headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 13/10/2024 - Ngày 11 Tháng 9 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Thân người đáng yêu hay đáng chán

 Chúng ta vẫn thường nghe đức Phật quở trách thân này là hư dối, là vô thường biến hoại như ghẻ lở, như ung nhọt, như đâm như chém không có gì đáng ưa thích. Lại đức Phật cũng nói, thân người khó được như chuyện “Rùa mù tìm bọng cây”. Phật nói: Ví như trong biển lớn sóng mạnh, có một khúc cây bộng bị gió thổi sóng đánh hoặc trôi bên Đông, hoặc trôi bên Tây. Dưới đáy biển có con rùa mù cứ một trăm năm mới trồi lên mặt biển một lần tìm bọng cây ấy để chui vào, nhưng biển cả mênh mông, khúc cây thì theo sóng trôi dạt Đông Tây, rùa lại mù, thử hỏi đến bao giờ mới tìm được bộng cây? Cũng vậy, chúng sanh lăn lộn trong các thú một phen được thân người rất khó như rùa mù tìm được bộng cây.

Như thế, chúng ta thấy có mâu thuẩn hay không? Ở trước Phật hết sức quở trách thân này, sau Phật lại khen bảo là khó gặp. Vậy chúng ta phải nhìn như thế nào đối với thân này cho đúng lẽ thật?

Bởi phàm phu mê mờ không có mắt tuệ, điên cuồng chấp ngã, nhận lầm thân này là Ta và thật của Ta, rồi một bề quý trọng cung dưỡng nó, tự đó tạo tác không biết bao nhiêu nghiệp ác, gây biết bao đau khổ cho người vật xung quanh! Để đối trị các chấp sai lầm tai hại ấy, đức Phật bảo, thân này là cái vay mượn của đất, nước, gió, lửa và sự hòa hợp của năm uẩn và được hình thành bởi vô minh khát ái. Do vậy, thân này phải chịu vô thường biến hoại, là pháp thống khổ, không là Ta và của Ta. Vì nếu thân này là của Ta thì nó phải thuộc quyền ta sai khiến. Vậy ta hãy bảo nó đừng già xem có được không? Nhưng nó vẫn già! Ta hãy bảo tóc ta đừng bạc, nhưng nó vẫn bạc! Khi nó đau, ta hãy bảo nó đừng đau! Khi nó sắp chết hãy bảo nó đừng chết! Nhưng nó vẫn đau vẫn chết! Thế thì lấy gì bảo đảm là của Ta. Còn nếu thân này là Ta thì nó với Ta là một, nhưng có là một được chăng? Thể của nó là hư hoại, còn Ta là cái thường còn, làm sao bảo nó là Ta được? Lại nữa nếu phân tích kỹ hơn, thì trong thân này cái gì là Ta? Đất là Ta chăng? Đất là vô tri, nếu đất là Ta thì Ta thành cái vô tri sao? Cũng vậy, nước, gió, lửa là cái vô tri đâu thể bảo là Ta! Là Ta không được vậy có phải là của Ta chăng? Đất là thuộc của đất, nước là thuộc của nước, gió là thuộc của gió, lửa là thuộc của lửa, cái gì là bảo của Ta? Đó là Phật chỉ rõ cái bản chất hư dối tạm bợ của thân, để cho chúng ta nhận rõ lẽ thật của nó mà thức tỉnh xa lìa các chấp điên đảo về thân. Chính khi thấy cái lẽ không thật của thân, những cái chấp trước về thân dần dần bị phá vỡ, một đời sống thánh thiện trở lại với chúng ta. Đó là lý do Phật chê trách thân người.

Tuy nhiên, có kẻ cạn cợt khi nghe nói thân này xấu xa nhơ nhớp, đáng nhàm chán, không kịp nhận định kỹ, vội khởi lên tư tưởng hủy hoại hay hành hạ đối với xác thân. Chẳng hạn có lần Phật thuyết về “Tứ niệm xứ”, Ngài nói đến sự bất tịnh của thân, thật không còn gì để nhàm chán hơn nữa. Sau đó Phật tuyên bố với chúng Tỳ Kheo hãy để cho Ngài ở yên một chỗ trong ba tháng, không ai được thăm viếng, trừ A Nan làm thị giả đem cơm nước. Sau ba tháng Ngài trở ra, chợt thấy trong chúng Tỳ Kheo thưa giảm đi quá nhiều. Đức Phật liền hỏi Tôn giả A Nan lý do vì sao? Tôn giả A Nan thưa: Sau khi nghe Thế Tôn thuyết giảng về pháp “Tứ niệm xứ” nói đến sự bất tịnh của thân, chư Tỳ Kheo thấy quá nhàm chán, ghê sợ nên đã cùng nhau mướn người giết đi. Nghe xong Phật quở trách, sau đó Ngài cho nhóm chư Tỳ Kheo lại và tuyên bố từ nay không ai được mướn người giết, nếu mướn người giết là phạm luật. Cho nên hành hạ thân này cũng là một cực đoan.

Bởi vì sao chẳng được hủy hoại? Vì thân này tuy là hư dối tạm bợ nhưng không vì thế mà ta lại hủy hoại nó khi chúng ta còn chưa đạt thành sở nguyện. Nghĩa là khi còn đang trên con đường đi tất phải mượn nó làm chiếc bè để qua sông. Trong kinh Phật có thí dụ người bị chìm đắm giữa sông lớn không có gì để bám, chợt nắm được khúc gỗ mục thì người ấy phải làm sao? Mặc dù biết là khúc gỗ mục không có chút giá trị, nhưng giữa lúc này thật là đáng quý vô cùng. Người ấy quyết phải nương khúc cây mục đó mà vô đến bờ, khi vô đến bờ rồi chừng ấy liền bỏ đi không luyến tiếc! Cũng vậy, khi chúng ta chưa đạt đến đích, phải mượn thân này làm phương tiện để thực hành chân diệu pháp. Tiến xa hơn nữa, dùng nó để làm lợi ích chúng sanh, khi công phu viên mãn liền bỏ lại ra đi không luyến tiếc! Được vậy mới là người biết dùng đúng chỗ dùng của thân. Trái lại, chê nó là khúc củi mục không chịu dùng, hoặc ở trên khúc củi đó mà tô điểm, sơn phết tưng tiu để rồi đành phải chết chìm ở giữa giòng, Phật nói như vậy đồng một hạng ngu si!

Chúng ta có biết chăng, “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”, trong cuộc lưu chuyễn luân hồi, chúng ta đã từng bao lần lên xuống làm trùng kiến, làm trâu, làm ngựa cho người chà đạp, leo cưỡi, hôm nay may mắn thay chúng ta lại được thân người lại gặp chánh pháp Như Lai. Thế thì chúng ta phải làm sao để khỏi bỏ lỡ cái cơ hội tốt lành này! Thí dụ: “Con rùa mù tìm bộng cây” tức là chỉ chúng ta vậy. Ai đã thấy?

            Ôi luân hồi dài dài

            Biết đâu là khởi điểm

            Trăm năm vải lau đá

            Kiếp dài biết là bao?

            Mấy lần đã đi qua

            Bao lần uống sửa mẹ

            Ôi! Bể cả khôn lường

            Lại như cát sông Hằng!

            Chừng ấy đủ cho ta

            Chịu đựng cơn thống khổ

            Chừng ấy đủ cho ta

            Giải thoát tất cả hành!

Phật từng nói trong cuộc luân hồi từ vô thủy của chúng ta không thể tìm thấy đâu là khởi điểm, ví như một hòn núi đá lớn có người cứ một trăm năm đến đó với tấm vải Kasi lau một lần, lau cho đến mòn hòn đá ấy cũng chưa sánh được kiếp luân hồi của chúng ta. Trong ấy chúng ta đã biết bao lần uống sữa mẹ cho đến còn nhiều hơn là nước biển cả. Thế mà hôm nay chúng ta lại không thức tỉnh tiến tu, mượn thân này mà giải quyết cơn mộng vô minh, một phen qua rồi bao giờ gặp lại cơ hội tốt như thế. Như một lần đức Phật ở tại thành Xá Vệ, rừng Kỳ Đà vườn Ông Cấp Cô Độc, Ngài khơi một chút đất trên đầu ngón tay đưa lên hỏi chư Tỳ Kheo: “Này Chư Tỳ Kheo, các ông thấy đất trên đầu ngón tay ta nhiều, hay đất quả địa cầu nhiều?”. Các Thầy Tỳ Kheo đáp: “Bạch Thế Tôn, đất quả địa cầu rất nhiều so với đất đầu ngón tay Thế Tôn gấp trăm lần, ngàn lần, trăm ngàn lần cho đến khó mà tính kể được”. Phật nói: “Cũng vậy, ta thấy chúng sanh ở thế gian này sau khi bỏ thân người phần đông đi vào các thú nhiều như quả đất địa cầu, còn kẻ trở lại làm người rất ít như đất đầu ngón tay”.

Thế nên đức Phật mới nói được thân người rất khó, trăm lần, ngàn lần khó để nhắc nhở chúng ta phải khéo tu học chánh pháp, khích lệ thêm niềm tin và sự phấn khởi. Đó là Ngài nói lợi ích của thân trên đường tu học. Còn một điểm mà chúng ta ít người biết đến là chính ngay cái thân giả dối này đã có sẵn cái chân thật, bất sanh bất diệt mà chư Phật hằng khen ngợi. Ấy là điều mà những người tu Phật chúng ta thường ao ước muốn gặp và đã từng tốn bao công phu đeo đuổi tìm cầu, nhưng không ngờ nó ở ngay nơi thân này. Ngài Triệu Pháp Sư nói: “Trong càn khôn, giữa vũ trụ có hòn ngọc quý ở tại hình sơn”. Hình sơn là chỉ thân năm uẩn này vậy. Do đó, chúng ta có đủ niềm tin nơi mình, sẵn sàng vươn lên trong cái sinh diệt, mà sống với cái bất sinh bất diệt.

Như vậy, đối với thân này có hai điểm, một điểm đáng chê trách xa lìa; một điểm đáng khích lệ vươn lên, chúng ta phải quán cả hai mặt. Để phá chấp, chúng ta phải quán thẳng vào bản chất hư dối, không chắc thật của thân thể, phá trừ cái si mê chấp ngã, đã dẫn dắt chúng ta đi mãi trong luân hồi sanh tử. Thứ hai để tu tiến, chúng ta phải lợi dụng thân này để làm lợi khí vượt qua vòng sanh tử mà đạt đến cứu cánh giải thoát. Thêm một điểm nữa, ngay cái thân không thật này, khéo nhận ra cái chân thật, bao nhiêu công đức sẽ từ đó đầy đủ tất cả, cho đến cứu cánh thành Phật không còn nghi ngờ gì hết.

Tóm lại, quá yêu mến quý trọng thân này để rồi tha hồ cho nó thụ hưởng lạc thú là một cực đoan, mà hành hạ hủy hoại nó cũng là một cực đoan. Phải tránh hai cực đoan này mà sống theo trung đạo, đó là đi đúng đường chư Phật đã đi, chớ để một thời qua suông, dịp may không đến hai lần, về sau ắt phải ân hận! Hãy xét kỹ! Hãy xét kỹ!   

[ Quay lại ]