headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 18/12/2024 - Ngày 18 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Chỉ Một Chữ "Biết"

 Có lẽ mỗi người chúng ta ai ai cũng không còn lạ gì khi nhắc đến chữ "Biết". Có thể nói chúng ta đã gặp nó hằng trăm ngàn lần trong cuộc sống hằng ngày. Nơi gia đình, trong sách vở, ở học đường, ngoài xã hội, giữa công việc làm, đâu đâu chúng ta cũng có gặp, đến nỗi mỗi khi nhắc đến tưởng chừng như chúng ta đang sống trong đó không cần suy nghĩ chút gì. Thế nhưng hỏi lại, có ai đã thật sự chạm đến chữ "Biết" này một lần nào chưa? Quả là chúng ta đang vẫy vùng trong đó như sóng đang vẫy vùng trong nước!

 

Này, chúng ta hãy nhìn một ngọn sóng đang vươn lên! Và chúng ta có cảm nhận được cái gì? Phải chăng chúng ta đang sống trong ngọn sóng ấy, từ nước mà vươn lên và vẫy vùng trong nước? Có bao giờ sóng tách rời khỏi nước, thế mà có bao giờ sóng tìm gặp nước? Lượn sau cứ tiếp đuổi lượn trước từ ngày này qua ngày khác mà không thể tìm đâu là chỗ gặp nhau. Cũng vậy, chúng ta có bao giờ chẳng cùng sống "đời sống bất sanh bất diệt", nhưng cứ mãi đeo đuổi theo những lượn sóng sanh diệt, cái Biết này tiếp đuổi cái Biết kia, thế nên chưa bao giờ chạm mắt một lần Biết! Có thể chúng ta cũng có Biết và Biết thật nhiều, cho đến trí óc chúng ta đầy nhóc không còn chỗ để chứa. Song xét kỹ lại, chúng ta có thật Biết gì đâu? Khi còn suy nghĩ này nọ tức còn nói: "Tôi Biết thế này, tôi Biết thế kia..." chợt khi chết giấc hoặc lúc ngủ mê thì hỏi có còn Biết chăng? Cái Biết đó đã đi về đâu? Hoặc lúc ta đang ngồi thiền tư tưởng tạm thời dừng lặng, khi ấy lấy gì để Biết?

Vì có suy nghĩ thì có tướng này tướng nọ mà Biết, không suy nghĩ thì có tướng gì? Do đó chúng ta tưởng chừng như không còn Biết nữa, có người ắt sẽ hoảng hốt: "Thế là tôi mất rồi!" Quả tang chúng ta đang trồi hụp trên những lượn sóng chập chùng mà quên mất: nước vẫn còn đây! Thật sự ai ai cũng đều đủ "Tánh Biết thường hằng" không bao giờ gián đoạn, cho đến con trùng con kiến cũng không tạm thiếu, mà nói có Biết hay không Biết là thuộc về đối tượng có hay không mà thôi. Có đối tượng thì tướng Biết hiện, không đối tượng thì tướng Biết ẩn mà chẳng phải không cái Biết. Do đó người tu thiền mới có thể thường tỉnh sáng. Nghĩa là khi có tưởng "Biết rõ" là có tưởng, khi không tưởng "Biết rõ" là không có tưởng, tưởng có thể có hay không mà "Tánh Biết" thì không hai. Nên nói: Thường hiện tiền.

Từ đó chúng ta mới thấy rõ lối tu một cách rất thiết thực: khi nhìn một cành mai chúng ta "Biết rõ" đang nhìn cành mai, nghe tiếng nhạc "Biết rõ" đang nghe tiếng nhạc, ăn cơm mặc áo "Biết rõ" đang ăn cơm mặc áo v.v... tức là luôn luôn tỉnh sáng rõ ràng trên "cái Biết", không để cho cảnh đối tượng làm mờ. Nhân đó khi công phu thuần thục thì bất cứ nơi nào cũng là chỗ chúng ta ngộ đạo cả. Như thế, Tổ Qui Sơn dựng phất tử, Tổ Ca Diếp gọi A Nan, đối với chúng ta chẳng còn che mắt bít tai được nữa! Chỉ một phen Biết, tức hằng ngày chúng ta đang sống.

Rõ là có gì lạ đâu, bởi chúng ta vẫn sống mà không chịu nhận, cứ chạy theo những lượn sóng chìm nổi lên xuống nên thấy có kia, có đây cách biệt. Do đó mà hết buông cái này, bắt cái nọ, nhọc nhằn lao khổ từ kiếp này qua kiếp khác, từ thân này qua thân khác, cho đến khi chán nãn trở về với đạo mà vẫn còn cái tập khí sanh diệt chưa quên: Bỏ vọng để về chơn, diệt phiền não để chứng Bồ đề, Niết bàn v.v... lấy vọng này để bỏ vọng kia, dấu vết vẫn còn nguyên!

Chúng ta hãy nghe Thầy Tri Viên hỏi Thiền Sư Duyên Quán:

-- Khi giặc nhà khó giữ thì thế nào?

Duyên Quán đáp:

-- Biết được chẳng phải oan gia.

Quả thật chúng ta lâu nay cứ tưởng có một cái gì riêng khác làm rối loạn tâm mình, cần phải đoạn trừ nên thường thắc mắc không yên. Chẳng ngờ chính mình tự gây rối loạn mà không hay. Ðất, nước, gió, lửa không thể gây rối; gan, ruột phèo, phổi không thể gây rối; sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp không thể gây rối. Chính ngay chỗ cái thấy, nghe, hiểu, biết, bình thường khởi lên cái "niệm kia đây", tức thành rối loạn. Trái lại, cũng ngay cái thấy, nghe, hiểu, biết đó tỉnh sáng trở lại tức nguồn thanh tịnh vốn không việc khác. Nên nói: tức thấy, nghe, hiểu, biết mà lưu chuyển luân hồi, cũng tức thấy, nghe, hiểu, biết mà ngộ tri kiến Phật.

Thầy Tri Viên hỏi tiếp:

-- Sau khi biết được thì sao?

Duyên Quán đáp:

-- Biến đến nước vô sanh.

Ngay chỗ tỉnh sáng hãy khéo giữ gìn, lâu ngày vọng tưởng tự dừng lặng tức là an trụ vô sanh, có trừ có dẹp gì đâu? Tuy nhiên chúng ta sẽ lầm lẫn khi đạt đến vô sanh, là sống một thế giới cách biệt với thế giới sai biệt này, chính cái niệm đó sẽ khiến chúng ta chìm lịm trong chỗ lặng lẽ, lấp bít con đường trí tuệ viên thông. Ðó là điều mà các Thiền Sư thường quở trách!

Vậy nên Thầy Tri Viên hỏi tiếp:

-- Nước vô sanh đâu không phải chỗ y an thân lập mạng?

Duyên Quán bảo:

-- Nước chết không chứa được rồng.

Thầy Tri Viên hỏi:

-- Thế nào là nước sống chứa rồng?

Duyên Quán đáp:

-- Dậy mòi chẳng thành sóng.

Phải vươn lên trong cái sanh diệt mà vẫn tự tại, dạo khắp núi sông mà không đạp một tấc đất. Gọi là kẻ vào rừng không động lá, đi qua không để lại dấu vết, đó mới là chỗ cứu cánh chân thật. Nên cuối cùng Thầy Tri Viên hỏi:

-- Bổng khi đầm nghiêng núi đổ thì sao?

Duyên Quán đáp:

-- Chớ nói ướt góc ca sa của Lão Tăng.

Quả thật trong sanh diệt vẫn sống bất sanh bất diệt, ý nghĩa sanh diệt chẳng tương can, càng thêm tỏ!

Nhận được chỗ này, chúng ta mới thấy chỗ không bệnh của Ngài Ðộng Sơn. Khi sắp tịch, Sư có chút bệnh.

Một vị Tăng đến hỏi:

-- Hòa Thượng bệnh có thấy cái chẳng bệnh chăng?

Sư đáp:

-- Có.

Tăng hỏi:

-- Cái chẳng bệnh có thấy Hòa Thượng chăng?

Sư đáp:

-- Lão Tăng xem y có phần.

Tăng hỏi:

-- Chưa biết Hòa Thượng làm sao xem y?

Sư đáp:

-- Khi lão Tăng xem chẳng thấy có bệnh.

Chúng ta thấy "cái không bệnh" chăng?

Chỉ một cái "Biết" thôi! Nghĩa là khi bệnh "Biết rõ" từng trạng thái diễn tiến của bệnh không một chút lầm lẫn, tức "cái Biết" ấy chẳng đồng với bệnh. Trái lại, nếu cứ nghĩ: "Ta bệnh khổ!" tức tự mình đồng hóa với cái bệnh và mất đi "cái Biết thường hằng", đó là bị sanh tử chuyển! Vậy nên chúng ta phải nhận sâu chỗ này. Nếu không, tu hành khó tiến, lại dễ sanh nghi ngờ.

Ðây chúng ta hãy nghe kỹ lại một lần nữa. Tổ Lâm Tế nói:

-- Xác thân tứ đại của các ông không biết thuyết pháp, nghe pháp. Gan mật, dạ dày, ruột không biết thuyết pháp, nghe pháp. Hư không không biết thuyết pháp, nghe pháp. Là một cái "riêng sáng hiện bày rõ ràng" ở trước mắt ông, nó biết thuyết pháp, nghe pháp. Nếu thấy được như thế đã cùng Phật Tổ không khác, chỉ trong tất cả thời đừng cho gián đoạn, chạm mắt đều phải, chỉ vì tình sanh trí cách, tưởng dấy thể sai.

Như vậy ngay chỗ thấy, nghe, hiểu, biết hằng ngày chúng ta khéo nhận thức "đạo nhân hiện tiền" không chỗ nương! Không nương đất, nước, gió, lửa, không nương gan, mật, phèo, phổi..., không nương sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp... cho đến không nương mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý: tức chính ngay thấy nghe này... liền giải thoát. Ðó là chúng ta sống giữa thế gian mà siêu xuất khỏi thế gian. Chủ yếu là thường tỉnh đừng mê, thường nhớ chẳng quên, chớ để tình sanh mà trí phải cách, tưởng dấy lên thì thể thành sai biệt. Phải là trong tất cả thời đi, đứng, nằm, ngồi, công tác, nghỉ ngơi mỗi mỗi cử động đều "Biết" rõ ràng! Nếu có phút giây nào trống thiếu tức phút giây đó ta đang sống trong tăm tối. Cho dù là người tu thoại đầu mà thiếu sự tỉnh sáng này, cũng bị quở trách! Chẳng hạn khi tham không biết câu thoại đầu đang tham, hoặc tham một lúc thoại đầu chạy đi đâu không hay không biết; thế là có nghĩa tham chăng hay đã đi trong hang quỉ rồi? Chúng ta cần hiểu rõ, Thiền là đủ hai nghĩa "Tịch và Chiếu", do "tịch" mà niệm không khởi, do "chiếu" mà trí chẳng đoạn, niệm không khởi, trí chẳng đoạn đó mới là thường tỉnh sáng, một điểm cũng chẳng lầm. Dù có chỗ gọi "tịch chiếu đều quên" song vẫn không mất ý nghĩa tỉnh sáng. Mà đến đây "tịch chiếu không hai", chẳng còn dấu vết phân biệt đây tịch kia chiếu; đó gọi là "nhập diệu" vậy.

Cho nên có vị Tăng hỏi Thiền Sư Nam Nhạc Hoài Nhượng:

-- Như gương đúc thành tượng, sau khi tượng thành cái sáng đi về đâu?

Sư đáp:

-- Như Ðại Ðức tướng mạo lúc trẻ hiện giờ ở đâu?

Tuy tướng mạo lúc trẻ hiện giờ không thấy, nhưng đi đứng hiện tại có phải là ai khác đâu?

Tăng hỏi tiếp:

-- Tại sao khi thành tượng không chiếu soi?

Sư đáp:

-- Tuy không chiếu soi nhưng dấu y một điểm cũng chẳng được!

Nghĩa là chúng ta cứ nghĩ, khi vọng tưởng lặng hết rồi thì hiểu biết cũng không luôn, chứ có biết đâu, chính khi ấy toàn thể thành dụng không còn phân chia, nên bất cứ lúc nào hễ chạm đến liền Biết, động đến liền xoay, một hạt bụi cũng không lọt qua được: "Tuy không chiếu soi mà một điểm dối y cũng chẳng được". Tịch mà thường chiếu rõ ràng không còn tranh cãi! Chỗ này mà sai một chút thì cách xa bằng trời với đất, trí tuệ do đó khó thông.

Ðến đây chúng ta đã hiểu tầm quan trọng của sự tỉnh sáng trong nhà Thiền. Chư Tổ thường nói: "Các ông nếu tạm rời việc này trong khoảng khắc tức cùng kẻ chết không khác". Song sự tỉnh sáng này đâu ai có thể truyền cho, cũng không ngòi bút nào ghi chép được. Do vậy nếu chúng ta chạy đến các Ngài hỏi tìm ắt thất vọng mang về hai tiếng "không biết". Có lúc từ bi hơn, các Ngài liền bảo: "Tha ông ba gậy!". Nếu miễn cưỡng hỏi tiếp tất bị vung gậy vào người! Phải chăng các Ngài muốn nói, chúng ta đang sống trong ấy mà lại đi tìm? Ăn cháo xong chưa? Rửa bát đi! "Chẳng rời hiện tại thường lặng lẽ, còn tìm tức biết anh chưa thấy!". Chính nó đây rồi! Khi ăn chúng ta cùng ăn, khi ngủ chúng ta cùng ngủ, khi dạo chơi chúng ta cùng dạo chơi v.v... hằng ngày vẫn theo sát chúng ta không một phút giây tạm rời. Tự mình đang sống mà lại đến người tìm, trách gì không khỏi nếm gậy từ bi! Sao không nhanh nhẹn chuyển một đường gươm "không biết" thành "tự biết", tức thì đầu gậy ở trong tay ta, mặc tình tung hoành.

Như câu chuyện Thiền Sư Linh Mặc, khi đến yết kiến Hòa Thượng Thạch Ðầu, Sư tự hứa nếu một câu khế hợp thì ở, chẳng hợp liền đi. Nhưng khi thưa hỏi vẫn không khế hợp. Sư bèn ra đi.

Thạch Ðầu theo sau đến cửa ngoài, liền gọi:

-- Xà Lê!

Sư xoay đầu lại.

Thạch Ðầu bảo:

-- Từ sanh đến tử chỉ là cái ấy! Xoay đầu chuyển não làm gì?

Sư nhân câu nói này liền đại ngộ, dừng lại đây hai năm.

Như vậy trước khi xoay đầu với sau khi xoay đầu cách nhau bao xa? Nên nói: Chỉ một đường gươm thì "không biết" thành "tự biết"! Xưa nay vốn tự đầy đủ, chẳng phải miệng người truyền. Ðó là ý nghĩa tự tỉnh sáng, căn bản của người tu Thiền.

Giờ đây chúng ta có thể sáng tỏ chữ "Biết" ban đầu rồi chứ gì? "Biết" ở đây là sự tỉnh sáng thường xuyên, đừng hiểu lầm "Biết" là những đường nét in đậm trong đầu óc, đó là chúng ta tự chôn vùi trí tuệ. Chúng ta sống với chữ "Biết", là chúng ta hằng sống trong sự tỉnh sáng. Một niệm khởi lên liền Biết, là khởi trong sự tỉnh sáng! Cũng vậy một đóa hoa anh đào nở, nở trong sự tỉnh sáng, một tiếng chim sơn ca hót trên đầu cành, hót trong tỉnh sáng. Cho đến làm công việc gì cũng làm trong sự tỉnh sáng! Ðó là chúng ta đã sống với Thiền!

Chỉ ngay một niệm liền trở về,
Cũng hơn mười năm vùi trong sách!

Chúng ta còn chạy đi đâu để học Thiền? Ai có thể truyền cho chúng ta sự tỉnh sáng này? Ai có thể cướp mất chúng ta sự tỉnh sáng này? Vậy cớ gì chúng ta lại nghi ngờ? Nếu chúng ta sống trọn vẹn trong sự tỉnh sáng này thì hỏi trên thế gian còn có gì chẳng sáng? Kinh nói: "Nào cây, nào chim... cũng đều niệm Phật niệm pháp", chạm mắt đều Bồ đề, trên đầu trăm cỏ ý Tổ Sư; đâu còn lạ gì "mười phương hư không thảy đều tiêu mất?". Nghĩa là trước mắt, chúng ta không một điểm trống vắng, không một hạt bụi che, dù có cảnh đối trước vẫn như không. Tức là thấy biết tự tại!

Tóm lại "Biết" tức "tỉnh". Chỗ này không thể lấy nghĩa thế gian mà có thể luận đến được. Thể nó vượt ngoài có không, tuy vẫn hiện hữu giữa thế gian mà không bị thế gian ô nhiễm. Về nghĩa sâu kín của nó thì mắt Phật nhìn cũng khó thấy. Về nghĩa tự tại của nó thì trời không thể che, đất không thể chở, hư không không thể bao. Về nghĩa sáng của nó thì mặt trời mặt trăng sánh chẳng kịp. Vậy ai đã từng chạm mắt một lần "Biết"? Sanh tử nào có ngại?

[ Quay lại ]