headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/03/2024 - Ngày 10 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Hai cực đoan

 TrongTăng Chi Bộ Kinh tập 3A.

Một hôm Phật nói cho các vị Tỳ Kheo nghe một bài kệ:

            Ai biết hai cực đoan

            Giữa bậc trí vô nhiễm

            Ta gọi bậc đại nhơn

            Đây, vượt người dệt vải.

Sau khi nghe kệ xong các vị Tỳ Kheo bàn luận với nhau, nhưng không vỡ lẽ.

Sau cùng đức Phật mới giải thích: “Hai cực đoan” là xúc và xúc tập khởi. “Giữa” là xúc diệt tức thọ diệt. “Người dệt vải” là ái.

Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần do sự tập khởi này mà có xúc. Nếu ngay đó không ưa thích, không ghét bỏ, tức trụ tâm nơi xả, thì thọ diệt. Thọ diệt rồi thì đâu còn ái nhiễm mà kết nghiệp tức được giải thoát.

Đây Phật gọi là bậc Đại nhân vượt qua được sự đan dệt của “ái” mà được Niết Bàn (vì Niết Bàn nghĩa là vô sanh mà cũng có nghĩa là không đan dệt).

BÌNH:

Thường chúng ta quen quan niệm “ái” là đầu mối của luân hồi sanh tử nên diệt ái tức nhổ gốc luân hồi. Nhưng trong bài kinh này đức Phật lại nói, ngay xúc mà không cảm thọ, tức “xúc diệt” mà cũng là “thọ diệt” thì sẽ không có sự ái nhiễm, liền đó được giải thoát.

Những niệm yêu ghét của chúng ta giống như những canh chỉ tiếp nối nhau dệt thành tấm vải, luân hồi miên viễn. Nếu không có chỉ (thọ) thì ông thợ dệt (ái) lấy gì mà dệt?

Dĩ nhiên trong cuộc sống chúng ta không tránh khỏi xúc được, nào là mắt phải thấy sắc, tai phải nghe tiếng, lưỡi phải nếm vị v.v... nhưng chủ yếu ở chỗ chúng ta có cảm thọ hay không cảm thọ. Nếu cảm thọ thì sinh yêu ghét và bị ràng buộc. Nếu không cảm thọ thì không sanh yêu ghét và được tự tại giải thoát.

Giống như khi người cho ta một vật quý mà ta không nhận. Vì không nhận của quý ấy nên tâm ta không dính mắc. Nếu chúng ta nhận tức chấp đó là của ta liền sanh ái nhiễm thì khi ấy muốn bỏ cũng không phải dễ. Và muốn được cái “thọ diệt” này chúng ta phải hằng “tỉnh giác” dùng trí tuệ quán chiếu tất cả pháp đều không thật có, chỉ do nhân duyên hòa hợp mà tạm thành, không thật có “cái Ta” và “cái của Ta” thì mới có thể không ưa thích, không ghét bỏ, trụ tâm nơi xả mà được Niết Bàn.

[ Quay lại ]