headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 27/12/2024 - Ngày 27 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THÁNH ĐĂNG LỤC - VUA TRẦN THÁI TÔNG

tranthaitong(1218-1277)
(Được ý chỉ nơi thiền sư Thiên Phong, một vị tăng nhà Tống)

Thái Tông là vua thứ hai đời Trần, con của Thái Tổ. Lên ngôi ngày mùng 10 tháng 12 năm Ất Dậu (1226), đổi niên hiệu Kiến Trung, thiên tư khác thường, thánh học cao minh, lại thêm rất lưu tâm nơi Phật giáo. Lúc mới lên ngôi, vua tiếp nối sửa sang mỗi ngôi thứ trong thiên hạ. Đến khi Thái hậu Thánh Từ lìa đời, thì vua ở trong thời kỳ chịu tang mẹ. Qua niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ năm (1236), tức tháng tư năm Bính Thân, nửa đêm Thái Tông vượt thành sang sông đi về hướng Đông, thẳng lên chùa Vân Yên núi Yên Tử, vào tham kiến Quốc sư Trúc Lâm Viên Chứng.

 

Do đây vua càng dốc chí nơi Thiền học. Khi muôn việc rảnh rỗi thì nhóm họp các bậc kỳ túc thưa hỏi. Vua từng đọc kinh Kim Cang đến đoạn “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, vừa để quyển kinh xuống trầm ngâm thì hoát nhiên đại ngộ. Rồi vua đem chỗ ngộ của mình viết thành bài ca Thiền Tông Chỉ Nam. Sau, vua lại gặp Thiền sư Thiên Phong càng sáng tỏ thêm tâm chỉ. Ở bên cạnh cung, vua cho mở chùa Tư Phúc làm chỗ thắp hương tu hành, đồng thời mời bậc cao tăng trong hàng thiền giáo trụ trì để tiện việc thưa hỏi. Hằng ngày vua cúng trai tăng cho hơn 500 vị, độ làm đệ tử hơn 30 người.

Một hôm vua (Trần Thái Tông) đến thăm chùa Chân Giáo. Có vị tăng tên Đức Thành người nhà Tống hỏi:

– Thế Tôn chưa rời Đâu Suất đã giáng sanh vương cung, chưa ra khỏi thai mẹ độ người đã xong. Là ý nghĩa thế nào ?

Vua đáp:
                Ngàn sông có nước ngàn trăng hiện,
                Muôn dặm không mây muôn dặm trời.
Tăng hỏi:
– Chưa rời cung, chưa ra đời đã được chỉ dạy.
Đã rời cung, đã ra đời việc thế nào?

Vua đáp:

            Mây sanh đảnh núi toàn màu trắng,
            Nước đến Tiêu Tương một dáng trong.

Tăng hỏi:

            Mưa tạnh sắc núi sáng, Mây đi trong động ngời. Vì sao ẩn hiện như một?

Vua đáp:

            Trừ người quả thật con ta đó,
            Ai kẻ bạo chân vào đường này.

Tăng hỏi:

            Xưa nay không lối khác,
            Người đạt cùng chung đường.
            Bệ hạ có nhận riêng Thế Tôn đắc đạo chăng ?

Vua đáp:

            Mưa xuân không cao thấp,
            Cành hoa có ngắn dài.

Tăng hỏi:
            Người người vốn tự người người đủ,
            Mỗi mỗi xưa nay mỗi mỗi tròn.
            Vì sao Thế Tôn vào núi tu hành?

Vua đáp:

            Kiếm vì bất bình mở hộp báu,
            Thuốc do trị bệnh ra khỏi bình.

Tăng hỏi:

            Trong mắt thôi để bụi,
            Trên thịt chớ khoét thương.
            Trên phần người học có tu chứng không?

Vua đáp:

            Nước chảy xuống non đâu có ý,
            Mây bay qua núi vốn không tâm.

Tăng im lặng.

Vua nói:

            Chớ bảo không tâm đây là đạo,
            Không tâm còn cách một lớp rào.

Tăng thưa:

– Nơi tâm đã không, nói gì là một lớp rào?

Vua đáp:

            Nước chảy xuống non đâu có ý,
            Mây bay qua núi vốn không tâm.

Tăng không đáp được.
Vua bệnh, Thánh Tông thăm bệnh, nhân đóc hỏi:

– Chân không và ngoan không là đồng hay khác  ?

Vua đáp:

– Hư không là một, nhưng do tự tâm mê ngộ nên thành có chân và ngoan sai khác. Ví như phòng nhà, mở ra thì sáng, đóng lại thì tối, sáng và tối chẳng đồng, và phòng nhà là một.

Ngày hôm sau, Quốc sư Đại Đăng vào thăm hỏi:

– Bệ hạ bệnh chăng?

Vua đáp:

– Tứ đại là bệnh, cái này xưa nay sanh tử không can hệ, mà dính kẹt trong bệnh hoạn sao ?

Khoảng mấy ngày sau, Thái Tông lặng thinh không nói, đuổi hết kẻ hầu hạ, đem việc nước dặn dò Thánh Tông. Thánh Tông muốn nhờ hai Quốc sư Phù Vân (Đạo Viên) và Đại Đăng nói pháp xuất thế cho Thái Tông nghe. Thái Tông gằn giọng bảo: “Đến trong đây, bớt một mảy tơ dường trên thịt khoét thương, thêm một mảy tơ như trong mắt để bụi. Ba đời chư Phật, bốn mắt nhìn nhau, sáu đời Tổ Sư thối thân có phần. Dù Phù Vân nói huyền, Đại Đăng thuyết diệu đều là lời thừa, có ích gì đối với cái này?”

Nói xong Ngài lặng lẽ thị tịch, nhằm năm Kỷ Mão, niên hiệu Thiệu Bảo (1279), thọ 60 tuổi.

Ngài còn lưu lại những tác phẩm:

    1. Văn tập 1 quyển.
    2. Chỉ Nam Ca 1 quyển.
    3. Thiền Tông Khoá Hư Lục 10 quyển.

Giảng:

Vua Trần Thái Tông có lối tu học rất đặc biệt, đã đựơc ghi chép tương đối đầy đủ trong quyển Khóa Hư Lục, mà tôi đã dịch và giảng khá rõ ràng trong ấy. Ở đây tôi không giảng lại, yêu cầu quý vị đọc bản này rồi đối chiếu với quyển Khóa Hư Lục Giảng Giải thì sẽ hiểu.

 


[ Quay lại ]