăng-tần-già. Tu nhân thân khẩu ý lành là được oai nghi của Phật.

Tu sâu các pháp lành, việc làm càng thù thắng; dùng Đại thừa giáo, thành tựu Tăng Bồ-tát; tâm không buông lung, không mất các việc lành. Hành những pháp này, ấy là Bồ-tát chẳng tận hữu vi. Muốn thành tựu một vị tăng tu hạnh Bồ-tát, phải tu theo giáo lý Đại thừa, chuyên sâu các pháp lành, việc làm đều được tốt đẹp. Thực hành những điều trên đây, ấy là hạnh Bồ-tát chẳng tận hữu vi.

Sao gọi là Bồ-tát không trụ vô vi? Nghĩa là tu học Không, chẳng lấy Không làm chỗ chứng; tu học vô tướng vô tác, không lấy vô tướng vô tác làm chỗ chứng; tu học vô khởi, cũng không lấy vô khởi làm chỗ chứng. Hàng Thanh văn tu bốn pháp: Không, vô tướng, vô tác, vô khởi, được giải thoát sanh tử. Bồ-tát cũng tu bốn môn này được vô vi giải thoát, mà không lấy đó làm kết quả tu chứng của mình.

Quán vô thường mà không chán gốc lành; quán thế gian khổ mà không ghét sanh tử; quán vô ngã mà dạy người không mỏi mệt; quán tịch diệt mà không hằng tịch diệt.

Bệnh của chúng sanh là khi quán các pháp vô thường, thấy tất cả pháp dù cả pháp lành cũng vô thường, rồi không còn muốn làm gì nữa. Bồ-tát biết rõ điều này, nhưng điểm đặc biệt của các ngài, dù việc lành nhỏ cũng không bỏ. Biết rõ thế gian là khổ, nhưng vì muốn độ chúng sanh đang trầm luân trong biển khổ, nên các ngài vẫn lao vào sanh tử, không chán ghét. Như vậy mới thấy rõ tâm Bồ-tát vừa cao thượng vừa mạnh mẽ. Còn tâm chúng ta ích kỷ hẹp hòi, nhát nhúa nên chỗ khổ thì sợ tránh, chỗ vui thì tìm tới. Quán vô ngã là thấy mình không thật, người không thật mà vẫn luôn dạy người không biết mỏi mệt. Quán tịch diệt mà không hằng tịch diệt, nghĩa là đạt đến chỗ Niết-bàn lặng lẽ mà không an trụ trong đó.

Quán xa lìa mà thân tâm tu các việc lành; quán không chỗ trở về mà quy hướng về pháp lành. Quán xa lìa tức xa lìa ngũ dục mà thân tâm thường tu các pháp lành. Quán không chỗ trở về nhưng luôn hướng về làm những điều lành.

Quán vô sanh mà dùng các pháp sanh gánh vác tất cả; quán vô lậu mà không đoạn các hữu lậu; quán vô sở hành mà dùng pháp hành để giáo hóa chúng sanh; quán không rỗng mà không xả đại bi; quán chánh pháp vị mà không theo Tiểu thừa. Quán vô sanh nghĩa là quán tất cả pháp không thật sanh, nhưng dùng pháp sanh để gánh vác cho người. Quán vô sở hành là không có chỗ hành, mà luôn dùng pháp hành để giáo hóa chúng sanh. Quán chánh pháp vị là các quả vị của Tiểu thừa, mà không theo Tiểu thừa.

Quán các pháp hư vọng không bền chắc không người, không chủ không tướng, bản nguyện chưa đầy đủ mà không luống qua những phước đức, thiền định, trí tuệ. Tu các pháp như thế, ấy là Bồ-tát không trụ vô vi. Thấy các pháp là hư dối, không bền chắc, không người, không chủ, không tướng nhưng bản nguyện của mình chưa đầy đủ thì một chút phước đức cũng không bỏ qua, luôn thực hành thiền định và trí tuệ. Tu các pháp trên đây, ấy là Bồ-tát không trụ vô vi.

Lại vì đủ phước đức, không trụ vô vi; vì đủ trí tuệ chẳng tận hữu vi. Vì đại từ bi, không trụ vô vi; vì mãn bản nguyện, chẳng tận hữu vi. Muốn đầy đủ phước đức và lòng đại từ bi, nên không trụ vô vi, vì bản nguyện lợi sanh, mà an trụ vô vi là không sanh, không thể làm lợi ích chúng sanh, do đó phước đức và từ bi không viên mãn. Còn hữu vi mới tu, để được tất cả trí, nên chẳng tận hữu vi.

Vì nhóm thuốc pháp, không trụ vô vi; vì tùy trao thuốc, chẳng tận hữu vi. Thuốc pháp là pháp Phật dạy để trị bệnh chúng sanh. Vì muốn học đầy đủ các pháp của Phật nên không trụ vô vi. Nếu trụ vô vi là an trụ pháp của hàng Thanh văn thì không học được pháp của Bồ-tát. Vì tùy bệnh trao thuốc pháp, trị đúng bệnh chúng sanh, nên chẳng tận hữu vi. Nếu an trụ vô vi thì làm sao trao thuốc cho người được.

Vì biết bệnh chúng sanh, không trụ vô vi; vì diệt bệnh chúng sanh, chẳng tận hữu vi. Biết chúng sanh đủ các thứ bệnh khổ não, nên không đành lòng an trụ Niết-bàn. Vì muốn diệt hết những bệnh khổ cho chúng sanh, phải vào sanh tử mới có thể cứu độ họ, nên chẳng tận hữu vi.

Các chánh sĩ Bồ-tát dùng pháp này tu, chẳng tận hữu vi, không trụ vô vi, ấy gọi là pháp môn Tận vô tận giải thoát, các ông nên học. Trên đây là một ít pháp, Phật đã dạy cho chư Bồ-tát cõi Chúng Hương về pháp môn Tận vô tận giải thoát và khuyên các ngài hãy y theo đó tu hành.

Nhiều người mới vào đạo, nôn nóng nghĩ, tu chừng nào mới thành Phật, bao lâu được chứng quả, đắc đạo! v.v... Nghe nói đến ba vô số kiếp thì thở dài ngao ngán. Tu hành không nên tính thời gian, làm việc lành cũng vậy, tùy theo khả năng và sức lực của mình, khi công đức lành viên mãn, trí tuệ đầy đủ, chừng đó thành Phật. Những người nôn nóng, muốn tu mau thành mà không được kết quả như ý, sanh tâm chán nản dễ bỏ cuộc. Người này cũng đáng khen, vì có tinh tấn nhưng nôn nóng là một tai họa, chứ không phải là chuyện tốt. Phải có ý chí bền bỉ, dũng mãnh mới mong thành tựu sở nguyện.

Người tu phải có cái nhìn thật chín chắn. Hiểu được lý này thì ngày nào, giờ nào cũng tu. Việc lành nào đến, có thể làm được thì cố gắng làm. Niệm xấu khởi lên biết buông bỏ, điều tốt phải làm cho tăng trưởng. Thực hành mãi như vậy sẽ được công đức viên mãn.

Khi ấy các vị Bồ-tát ở nước kia nghe nói pháp này đều rất hoan hỷ, dùng các thứ hoa đẹp đủ loại màu sắc, đủ các mùi hương, rải khắp tam thiên đại thiên thế giới, cúng dường Phật và kinh pháp này cùng với các vị Bồ-tát, rồi cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, tán thán chưa từng có!

- Đức Phật Thích-ca-mâu-ni mới có thể ở nơi đây khéo hành phương tiện.

Nói rồi, bỗng dưng biến mất, trở về nước kia.

Phẩm này tuy Phật dạy cho Bồ-tát, nhưng chúng ta cũng có thể học theo để có thêm sức mạnh trong khi làm Phật sự. Những lời dạy trong đây là điều kiện để thành Phật, chúng ta phải cố gắng làm theo các hạnh này mới tròn bản nguyện của mình. Hiện tại tuy làm chưa được trọn vẹn, nhưng cũng cố gắng tiếp tục làm mãi, dù có mệt mỏi cũng đừng thối chí nản lòng.
 

 

[ Quay lại ]