headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 28/01/2025 - Ngày 29 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Phật Thành Ðạo

 Nhân ngày Lễ Phật Thành Ðạo, tôi nhắc lại vài vị Thiền Sư qua câu chuyện Phật thành đạo, để cho quí vị thấy và hiểu sâu hơn về ý nghĩa thành đạo.

Ðời nhà Tống vua Hiếu Tông đến hỏi Thiền Sư Phật Chiếu nhân ngày thành đạo. Ông hỏi rằng:

-- Nói Phật thành đạo là thành cái gì?

Thiền Sư đáp:

-- Dám bảo bệ hạ đã quên.

 

Ông vua liền gật đầu. Quí vị thấy Thiền Sư này trả lời hay chưa? Tại sao hỏi: "Thành đạo là thành cái gì?", thì ông trả lời rằng: "Dám bảo bệ hạ đã quên?"

Giờ đây tôi hỏi quí vị quên là quên cái gì? Ðã quên là đã quên cái gì? Chắc rằng quí vị sẽ tưởng chừng quên cái đêm mùng 8 tháng chạp trong sử còn ghi: Từ canh một đến canh hai Phật chứng được Thiên nhãn minh, tới canh ba chứng Túc mạng minh, qua canh năm chứng Lậu tận minh, rồi sau đó đầy đủ Lục thông, Tứ vô sở úy, Thập bát bất cộng pháp v.v... có phải quên cái đó chăng? Chắc rằng không phải! Như vậy thì quên cái gì? Ở đây tôi dẫn cái chỗ quên cho quí vị thấy: Trong kinh Pháp Hoa quí vị còn nhớ phẩm "Cùng Tử" chăng? Khi chàng cùng tử đi lang thang mỏi mệt trở về tìm cha, đến lúc tìm tới nhà ông Trưởng giả rồi mà ông làm sao? Tới thấy cha mình mà không nhớ, còn người cha nhớ biết con mình muốn bắt giữ ông lại thì ông hoảng hốt chạy trốn. Như vậy ông quên mình là con ông Trưởng giả, cho nên phải chạy lang thang đi ăn mày. Khi về nếu ông tới gặp cha liền nhớ, thì sao? Ngay đó liền hết cái đời ăn mày. Ðó là một cái chỗ quên.

Cái quên thứ hai nữa là chàng say rượu được bạn tặng cho hòn ngọc quí cột trong chéo áo, bởi say rượu nên tỉnh dậy rồi quên (quên mình có hòn ngọc quí) cho nên vẫn đi lang thang ăn mày. Ðợi tới khi người bạn gặp lại mới trách: "Tại sao cái anh này trước kia mình đã cho hòn ngọc quí mà bây giờ vẫn còn ăn mày?". Người bạn liền kêu lại chỉ: "Hòn ngọc quí ngày xưa tôi cho anh còn cột trong chéo áo kia, tại sao anh quên đi lại đi ăn mày lang thang?". Tức thời anh chàng kia liền nhớ lại mình có hòn ngọc quí. Như vậy là hai cái quên, hai cái quên đó là quên cái gì? Quên mình là con ông Trưởng giả, quên mình có hòn ngọc quí cột sẵn trong chéo áo, phải không? Và chàng cùng tử sau khi được ông Trưởng giả nhận là con, chừng đó chàng sẽ có nào là kho tàng của báu, nào là vườn ruộng, xe cộ, tôi tớ... vậy những cái kho tàng, của báu, vườn ruộng, xe cộ, tôi tớ đó là cái phụ ở sau, sau cái nhớ, không phải là chánh phải không? Thế mà mình bây giờ còn nhớ cái đó là cái chánh thôi.

Kế đó nữa, như chàng say sau khi đã nhớ mình có hòn ngọc, rồi đem hòn ngọc ra bán, chừng đó mới sắm được nhà, mới có xe cộ, tôi tớ.v.v... thì những việc đó cũng là cái sau, mà cái chủ yếu là "cái quên" đó, nếu trực nhớ lại thì đầy đủ. Như vậy quí vị thấy Phật thành đạo là thành cái gì? Là thành "cái bệ hạ đã quên" phải không? Quí vị thấy có thấm thía hay chưa? Câu nói mới nghe qua hết sức là đơn giản, hình như là vô lý nữa, mà khi suy nghĩ rồi mới thấy thực là chỉ cho chúng ta tận nguồn gốc cái chỗ thành đạo của đức Phật. Ðó là về phần kinh.

Ðến phần Thiền, tôi sẽ dẫn thêm các vị tôn túc sau này cũng nói cái chỗ đã quên cho mình biết và chỉ cho mình thấy, để xem quí vị có thấy biết được hay không? Ðầu tiên là kể chuyện Ngài Phó Ðại Sĩ có làm một bài tụng, nguyên văn chữ Hán:

                Dạ dạ bảo Phật miên
                Triêu triêu hoàn cộng khởi
                Khởi tọa trấn tương tùy
                Ngữ mặc đồng sở chỉ
                Tiêm hào bất tương ly
                Như thân ảnh tương tợ
                Dục thức Phật khứ xứ
                Chỉ giá ngữ thinh thị.

Tạm dịch:

                Ðêm đêm ôm Phật ngủ
                Ngày ngày cùng Phật dậy
                Ngồi đứng hằng theo nhau
                Nói nín cùng chung ở
                Mảy may chẳng tạm rời
                Như hình cùng với bóng
                Muốn biết nơi Phật đi,
                Chỉ chỗ nói năng ấy!

Quí vị thấy chỗ chỉ chưa? Ðêm nào cũng ôm Phật ngủ, ngày nào cũng cùng Phật dậy, mình với Phật thân thiết như thế, mà sao lại quên? Bởi quên cho nên mình cô phụ Phật. Ở đây Ngài muốn chỉ cho mình thấy Phật thì chỉ chỗ nào? "Muốn biết nơi Phật đi, chỉ chỗ nói năng ấy", chỉ ngay cái chỗ nói năng đó là cái chỗ Phật đi. Ðó là một vị tôn túc.

Kế đó, cũng một vị Thiền Sư, tức Ngài Huệ Hải đến Mã Tổ, Mả Tổ hỏi: "Ngươi đến đây cầu việc gì?". Ngài trả lời: "Con đến đây cầu hỏi Phật pháp (hay là cầu học Phật pháp)". Mã Tổ nói: "Kho báu nhà mình không đoái hoài, đến đây cầu cái gì?". Huệ Hải liền hỏi lại: "Cái gì là kho báu của Huệ Hải?". Mã Tổ nói: "Cái ông hỏi ta đó!". Ai có thể thấy? Vậy mà Sư nhận được kho báu về nhà tự tại! Quí vị mới thấy, hai vị đó chỉ, người thì chỉ: "Muốn biết nơi Phật đi, chỉ chỗ nói năng ấy"; người nói: Muốn biết kho báu nhà mình, "cái ngươi hỏi ta đó!". Qua hai chỗ chỉ đó quí vị dễ thấy hay không?

Giờ tôi bình hai cái chỗ chỉ đó cho quí vị nghe. Như có hai cha con, người cha khoảng ba, bốn mươi tuổi, còn đứa con bảy, tám tuổi; hai cha con dẫn đi đường chơi, có gió thổi mạnh, người cha nói: "Có gió thổi mạnh", đứa con hỏi: "Gió ở chỗ nào ba?", người cha bảo: "Chỗ lá cây rung động đó!". Chỉ như vậy trúng chưa? Chỉ chỗ lá cây rung động là chỗ gió? Nếu chỉ như vậy đứa con nó sẽ nghĩ rằng: "Chỗ lá cây rung động đó là gió, và gió chỉ hạn cuộc ở chỗ lá cây rung động thôi". Nghĩ như vậy đã đúng chưa? Mà phải hiểu sao? Lá cây rung động là chỉ một phần nhỏ của gió, nguyên gió nó tràn đầy bàng bạc chẳng qua vì gặp lá cây thành lá cây phải rung động. Tuy nhiên lá cây rung động chính từ gió mới có chứ không phải không ngơ, như nếu cho gió chỉ ở trong phần lá cây rung động thì chưa trúng, phải không? Và nếu cho lá cây rung động là thể tướng của gió thì lại càng không trúng nữa. Bởi thể tướng của gió nó không phải chỉ là cái lay động của lá cây, mà nó còn trùm khắp. Như vậy, chúng ta mới thấy hai vị tôn túc chỉ chỗ kho báu và chỗ Phật đi đó, chẳng khác nào người cha chỉ cái chỗ gió làm động, phải vậy không? Hiểu như thế quí vị mới khỏi lầm! Ðó là tôi nói cho quí vị thấy chủ yếu của chỗ chỉ: "Nơi Phật đi" hay là "Kho báu nhà mình". Ở đây hai Ngài đều chỉ ngay cái chỗ nói năng, thưa hỏi, nhưng chỉ như vậy chẳng qua là chỉ lá cây rung mà nói đó là gió, chớ không phải chỉ toàn thể của gió.

[ Quay lại ]