headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 18/12/2024 - Ngày 18 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Phật Thăm Bịnh

 Kinh Tạp A Hàm chép: Ngài Sa Mi Ðề Quật Ða (Samitigutta) trong thời gian tu tập, Ngài mắc bệnh phong cùi nằm trong phòng Tăng chúng, chân tay dần dần bị lở loét hết, đau đớn vô cùng. Một hôm Phật đến thăm ông, sau khi săn sóc cho ông. Phật đặc biệt dạy ông lấy công án khổ cảm trong Tứ niệm trụ để quán tưởng. Sa Mi Ðề Quật Ða liền chí thành tu pháp ấy và được giải thoát. Sau ông làm mấy câu kệ tự thuật như sau:

                Kiếp trước gây nghiệp ác
                Kiếp này chịu quả khổ
                Nhân khổ của kiếp sau
                Nay đã tiêu trừ hết.

Ðến khi duyên hết, Ngài ra đi mà không biến sắc, ngồi thản nhiên nhắm mắt thị tịch.
Ngài Xá Lợi Phất có làm bài kệ khen ngợi rằng:

            Dày công vun phạm hạnh
            Khéo tu tám Ðạo chánh
            Vui vẻ đón cái chết
            Như người khỏi bệnh nặng.

Bình:
Sanh, già, bệnh, chết là lẽ thường, không ai tránh khỏi, dù xuất gia hay tại gia cũng vậy. Ngài Si Mi Ðề Quật Ða, đang khi tu mắc chứng bệnh phong cùi dường như tuyệt vọng. Tuy ông ở trong hoàn cảnh bi đát tột độ, nhưng nhờ gặp được chánh pháp mà ông thoát khổ hiện tại và ra khỏi sanh tử nhiều kiếp.

Khi ông bất lực trước những khổ đau ray rứt, vừa lúc Phật đến an ủi vỗ về và đem pháp lành giáo hóa, khiến ông nương đó tu tập mà được giải thoát. Pháp ấy chính là vị thuốc hay cứu ông cả hai thứ bệnh: vật chất lẫn tinh thần.
Phật dạy ông quán "khổ cảm" trong Tứ niệm trụ, tức bốn pháp trụ tâm (quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp) mà đây là pháp trụ tâm nơi cảm thọ khổ (khổ cảm).

Khi trụ tâm quán xét thấy khổ thọ không thật cho nên lần lần ông hết khổ, mặc dù thân ông vẫn có bệnh và ông bình thản khi thị tịch.

Ở một bài kinh khác Phật dạy: Khi vị ấy cảm thọ một cảm thọ cùng tận sức chịu đựng của thân, vị ấy tuệ tri: "Ta đang cảm thọ một cảm thọ cùng tận sức chịu đựng của thân". Khi vị ấy cảm thọ một cảm thọ cùng tận sức chịu đựng của sinh mạng, vị ấy tuệ tri: "Ta đang cảm thọ một cảm thọ cùng tận sức chịu đựng của sinh mạng" và vị ấy tuệ tri rằng: "Sau khi thân hoại mạng chung ở đây mọi cảm thọ cảm giác không có gì đáng hoan hỷ, sẽ đi đến lắng dịu".

Ví như này các Tỳ Kheo do duyên dầu và tim bấc, một ngọn đèn được cháy đỏ, khi dầu và tim bấc khô cạn cháy hết, không được tiếp nhiên liệu thêm ngọn đèn ấy bị tắt. Cũng vậy, khi cảm thọ một cảm thọ cùng tận sức chịu đựng của thân, vị ấy tuệ tri rằng: "Ta đang cảm thọ một cảm thọ cùng tận sức chịu đựng của thân". Cho đến vị ấy tuệ tri rằng: "Sau khi thân hoại mạng chung ở đây, mọi cảm thọ không có gì đáng hoan hỷ, sẽ đi đến lắng dịu".

Nghĩa là khi cảm thọ một cảm thọ đau khổ cùng tột, chúng ta vẫn tỉnh sáng rõ ràng trên cảm thọ đó, không khởi tham, sân, si tức chúng ta đã làm chủ được cảm thọ đó và đang trụ tâm trong thiền định. Vị ấy ra đi không để lại dấu vết!
Cũng cùng một trường hợp này, chúng ta hãy xét qua các vị Thiền Sư:

Ngài Ðộng Sơn đến thăm một vị Tăng đang nằm bệnh, Tăng hỏi:
-- Khi gió lửa phân ly sẽ về đâu?
Ngài Ðộng Sơn đáp:
-- Khi đến chẳng mang một vật, khi đi cũng thế ấy!
-- Tuy nhiên thân con chẳng an (bị đau nhức).
-- Thân đau nhức có cái chưa từng đau nhức.
-- Cái không đau nhức thế nào?
-- Ngộ thì trong gang tấc, mê thì cách núi đồi.
-- Xin Hòa Thượng chỉ cho con đường sẽ hướng đến?
-- Tối đen tợ như sơn, hiện tại tức thành lập (Chỉ nhớ hiện tại, đừng nghĩ đến quá khứ vị lai...).

Xét qua ý Phật và ý Tổ đều đồng không khác. Sở dĩ chúng ta thấy có khổ có vui, vì chúng ta chạy theo thức tình phân biệt sống với ngoại cảnh mà quên hẳn nội tâm. Một khi nhận biết cảnh ngoài là duyên hợp tạm bợ. Có là duyên hợp, không bởi duyên tan, tan hợp bởi duyên của căn trần, chứ trong tánh thật không có tan và hợp. Vì vậy, nên Ngài Ðộng Sơn nói: "Thân đau nhức có cái chưa từng đau nhức!". Chúng ta hằng sống với cái chưa từng đau nhức, thì còn có gì làm động được đến ta.

[ Quay lại ]