headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 18/12/2024 - Ngày 18 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Ai thân ai sơ

 Hiệp Sơn cùng Định Sơn đồng đi đường cùng nói chuyện với nhau.

Định Sơn nói:

-Trong sanh tử, không Phật tức phi sanh tử.

Hiệp Sơn nói:

-Trong sanh tử, có Phật tức chẳng mê sanh tử .

Cả hai cùng lên núi lễ vấn Thiền Sư Đại Mai Pháp Thường. Hiệp Sơn đem câu nói của hai người thuật lại Sư nghe. Và hỏi:

- Chưa biết chỗ thấy của hai người ai được thân (gần gũi).

Sư bảo:

- Một thân một sơ.

- Ai được thân?

- Hãy đi sáng mai lại!

Sáng hôm sau Hiệp Sơn lại đến hỏi Sư, Sư bảo:

- Người thân thì chẳng hỏi, người hỏi thì chẳng thân.

BÌNH:

Chúng ta vẫn thường nghe nói: "Chỗ lý cùng tột vốn không thân sơ, thân sơ là tại nơi người". Bởi có tâm kia đây mới thấy có gần với đạo hay cách xa đạo. Nếu tâm "không hai" thì còn chỗ  nào là thân là sơ ? Thế nên, người hỏi thân sơ là còn kẹt trong niệm phân biệt ắt rơi vào thức tình, không hợp với đạo. Nếu chúng ta lại theo đó mà đáp hoặc thân hoặc sơ tức cũng đồng bị kiểm điểm như họ... Đại Mai thì chẳng như thế, Sư khôn khéo gạt đi một câu: "Hãy đi sáng mai lại". Sau một đêm trằn trọc nôn nóng muốn biết ai thân ai sơ, nên sáng hôm sau Hiệp Sơn đến trước hỏi: "Ai được thân?". Rõ ràng bày quả tang không còn nghi ngờ! Do đó Đại Mai liền bảo: "Người thân thì chẳng hỏi, người hỏi thì chẳng thân". Hiệp Sơn đành hổ thẹn trở lui.

Thật đau biết mấy!

Đây là một bài học đích đáng cho những ai còn có niệm tranh chấp thân sơ, đúng sai. Người mà thật "thân" tức một câu nói ra đã đầy đủ tự tin, dù cho ai có phê phán thế nào cũng không nghi; trái lại, nói ra mà còn hồi hộp chờ đợi phê phán đúng sai tức còn mơ màng chưa phải "thân" rồi!

Từ đó suy ra những cuộc tranh chấp thông thường cũng vậy. Giả sử hai người cãi nhau đem đến chúng ta đòi xử ai đúng, ai sai, chúng ta chỉ cần lấy đây xét đoán khỏi phải tranh chấp nhiều lời. Vì nếu xử người này đúng, người kia sai, tức kẻ sai liền cho chúng ta bênh vực người này mà ghét bỏ họ, ắt sanh tỵ hiềm với nhau khó mà dung hòa. Cho nên chỉ cần bảo: "Người đúng thì chẳng hỏi, người hỏi thì chẳng đúng", để mọi người tự xét lấy. Nên nhớ rằng kẻ trông mong cho mình đúng là có tâm muốn hơn người, nếu bị cho sai tức sanh phiền hận, đó là bệnh. Thế nên biết, vừa khởi tâm đúng sai, thân sơ là đã trật rồi! Huống là chỗ "chí đạo" vốn bặt kia đây, dứt tâm chọn lựa, lấy đâu mà nói thân nói sơ, nói đúng nói sai? Vậy ai là người trí hãy khéo xét kỹ, chớ để một chút sai lầm càng xa lý thật!

[ Quay lại ]