headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 13/10/2024 - Ngày 11 Tháng 9 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Mời bạn đến

 Trong Tạng Kinh Pali chép:

Trong những buổi thuyết pháp, Phật thường nhắc đến câu: “Mời bạn đến để mà thấy, không phải đến để mà tin”, để giảng dạy. Chúng ta nên tìm hiểu ý nghĩa câu kinh này thế nào?

BÌNH:

Phần nhiều chúng ta đến với đạo bằng “niềm tin” hơn là đến với “trí tuệ”, vì thế chúng ta có những hành động lệch lạc với đạo Phật.

Đạo Phật là đạo giác ngộ. Thế nên người tu Phật không thể thiếu trí tuệ.

Trong kinh Phật dạy: “Cái khổ thiêu đốt dưới địa ngục chưa gọi là khổ, cái khổ của con lạc đà, con lừa chưa phải là khổ, chỉ có người si mê không trí tuệ mới là khổ”. Tại sao? Vì si mê chính là động cơ thúc đẩy chúng sanh lưu chuyển luân hồi. Si mê là trạng thái đen tối đưa chúng sanh đến cảnh giới mê muội khổ đau... Vì vậy, trong mười hai nhân duyên, vô minh là đầu mối tạo thành nghiệp sanh tử. Từ đó, mười hai vòng xích xoay vần buộc chúng sanh trong sanh tử. Phật dạy: Muốn cắt đứt vòng xích mười hai nhân duyên, đầu tiên phải dùng kiếm trí tuệ. Một khi trí tuệ đến đâu thì bóng tối vô minh tan biến đến đó. Như trong nhà tối, khi có đèn sáng đến thì bóng tối phải biến mất. Công dụng của trí tuệ lớn lao như vậy, nên trong ba môn vô lậu học (văn huệ, tư huệ, tu huệ) sau mỗi môn đều có kèm chữ "huệ".

Chữ “Huệ” ở đây là dùng trí tuệ giản trạch các pháp, biết rõ một cách không sai lầm. Biết những gì?

1. Dùng trí xét, biết rõ các pháp là “vô thường”. Từ thân ta, cho đến mọi vật đều là vô thường là huyễn hóa. Sự vật có đều do nhân duyên hòa hợp; đã do nhân duyên hợp, thì đủ duyên tạm hợp, hết duyên liền tan. Dù cho vật lớn như quả địa cầu rồi cũng phải hoại diệt, nếu thiếu duyên.

2. Biết các pháp là “Khổ”. Bởi sự vật bị vô thường chi phối, nên mới có các thứ khổ như: Sanh, già, bệnh, chết, yêu thích mà xa lìa, oán hờn gặp gỡ, năm ấm hưng thạnh... Các khổ này không tha thứ một ai, nếu người ấy chưa hoàn toàn giác ngộ. Tuy nhiên, chẳng phải không có vui, nhưng cái vui chỉ trong chốc lát tạm bợ nhất thời.

3. Biết rõ các pháp là “Không”. Kinh Kim Cang, Phật nói: Tất cả pháp hữu vi như chiêm bao, như huyễn thuật, như bọt nước, như điện chớp (Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh, như lộ diệc như điển...) và Phật cũng nói: Phàm vật gì có hình tướng đều là hư vọng (Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng...). Vì thế các pháp dù có ngàn sai muôn khác, nhưng xét kỹ lại đều một tánh không mà thôi.

4. Xét biết các pháp “Vô ngã”. Bởi tất cả các pháp do nhân duyên hòa hợp nên không có tự ngã. Nghĩa là sự vật không có một vật gì đứng riêng mà thành được. Ví như thân ta phần vật chất do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) hòa hợp mới có. Phần tinh thần do thọ, tưởng, hành, thức hợp lại mới thành. Nếu phân tích ra từng phần thì không có cái gì là ta, là tự ngã của ta. Nói rộng ra đến sự vật như cái bàn để viết này do gỗ, đinh, công thợ v.v... hợp lại tạo thành. Nếu chia ra từng phần, cái gì là cái bàn. Cây đào trồng trước sân cũng phải do hạt giống, đất, nước, ánh sáng, nhân công... mới thành cây đào. Nếu thiếu các điều kiện trên, cây đào cũng không thể thành. Muôn sự, muôn vật đều đồng như thế cả.

Dùng trí quán biết như vậy, trong kinh Phật gọi “Trí tuệ Bát Nhã”. Nghĩa là dùng trí xét rõ các pháp đúng với tinh thần giác ngộ.

Do dùng trí tuệ nhận biết tất cả các pháp như thế lần lần chúng ta mới dứt hết mê lầm. Niết bàn cũng nhân đây mà được. Vì thế hỏi chừng nào có Niết bàn? Chúng ta có thể đáp: Khi nào hết mê lầm. Mà muốn hết mê lầm phải nhờ khả năng của trí tuệ. Vì vậy được Niết bàn không nhất định thời gian chậm hay mau, mau chậm đều do ta có trí tuệ hay không mà thôi. Như thế thì sự an lạc của Niết bàn là từ diệu dụng nhiệm mầu của trí tuệ. Diệu dụng ấy tự ta phát minh ra nó, chứ đâu phải tìm kiếm mà được.

Xưa có vị Bà La Môn đến hỏi Phật:

-Nghe nói Gotama biết huyễn thuật và dùng huyễn thuật ấy để lôi cuốn người ngoại đạo phải vậy chăng?

Phật liền nói với vị Bà La Môn:

-Này Bà La Môn, ngươi chớ có tin điều gì do báo cáo đem lại. Chớ có tin điều gì do tin đồn đem lại, chớ có tin điều gì do truyền thống đem lại, chớ có tin điều gì do kinh điển để lại, chớ có tin điều gì do phù hợp với định kiến của mình, chớ có tin điều gì do uy quyền nói ra, chớ có tin điều gì do bậc Đạo Sư truyền dạy.

Này Bà La Môn, ngươi hãy tin những gì do chính ngươi thực sự chứng nghiệm, cái đó có đưa đến an lạc hạnh phúc hay không?... (Tăng Chi Bộ Kinh).

Đọc đoạn kinh trên chúng ta thấy chủ trương của đức Phật dạy chúng ta phải hoàn toàn sống với trí tuệ. Dùng trí tuệ giản trạch các pháp và thực sự chứng nghiệm nó qua sự nhận xét kỹ càng của trí tuệ chứ không phải do niềm tin. Dù niềm tin ấy của bất cứ một ai và ở đâu đem đến. Giả sử đức Phật nói ra điều gì cũng chớ vội tin mà phải dùng trí tuệ xét nét kỹ lưỡng rồi sẽ tin. Đức Phật dạy: “Tin ta mà không hiểu ta là bài báng ta”. Bởi vì lòng tin mù quáng sẽ đưa đến mê lầm, dễ bị người ta lừa gạt.

Ở thế gian này người ta rất dễ tin, nghe đâu có việc linh thiêng liền tin và tìm đến. Hoặc theo một tôn giáo nào thì cứ một bề theo tôn giáo đó mà không chịu hiểu lời dạy của tôn giáo đó có phải chân lý hay không? Hoặc theo một học thuyết thì chấp cứng theo chủ trương của học thuyết mình là chân lý cao tột, không chịu tìm hiểu cái hay cái đẹp của học thuyết khác. Lại có khi vì cảm tình riêng, vì truyền thống lâu đời, vì một uy quyền, một thế lực mà cúi đầu tin theo một cách mù quáng vô điều kiện! Vì thế nên đức Phật thường nhắc các môn đồ: Trước khi tin một điều gì phải xét nét kỹ lưỡng rồi sẽ tin, dù là một truyền thống để lại, dù do kinh điển lưu truyền, dù là một đấng Đạo Sư nói ra v.v... cũng chớ vội tin. Mà phải tin những gì do tự mình chứng nghiệm được, nó hợp với lẽ phải, đúng với chân lý và đem lại sự an lạc hạnh phúc cho mình, cho mọi người hiện tại và mai sau.

Chúng ta phải có cái nhìn đúng như vậy mới hợp với tinh thần giác ngộ của đạo Phật. Đó là chúng ta đến để mà thấy, chứ không phải đến để tin, đúng như điều Phật thường nhắc!

[ Quay lại ]