headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 23/11/2024 - Ngày 23 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

KINH PHÁP HOA- PHẨM NHƯ LAI THẦN LỰC

phamnhulaithanlucCHÁNH VĂN:

Lúc bấy giờ, các vị đại Bồ Tát như số vi trần trong nghìn thế giới từ dưới đất vọt lên đó, đều ở trước đức Phật một lòng chắp tay, chiêm ngưỡng dung nhan của Phật mà bạch cùng Phật rằng: "Thế Tôn! Sau khi Phật diệt độ, ở nơi cõi nước của đức Thế Tôn phân thân diệt độ, chúng con sẽ rộng nói kinh này. Vì sao? Chúng con cũng tự muốn đặng pháp lớn thanh tịnh này để thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép mà cúng dường đó".

GIẢNG:

Tới đây các Bồ Tát từ dưới lòng đất vọt lên đó mới đối trước Phật phát nguyện xin trì kinh, mà các Ngài phát nguyện trì ở đâu? Các Ngài phát nguyện: "Sau khi Phật diệt độ ở nơi cõi nước của đức Thế Tôn phân thân diệt độ - tức không phải ở cõi Ta bà này thôi, ở các cõi nước của Phật phân thân diệt độ đó thì chúng con sẽ rộng nói kinh này". Vậy thì các Ngài sẵn sàng ở tất cả cõi nước Phật phân thân ra, các phân thân đó diệt độ thì các Ngài ở đó mà diễn nói. Như vậy Phật diệt độ nhưng các Ngài vẫn tiếp tục ở trong các cõi đó, mà nói Pháp Hoa này, đó là một ý nghĩa. Ở chỗ nào có Phật phân thân ra là có các Ngài ở đó. Tức là luôn luôn hiện tiền không gián đoạn. Đúng là phải Bồ Tát từ dưới đất vọt lên, tức phải là vô sư trí mới trì nổi như vậy. Vô sư trí là trí sẵn có nơi mình mới có khả năng đó, lúc nào cũng có mặt. Còn trí hữu sư là trí mình học bên ngoài, thì làm sao lúc nào cũng có mặt được. Cho nên đây, các Bồ Tát từ dưới đất vọt lên thì mới dám phát nguyện như vậy, mà phát nguyện như vậy đó mới hợp với tâm Phật, Phật mới chấp nhận, còn các vị Thanh Văn được thọ ký, các Ngài phát nguyện qua phương khác, chớ ở đây chịu không nổi rồi.

Đây tới đức Phật hiện thần lực.

CHÁNH VĂN:

Lúc đó, Thế Tôn ở trước Ngài Văn Thù Sư Lợi v.v… vô lượng trăm nghìn muôn ức vị Đại Bồ Tát cựu trụ ở nơi cõi Ta bà và các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, Trời, Rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la dà, nhơn, phi nhơn v.v… trước tất cả chúng, hiện sức thần thông lớn: bày tướng lưỡi rộng dài lên đến trời Phạm Thế, tất cả lỗ chơn lông phóng ra vô lượng vô số tia sáng đủ màu sắc, thảy đều khắp soi cả cõi nước trong mười phương. Các đức Phật ngồi trên tòa sư tử dưới cây báu cũng lại như thế: bày tướng lưỡi rộng dài phóng vô lượng tia sáng.

GIẢNG:

Đây hiện sức thần thông, ở trước chúng Phật hiện tướng lưỡi rộng dài trùm lên tới trời Phạm Thiên, tất cả lỗ chân lông phóng ra ánh sáng khắp mười phương thế giới, không những Phật Thích Ca thôi, mà các đức Phật ngồi trên tòa sư tử cũng như vậy. Quí vị đọc tới đó, hiểu được gì? Người có lưỡi đó, quí vị gặp có sợ hay không? Cho nên đây phải hiểu là, ngầm chỉ ở trong ánh sáng của tri kiến Phật đó, đâu đâu cũng là trí Phật, lưỡi trùm cả rộng dài, là đâu đâu cũng lời Phật nói hết, cỏ cây, đất cát đều hiển bày Pháp Hoa, người trì Pháp Hoa, trì đến đây, thì nghe tiếng gì cũng là tiếng Phật, nghe tiếng gì cũng là tiếng Pháp Hoa, không chỗ nào là không Pháp Hoa, bày tướng lưỡi rộng dài đó ngầm chỉ ý như vậy.

Còn đây mình học, miệng nói thì có lúc nói lúc nghĩ. Nói dù hay cách mấy, suốt ngày đi nữa thì cũng phải nghỉ. Còn cái lưỡi này lúc nào cũng nói được hết, chỗ nào, cây cối, cỏ hoa gì nó cũng nói Pháp Hoa được. Hiểu được như vậy, thấy được như vậy, thì lúc nào cũng hiện tiền, không lúc nào gián đoạn. Bởi vậy ông Tô Đông Pha ngộ đạo, trong bài kệ có hai câu:

                    Tiếng khe quả đấy lưỡi rộng dài
                    Màu non đâu chẳng thân thanh tịnh
                                    ***
                    Khê thanh tận thị quảng trường thiệt
                    Sơn sắc vô phi thanh tịnh thân.


Tiếng khe chảy cũng lưỡi rộng dài, còn màu núi cũng là pháp thân thanh tịnh, đâu đâu cũng là pháp thân hiện, đâu đâu cũng là lời Phật. Rồi trong tất cả lỗ chơn lông phóng tia sáng nữa. Ý nói, đến đây toàn thể pháp thân lộ bày, không có gì che dấu. Nghĩa là mình nhìn ở đâu, đụng cái gì cũng gặp Phật, không còn có một niệm nào khác xen vào được. Nhà thiền có câu: "Chạm mắt đều Bồ Đề", mắt đụng đâu cũng là Bồ Đề hết, mình trì được như vậy, chắc chỗ nào cũng ngộ được. Cho nên Ngài Vĩnh Minh ngộ đạo khi chẻ củi. Ngài làm bài kệ:

                    Chẻ rơi không vật khác
                    Tung hoành chẳng phải trần
                    Núi sông cùng quả đất
                    Toàn bày Pháp vương thân
   
Chẻ rơi cũng nó, không ai khác, ngang dọc cũng không phải trần, cũng là nó.

Tất cả núi sông, quả đất đều hiển bày thân Pháp vương, nghĩa là Pháp thân. Lúc đó đâu đâu mình cũng thấy thanh tịnh. Chỗ này không phải là chỗ lý luận để bàn bạc, cho nên đây Phật mới hiện thần lực, muốn nói lên chỗ này suy nghĩ không thể tới, phải người chứng nghiệm trong đó, người tỏ ngộ trong đó thì mới cảm nhận được. Không phải Phật Thích Ca thôi mà các Phật đều hiện như vậy, là chỉ cho Phật Phật đồng như vậy, chứng minh rõ ràng đây không phải riêng Phật Thích Ca, tức là tâm tâm in nhau như vậy.

CHÁNH VĂN:

Lúc đức Thích Ca Mâu Ni Phật và các đức Phật dưới cây báu hiện sức thần thông mãn trăm nghìn năm vậy sau mới hườn nhiếp tướng lưỡi, đồng thời tằng hắng cùng chung khảy móng tay, hai tiếng vang đó khắp đến cõi nước của các đức Phật trong mười phương, đất đều sáu điệu vang động, chúng sanh trong đó: Trời, Rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la dà, nhơn cùng phi nhơn v.v… nhờ sức thần của Phật đều thấy trong cõi Ta bà này vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức các đức Phật ngồi trên tòa sư tử dưới những cây báu và thấy đức Thích Ca Mâu Ni Phật cùng đức Đa Bảo Như Lai, ngồi trên tòa sư tử trong tháp báu.

Lại thấy vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức vị đại Bồ Tát và hàng tứ chúng cung kính vây quanh đức Thích Ca Mâu Ni Phật, đã thấy thế rồi đều rất vui mừng đặng điều chưa từng có.

GIẢNG:

Lúc đức Thích Ca Mâu Ni Phật, các đức Phật hiện sức thần như vậy thì hiện chừng bao lâu? Hiện trăm nghìn năm. Vậy quí vị thấy bây giờ còn không? Phật Thích Ca mới tịch hơn 2500 năm, thì bây giờ vẫn còn phải không, nhưng mà ai thấy được? Cho thấy rõ, khi sống được trong đó rồi quên thời gian, thời gian lâu mau không thành vấn đề. Nếu tâm thanh tịnh khế hợp thì mình ngay đây thấy rõ tướng đó, nghĩa là những tướng lưỡi, ánh sáng đó hiện đủ hết, ở nơi cái bàn này cũng có, bình bông này cũng có, nơi cửa sổ đó cũng có, thấy rõ pháp hội Linh Sơn vẫn còn nguyên đó chưa tan. Bởi vậy Ngài Trí Giả Đại Sư trì kinh Pháp Hoa này tới phẩm Dược Vương, bỗng Ngài nhập tam muội thì thấy hội Linh Sơn còn y nguyên. Đây cũng vậy, nếu tâm mình thanh tịnh, khế hợp rồi, thấy tướng lưỡi rộng dài, thấy ánh sáng đó, nó vẫn hiện đầy đủ khắp nơi. Cho nên, đây hiện cả trăm nghìn năm rồi mới hườn lại. Khi hườn lại thì tằng hắng khảy móng tay, hai tiếng đó vang khắp đến mười phương cõi nước, vậy nghe sao nổi? Bởi vì, ở đây là tự tánh Như Lai ứng ra, nếu tự tánh Như Lai ứng ra một tiếng, một âm cũng thành diệu dụng, đều không thể nghĩ bàn, đều có khả năng khai mở trí tuệ cho người, nên đây, tiếng tằng hắng, tiếng khảy móng tay vang động cả mười phương, tức phá tan vô minh. Rồi chúng sanh ở mười phương nhờ sức thần đó, thấy cõi Ta bà này, các đức Phật cũng như hội chúng Phật Thích Ca Mâu Ni và đức Đa Bảo hiện tiền, từ xa vẫn thấy suốt qua không có ngăn ngại. Lúc này không gian không còn thành vấn đề, không còn thấy có kia có đây. Đây là nhờ sức thần của Phật, tại sao phải nhờ sức thần của Phật? Nếu mình thấy bằng sức con mắt của mình đây thì không thấy được rồi, lấy cái hiểu chúng sanh này là không thể được, phải hiểu trong trí tuệ Phật, nên đây nhờ sức thần của Phật mới thấy được suốt qua thế giới.

CHÁNH VĂN:

Tức thời hàng chư thiên ở giữa hư không lớn tiếng xướng rằng: "Khỏi đây vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức vô số thế giới có nước tên Ta ba,ø trong đó có Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni, hiện nay vì các đại Bồ Tát nói kinh đại thừa tên "Diệu Pháp Liên Hoa giáo Bồ Tát pháp Phật sở hộ niệm", các ông phải thâm tâm tùy hỉ, cũng nên lễ bái cúng dường đức Thích Ca Mâu Ni Phật".

Chúng sanh đó nghe tiếng nói giữa hư không rồi, chắp tay xoay về cõi Ta bà nói thế này: "Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật". Dùng các món hoa, hương, chuỗi ngọc, phan, lọng và các đồ trang nghiêm nơi thân, những vật tốt bằng trân báu, đều đồng vói rải vào cõi Ta bà.

Các vật rải đó từ mười phương đến thí như mây nhóm, biến thành màn báu trùm khắp trên các đức Phật ở trong đây. Bây giờ mười phương cõi nước thông đạt không ngại như một cõi Phật.

GIẢNG:

Khi đó ở trên hư không có tiếng chư Thiên xướng: "Qua khỏi đây vô lượng vô biên thế giới có cõi Ta bà, có Phật Thích Ca cùng chúng đại Bồ Tát đang nói kinh đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa, các ông phải hết lòng tùy hỉ, khi đó các chúng sanh đó chắp tay hướng về cõi này xưng "Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật".

Sao mà chư Thiên ở giữa hư không xướng? Tức là ở trong tâm rỗng không của mình, từ tâm không đó, không có niệm kia đây, niệm phải quấy lăng xăng, hơn thua, được tâm không đó, mà cảm được ánh sáng Phật này thì sẽ thấy cả hội Linh Sơn ở ngay trước mắt. Rồi mọi người nghe biết thì đều chấp tay xoay về Phật, một lòng kính xưng "Nam mô Phật Thích Ca, Nam mô Phật Thích Ca". Tức là hết lòng qúi kính trở về, biết có việc này từ lâu mình bỏ quên, xưa giờ không có thấy. Bây giờ nhờ ánh sáng đó, nhờ tiếng đó, mới biết được, nhớ được. Khi biết có rồi, dùng các món hương, hoa, chuỗi ngọc để cúng dường, tức xả chỗ chấp giữ từ lâu. Tức thì mười phương cõi nước thông suốt làm một cõi, không còn thấy có ngăn ngại đây, kia nữa. Trong ánh sáng tri kiến Phật thì không có ranh giới đây kia. Mình vừa nghĩ đây kia là cách tri kiến Phật liền.

CHÁNH VĂN:

Khi đó, Phật bảo đại chúng bực thượng hạnh Bồ Tát thảy: "Thần lực của các đức Phật vô lượng vô biên bất khả tư nghì như thế; nếu ta dùng thần lực đó trong vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức vô số kiếp, vì để chúc lụy mà nói công đức của kinh này vẫn chẳng hết được.

Tóm nói đó, tất cả Pháp của Như Lai có, tất cả thần lực tự tại của Như Lai, tất cả tạng bí yếu của Như Lai, tất cả việc rất sâu của Như Lai đều tuyên bày rõ trong kinh này, cho nên các ông sau khi Như Lai diệt độ, phải một lòng thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép đúng như lời nói mà tu hành.

Cõi nước chỗ nào nếu có người thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép, đúng như lời tu hành, hoặc là chỗ có quyển kinh, hoặc trong vườn, hoặc trong rừng, hoặc dưới cây, hoặc tăng phường, hoặc nhà bạch y, hoặc ở điện đường, hoặc núi hang đồng trống, trong đó đều nên dựng tháp cúng dường.

Vì sao ? Phải biết chỗ đó, chính là đạo tràng các đức Phật ở đây mà đặng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, các đức Phật ở đây mà chuyển pháp luân, các đức Phật ở đây mà nhập Niết Bàn".

GIẢNG:


Phật nhấn mạnh lại, đây là thần lực của đức Phật vô lượng vô biên bất khả tư nghì như thế đó. Nếu dùng thần lực đó để chúc lụy, nói về công đức của kinh này cũng không thể nói hết được. Đây, Như Lai sắp trao gia nghiệp này cho người đích thực gìn giữ, khiến cho người cảm nhận ý sâu xa đó, cho nên Ngài mới dùng thần lực để ngầm nêu ý chỉ đó. Nghĩa là chỗ này nói không thể hết được. Đây muốn nhắc người học phải vượt qua mọi dấu vết của ngôn ngữ, chữ nghĩa, để tự mình cảm nhận đến chỗ không thể nghĩ bàn đó. Chỗ đó là chỗ Phật muốn chúc lụy mình, muốn dặn dò mình. Bởi thần lực là chỉ ngoài sức tưởng tượng của mọi người, nhưng thần lực như vậy còn nói không hết nữa. Quả là chỗ này tình thức không thể đến được, mình phải chứng nghiệm qua thôi. Ở đây Phật nói với các vị Bồ Tát bậc thượng hạnh, vậy rõ ràng phần này muốn chỉ chỗ hành trì, chỗ sống, chớ không phải chỗ lý giải. Nếu mình ngồi đó lý giải hoài không tới đâu hết, phải thực sống thôi. Ngài tóm lại, tất cả Pháp Như Lai có, những thần lực Như Lai được đó, đều là từ kinh này, trong kinh này nói rõ hết. Ở chỗ nào có kinh này, có người thọ trì thì đó là đạo tràng, đức Phật ở đây thành đạo, đức Phật ở đây mà nói Pháp, đức Phật ở đây mà nhập Niết Bàn. Nghĩa là sao? Chỗ nào có kinh này, có người thọ trì tức có ánh sáng tri kiến Phật, là chỗ đó có Phật, chính đó là đạo tràng thôi. Phật thành đạo là thành trong đó. Nói Pháp cũng ở trong đó. Nhập Niết Bàn là cũng nhập trong đó, rõ ràng như vậy. Nếu người sống trong đó thì sao? Thì thường thấy Phật. Vậy quí vị hiểu đạo tràng ở đâu? Ở ngay tâm giác ngộ của mình, chớ không phải đạo tràng hình thức ở nơi này nơi kia. Mình nói đạo tràng là chùa, chánh điện, là chỗ sinh hoạt, như vậy có khi ở trong đó tranh giành nhân ngã với nhau nữa. Đạo tràng này là đạo tràng của tôi, đạo tràng kia là đạo tràng của anh. Đạo tràng của tôi hay, đạo tràng của anh dở, vậy thì sao? Hết đạo tràng, hết thanh tịnh rồi. Cho nên tâm thanh tịnh thì ở đâu cũng là đạo tràng. Mỗi bước đi của mình đều đi trong ánh sáng tri kiến Phật đó, thì bước bước đều là đạo tràng, mỗi bước đều nở hoa sen, khỏi cần thần thông mới có. Còn bây giờ đây, ngồi trong chánh điện, ngồi trong nhà Tổ, sanh tâm nhân ngã với nhau, sân si với nhau, thì chỉ thấy cái gì? Thấy là bùn nhơ, là bụi bặm thôi. Vậy thì phải luôn luôn giữ gìn ánh sáng Pháp Hoa, cho nó sáng khắp mọi nơi, đó là chỗ Phật phó chúc. Phật chúc lụy là chúc lụy chỗ đó.

CHÁNH VĂN:

Lúc đó đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

                    Các Phật đấng cứu thế
                    Trụ trong thần thông lớn
                    Vì vui đẹp chúng sanh
                    Hiện vô lượng thần lực
                    Tướng lưỡi đến Phạm Thiên
                    Thân phóng vô số quang
                    Vì người cầu Phật đạo
                    Hiện việc ít có này.
GIẢNG:


Đây nhắc lại, Phật hiện tướng lưỡi rộng dài, phóng vô lượng hào quang để khiến cho người ngộ tri kiến Phật, vượt ngoài ngôn ngữ, cho nên đây không nói mà hiện thần lực.

CHÁNH VĂN:
                       Tiếng tằng hắng của Phật
                        Cùng tiếng khảy móng tay
                        Khắp vang mười phương cõi
                        Đất đều sáu món động
                        Sau khi Phật diệt độ
                        Người trì được kinh này
                        Các Phật đều vui mừng
                        Hiện vô lượng thần lực
GIẢNG:


Tức là những tiếng tằng hắng, tiếng khảy móng tay nó vang khắp hết, nếu mình nghe được tiếng này thì thấy Phật hiện tiền. Ngay đây nếu mình tâm thanh tịnh thì vẫn nghe được, chớ không phải đợi sống trở về với hai ngàn mấy trăm năm về trước.

CHÁNH VĂN:
                            Vì chúc lụy kinh này
                            Khen ngợi người thọ trì
                            Ở trong vô lượng kiếp
                            Vẫn còn chẳng hết được
                            Công đức của người đó
                            Vô biên vô cùng tận
                            Như mười phương hư không
                            Chẳng thể đặng ngằn mé   
GIẢNG:


Đây là nhắc lại, nói công đức của người trì kinh này, để dặn dò. Nói trong nhiều kiếp mà nói không hết được. Chỉ người ở trong đó biết được thôi, dùng ngôn ngữ không thể nói cho tột.

CHÁNH VĂN:
                            Người trì được kinh này
                            Thời là đã thấy ta
                            Cũng thấy Phật Đa Bảo
                            Và các Phật phân thân
                            Lại thấy ta ngày nay
                            Giáo hóa các Bồ Tát   
GIẢNG:


Phật nói rõ ràng, trì được kinh này là thấy Ngài, thấy Phật Đa Bảo, cùng các Phật phân thân, các Bồ Tát. Phật xác định rõ, chớ không phải là chuyện nói dối, nói suông.

CHÁNH VĂN:
                            Người trì được kinh này
                            Khiến ta và phân thân
                            Phật Đa Bảo diệt độ
                            Tất cả đều vui mừng
                            Mười phương Phật hiện tại
                            Cùng quá khứ vị lai
                            Cũng thấy cũng cúng dường
                            Cũng khiến đặng vui mừng


Tức là sống được trong đây thì gặp Phật ba đời. Tất cả đều vui mừng, hành giả Pháp Hoa phải vượt qua ngôn ngữ để thể nghiệm chỗ này.

                            Các Phật ngồi đạo tràng
                            Pháp bí yếu đã đặng
                            Người trì được kinh này
                            Chẳng lâu cũng sẽ đặng
                            Người trì được kinh này
                            Nơi nghĩa của các pháp
                            Danh tự và lời lẽ
                            Ưa nói không cùng tận
                            Như gió trong hư không
                            Tất cả không chướng ngại

Rõ ràng sống được trong kinh này rồi, nơi nghĩa trong các pháp nói hoài không hết. Bởi vì lời nói không thể nói tới chỗ này, từ trong đây nói ra, ứng dụng hoài không hết.

                            Sau khi Như Lai diệt
                            Biết kinh của Phật nói
                            Nhơn duyên và thứ đệ
                            Theo nghĩa nói như thật
                            Như ánh sáng Nhựt Nguyệt
                            Hay trừ các tối tăm
                            Người đó đi trong đời
                            Hay dứt tối chúng sanh
                            Dạy vô lượng Bồ Tát
                            Rốt ráo trụ nhứt thừa
                            Cho nên người có trí
                            Nghe công đức lợi này
                            Sau khi ta diệt độ
                            Nên thọ trì kinh này
                            Người đó ở Phật đạo
                            Quyết định không có nghi.
GIẢNG:


Đây kết lại, mở ánh sáng tri kiến Phật và giữ gìn ánh sáng đó, cho nó sáng mãi không dừng, để cùng soi sáng cho mọi người, thì đó là chỗ Phật hằng dặn dò, Phật hằng chúc lụy, cho nên người tu giác ngộ là phải nhớ, phải rõ được chỗ này. Đoạn trước Phật đã nói hết tình: "Nói tóm đó, tất cả pháp của Như Lai có, tất cả thần lực tự tại của Như Lai, tất cả pháp bí yếu của Như Lai đều tuyên bày nói rõ trong kinh này". Tức Ngài xác định rõ ràng, trong kinh này hay trong ánh sáng tri kiến Phật đã gồm đủ, khỏi tìm ở đâu hết. Như vậy đến đây, Phật hiện sức thần thông, chúc lụy cho các vị Bồ Tát dưới đất vọt lên để trì kinh này. Muốn trì kinh này phải làm sao? Căn bản là phải mở tri kiến Phật. Muốn trì cho được liên tục, không gián đoạn, thì phải từ trí vô sư mà trì. Cho nên đây là những vị Bồ Tát từ dưới đất vọt lên. Và muốn cảm nhận được chỗ đó thì sao? Thì phải thấu qua ngôn ngữ chữ nghĩa, vượt qua văn tự chết, vì vậy đây Phật dùng thần lực để phó chúc, tức không phải chỗ người lý luận mà đến được, phải người thực sống trong đó.

Một điểm nữa quí vị thấy đức Phật, Ngài phó chúc đó là phó chúc riêng các vị Bồ Tát, hay có phần mình. Nếu nghĩ phó chúc cho các vị Bồ Tát không có phần mình thì học làm gì?

Các vị Bồ Tát đó là ở trong mình, từ dưới đất vọt lên, là vô sư trí trong tự tâm thôi. Học Pháp Hoa là phải học đến chỗ này - mới thấy mọi người đều tự có Pháp Hoa trong nhà.


[ Quay lại ]