headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 04/11/2024 - Ngày 4 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

 Kinh Ðiều Ngự

 Trung Bộ Kinh (Kinh 125) chép:

Một hôm có Aggivessana dòng Bà La Môn đến hỏi Phật về phương pháp tu hành, Phật dạy:

Này Aggivesssana, sau khi vị Thánh đệ tử đã giữ giới Patimokkha (Ba la đề mộc xoa) đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong lỗi nhỏ nhặt, thọ lãnh và tu học trong học pháp. Như Lai lại huấn luyện thêm cho vị đệ tử ấy. Hãy đến này Tỳ Kheo, hãy bảo hộ các căn, khi mắt thấy sắc chớ có nắm giữ tướng chung, chớ có nắm giữ tướng riêng.

Những nguyên nhân gì, vì nhãn căn không được chế ngự khiến tham ái, ưu, bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, hãy tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành sự hộ trì nhãn căn, khi tai nghe tiếng, mũi ngữi hương, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc, ý nhận thức các pháp, chớ có nắm giữ tướng chung, chớ có nắm giữ tướng riêng.

Như Lai huấn luyện thêm vị Thánh đệ tử ấy: Hãy đến này Tỳ Kheo, hãy tiết độ trong ăn uống, chân chánh giác sát thọ dụng món ăn, không phải để vui đùa, không phải để tham mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, chỉ để thân này được duy trì, được bảo dưỡng, khỏi bị gia hại, để chấn trì phạm hạnh nghĩ rằng: "Như vậy ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới. Và ta sẽ không phạm lỗi lầm sống được an ổn".

Này Aggevessana, sau khi vị Thánh đệ tử đã tiết độ trong ăn uống. Như Lai lại huấn luyện thêm vị ấy: "Hãy đến này Tỳ Kheo, hãy chú tâm vào giác tỉnh. Ban ngày đi kinh hành và trong khi đang ngồi, hãy gội sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp, ban đêm trong canh một, trong khi đang kinh hành và trong khi đang ngồi, hãy gội sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp. Ban đêm trong canh giữa, hãy nằm xuống phía hông phải, như dáng con sư tử nằm, chân gát lên chân với nhau, chánh niệm, tỉnh giác, hướng niệm đến lúc ngồi dậy. Ban đêm trong canh cuối, khi đã thức dậy trong khi đi kinh hành và trong khi đang ngồi, hãy gội sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp".

Sau khi vị đệ tử đã chú tâm vào giác tỉnh. Như Lai lại huấn luyện thêm vị ấy. Này Tỳ Kheo, hãy thành tựu chánh niệm, tỉnh giác khi đi tới, khi đi lui, đều tự giác, khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tự giác, khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tự giác, khi co tay, khi duỗi tay đều tự giác, khi đi đại tiểu tiện đều tự giác, khi đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói, yên lặng đều tự giác.

Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gội rữa tâm hết tham ái, từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng thương xót tất cả chúng hữu tình, gội rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm, thùy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm, thùy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng chánh niệm tỉnh giác, gội rửa hết tâm hôn trầm thùy miên. Từ bỏ trạo cử, hối quá, nội tâm trầm lặng gội rửa hết trạo cử, hối quá. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống với tâm thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gội rửa hết nghi ngờ đối với thiện pháp. Vị ấy sau khi đoạn trừ năm triền cái, những triền cái làm ô nhiễm tâm tư, làm yếu ớt trí tuệ, vị ấy sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để điều phục tham ưu ở đời.

Vị Tỳ Kheo kham nhẫn lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, mặt trời và các loại bò sát, các ác ngữ, các lời nói chữi mắng, vị ấy sống quen kham nhẫn với những cảm thọ về thân thống khổ, đau nhói, đau đớn đến chết, được gội sạch về uế nhiễm, tham, sân, si. Vị ấy xứng đáng được cúng dường, cung kính, tôn trọng, chấp tay, là vô thượng phước điền trên đời.

Bình:

Bài kinh trên đây, là phương pháp Phật dạy cho Sa Môn, Bà La Môn tu hành ra khỏi sanh tử.

Người muốn ra khỏi sanh tử điều kiện trước tiên phải giữ giới thanh tịnh, đối với một lỗi nhỏ không trái phạm, các oai nghi đều đủ không thiếu khuyết. Kế đến phải bảo hộ các căn. Nghĩa là mắt thấy sắc không chạy theo sắc phân biệt tốt xấu, sanh tâm yêu ghét... Tai nghe tiếng, mũi ngữi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp cũng đều không khởi phân biệt. Mỗi khi có niệm tham ái lo buồn khởi lên, nên tìm xét tột nguyên nhân của nó và chế ngự kịp thời không để nó khuấy nhiễu. Hằng xa lìa các sắc tướng của sáu trần, khiến tâm ý được vắng lặng.

Ðối với việc ăn uống phải tiết độ. Nghĩa là phải ăn uống có chừng mực, vừa đủ không tham thích món ngon vật lạ. Phải luôn luôn xét nghĩ: ăn uống để duy trì mạng sống, tiến tu đạo nghiệp chứ không phải vì để ngon miệng béo thân. Hằng xét nét như vậy để dứt trừ các cảm thọ yêu thích mùi vị. Khi tiết độ ăn uống xong. Phật dạy chúng ta lúc ngủ, lúc thức hằng phải tỉnh giác. Ban đêm lúc đầu hôm đi kinh hành hoặc ngồi gội sạch tâm trí khỏi chướng ngại pháp. Nghĩa là giữ tâm vắng lặng không để một pháp bất thiện xen vào (không cho vọng tưởng khuấy nhiễu). Giữa đêm nằm nghỉ đúng pháp của Như Lai, cuối đêm thức dậy kinh hành và hằng tỉnh giác, để xa lìa mọi pháp chướng ngại.

Sau khi chú tâm vào tỉnh giác, Phật dạy chúng ta phải thành tựu "chánh niệm tỉnh giác". Nghĩa là đối với mọi động tác hằng ngày phải nhiếp tâm trong chánh niệm. Khi đi biết mình đang đi, khi đứng biết mình đang đứng, khi ăn cơm biết mình đang ăn cơm, khi rửa bát biết mình đang rửa bát v.v... không xen một niệm khác. Nghĩa là biết rõ mình từng phút giây không một niệm lãng quên.

Khi thành tựu "chánh niệm tỉnh giác". Phật dạy người tu tập phải xa lìa năm món "triền cái" hằng che đậy tâm tánh, trí tuệ do đó mà không tăng trưởng được. Năm triền cái là: Tham dục (tham mê ngũ dục), sân hận (giận tức, buồn phiền), thùy miên (ngủ nghỉ, lười biếng), trạo hối (xao xuyến và hối hận), nghi (nghi ngờ, do dự đối với chánh pháp). Và dứt bỏ lòng tham ưu thế gian, khởi tâm đại bi thương xót tất cả chúng hữu tình.

Ðã dứt "ngũ triền cái" xong, Phật dạy chúng ta phải tu pháp nhẫn nhục. Nghĩa là đối với hoàn cảnh phải nhẫn chịu mọi sự lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, rắn, rết... cho đến kham nhẫn mọi tiếng gièm pha mắng chửi...tức là đối với tự thân phải nhẫn chịu mọi thứ đau đớn thống khổ bức bách, gội sạch uế nhiễm, tham, sân, si.

Phương pháp thực hành Phật dạy trên gọi là "chánh hạnh", nó phù hợp với chánh pháp "bát chánh đạo" là con đường ly dục tịch tịnh an lạc giải thoát. Vì thế người muốn đạt đến quả vị Niết Bàn phải ngay nơi đây mà thực hành, khỏi phải tìm kiếm con đường nào khác nữa.

[ Quay lại ]