Tứ Diệu Ðế
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ năm, 21 Tháng tám 2008 10:34
- Viết bởi nguyen
Trung Bộ Kinh (Kinh 141) chép:
Tại thành Ba La Nại, vườn Lộc Uyển, Tôn giả Xá Lợi Phất gọi các Tỳ Kheo: Này Chư hiền, vô thượng pháp luân đã được Thế Tôn khai thị, tuyên thuyết, thị thuyết, kiến lập, mở rộng, phân biệt, hiển lộ về Khổ, Tập, Diệt, Ðạo Thánh đế.
Này Chư hiền! Thế nào là Khổ Thánh đế ? Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi khổ, ưu, não là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.
Này Chư hiền! Thế nào là sanh?
Mỗi mỗi hạng chúng sanh trong từng giới loại sự sản xuất, xuất sanh, xuất thành, tái sanh của chúng, sự xuất hiện các uẩn, sự hoạch đắc các căn. Này Chư hiền, như vậy gọi là sanh.
Này Chư hiền! Thế nào là già?
Mỗi mỗi hạng chúng sanh trong từng giới loại sự niên lão, sự hư hoại, trạng thái răng rụng, trạng thái tóc bạc da nhăn, tuổi thọ rút ngắn, các căn hủy hoại. Này Chư hiền như vậy gọi là già.
Này Chư hiền! Thế nào là chết?
Mỗi mỗi hạng chúng sanh trong từng giới loại sự tạ thế, sự từ trần, thân hoại, sự diệt vong, sự chết, sự tử vong, thời đã đến, các uẩn đã tận diệt, sự vất bỏ tử thi. Này Chư hiền, như vậy gọi là chết.
Này Chư hiền! Thế nào là sầu?
Này Chư hiền! Với những ai gặp phải tai nạn này, hay tai nạn khác, với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay đau khổ khác, sự sầu của người ấy. Này Chư hiền, như vậy gọi là sầu.
Này Chư hiền! Thế nào là bi?
Này Chư hiền! Với những ai gặp phải tai nạn này, hay tai nạn khác, với những ai cảm bị đau khổ này hay đau khổ khác, sự bi ai, sự bi thảm, sự than van, sự than khóc, sự bi thán, sự bi thống của người ấy. Này Chư hiền, như vậy gọi là bi.
Này Chư hiền! Thế nào là khổ?
Này Chư hiền! Sự đau khổ về thân, sự không sảng khoái về thân, sự đau khổ do thân cảm thọ, sự không cảm khoái do thân không cảm thọ. Này chư hiền, như vậy gọi là khổ.
Này Chư hiền! Thế nào là ưu?
Này Chư hiền! Sự đau khổ về tâm, sự không sảng khoái về tâm, sự đau khổ do tâm cảm thọ, sự không cảm khoái do thân không cảm thọ. Này chư hiền, như vậy gọi là ưu.
Này Chư hiền! Thế nào là não?
Này Chư hiền! Với những ai gặp tai nạn này hay tai nạn khác, với những ai cảm thọ sự đau khổ này, hay đau khổ khác, sự áo não, sự bi não, sự thất vọng, sự tuyệt vọng của người ấy. Này chư hiền, như vậy gọi là não.
Này Chư hiền! Thế nào là cầu bất đắc khổ?
Này Chư hiền! Chúng sanh bị sanh chi phối khởi sự mong cầu: Mong rằng ta khỏi bị sanh chi phối, mong rằng ta khỏi phải đi thác sanh. Lời mong cầu ấy không được thành tựu. Như vậy gọi là cầu bất đắc khổ. Này Chư hiền, chúng sanh bị già chi phối, chúng sanh bị bệnh chi phối, bị chết chi phối, bị sầu, bi, khổ, ưu, não chi phối, khởi sự mong cầu: mong rằng ta khỏi bị sầu, bi, khổ, ưu, não chi phối. Mong rằng ta khỏi đương chịu sầu, bi, ưu, não, khổ. Lời mong cầu ấy không được thành tựu. Như vậy gọi là cầu bất đắc khổ.
Này Chư hiền! Như thế tóm lại năm thủ uẩn là khổ như: Sắc thủ uẩn là khổ, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này Chư hiền như vậy tóm lại năm thủ uẩn là khổ.
Này Chư hiền! Thế nào là Khổ tập Thánh đế ?
Sự tham ái đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này hay chỗ kia. Như dục ái, hữu ái, vô hữu ái. Này Chư hiền, như vậy gọi là Khổ tập Thánh đế.
Này Chư hiền! Thế nào là Khổ diệt Thánh đế ?
Sự diệt tận không còn luyến tiếc tham ái ấy, sự xả ly, sự khí xả, sự giải thoát, sự vô nhiễm (tham ái ấy). Này Chư hiền, như vậy gọi là khổ diệt thánh đế.
Này Chư hiền! Thế nào là Khổ diệt đạo Thánh đế ?
Ðó là Thánh đạo tám ngành, tức chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Này Chư hiền! Thế nào là chánh tri kiến ?
Này Chư hiền! Tri kiến về khổ, tri kiến về tập, tri kiến về diệt, tri kiến về khổ diệt đạo. Này Chư hiền, như vậy gọi là Chánh tri kiến.
Này Chư hiền! Thế nào là chánh tư duy ?
Này Chư hiền! Tư duy về ly dục, tư duy về vô sân, tư duy về bất hại. Này Chư hiền, như vậy gọi là Chánh tư duy.
Này Chư hiền! Thế nào là chánh ngữ ?
Tự chế không nói láo, tự chế không nói hai lưỡi, tự chế không nói ác khẩu, tự chế không nói ỷ ngữ. Này Chư hiền, như vậy gọi là chánh ngữ.
Này Chư hiền! Thế nào là chánh nghiệp ?
Tự chế không sát sanh, tự chế không trộm cắp, tự chế không tà dâm. Này Chư hiền, vậy gọi là Chánh nghiệp.
Này Chư hiền! Thế nào là chánh mạng ?
Này Chư hiền! Ở đây vị Thánh đệ tử, từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng chánh mạng. Này Chư hiền, như vậy gọi là chánh mạng.
Này Chư hiền! Thế nào là chánh tinh tấn ?
Này Chư hiền! Ở đây vị Tỳ Kheo đối với các ác bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi. Vị này nỗ lực tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các pháp ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt. Vị này nỗ lực tinh tấn, quyết tâm trì chí. Ðối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn làm cho sanh khởi. Vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các thiện pháp đã khởi sanh, khởi lên ý muốn cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phát triển viên mãn. Vị này nỗ lực tinh tấn, quyết tâm trì chí. Này chư hiền, như vậy gọi là Chánh tin tấn.
Này Chư hiền! Thế nào là Chánh niệm ?
Này Chư hiền! Ở đây vị Tỳ Kheo, sống quán thân trên thân, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm. Sau khi chế ngự tham ưu ở đời, quán thọ trên các cảm thọ, quán tâm trên các tâm. Quán pháp trên các pháp, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm. Sau khi chế ngự tham ưu ở đời. Này Chư hiền như vậy gọi là Chánh niệm.
Này Chư hiền! Thế nào là Chánh định ?
Này Chư hiền! Ở đây vị Tỳ Kheo, ly dục, ly ác pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh. Vị ấy làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh, nhất tâm. Vị ấy sau khi xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ ba. Vị ấy xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Chư hiền, như vậy là Chánh định.
Tôn giả Xá Lợi Phất thuyết giảng như vậy. Các vị Tỳ Kheo ấy hoan hỷ tin thọ lời Tôn giả Xá Lợi Phất dạy.
Bình
Tứ Diệu Ðế cũng gọi là Tứ Thánh Ðế. Chữ Tứ là bốn, chữ Diệu là nhiệm mầu, chữ Ðế là chắc thật. Nghĩa là bốn lẽ thật nhiệm mầu. Phật nói bốn lẽ thật nhiệm mầu này dù trải qua thời gian, không gian vẫn không thay đổi. Hàng Thanh Văn nương theo bốn lẽ thật nhiệm mầu này mà giác ngộ giải thoát, tức là chứng tứ quả Thanh Văn (Tu Ðà Hoàn, Tư Ðà Hàm, A Na Hàm, A La Hán).
Tứ Ðế này có hai phần: Một phần nhiễm, một phần tịnh, hay một phần nhân quả thế gian, một phần nhân quả xuất thế gian. Khổ, Tập là nhân quả thế gian (nhiễm). Diệt, Ðạo là nhân quả xuất thế gian (tịnh), giải thoát sanh tử.
Giờ đây chúng ta hãy gẫm sâu từng phần của pháp Tứ Ðế. Trước hết xét về phần Khổ, Tập là nhân quả của thế gian (pháp nhiễm). Trước Phật nói về cái quả khổ của sự sanh tử (gồm có tám khổ văn kinh đã nói) mà mỗi chúng sanh phải nhận lãnh trong ba cõi sáu đường. Các khổ ấy tuy có vô lượng, nhưng không ngoài hai thứ khổ căn bản: 1. Khổ về vật chất. 2. Khổ về tinh thần. Khổ về vật chất thì có sanh, già, bệnh, chết. Khổ về tinh thần thì có khổ yêu thích xa lìa, khổ oán hận gặp gỡ, khổ mong cầu không toại ý, khổ về năm ấm xí thạnh. Tóm lại, do chấp giữ năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) mà có các khổ. Tức là Khổ Ðế...
Muốn dứt quả khổ sanh tử, Phật dạy phải đoạn trừ tập nhân (nguyên nhân tạo thành sanh tử). Nguyên nhân nào tạo thành sanh tử? Tức là phiền não. Phiền não có rất nhiều đến 84.000 phiền não trần lao, nhưng không ngoài sáu món căn bản phiền não là: Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Ác kiến lại chia: Thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, tà kiến, tạo thành 10 kiết sử trói cột và sai sử chúng sanh luân chuyển trong ba cõi (căn cứ trong ba cõi: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới thì gồm có 88 món Kiến hoặc, 81 món Tư hoặc).
Tóm lại, phiền não tuy nhiều nhưng gốc từ tam độc (tham, sân, si) mà ra, chỗ phát hiện của nó là thân, miệng và ý làm tập nhân sanh các phiền não, là Tập Ðế.
Chúng ta nên tìm hiểu nguồn gốc của tam độc có từ đâu? Như trên đã nói cội gốc của tam độc do si mê mà có. Bởi si mê nên chấp ngã, vì chấp ngã nên phiền não theo đó mà sinh. Dụ như vì chấp thân này là thật, nên tìm mọi cách bảo vệ cho thân... nếu việc gì làm cho thân thỏa mãn thì ưa thích, trái lại thì giận ghét... Tất cả phiền não khổ đau theo đó mà khởi.
Vì vậy muốn đoạn trừ tập nhân sanh tử, Phật dạy phải dứt vô minh, tức là diệt trừ tâm si mê chấp ngã, khi tâm si mê chấp ngã hết, thì tham sân và các phiền não khác của theo đó mà dứt. Tức là chúng ta dứt được tập nhân sanh tử, là con đường tiến lên Diệt Ðế (Niết Bàn)
Qua phần Diệt Ðế, Ðạo Ðế là nhân quả xuất thế (tịnh) ra khỏi sanh tử.
Diệt đế tức là Niết Bàn. Niết Bàn là quả vị an lạc tịch tịnh, là mục đích của người tu Phật hướng đến. Niết Bàn gồm có hai thứ: 1. Hữu dư y Niết Bàn. 2. Vô dư y Niết Bàn. Niết Bàn Hữu dư y là Niết bàn mới diệt phiền não vẫn còn thân nghiệp báo ngũ uẩn. Niết bàn Vô dư y là Niết Bàn đã dứt được uẩn thân. Con đường tiến đến Niết Bàn là do dứt sạch ái nhiễm diệt tham, sân, si tức dứt được tập nhân trong ba cõi. Con đường tiến lên này là Ðạo Ðế.
Ðạo Ðế là con đường dẫn đến ly dục, ái tận, Niết bàn. Con đường ấy đúng với Chánh Pháp và hợp với chân lý, có khả năng đưa chúng sanh ra khỏi sanh tử. Ðó là con đường Bát Chánh Ðạo, tức con đường tám chánh, hướng đến quả giải thoát.
Con đường tám chánh ấy là: 1. Chánh Kiến, 2. Chánh Tư Duy, 3. Chánh Ngữ, 4. Chánh Nghiệp, 5. Chánh Mạng, 6. Chánh Tinh Tấn, 7. Chánh Niệm, 8. Chánh Ðịnh.
Thế nào là Chánh Kiến? Tức là nhận biết pháp Tứ Ðế như thật (lìa các tà kiến: Chấp có, chấp không, chấp đoạn, chấp thường).
Thế nào là Chánh Tư Duy? Tư duy về ly dục vô sân, bất hại.
Thế nào là Chánh ngữ? Không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói ác khẩu, không nói ỷ ngữ.
Thế nào là Chánh nghiệp? Giữ giới chân chánh, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.
Thế nào là Chánh mạng? Xa lìa tà mạng, thực hành chánh mạng (nghề nghiệp sinh sống chân chánh).
Thế nào là Chánh tinh tấn? Siêng năng đoạn ác tu thiện. Ðiều ác chưa sanh không để sanh, điều ác đã sanh khiến đoạn diệt, điều thiện đã sanh khiến sanh, điều thiện đã sanh khiến tăng trưởng.
Thế nào là Chánh niệm? Thường quán thân, quán thọ, quán tâm, quán tinh cần tỉnh giác để xa lìa tham ưu ở thế gian.
Thế nào là Chánh định? An trụ tâm trong Tứ thiền: 1. Do ly dục sanh hỷ lạc, 2. Do định lực kiên cố sanh hỷ lạc, 3. Do lìa được hai thứ hỷ lạc trên mà được cái vui diệu lạc, 4. Do xả được niệm khổ vui mà được đến chỗ tịch tịnh bất động.
Tóm lại, Tứ Diệu Ðế là bốn lẽ thật do đức Phật phát minh. Bốn lẽ thật này chỉ cho chúng sanh thấy rõ cái khổ của sự luân hồi trong ba cõi (khổ đế) và nguyên nhân tạo thành sự luân hồi ấy (Tập Ðế). Khi chúng sanh biết được khổ đau của luân hồi sanh tử và nguyên nhân tạo nên luân hồi sanh tử ấy mới khởi niệm xa lìa cầu giải thoát sanh tử. Bây giờ Phật mới chỉ thẳng mục đích thoát ly sanh tử là đạt đến Niết Bàn an lạc (Diệt Ðế). Con đường đạt đến Niết Bàn chính là pháp Bát Chánh Ðạo (Ðạo Ðế).
Vậy ai là người muốn dứt hết khổ đau trong sanh tử, được tự tại giải thoát, đến quả vô sanh, phải nương theo pháp Tứ Diệu Ðế Phật dạy trên làm kim chỉ nam tiến đạo, con đường thoát ly sanh tử quyết định sẽ đến gần.