headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Nói cái gì ?

 Người xưa nói:

            Mạc hành tâm xứ lộ

            Bất quải bổn lai y

            Hà tu thậm ma đạo

            Thiết kỵ vị sanh thì.

Dịch:

            Chớ đi nơi đường tâm

            Chẳng mặc áo xưa nay

                                                    Đâu cần nói cái gì ?

                                                    Rất kỵ lúc chưa sanh.

BÌNH:

Chúng ta thấy bài kệ trên có gì đặc biệt? "Mạc hành tâm xứ lộ": Chớ đi đường tâm là dứt bặt vọng tình. "Bất quải bổn lai y": Chẳng mặc áo xưa nay là chẳng trụ chân thật, nghĩa là chẳng đi theo vọng tình cũng chẳng trụ nơi chân thật, tức chẳng kẹt nơi "vọng" chẳng trụ bên "chân", hai đầu cắt đứt. Chính ngay khi ấy lại bảo nói cái gì? Ai có thể nói được? Chỉ cần nhằm y nói: "Rất kỵ lúc chưa sanh" vừa mở miệng là trời đất cách xa, nhích một chút là ngàn sai muôn sai, cho nên nói chỗ này rất kỵ động đến! Sở dĩ ba đời chư Phật thường hộ niệm, lịch đại Tổ Sư thầm giữ gìn, dứt bặt lối đi, đầu tro mặt đất khó lường tung tích, những kẻ tà tâm đều không thể nhìn trộm. Nếu chẳng phải kẻ tri âm làm sao có thể nói? Trong đây phải thật nhanh mắt, chớp nhoáng như điện xẹt, trong khoảng nháy mắt là đã qua rồi vậy. Ví như trái banh thả trên dòng nước, động đến liền xoay, chạm đến liền chuyển, lăn tròn tự tại không chút đình trệ.

Như có vị trời đến hỏi Phật:

-Thưa Tôn Giả, làm sao Ngài vượt khỏi bộc lưu?

Phật đáp:

-Này hiền giả, không đứng lại, không bước tới, ta vượt khỏi bộc lưu.

Vị trời hỏi tiếp:

-Thưa Tôn Giả làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?

Phật đáp:

-Này hiền giả, khi ta đứng lại thì ta bị chìm xuống, khi ta bước tới thì ta trôi giạt. Do vậy, này hiền giả, không đứng lại, không bước tới ta vượt khỏi bộc lưu. (Tương Ưng Bộ Kinh).

Bộc lưu là dòng nước chảy nhanh, trên dòng nước chảy nhanh nếu ta đứng lại là bị nhận chìm ngay, vừa bước tới liền bị cuốn trôi theo. Ngay đó không đứng lại, không bước tới, tự làm chủ chính mình, tức vượt khỏi hai đầu.

Cũng vậy, "Chớ đi đường tâm" là không bước tới; "Chẳng mặc áo xưa nay" là không đứng lại; "Rất kỵ lúc chưa sanh" ngay đó liền tự tại vượt khỏi vòng sanh tử lưu chuyển.

Vì vậy, người tu Thiền chúng ta phải nhận cho thật kỹ chỗ này, không khéo thì dễ bị ngăn trệ đường tu. Chủ yếu là dứt bặt hai bên, vốn không chỗ trụ. Không trụ nơi thường tình, không dừng nơi chân thật. Thiền sư phải là những người đi qua không để lại dấu vết. Nếu còn có chỗ rơi thì đâu khỏi bị người kiểm điểm! Thế nên câu: "Rất kỵ lúc chưa sanh" quả thật là một nhát búa đập thẳng vào đầu chúng ta, không còn có chỗ suy tư. Là những người tu thiền, bước đi trên đường giải thoát, chúng ta không thể xem thường chỗ này! Đây là chỗ tối kỵ trong nhà Thiền. Các Tổ đâu chẳng thường bảo:

-Chớ động đến.

-Nếu động đến thì sao?

-Tức tan nhà nát cửa, không còn có chỗ để nương tựa.

Thử hỏi ai đã từng động đến ?

-Tha cho ba gậy!

[ Quay lại ]