headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/03/2024 - Ngày 10 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Những lẽ thực

 Chúng ta thường nghe nói những điều Phật nói ra đều là lẽ thật (chân lý).

Lẽ thật này trước sau như một không thay đổi. Vậy cái gì là lẽ thật? Trong Kinh Phật nói: “Mặt trời dù có lạnh, mặt trăng dù có nóng, lời Phật nói ra không bao giờ thay đổi”.

Lẽ thật Phật nói ra rất nhiều, gồm trong các Kinh điển, xin lược nêu vài điểm điển hình:

 1- Đối với thân người:

Phật nói thân này là giả dối: Vì nó do các duyên (đất, nước, gió, lửa) hòa hợp, đã do duyên hòa hợp thì hết duyên nó phải tan rã, chúng ta thử xét, có thân ai chẳng do duyên hợp chăng?

Thân này vô thường: Sự còn mất của thân này không cố định thời gian, người mới sinh rồi mất, người sinh ra mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm cho đến tám mươi năm rồi mất, có khi thân mạnh, có lúc nó đau. Khi mới sinh thì trẻ, lớn lên rồi già v.v... luôn luôn đổi thay sinh diệt. Trên thế gian này, thử hỏi có thân ai chẳng hư hoại không?

Thân này bất tịnh: Bản chất của thân này vốn là bất tịnh, thế nên trong những chỗ bài tiết (mắt, tai, mũi, miệng, đường đại, đường tiểu, các lỗ chân lông) đều bài tiết ra những vật bất tịnh...

Đây là lẽ thật về thân,  những lẽ thật này có giá trị từ đời này qua đời khác không thay đổi. Tuy nhiên, quan niệm của mọi người là trốn sự thật. Sự thật nó như thế, nhưng mỗi khi nói đến sự thật thì họ nhăn mặt, có vẻ phản ứng tự nhiên. Dụ như thân vốn là hư giả, nhưng nhắc đến cái giả dối thì họ cảm thấy không vui. Chẳng hạn gặp ai mình muốn xã giao nói anh chị còn trẻ quá, còn đẹp quá thì họ vui thích, trái lại nói anh chị già quá, xấu quá, họ cảm thấy buồn không thích mình ngay. Họ rất sợ nhắc đến những cái vô thường thay đổi, nên khi gặp nhau chúc tụng, là chúc sống lâu (thọ chớ không bao giờ chúc chết sớm “yểu”). Thậm chí đã chết, đi nhắc quan tài mà còn tránh né cử không dám gọi tên, bảo là nhắc “cái thọ”. Thân vốn nhớp nhúa nhơ bẩn, nhưng nếu gặp ai nói thân anh hay chị nhơ bẩn thì phản đối kịch liệt. Ngược lại, có đa số người còn thích tô điểm vẽ vời. Nhưng thử hỏi bản chất nó là sạch sẽ thì cớ gì lại phải tô điểm nó để che lấp? Cớ gì nó lại bài tiết ra những thứ đáng nhờm đáng chán?

2- Đối với sự vật.

Phật nói tất cả sự vật trong thế gian đều bắt nguồn từ nhân mới thành quả. Chúng ta muốn trồng được cây cam, cũng phải tìm được giống cam để gieo trồng. Hạt cam là nhân, cây cam là quả. Muốn biết chữ phải đi học. Đi học là nhân, biết chữ là quả. Cho đến một câu nói hàng ngày chúng ta cũng đều nằm trong nhân quả, như nói: “Tôi muốn ăn cơm”. Vì sao muốn ăn cơm? Vì bụng tôi đói. Bụng đói là nhân, muốn ăn cơm là quả. Đó là những việc nhỏ hằng ngày bày ra trước mắt chúng ta, đều không ngoài nhân quả.

Nói rộng ra cho đến quả địa cầu cũng thuộc nhân quả. Như các nhà khoa học nói: Ban đầu do những đám xoáy lâu ngày kết tụ thành quả đất. Thế nên nhiều hạt bụi là nhân, quả địa cầu là quả v.v... Tóm lại, muôn sự muôn vật đều nằm trong lý nhân quả.

Đối với tướng sinh diệt của sự vật, ngoài lý nhân quả, chúng ta còn thấy lý nhân duyên. Phật dạy các pháp có đều do nhân duyên hòa hợp mới thành, không có một pháp nào có tự thể riêng của nó. Dụ như thân ta cũng phải do bốn đại: Đất, nước, gió, lửa cộng với thần thức hợp lại mới thành. Sự vật bên ngoài cũng do duyên hợp mới thành, như muốn làm cái nhà cũng phải đủ vật liệu như gỗ, tôn, vôi cát, gạch, xi măng, công thợ v.v... mà tạo thành cái nhà. Muốn trồng cây, cũng phải nhờ có hạt giống, phân, đất, nước, ánh sáng, công chăm sóc mới thành cây. Như vậy tạo thành thân người hay sự vật, nếu thiếu một trong những điều kiện trên cũng không thể thành được.

Tóm lại, lý nhân duyên và nhân quả nó bao trùm trong mọi vật và phổ biến suốt cả thời gian và không gian. Nên kinh Phật gọi là “Chân lý tương đối phổ biến”. Những chân lý (lẽ thật) này nó nằm sẵn trong con người và mọi vật. Đức Phật chỉ là người phát minh ra lẽ thật ấy mà thôi...

Thế nên người tu chúng ta phải thấy đúng những lẽ thật như vậy, đó là chúng ta đã thấy đạo.

Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật hỏi các thầy Tỳ Kheo mạng người sống bao lâu? Một vị Tỳ Kheo đáp: “Khoảng vài ngày”. Phật nói: “Ông chưa thấy đạo”. Phật lại hỏi vị Tỳ Kheo khác, vị này đáp: “Khoảng trong bửa ăn”. Phật nói: “Ông cũng chưa thấy đạo”. Phật lại hỏi vị Tỳ Kheo khác và vị này thưa: “Mạng người sống chỉ trong hơi thở”. Phật liền gật đầu chấp nhận nói: ”Ông đã thấy đạo”. Rõ ràng thấy đạo là thấy lẽ thật chứ không có gì khác. Tuy nhiên người ta dễ lầm thấy đạo là phải có thần thông diệu dụng thần bí v.v...

Qua những lẽ thật trên, nếu chúng ta chịu khó nghiền ngẫm và dụng công tu tập quán chiếu thì tâm chấp trước về ngã pháp lần lần dứt sạch, phiền não cũng theo đó mà hết, tức là chúng ta đã sống với trí tuệ vậy.

[ Quay lại ]