headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 27/12/2024 - Ngày 27 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THÁNH ĐĂNG LỤC - VUA TRẦN THÁNH TÔNG

tranthanhtong(1240-1290)
(Được ý chỉ nơi Quốc Sư Trúc Lâm Đại Đăng)

Thánh Tông là vua thứ ba đời Trần, con của Thái Tông. Lên ngôi ngày 15 tháng 02 năm Mậu Ngọ (1258), đổi niên hiệu Thiệu Long. Bản chất hiền tài, vẻ toát ra ngoài sáng ngời, mang sẵn những điều khác thừơng, xử sự dứt khoát, vừa xem rộng mọi sách vở, lại rất tinh thông nội điển. Vua ở ngôi hai mươi năm, rồi nhường ngôi cho Nhân Tông. Sau đó xuất gia ở chùa Tư Phúc, thờ Quốc sư Đại Đăng làm thầy. Hằng ngày vua thường bàn luận với các Thiền khách, được truyền sâu ý nghĩa thiền, tự là Vô Nhị Thượng Nhân. Vua từng mở Phật Sự Đại Minh Lục, có cảm một bài thi:

 

                      Hơn bốn mươi năm một mảnh thành
                Vượt khỏi lao quan muôn lớp ngăn
                Động như hang trống vang tiếng gió
                Tĩnh tợ đầm yên rọi ánh trăng
                Trong câu năm huyền mình thông được
                Chữ thập đầu đường mặc dọc ngang
                Có người hỏi ta tin tức ấy?
                Mây ở trời xanh nước trong bình.

               (Tứ thập dư niên nhất phiến thành
                Lao quan đào xuất vạn trùng quynh
                Động như không cốc phong xao hưởng
                Tĩnh nhược hàn đàm nguyệt mãn minh
                Cú lý ngũ huyền thân thấu đắc
                Lộ đầu thập tự nhậm tung hoành
                Ngũ nhân vấn ngã hà tiêu tức?
                 Vân tại thanh thiên thủy tại bình.
)
Một hôm, vua xem Đại Huệ Ngữ Lục, có cảm xúc làm bài kệ:

                Đập ngói xoi rùa ba chục niên
                Mấy phen xuất hạn bởi tham thiền
                Một mai thấu vỡ gương mặt thật
                Lỗ mũi xưa nay mất một bên.
                Nơi tai không tiếng, mắt không hình,
                Một mảnh tâm này sẵn tự thành
                Chẳng can thinh sắc ngoài môi lưỡi,
                Mặc người “bác báo” với “đô đinh”

                (Đả ngoã toản qui tam thập niên
                Cơ hồi hạn xuất vị tham thiền
                Nhứt triêu thức phá nương sanh diện,
                Tỹ khổng nguyên lai một bán biên.
                Nhãn tiền vô sắc nhĩ vô thinh
                Nhất phiến tâm đầu tự đả thành
                Thanh sắc bất can thần thiệt ngoại,
                Nhậm tha bác báo dữ đô đinh.
)

Vua lại tự thuật năm bài kệ:

                Từ khi bé bỏng đã vào thiền
                Đập ngói xoi rùa ngoại cầu quên
                Nhận được xưa nay mày mặt thật
                Cuối cùng đâu chẳng chỗ an nhiên.
                Chiếc đàn không điệu khảy suốt ngày
                Cửa vắng việc không chẳng bận rày
                Bản nhạc trong kia không kẻ biết
                Riêng có gió tùng họa âm này.
                Dọc ngang chẳng kẹt có không ky (cơ)
                Muôn pháp lăng xăng thảy chẳng hay
                Ngủ nghỉ, uống ăn tuỳ chỗ dụng.
                Lại không việc khác đáng làm chi.
                Khảy tay vỡ nát vạn trùng non,
                Thế ấy công phu cũng là nhàn.
                Lạnh nóng đến đây không chỗ biết
                Chưa từng can dự đến lão nhân!
                Trong kia dư thiếu thảy đều không
                Phật cũng không chừ người cũng không
                Cảnh thu xa đến trời xa tít
                Mây khoá non xanh một sắc đồng.

                (Tự tùng quán giác nhập thiền lưu
                Đả ngoã toản qui một ngoại cầu
                Nhận đắc bổn lai chân diện mục
                Đáo đầu hà xứ bất hưu hưu.
                Chung nhật nhàn đàn bất điệu cầm
                Nhàn môn vô sự khả quan tâm.
                Cá trung khúc phá vô nhân hội
                Duy hữu tùng phong họa thử âm.
                Tung hoành bất đọa hữu vô ky,
                Vạn pháp phân phân tổng bất tri.
                Khiết phạn đả miên tuỳ xứ dụng,
                Cánh vô tha sự khả ưng vi.
                Nhứt đàn chỉ phá vạn trùng san
                Giá cá công phu dã thị nhàn
                Hàn thử đáo lai vô sở thức
                Vị tằng phần thượng lão nhân can.
                Cá trung vô khiếm diệc vô dư,
                Phật dã vô hề nhân dã vô
                Thu cảnh viễn lai thiên ngoại viễn,
                Thanh sơn vân toả tủy đô lô.
)

Vua lại nói kệ:

                Dụng của chân tâm,
                Tỉnh tỉnh lặng lặng.
                Không đi không đến,
                Không thêm không bớt.
                Vào lớn vào nhỏ,
                Mặc thuận mặc nghịch.
                Động như mây hạc,
                Tĩnh như tường vách.
                Nhẹ như sợi lông,
                Nặng tợ tảng đá.
                Hết sạch trọi trơn,
                Hiện bày lồ lộ.
                Chẳng thể so lường,
                Hoàn toàn không dấu.
                Nay vì anh biện,
                Rành rẽ rõ ràng.

Vua dạy chúng nói rộng: Xưa nay nói một câu rốt sau mới đến lao quan. Ba đời chư Phật bốn mắt nhìn nhau, sáu đời Tổ Sư có phần thối thân. Những người tham học hiện nay chọn nhằm trong câu tham lấy, lại hỏi các ông, nhằm trong câu làm sao tham? Nếu chẳng tham lấy thì luống phí thì giờ, một đời qua suông. Nếu cũng tham lấy, tức là môi miệng méo lệch, sọ não nát vỡ. Nghe đến thì lỗ tai như điếc, thấy đến thì tròng mắt tự rớt. Nay vì mọi người, cũng chẳng được để luống qua, đâu khỏi bẻ sừng rồng dữ, nhổ râu cọp mạnh, mở toang chữ thập đầu đường, bỗng dưng nắm được lỗ mũi nửa bên, trong không chỗ chứng, ngoài không chỗ tu; không Phật đáng cầu, không pháp đáng trụ; mặc đấy cư sĩ Tỳ Da, dẫu cho tiên nhân Lộc Uyển, cuối cùng ngậm miệng im lời; tham đi tham lại, trọn là cơ rỉ chảy; nói hay nói dở, chính là một túi tạp nhạp. Đến như một chân một vọng, một phải một quấy,  một nói một nín, một động một tịnh, một ra một vào, một chìm một nổi, tin tức trong ấy chỗ nào được không? Chỗ nào được có? Các người! Câu làm sao nói? Vua bèn hét một tiếng, nói : Xưa nay không đen trắng, chỗ nào hiện xanh vàng?

Vua bệnh, Thượng sĩ Tuệ Trung gởi thơ đến thăm, vua viết vào cuối trang đáp lại:

                “Hơi nóng hừng hực mồ hôi đẫm,
                Chiếc khố mẹ sanh vẫn ráo khô.”

                (Viêm viêm thử khí hãn thông thân,
                Hà tằng hoán đắc nương sanh khố?)

Đến lúc bệnh nặng, vua thường lấy ngón tay gõ vào chiếc gối, như có sở đắc điều gì. Chốc lát, vua đòi bút viết bài kệ:

                Sanh như mặc áo
                Chết tợ cởi trần
                Từ xưa đến nay
                Không đường nào khác.

                (Sanh như trước sam
                Tử như thoát khố
                Tự cổ cập kim
                Cánh vô dị lộ)

Liền hét, nói: Chữ bát mở toang đà trao phó, còn đâu việc nữa đáng trình anh. Rồi vua đuổi hết kẻ hầu hạ, chỉ còn một mình Nhân Tông đứng hầu một bên, thưa: Bệ hạ còn nhớ lời của ngài Vĩnh Gia
chăng ?

                “Rành rành thấy, không một vật,
                Cũng không người chừ cũng không Phật.
                Cõi cõi đại thiên bọt nổi trôi
                Tất cả Thánh Hiền như điện chớp...

                Dẫu cho vòng sắt trên đầu chuyển,
                Định tuệ sánh tròn vẫn không mất.”

Vua nghe xong, bất chợt cười lên rồi gõ chiếc gối tụng:

                Rành rành thấy, không một vật,
                Cũng không người chừ cũng không Phật.
                Cõi cõi đại thiên bọt nổi trôi,
                Tất cả Thánh Hiền như điện chớp.

Xong, ngay chiều hôm đó sấm gió nổi dậy, thấy một vần ánh sáng tròn rọi nơi bức vách ngăn, vua liền băng, hưởng thọ 51 tuổi, nhằm ngày 22 tháng 05 năm Canh Dần (1290)

Tác phẩm của vua gồm có:

1. Văn Tập
2. Thiền Tông Liễu ngộ ca
3. Trị Giá Minh
Ngoài ra đều chép trong Cơ Cừu Tập.

Giảng:
Thánh Tông là vua thứ ba đời Trần, con của Thái Tông. Lên ngôi ngày 15 tháng 2 năm Mậu Ngọ (1258), đổi niên hiệu Thiệu Long.

Đúng ra vua Thánh Tông là vua thứ hai đời Trần. Sỡ dĩ ở đây nói Ngài là vua thứ ba là vì khi cha Ngài là Trần Cảnh lên ngôi, tôn ông nội Ngài là Trần Thừa làm Thái Tổ, cha Ngài là Thái Tông và Ngài là Thánh Tông, nói theo Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông thì Ngài là vị vua thứ ba đời Trần.

Bản chất hiền tài, vẻ toát ra ngoài sáng ngời, mang sẵn những điều khác thường, xử sự dứt khoát, vừa xem rộng mọi sách vở, lại rất tinh thông nội điển. Vua ở ngôi hai mươi năm, rồi nhường ngôi cho Nhân Tông. Sau đó xuất gia ở chùa Tư Phúc, thờ Quốc Sư Đại Đăng làm thầy. Hằng ngày vua thường bàn luận với các thiền khách, được truyền sâu ý nghĩa thiền, tự là Vô Nhị Thượng Nhân. Ở đây ghi tiểu sử nhà vua quá đơn giản, không nói rõ chi tiết. Ở trong quốc sử có ghi một đoạn về vua Trần Thánh Tông mà tôi quí vô cùng. Trong thời Ngài làm vua thì đất nước thạnh trị thái bình. Lúc Trần Thái Tông còn ở ngôi vua thì giặc Nguyên sang đánh một lần. Thời gian hai mươi năm Ngài làm vua thì không có giặc. Khi Ngài truyền ngôi cho Nhân Tông lên làm Thái Thượng Hoàng, thì giặc Nguyên cất quân sang đánh hai lần. Sau khi đuổi giặc ra khỏi bờ cõi, thì vua Nhân Tông họp quần thần để thưởng người có công phạt người có tội. Khi ấy quân lính khiên mấy hòm sớ hàng giặc của quan quân ra giữa triều, xin nhà vua mở ra để xử tội. Bấy giờ Ngài cũng có mặt trong buổi đại triều đó, Ngài ra lịnh cho vua Nhân Tông đem mấy hòm sớ hàng giặc đốt hết. Ngài nói rằng: “ Khi giặc xâm lăng, thấy thế giặc mạnh, quân ta rút lui, những người này nhát họ sợ, nên xin đầu hàng giặc. Bây giờ giặc rút hết rồi, họ có muốn đầu hàng cũng không có ai để họ đầu hàng. Thôi, hãy đốt hết đi, nếu mở ra nêu tên, họ nhục nhã và có tội, chi bằng đốt hết để họ yên lòng sống với mình cho vui vẻ”. Ngài là một ông vua đạo đức thật thâm trầm. Ngài sợ khui ra nêu tên từng người, nếu họ có mặt trong triều thì xấu hổ khó sống được. Thật lòng bao dung độ lượng ít người có được. Đó là điểm đặc biệt chỉ có ở nhà Trần, người làm được việc này là Trần Thánh Tông. Hiệu Ngài là Vô Nhị Thượng  Nhân. Vô Nhị là không hai. Vô Nhị Thượng Nhân là bậc Thượng Nhân không hai.

Vua từng mở Phật sự Đại Minh Lục có cảm một bài thi:

                    Tứ thập dư niên nhất phiến thành,
                    Lao quan đào xuất vạn trùng quynh.
                    Động như không cốc phong xao hưởng,
                    Tĩnh nhược hàn đàm nguyệt mãn minh.
                    Cú lý ngũ huyền thân thấu đắc,
                    Lộ đầu thập tự nhậm tung hoành.
                    Hữu nhân vấn ngã hà tiêu tức,
                    Vân tại thanh thiên thủy tại bình.

    Dịch :
                    Hơn bốn mươi năm một mảnh thành,
                    Vượt khỏi lao quan muôn lớp ngăn.
                    Động như hang trống vang tiếng gió,
                    Tĩnh tợ đầm yên rọi ánh trăng.
                    Trong câu năm huyền mình thông được.
                    Chữ thập đầu đường mặc dọc ngang.
                    Có người hỏi ta tin tức ấy,
                    Mây ở trờixanh nước trong bình.

Nhà vua đọc cuốn Phật Sự Đại Minh Lục, tức là cuốn Lục về Phật Sự Nhà Đại Minh. Ngài cảm hứng làm ra bài thơ nầy.

Hơn bốn mươi năm một mảnh thành, vượt khỏi lao quan muôn lớp ngăn. Nhà vua nói Ngài tu từ thưở nhỏ cho tới lớn, trên bốn mươi năm, tâm ngài mới thành một khối, không còn tạp niệm lăng xăng đã thành một mảnh rồi. Nhờ tâm định thành một mảnh mới “vượt khỏi lao quan muôn lớp ngăn”. Thiền tông thường nói tam quan là ba lớp cổng vào, cổng chót là lao quan. Lao là cứng chắc, cổng chót
nầy rất cứng chắc, người qua được cổng nầy rất là khó nhọc nên gọi là lao quan. Ngài đã vượt khỏi lao quan là đã đại ngộ. Được như thế là Ngài đã dày công tu hành hơn bốn mươi năm, chớ không phải ít.

Động như hang trống vang tiếng gió, Tĩnh tợ đầm yên rọi ánh trăng. Ngài nói lúc động giống như âm thanh vang dội trong hang trống; âm thanh thế nào vang dội như thế ấy, thoáng qua như gió, cái hang không dính dáng gì với âm thanh. Ý nói tất cả các duyên trần đến với Ngài tuy là động, nhưng tâm Ngài không vướng bận dao động. Tăng Ni hiện có mặt ở đây là người xuất gia ai dám nói câu nầy đưa tay lên coi! Học tới đây chúng ta mới thấy Ngài là một ông vua cư sĩ việc nước đa đoan mà tu quá hay, chúng ta phải phục. Đó là lúc động, còn lúc tịnh thì “tĩnh tợ đầm yên rọi ánh trăng”. Khi Ngài
được an tịnh thì tâm lặng yên giống như cái đầm nước đứng yên trong trẻo, trăng rọi sáng. Trăng sáng rọi và nước đứng yên, hợp nhau thành mặt nước phẳng lặng, phản ánh sáng ngời bất động. Ý nói tâm Ngài an tịnh sáng suốt chớ không mờ mịt đúng với câu “tỉnh tỉnh lặng lặng phải” của Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác. Hai câu nầy nói lên tâm thái của Ngài sau khi ngộ đạo, Ngài hành động như cái
hang trống, tuy có tiếng vang, nhưng nó dội ra ngoài hết không dính dáng với cái hang. Lúc Ngài yên tịnh thì tâm Ngài vẫn lặng mà sáng, không mờ mịt như trăng sáng rọi trên đầm nước trong lặng.

Trong câu năm huyền mình thông được, chữ thập đầu đường mặc dọc ngang. Năm huyền là chỉ cho ngữ cú huyền diệu của tông Lâm Tế, là những từ chuyên môn. Tổ Lâm Tế nói Tam huyền ở đây ngài nói Ngũ (năm) huyền. Ngài nói những ngữ cú của tông Lâm Tế ngài đã thấu suốt, không còn nghi ngờ nữa. Thế nên “chữ thập đầu đường mặc dọc ngang”. Chữ thập chỉ cho ngã tư. Người đi đường tới ngã tư có bốn ngã rẽ, nếu chưa biết đường đi thì ngơ ngác do dự không biết rẽ ngã nào, nên phải xem bản đồ hoặc hỏi người chỉ đường. Đối với chỗ này thì Ngài thông suốt hết không còn nghi ngờ. Ý hai câu này nói lý thiền Lâm Tế Ngài đã thông suốt và trên đường tu hành Ngài không còn mắc kẹt, không còn nghi ngờ.

Có người hỏi ta tin tức ấy, mây ở trời xanh, nước trong bình. Tin tức ấy là tâm như hang trống tiếng vang như gió thổi qua, như nước đầm lặng trong ánh trăng rọi sáng, tâm thấu suốt năm huyền của tông Lâm Tế và đầu đường chữ thập rành rẽ không ngại ngùng nghi ngờ. Nếu có người hỏi tin tức này thì ngài trả lời: “Mây ở trời xanh nước trong bình”. Câu này của Thiền sư Dược Sơn Duy Nghiễm Ngài lập lại để trả lời. Qua bài kệ này, chúng ta thấy vua Trần Thánh Tông ngộ đạo không kém các thiền sư khác. Tuy ngài xuất gia ở chùa Từ Phúc, nhưng chùa Từ Phúc ở trong hoàng thành, Ngài vẫn còn tiếp xúc với người trong hoàng thành. Ngài không bỏ thành lên núi non như Trần Nhân Tông, cho nên chúng ta thấy như Ngài không xuất gia, mà tu đạt đạo như thế thật ít người làm được.

Một hôm, vua xem Đại Huệ Ngữ Lục có cảm xúc làm bài kệ:

                        Đả ngõa toản qui tam thập niên,
                        Cơ hồi hạn xuất vị tham thiền.
                        Nhất triêu thức phá nương sanh diện,
                        Tỹ khổng nguyên lai một bán biên.
                        * * *
                        Nhãn tiền vô sắc nhĩ vô thinh,
                        Nhất phiến tâm đầu tự đả thành.
                        Thanh sắc bất can thần thiệt ngoại,
                        Nhậm tha bác báo dữ đô đinh.

        Dịch:
                        Đập ngói xoi rùa ba chục niên,
                        Mấy phen xuất hạn bởi tham thiền.
                        Một mai thấu vỡ gương mặt thật,
                        Lỗ mũi xưa nay mất một bên.
                        * * *
                        Nơi tai không tiếng, mắt không hình,
                        Một mảnh tâm này sẵn tự thành.
                        Chẳng can thinh sắc ngoài môi lưỡi,
                        Mặc người “bác báo” với “đô đinh”.

Đập ngói xoi rùa ba chục niên, mấy phen xuất hạn bởi tham thiền. Đập ngói xoi rùa là một việc làm rất khó nhọc. Ý Ngài nói tu hành công phu rất khó nhọc, trải qua thời gian dài đến ba mươi năm, nhờ tham thiền mới có mấy lần xuất hạn mồ hôi. Thường thường khi bị cảm uống thuốc vô một lát, thì mồ hôi xuất ra liền nhẹ khỏe. Ở đây xuất hạn mồ hôi không nói ý này, mà nói người tu bao nhiêu năm ôm ấp nghi vấn trong lòng không giải quyết được. Khi tâm lóe sáng, những thắc mắc nghi ngờ được phá vỡ, người nhẹ nhõm vui vẻ, giống như người đau uống thuốc, xuất hạn mồ hôi nhẹ khỏe vậy. Người tu nào cũng phải có những cơn xuất hạn như vậy mới xứng là người tu, nếu chưa được lần nào thì chưa xứng đáng. Ở đây qúi vị xuất hạn được mấy lần rồi? Người tu phải có quyết tâm, nỗ lực dụng công không lười mỏi mới có ngày xuất hạn. Do quyết tâm dám liều chết để tu mới có kết quả.

Xưa ngài Pháp Hiển đi Ấn Độ, tới núi Linh Thứu vào lúc chiều tối, Ngài xin chư tăng ở dưới chân núi cho phép Ngài lên núi để chiêm bái chỗ Phật nói pháp. Chư tăng dưới núi cản không cho đi, vì trên núi có hai con sư tử đen ăn thịt người. Nhưng Ngài nhất định đi, vì mục đích của Ngài tới đây là để chiêm bái thánh tích này, nếu không đi thì không tròn bổn nguyện. Chư tăng ở chân núi cử hai người hướng dẫn Ngài đi. Tới nơi, hai vị tăng xuống núi, Ngài xin ở lại và đêm đó Ngài thức tụng kinh. Gần tới nửa đêm thì hai con sư tử đen tới, hai con đứng hai bên nhìn Ngài. Ngài nói rằng: “Nếu các ngươi muốn ăn thịt ta, hãy chờ ta tụng xong thời kinh thì tùy ý muốn ăn thì ăn.” Hai con sư tử ngoắc đuôi nằm ngó Ngài tụng kinh. Ngài tụng xong thời kinh mà sư tử không ăn thịt Ngài. Ngài thấy nó hiền quá đưa tay vuốt đầu nó và nói: “Thôi các ngươi hãy để cho người ta tu, các ngươi ở đây ủng hộ Phật pháp”. Hai sư tử từ từ đi nơi khác. Chúng ta thấy cái chết kề một bên, Ngài liều chết để đựơc tròn bổn nguyện thì Ngài không chết. Đó là gương can đảm của người tu. Người gan dạ tu thì có kết quả không nghi. Chúng ta tu vì sợ chết quá nên chết hoài, chết hết đời này tới đời khác. Chúng ta tu mà qúa nhác nhúa, ngồi thiền sợ đau, sợ tê chân sau này bị bệnh, không dám để nó đau. Hoặc khi tu vừa có trạng thái hơi khó chịu là sợ sanh bệnh, không cố gắng nên không tới đâu hết. Dám liều chết, chấp nhận tất cả để được tu, nhờ vậy mà thành công.

Một mai thấu vỡ gương mặt thật, lỗ mũi xưa nay mất một bên. Vua Trần Thánh Tông gọi thể chân thật là gương mặt thật, Lục Tổ gọi là bản lai diện mục. Người tu khi thấu vỡ gương mặt thật rồi, mới thấy nơi mình không phải chỉ có cái thân vô thường tạm bợ và cái tâm sanh diệt lăng xăng, mà còn có thể chân thật thanh tịnh sáng suốt lúc nào cũng hiện hữu. Chừng đó “lỗ mũi xưa nay mất một bên”. Tại sao lỗ mũi mình mất hết một bên? Mỗi người chúng ta ai cũng có cái mũi ở trước mặt, thế mà đâu có ai thấy được toàn thể cái mũi, chỉ thấy một phần chót mũi thôi. Cái mũi chỉ cho thể chân thật có sẵn nơi mỗi người. Ngài nói nhờ tự nhận ra thể chân thật có sẵn nơi mình, mới biết xưa nay mình chỉ thấy có mỗi một bên, giống như cái mũi hồi nào tới giờ ở trước mặt mình, mà mình chỉ thấy
có một phần ở chót mũi. Bây giờ mới nhận ra được trọn vẹn. Bốn câu này Ngài nói lên sở ngộ của Ngài.

Nơi tai không tiếng, mắt không hình, một mảnh tâm này sẵn tự thành. Nhà vua nói tai không chạy theo tiếng, mắt không chạy theo hình sắc. Chỗ này con Ngài là Trần Nhân Tông cũng nói “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”. Nơi tai không dính tiếng, nơi mắt không dính hình sắc, thấy nghe mà không dính mắc với trần cảnh là vô tâm. Nghe như  vậy là tai không tiếng, chớ không phải là không có tiếng vang vào lỗ tai. Âm thanh có làm vang động màn nhĩ, nhưng nghe mà không dính mắc âm thanh nói là tai không tiếng. Mắt không phải là không thấy cảnh vật, thấy mà không dính trần cảnh gọi là không hình. Tăng Ni chúng ta thấy nghe có được như vậy không, hay tai nhiều tiếng, mắt nhiều hình? Ngài thì tai nghe không dính tiếng, mắt thấy không dính hình, nên chỉ là một mảnh tâm thanh tịnh không có cái gì lẫn lộn, xen tạp cả.

Chẳng can thinh sắc ngoài môi lưỡi, mặc người “bác báo” với “đô đinh”. Bác báo là màu sắc rằn ri, đô đinh là tiếng ngân rền của chuông trống.Khi Ngài chỉ còn một mảnh tâm thanh tịnh thì đối với sắc thinh Ngài không duyên theo, đối với ngôn ngữ Ngài chỉ thấy ở ngoài môi lưỡi. Thế nên Ngài thấy sắc nghe tiếng mà thấy như bóng như vang, không dính mắc. Do đó mặc tình người đời có tô vẽ hình sắc gì, tác động âm thanh gì Ngài cũng không dao động. Đó là cái nhìn của một ông vua chớ không phải của một vị tăng. Qua hai bài kệ này chúng ta thấy khả năng tu thiền quá tuyệt vời của một ông vua đa đoan việc dân việc nước. Ngày nay tu sĩ chúng ta không bận việc nước việc nhà, mà có nhiều người than: Chúng ta sống trong thời mạt pháp, không mong gì tu thiền được; vì tu thiền phải bậc thượng căn thượng cơ mới tu được. Những người nói câu này ôm mặc cảm cho rằng mình sống thời mạt pháp hạ căn hạ trí, người xưa sống thời chánh pháp tượng pháp, thượng căn thượng trí. Mình nhận đủ hai cái thấp tệ này mong gì tu tới chỗ giác ngộ. Thôi thì tu gieo duyên đời sau tu nữa, tu từ từ chừng nào Phật Di Lặc ra đời chừng đó hãy tiến. Nghĩ như thế thì không nỗ lực tu, cứ thả trôi thả nổi chờ duyên.

Theo tôi thì không như vậy, tuy thời Phật là thời chánh pháp, nhưng cũng có những tỳ kheo phá giới không tu hoàn tục. Đối với những người này là chánh pháp hay mạt pháp? Tuy có Phật có pháp nhưng họ rút lui không tu, thí như mạt pháp. Ngày nay tuy xa Phật trên hai ngàn năm trăm năm, nhưng chúng ta tin lời Phật dạy, khẳng định đường lối tu và quyết tâm chết sống, để tu cho thành tựu đạo quả, thì mạt pháp chuyển thành chánh pháp rồi. Hạ quyết tâm tu như vậy thì không có mặc cảm mình tu trong thời mạt pháp. Về căn cơ, nói rằng người xưa thì thựơng căn thượng trí, ngừơi nay thì hạ căn hạ trí, lấy đâu làm chuẩn mực? Nếu nhìn chung người thế gian thì, người xưa khôn người nay có khôn không? Tôi thấy người nay khôn hơn vì thừa kế cả sự nghiệp tinh thần của người xưa, nhưng tại sao riêng người tu lại không khôn hơn? Qúi vị xét kỹ chỗ này thấy có vô lý không? Chúng ta không thể nói người ở thời ăn lông ở lỗ khôn hơn người ở thời văn minh ngày nay. Tại sao người xưa tu đựơc mà người thời nay tu không được? Việc này có thể tin được không? Vậy mà chúng ta cứ truyền miệng và mặc cảm rồi tu lơ là như vậy đó! Có phải chúng ta tự làm cho mình lui sụt không? Chúng ta phải thấy rằng: Người xưa quyết tâm tu ngộ đạo, thì người nay quyết tâm tu cũng ngộ đạo. Đâu quá tệ như chúng ta tưởng. Hiểu như vậy chúng ta mới có tự tín và dũng mãnh vươn lên, nếu không thì cứ thả trôi thụt lùi, không chịu cố gắng. Đó là quan niệm lệch lạc lâu nay đa số người tu mắc phải. Bây giờ chúng ta quyết xoá bỏ những cái sai lầm đó, để lo tu hành và nhất định chúng ta phải tu như người xưa. Ở thế gian người xưa nghiên cứu được năm, người nay nghiên cứu được tới mười, nhưng tại sao người tu thời nay thua sút người tu thời xưa quá vậy? Chúng ta phải tiến lên cho bằng người xưa, chớ không để thua, nếu hơn thì càng tốt. Đó là cái nhìn của tôi về chỗ khiếm khuyết của Tăng Ni hiện tại.

Còn cư sĩ cũng phải nhớ ông vua cư sĩ tu được, mình tu không được là chuyện vô lý. Đừng đổ thừa tại tôi cư sĩ, gia duyên ràng buộc, bận quá nhiều việc tu không nổi. Nói như vậy là đổ thừa trốn trách nhiệm, để rồi lười biếng không chịu tu. Phải gan dạ nhìn thấy chỗ yếu đuối của mình để chỉnh đốn nổ lực tu. Ông vua việc nước việc dân đa đoan mà tu được, mình là người dân ít việc thảnh thơi hơn, nhất định phải tu được và tu hay hơn ông vua nữa. Với quan niệm tu hành như thế, quí Phật tử sẽ tiến và tiến mạnh hơn, chớ không lùi.

Vua lại tự thuật năm bài kệ:

                Tự tùng quán giác nhập thiền lưu,
                Đả ngoả toản qui một ngoại cầu.
                Nhận đắc bản lai chân diện mục,
                Đáo đầu hà xứ bất hưu hưu.

    Dịch:
                Từ khi bé bỏng đã vào thiền,
                Đập ngói xoi rùa ngoại cầu quên.
                Nhận được xưa nay mày mặt thật,
                Cuối cùng đâu chẳng chỗ an nhiên.

Từ khi bé bỏng đã vào thiền, đập ngói xoi rùa ngoại cầu quên. Ngài nói lúc còn bé Ngài đã được học và gia công nghiên cứu thiền. Nhưng học và nghiên cứu thiền là chuyện tìm kiếm vụn vặt ở bên ngoài rốt cuộc rồi không được gì, mà phải bỏ và quên hết.

Nhận được xưa nay mày mặt thật, cuốicùng đâu chẳng chỗ an nhiên. Ngài nói khi bỏ hết quên hết kiến giải học hỏi, mới nhận ra mặt mày chân thật xưa nay của chính mình. Mặt mày chân thật xưa nay là danh từ chuyên môn, còn gọi là “Bản lai diện mục”. Nhận được “Bản lai diện mục” rồi thì đi đâu ở đâu cũng được an nhiên tự tại.

Bốn câu kệ nầây vua Trần Thánh Tông kể buổi ban đầu lúc thiếu thời, Ngài đã nghiên cứu tìm kiếm đạo lý thiền. Do tận lực gia công tìm kiếm, nên một hôm Ngài nhận ra “Bản lai diện mục” của chính mình. Từ đó Ngài đi đâu ở chỗ nào cũng an nhiên tự tại. Chúng ta tu thiền cũng khá nhiều năm vậy ai đã nhận được mặt mày chân thật của mình?- Có người nhận ra có người chưa nhận. Song người nhận ra, đi đứng qua lại có an nhiên không? Hay có lúc nhẹ nhàng thảnh thơi có lúc cũng lăng xăng rối rắm?

Ngài là một ông vua mà dám nói đi đâu ở đâu lúc nào cũng được an nhiên tự tại. Đi lại, ăn ở đều là hoạt động, vậy trong hoạt động đó tâm nào hoạt động, tâm nào an nhiên tự tại? Nghĩa là lúc nhà vua ngự triều, lúc nhà vua xử tội người, bá quan tâu việc nầy việc nọ, lúc đó nhà vua có được  an nhiên không? Nếu an nhiên làm sao giải quyết việc nước, làm sao xử tội? Mọi hoạt động của nhà vua như đi đứng nói nín là tướng động của thân, nghĩ suy là tướng động của tâm, còn “Bản lai diện mục” lúc nào cũng an nhiên tự tại hết. Sở dĩ chúng ta không an nhiên tự tại vì chạy theo tướng động của thân, chạy theo vọng niệm lăng xăng của tâm. Khi nhận ra “Bản lai diện mục” thì đi đứng nằm ngồi nói nín, lúc nào “Bản lai diện mục” cũng an nhiên, không động. Hiểu vậy mới không thắc mắc khi nhà vua ngự triều bá quan tâu việc nầy việc nọ, nếu an nhiên thì như gỗ đá làm sao giải quyết được? Dĩ nhiên lúc đó cũng có khởi niệm để giải quyết nhưng giải quyết rồi thôi, “Bản lai diện mục” không bao giờ
thiếu vắng.

                    Chung nhật nhàn đàn bất điệu cầm,
                    Nhàn môn vô sự khả quan tâm.
                    Cá trung khúc phá vô nhân hội.
                    Duy hữu tùng phong họa thử âm.

        Dịch:
                    Chiếc đàn không điệu khảy suốt ngày,
                    Cửa vắng việc không chẳng bận rày.
                    Bản nhạc trong kia không kẻ biết,
                    Riêng có gió tùng họa âm này.

Chiếc đàn không điệu khảy suốt ngày, cửa  vắng việc không chẳng bận rày. Ngài nói Ngài có một cây đàn không âm điệu, nhưng khảy tiếng vang suốt ngày. Song tiếng đàn nầy khảy ở cửa vắng, chỗ không việc bận rộn. Nếu ở chỗ cửa có người, nhiều việc lăng xăng, tâm bận rộn thì đàn không khảy, bặt hết âm thanh. Quí vị có nghe tiếng đàn của vua Trần Thánh Tông khảy không? Tiếng đàn nầy khó nghe quá! Tại sao? Vì chúng ta ở chỗ cửa có người, việc đa đoan tâm bận rộn, nên không nghe được tiếng đàn nầy. Ví dụ ở trên núi gió thổi thông reo, nếu chúng ta lăng xăng bận rộn việc trong chùa, lúc đó có nghe tiếng gió thổi thông reo không? Chắc chắn là không nghe, chỉ khi nào việc rảnh rang tâm thư thả ngồi dưới gốc thông mới nghe tiếng thông reo. Vậy tiếng thông reo có giành riêng cho người rảnh rang nghe, hay lúc nào nó cũng tự reo, gió thổi thì thông reo nó không là của ai, không giành riêng cho ai cả, ai cũng có quyền nghe và ai cũng có thể nghe. Song, nếu người việc bận rộn tâm lăng xăng thì không nghe, người việc rảnh rang tâm yên tỉnh, ngồi thư thả dưới gốc thông thì nghe tiếng thông reo. Cũng vậy, tiếng đàn không điệu ai cũng có sẵn, nhưng nếu ai bận rộn nhiều
việc tâm lăng xăng suốt ngày, thì không nghe được tiếng đàn nầy. Nếu ai việc rảnh rang tâm thanh tịnh thì đàn không điệu nầy khảy nghe suốt ngày. Ai là người họa được bản nhạc nầy?

Bản nhạc trong kia không kẻ biết, riêng có gió tùng họa âm nầy. Bản nhạc không âm điệu có sẵn nơi mỗi người, ít có người biết. Tại sao? Vì người đời đều chạy theo trần cảnh, chạy theo những chuyện bên ngoài đa đoan rối rắm, nên không nhận ra. Chỉ có gió thổi qua rặng tùng mới họa được bản nhạc nầy. Ngài nói nơi mọi người chúng ta ai cũng có cây đàn không dây không điệu, lúc nào cũng phát ra âm thanh vi diệu. Âm thanh vi diệu đó chỉ có người vô tâm vô sự mới nghe được. Âm thanh của bản nhạc hòa khắp hư không, chỉ có gió núi cây cỏ... mới họa được tiếng nhạc nầy. Đây là bản nhạc có sẵn muôn đời ở nơi mỗi người, không phải gặp duyên nó mới có. Người nghe và họa được bản nhạc nầy phải sống trong cảnh thiên nhiên, bầu trời lặng lẽ. Ý nói tất cả chúng ta ai cũng có thể chân thật thanh tịnh sáng suốt, nhưng nếu chúng ta chạy theo duyên trần dính mắc ngoại cảnh, thì thể chân thật bị che khuất không nhận ra được. Nếu chúng ta buông xả tất cả, việc rảnh rang tâm thanh tịnh, sống với thiên nhiên thì mới nhận ra thể chân thật nơi mình. Ý này Ngài diễn tả qua cây đàn không dây không điệu.

                    Tung hoành bất đọa hữu vô ky,
                    Vạn pháp phân phân tổng bất tri.
                    Khiết phạn đả miên tùy xứ dụng,
                    Cánh vô tha sự khả ưng vi.

        Dịch:
                    Dọc ngang chẳng kẹt có không ky (cơ),
                    Muôn pháp lăng xăng thảy chẳng hay.
                    Ngủ nghỉ, uống ăn tùy chỗ dụng,
                    Lại không việc khác đáng làm chi.

Dọc ngang chẳng kẹt có không ky, muôn pháp lăng xăng thảy chẳng hay. Ngài nói chúng ta dù có đi dọc hay nằm ngang cũng không dính không kẹt với cái cơ rỗng không nầy. Vì muôn pháp lăng xăng lộn xộn, nên chúng ta không thấy không biết chỗ dọc ngang tự tại đó.

Ngủ nghỉ, uống ăn tùy chỗ dụng, lại không việc khác đáng làm chi. Khi nhận được cái cơ rỗng không dọc ngang nầy rồi, thì mọi hành động đi đứng nằm ngồi ăn uống ngủ nghỉ đều được an nhiên tự tại, không có việc gì khác hết. Ý nói người tu khi đã giác ngộ nhận ra thể thanh tịnh sáng suốt (cơ rỗng không) thì dọc ngang tự tại, thong dong không có gì làm cho ngăn ngại ràng buộc.

                    Nhất đàn chỉ phá vạn trùng san,
                    Giá cá công phu dã thị nhàn.
                    Hàn thử đáo lai vô sở thức,
                    Vị tằng phần thượng lão nhân can.

         Dịch :
                    Khảy tay vỡ nát vạn trùng non,
                    Thế ấy công phu cũng là nhàn.
                    Lạnh nóng đến đây không chỗ biết,
                    Chưa từng can dự đến lão nhân.

Khảy tay vỡ nát vạn trùng non, thế ấy công phu cũng là nhàn. Nguyên chữ non là san hay sơn nghĩa là núi. Ngài nói chỉ cần khảy móng tay một cái thì muôn lớp núi tan vỡ hết. Quí vị có tin nổi không? Phép gì lạ lùng vậy? Giả sử tôi nói, tôi khảy móng tay một cái, ngọn núi Phụng Hoàng nầy tan vỡ, quí vị dám tin không? Chỉ một ngọn núi nhỏ mà quí vị chưa tin huống gì muôn trùng núi non. Nhưng với tôi thì tôi tin. Như vậy tôi có tin suông không? Điều nầy rất dễ tin, nhưng mà khó nói. Tại sao? Vì núi sông cũng như quả địa cầu chỉ là tướng duyên hợp hư ảo không thật. Khi chúng ta nhận ra và hằng sống với thể chân thật rồi, thì vĩnh kiếp bất di bất dịch, không đổi dời, không biến động, sánh với những cái duyên hợp hư ảo biến động nầy không có nghĩa! Thế nên đứng trên thể bất di bất dịch, không sanh diệt thấy những cái sanh diệt biến dịch như trò chơi không nghĩa lý gì hết. Ý nói mọi tướng hư ảo dù có vững như núi, rộng như biển, lớn như quả địa cầu chỉ là trò chơi đối với bản thể chân thật. Giống như tuổi thọ của con phù du sớm còn tối mất sánh với tuổi thọ con người chẳng có nghĩa lý gì. Cũng thế, tướng sanh diệt của pháp hữu vi ở thế gian nầy như núi non sánh với thể chân thật không có giá trị, nên nói chỉ khảy móng tay là nó tan vỡ. Như vậy người tu Phật là người tìm cho ra bắt cho gặp cái chân thật muôn đời, còn những cái ở thế gian nầy mà chúng ta đang sống đang thấy là cái tạm bợ không quan trọng. Thấy như vậy mới biết việc làm của người tu là việc phi thường, lớn lao vô kể, nặng nề vô cùng. Chớ không phải việc tầm thường cho qua ngày qua tháng của người cạo tóc mặc áo nhuộm, ăn chay, ngày tụng một thời kinh, đêm ngồi thiền vài tiếng đồng hồ là đủ. Chúng ta phải tìm cho ra cho được thể chân thật nơi mình mới là việc quan trọng. Khi ấy khảy móng tay là vỡ nát muôn trùng núi non, việc làm nầy chỉ là trò chơi, nhàn lắm không quan trọng.

Lạnh nóng đến đây không chỗ biết, chưa từng can dự đến lão nhân. Lạnh nóng đến đây không chỗ biết, không có nghĩa không biết lạnh không biết nóng, mà lạnh nóng đây chỉ cho thời gian hết đông tới hạ, nó cứ trôi qua không có gì bận tâm. Vì sao? Vì việc ấy không có can dự gì đến lão nhân. Lão nhân là người già. Lão nhân nầy là ai? Nơi tôi nói lão nhân thì được rồi, nơi quí vị người hai mươi tuổi, người ba mươi tuổi nói lão nhân được không? Đầu quí vị chưa bạc mà sao nói lão nhân? Lão nhân ở đâu? Lão nhân sống vô hạn lượng có sẵn nơi mỗi người, không riêng gì người già tóc bạc mặt nhăn mới gọi là lão nhân, mà đứa trẻ mới sanh ra năm mười tuổi, nhẫn đến hai ba mươi tuổi..., ai cũng có vị lão nhân tuổi thọ vô lượng ấy cả. Ngày xưa tôi đọc truyện Nhựt Bổn có câu chuyện rất lý thú: Một vị sư tu Tịnh độ gặp một vị sư tu Thiền. Sư tu Thiền hỏi sư tu Tịnh độ:

- Năm nay sư bao nhiêu tuổi?

Sư tu tịnh độ đáp:

- Tuổi tôi bằng tuổi Phật A Di Đà.

Sư tu Thiền hỏi tiếp:

- Phật A Di Đà năm nay bao nhiêu tuổi?

Sư tu Tịnh độ đáp:

- Tuổi Phật A Di Đà bằng tuổi tôi.

Sư tu Tịnh độ nói như thế có hỗn láo không? Phật A Di Đà là Phật Pháp thân tuổi thọ vô lượng. Vị lão nhân ở đây chỉ cho Phật Pháp thân tuổi thọ vô lượng bằng tuổi của Phật A Di Đà. Vị lão nhân nầy không phải là ông già răng rụng đầu bạc, mà là con người bất tử, muôn kiếp không đổi dời không sanh diệt. Con người bất tử ai cũng có sẵn. Ngay nơi con người sinh diệt vô thường nầy có thể chân thường bất diệt, chớ không phải đợi chết rồi nhập Niết bàn mới bất sanh bất diệt. Ở đây vua Trần Thánh Tông gọi là lão nhân. Vị lão nhân nầy mới khảy móng tay làm tan vỡ muôn trùng núi non, chớ lão nhân theo nghĩa thông thường khảy móng tay cũng không làm rung rinh được cục đất có đâu làm tan vỡ vạn trùng sơn!

                        Cá trung vô khiếm diệc vô dư,
                        Phật dã vô hề nhân dã vô.
                        Thu cảnh viễn lai thiên ngoại viễn,
                        Thanh sơn vân tỏa tủy đô lô.

            Dịch:
                        Trong kia dư thiếu thảy đều không,
                        Phật cũng không chừ người cũng không.
                        Cảnh thu xa đến trời xa tít,
                        Mây khóa non xanh một sắc đồng.

Trong kia dư thiếu thảy đều không, Phật cũng không chừ người cũng không. Chữ “trong kia” không phải ở trong chùa hay trong chánh điện hay trong núi trong rừng, mà “trong kia” chỉ cho thể chân thật có sẵn nơi mỗi người, ở bài kệ trước gọi là lão nhân. Nơi thể chân thật không có cái thiếu, không có cái dư. Nếu có thiếu có dư thì có tướng sanh diệt. Vì không tướng sanh diệt nên không có Phật, không có người . Tại sao? Vì còn phân biệt nên thấy mình mê là chúng sanh phàm phu, Phật thì giác ngộ nên gọi là Phật. Thể chân thật thanh tịnh không có tướng sanh diệt, không có mê và giác nên không có Phật và chúng sanh. Mọi người ai cũng có thể chân thật, nhưng vì mê nên quên gọi là phàm phu, nếu giác nhận ra thể chân thật gọi là Phật. Vậy chuyện mê và giác là chuyện của phàm phu chớ không phải chuyện của thể chân thật bất sanh bất diệt.

Ví dụ: Ông cha để lại cho mỗi người con một viên ngọc quí. Người biết lấy ra dùng thì trở thành giàu sang, người không biết thì không lấy được nên nghèo. Giàu và nghèo là chuyện của người biết lấy hòn ngọc và không biết lấy hòn ngọc. Hòn ngọc trước sau vẫn là hòn ngọc tự nó không có giàu nghèo. Giàu nghèo là danh từ tạm dùng của người đời, chớ không phải hòn ngọc giàu nghèo. Quí vị là người giàu hay nghèo? Có nhiều người than cha mẹ nghèo không để của lại cho mình, nên bây giờ mình sống thân sơ thất sở, nghèo nàn. Than như vậy có đúng không? Chúng ta ai cũng có hòn ngọc quí mà không biết lấy ra xài. Nếu biết lấy ra xài thì ai cũng giàu hết. Chúng ta là chàng cùng tử trong kinh Pháp Hoa, cha mẹ giàu mà bỏ nhà ra đi lang thang cầu thực ở xứ người nghèo đói khổ sở. Lúc trở về thấy cha giàu quá không dám nhìn, đến khi nhìn được cha thì hưởng hết gia tài sự nghiệp trở nên giàu có. Như vậy nghèo muốn được giàu không khó.

Nhiều người than tu hành khó lắm, phải chay lạt, thức khuya dậy sớm đủ thứ khó nhọc. Tôi hỏi quí vị vua Trần Thánh Tông tu có khó không? Ngài làm vua việc dân việc nước đa đoan, cung phi mỹ nữ đầy cung, vàng ngọc của báu đầy kho... Vậy mà Ngài tu được, nhận ra “Bản lai diện mục” Ngài là người giàu lại giàu hơn nữa. Chúng ta ngày nay nghèo khó cực khổ, việc nhận ra hòn ngọc có sẵn phải là chuyện thiết tha lắm, sao không nổ lực để nhận? Chuyện giàu và nghèo trong nhà Phật chỉ ở tại mê và giác thôi, mê là chúng sanh, giác là Phật. Hể mê thì làm chàng cùng tử lang thang cầu thực, giác thì trở thành trưởng giả phú nhân. Giàu nghèo chỉ cách nhau ở mê và giác, dễ như trở bàn tay, đâu có khó. Nếu khó thì các ông vua tu không được, vì làm vua quá sung sướng hưởng thọ mọi thứ dục lạc, đâu có ở chùa chay lạt, thức khuya dậy sớm cực nhọc như chúng ta ngày nay. Như vậy giá trị của việc tu Phật gốc ở chỗ giác ngộ, chớ không phải ở chỗ cực khổ. Thế mà nhiều người cho rằng tu là phải công phu khổ hạnh, phải ngủ ngồi, phải ăn ngày một bữa... mới có công phu. Đọc sử Phật chúng ta thấy Ngài tu khổ hạnh sáu năm, sức kiệt da bọc xương mà không thành tựu đạo quả. Ngài nói khổ hạnh chỉ làm cho tâm trí mờ tối, chớ không đưa đến giác ngộ. Muốn giác ngộ phải sống bình thường, đói thì ăn, mệt thì ngủ, nhưng phải điều độ tỉnh giác mới có trí tuệ. Đừng cho rằng đày đọa thân xác nầy cho đến kiệt sức mới có công phu và thành đạo. Quan niệm như thế là sai lầm, không hiểu giá trị của đạo Phật. Chủ yếu của đạo Phật là dạy con người tu giải thoát mê mờ để được giác ngộ. Tức là chuyển mê thành giác chớ không làm gì khác. Do đó mà vua Trần Thánh Tông nói Phật cũng không người cũng không. Quí vị đừng nghe nói không có Phật không có chúng sanh, rồi nghĩ rằng: tu chi cho cực khổ uổng công, không có Phật tu làm gì? phải nhớ tuy không có Phật mà có giác, biết lấy viên ngọc quí ra xài thì thành trưởng giả. Không giác, không biết lấy viên ngọc thì làm kẻ cùng tử khổ sở. Ai làm kẻ cùng tử thì mê, ai làm trưởng giả thì giác. Việc nầy không ai bắt buộc, tự ý thức hay không ý thức thôi.

Cảnh thu xa đến trời xa tít, mây khóa non xanh một sắc đồng. Cảnh thu ở đây không phải cảnh mùa thu ở miền Nam. Mùa thu ở miền Nam thì mưa dầm, khí hậu ẩm ướt, đất sình lầy. Mùa thu ở miền Bắc hay ở Trung Hoa thì bầu trời trong ít mưa ánh nắng soi sáng. Tôi xin hỏi, ánh nắng rọi trong bầu trời và bầu trời là một hay hai? _Dường như hai mà không hai. Nếu một thì bầu trời sáng luôn không tối, song ngày thì sáng đêm thì tối, bầu trời có sáng có tối. Sáng là do có ánh nắng rọi, tối là do không có ánh nắng rọi. Như vậy nói một không được, mà nói hai cũng không được, vì nó không rời nhau. Ngài nêu sự kiện nầy ngầm ý nói, đa số người tu đều nghĩ rằng mình tu là bỏ cái này để cầu cái kia, bỏ mê cầu giác. Nếu bỏ mê thì quảng cái mê đi đâu? Nếu cầu giác thì tìm giác ở chỗ nào? Giả sử một lúc nào đó chúng ta bừng tỉnh sáng lý đạo, lúc đó cái mê đi đâu? Chuyện dễ hiểu nhất là khi ngủ thì cái thức đi đâu? Và khi thức thì cái ngủ đi đâu? Ngủ và thức thấy như hai, nhưng bỏ cái ngủ tìm cái thức thì tìm ở đâu? Mở mắt thì thức nhắm mắt thì ngủ. Chuyện mở mắt nhắm mắt rất là dễ, mệt thì nhắm mắt lại ngủ, tỉnh thì mở mắt ra thức. Ngủ và thức chỉ khác ở chỗ mở mắt và nhắm mắt thôi, chớ đâu có đôi mắt thứ hai nào khác. Cũng không có con mắt ngủ bị móc bỏ ra thế con mắt thức vào, chỉ là đôi mắt có sẵn từ trước tới giờ. Cũng vậy, mê và giác là tự nơi mình, nếu mình mê thì không giác, nếu mình giác thì không mê. Mê giác không tách rời, nên ở đây Ngài dùng nắng thu và bầu trời thu để diễn tả.

Sau đây Ngài lại dùng mây khóa non xanh để diễn tả. Mây và núi dường như hai, nhưng nếu phân tách cái nào là mây cái nào là núi thì không phân tách được, vì nó không rời nhau. Dụ này nhắc mọi người nhớ ai cũng có sẵn tánh gíác, nếu chúng ta chịu quay lại nhận ra thì gọi là trở về, nếu quên nó chạy theo ngoại cảnh thì không nhận được. Như vậy, biết quay lại tánh giác là tỉnh, quên tánh giác chạy theo ngoại cảnh là mê. Khi nhận ra tánh giác rồi mới biết mê và giác cũng ngay đó không có riêng. Ngài chỉ nơi mọi người có sẵn thể chân thật bất sanh bất diệt, biết quay lại thì nhận được, hướng ra ngoài tìm cầu thì không nhận được, mải mê mờ trầm luân trong sanh tử. Năm bài kệ này nói lên tâm hồn trong sáng của vua Trần Thánh Tông khi đã thấy đạo. Điều này cho chúng ta tin Ngài là người ngộ đạo không nghi ngờ.

Sau đây là bài kệ vua nhắc nhở moị người thiết tha tu học.

                Chơn tâm chi dụng,
                Tỉnh tỉnh tịch tịch.
                Vô khứ vô lai,
                Vô tổn vô ích
                Nhập đại nhập tiểu
                Nhậm thuận nhậm nghịch
                Động như vân hạc
                Tỉng như tường bích
                Kỳ khinh như mao
                Kỳ trọng như thạch
                Sái sái nhi tịnh
                Lỏa lỏa nhi xích
                Bất khả độ lượng
                Toàn vô tung tích
                Kim nhật vị quân
                Phân minh phẩu phách

    Dịch:
                Dụng của chơn tâm,
                Tỉnh tỉnh lặng lặng.
                Không đi không đến,
                Không thêm không bớt.
                Vào lớn vào nhỏ,
                Mặc thuận mặc nghịch.
                Động như mây hạc,
                Tỉnh như tường vách.
                Nhẹ như sợi lông,
                Nặng tợ tảng đá.
                Hết sạch trọi trơn,
                Hiện bày lồ lộ.
                Chẳng thể so lường,
                Hoàn toàn không dấu.
                Nay vì anh biện,
                Rành rẽ rõ ràng.

Dụng của chơn tâm, tỉnh tỉnh lặng lặng. Ngài nói dụng của chơn tâm thì tỉnh tỉnh lặng lặng nên khi dụng tâm tu phải ở trạng thái tỉnh tỉnh lặng lặng mới đúng. Chỗ này Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác cũng đã dạy: “Lặng lặng tỉnh tỉnh phải, lặng lặng hôn trầm sai, tỉnh tỉnh lặng lặng phải, tỉnh tỉnh loạn tưởng sai”. Muốn nhận ra thể chân thật thì phải tỉnh mà lặng. Lúc ngồi thiền không khởi vọng tưởng là lặng, nếu lặng mà gục lên gục xuống thì sai, nên nói lặng lặng hôn trầm sai. Còn nếu tỉnh mà nghĩ nhớ trăm chuyện cũng sai, nên nói tỉnh tỉnh loạn tưởng sai. Vậy thì thế nào mới đúng? Ngồi thiền phải tỉnh sáng, mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe, muỗi cắn vẫn biết đau, mà không khởi nghĩ tưởng gì hết là đúng. Đúng là vì mình đang sống với thể chân thật. Một phút tỉnh tỉnh lặng lặng là một phút sống với thể chân tâm thật, một phút lặng lặng tỉnh tỉnh là một phút sống vơí thể chân thật. Đây là điều tối quan trọng mà người tu thiền phải biết.

Có nhiều vị nói tu thiền mà chưa biết ngồi thiền như thế nào, cũng trải tọa cụ lót bồ đoàn, thân ngồi ngay ngắn, không ngủ gục, vẫn thấy vẫn nghe, nhưng vọng tưởng khởi cứ chạy theo không biết dừng. Tu như thế không hết vô minh phiền não. Ngồi thiền thân yên mà tâm cũng phải tỉnh lặng. Trạng thái này hơi khó diễn tả. Giả sử quí vị ngồi ngoài cội thông một mình nhìn trời nhìn mây, mà không có một niệm dấy khởi, không nhớ nhà, không nhớ chuyện người, tâm lặng lẽ tỉnh sáng. Lúc đó là lúc qúi vị đang sống bằng thể chân thật. Rất tiếc mọi người chúng ta ai cũng cho cái tính toán khôn dại, cái nghĩ nhớ xưa nay là ta, nên lúc lặng lẽ thì cho rằng mất ta. Cái tính toán khôn dại là tướng sanh diệt không phải là ta. Bấy giờ không nghĩ suy, không tính toán hơn thua, không bàn chuyện phải quấy, tâm yên lặng sáng suốt, gió thổi tai vẫn nghe, muỗi cắn vẫn biết đau... Lúc đó là lúc thể chân thật hiện tiền.Niệm phải quấy hơn thua vừa khởi liền mất là cái vô thường không thật. Thể lặng lẽ sáng suốt ai cũng có sẵn, nhưng vì cứ chạy theo niệm sanh diệt nên quên.

Chúng ta tu là thấy vọng niệm vô thừơng không đuổi theo, biết mình có cái chân thường xoay lại sống với nó là tu. Thể chân thường tỉnh lặng hằng hữu không bao giờ thiếu vắng, thế mà chúng ta cứ quên, ít khi nhớ tới. Có khi nào qúi vị ngồi yên lặng, mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe chừng năm phút không? Ít khi có nên ông Phật của mình không hiện. Lúc nào Ngài cũng ở bên cạnh mà mình đâu có ngó ngàng tới, suốt ngày cứ chạy theo mấy cái phải quấy hơn thua không chịu nhớ Ngài. Khi khổ, thắp hương cầu Phật độ con, cầu không toại nguyện thì trách Phật không thương con không độ con! Phật ở bên mình mà mình không bao giờ nhớ tới, bây giờ bảo độ làm sao độ đây? Phật không thương mình hay mình bội bạc? Có một bức tranh diễn tả sự việc này mà tôi tâm đắc. Trong tranh vẽ Phật A Di Đà đứng duỗi tay chờ để kéo chúng sanh đang ngoi đầu lao nhao ở dưới biển. Chúng sanh chỉ đưa tay là Ngài kéo lên, thế mà không chịu đưa, cứ lao nhao lội hoài ở dưới biển. Như vậy làm sao Ngài cứu? Cũng vậy Phật mình có sẵn chỉ cần xoay lại là nhận ra, thế mà không chịu xoay lại, cả ngày cứ chạy hết chỗ này tới chỗ kia để cầu. Vì chạy ra ngoài cầu quên ông Phật của mình, nên mới thỉnh tượng Phật đeo để cho nhớ. Giờ tọa thiền, tụng kinh là giờ thiêng liêng nhất thế mà cũng không chịu ngừng, vẫn cứ chạy. Thật đáng thương! Tu là lặng và tỉnh tâm, chỉ bấy nhiêu đó thôi. Đừng tìm kiếm cái xa lạ như phóng hào quang, thăng thiên độn thổ. Đó chỉ là cái dụng bên ngoài.

Không đi không đến, không thêm không bớt. Thể chân thật không hình tướng hằng thanh tịnh sáng suốt, bất sanh bất diệt. Nếu có đi có đến, có thêm có bớt thì sanh diệt vô thường. Mỗi tối chúng ta tụng Bát Nhã Tâm Kinh, nào là bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm...Đọc một hơi mà không biết cái gì bất sanh, bất diệt... Đọc để Phật nghe cho có phước hay để Phật ghi sổ khen
mình tụng kinh nhiều? Tụng kinh mỗi ngày cốt để mình nhớ lại ông Phật nơi mình bất sanh, bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Tụng kinh với ý nghĩa này rất thực tế mà chúng ta lại quên đi.

Vào lớn vào nhỏ, mặc thuận mặc nghịch. Vào lớn là từ thân người bốn năm chục ký, khi chết sanh thành con voi thân nặng cả tấn. Vào nhỏ là từ thân con voi cả tấn, chết sanh làm người thân chỉ nặng bốn năm chục ký. Mặc thuận mặc nghịch là thể tỉnh tỉnh lặng lặng của mỗi người, vốn thanh tịnh không sanh diệt, không tăng giảm, dù cho gặp cảnh thuận được vui vẻ, hoặc gặp cảnh nghịch khổ đau, vẫn như nhiên không đổi dời.

Động như mây hạc, tĩnh như tường vách. Động là thân xê dịch tới lui, tay chân cử động. Ý nói lúc thân hoạt động, cái thể tỉnh tỉnh lặng lặng cũng như mây như hạc bay trên bầu trời tự do, không ngăn ngại dính mắc. Tĩnh là yên lặng, khi ngồi hay nằm một mình thì thể tỉnh tỉnh lặng lặng như tường vách, không dao động, không có cái gì kềm chế.

Nhẹ như sợi lông, nặng như tảng đá. Nếu nói thể tỉnh tỉnh lặng lặng nhẹ thì nhẹ như sơị lông, nếu nói nó nặng thì nặng như tảng đá. Tại sao vậy? Vì nặng nhẹ là tướng so sánh bên ngoài. Thể tỉnh tỉnh lặng lặng đâu có tướng trạng để so sánh, nói nhẹ như sợi lông cũng được, nói nặng như tảng đá cũng được. Hết sạch trọi trơn, hiện bày lồ lộ. Khi nào những niệm dấy động như hơn thua, đựơc mất, phải quấy... sạch hết trọi hết trơn thì thể tỉnh tỉnh lặng lặng hiện bày rõ ràng.

Chẳng thể so lường, hoàn toàn không dấu. Thể tỉnh tỉnh lặng lặng không hình không tướng, làm sao so sánh đo lường được? Không tướng mạo làm gì có dấu vết?

Nay vì anh biện, rành rẽ rõ ràng. Ngài nói, nay vì mọi người mà nói rõ cái dụng của chân tâm (thể chân thật), không dấu diếm gì cả. Ngài là một ông vua bận rộn việc nước việc dân, cung phi mỹ nữ đầy cung, danh vị tột bực mà Ngài tu đựơc nên nói lên lý đạo tuyệt vời như thế. Chúng ta là người xuất gia khép mình trong giới luật, ở chùa, duyên ngoài cắt hết mà chưa thông được lý đạo như Ngài, thật là hổ thẹn.

Vua dạy chúng nói rộng: “Xưa nay nói, một câu rốt sau mới đến lao quan. Ba đời chư Phật bốn mắt nhìn nhau, sáu đời Tổ Sư có phần thối thân”.

Xưa nay nói là người xưa nói và người nay nói. Một câu rốt sau là câu nói làm cho người nghe bặt suy nghĩ. Lao quan là cửa cứng chắc, đến chỗ tột cùng. Ngài nói người xưa cũng như người nay nói một câu làm người nghe bặt suy nghĩ, thì phá vỡ lao quan đến chỗ tột cùng. Chỗ đó là chỗ Ba đời chư Phật, bốn mắt nhìn nhau. Phật nhìn đệ tử bằng hai con mắt, đệ tử nhìn Phật cũng bằng hai con mắt, mắt Phật và mắt đệ tử nhìn nhau cảm thông là bốn con mắt. Chư Phật ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai dùng hai con mắt nhìn đệ tử, đệ tử cũng dùng hai con mắt nhìn Phật cảm thông gọi là bốn mắt nhìn nhau. Vậy thầy trò cảm thông nhau là cảm thông cái gì? Phật biết nhìn, chúng ta cũng biết nhìn, Phật thấy chúng ta cũng thấy nhưng tại sao Phật thấy mà Phật giác, chúng ta cũng thấy lại mê? Chúng ta thấy mà mê là thấy cái gì?

Ví dụ tất cả chúng ta nhìn bình hoa, nếu mỗi người nhìn mà không ai khởi niệm xấu đẹp thì thấy bình hoa không khác. Nếu khởi niệm thì cái thấy của mỗi người có khác, người thì thấy bình hoa chưng không khéo, người thì thấy màu hoa này đẹp, hoa kia màu không đẹp, nhìn tổng quát bình hoa tất cả chúng ta thấy như nhau là chúng ta đồng có một cái biết như nhau. Nhưng vì mỗi người khởi niệm phân biệt khác nhau, nên thấy khác nhau. Như vậy nếu bốn mắt nhìn nhau, mà nhìn với cái biết như nhau thì cảm thông nhau. Giống như bốn mắt của Phật và của đệ tử nhìn nhau, Phật biết đệ tử, đệ tử biết Phật. Nếu đệ tử khởi niệm thứ hai phân biệt thì cái thấy của đệ tử khác cái thấy của Phật. - Khác ở niệm thứ hai -. Đa số chúng ta nhìn bình hoa, không chịu dừng ngay khi thấy, vừa nhìn thấy liền khởi phân biệt đẹp xấu hay dở... đó là niệm khen chê ưa ghét. Thấy vừa ý thì khen, không vừa ý thì chê. Thấy qua niệm khen chê ưa ghét là mê. Nhìn bình hoa chỉ thấy bình hoa, không khởi niệm gì hết là giác. Quý vị nhìn thấy bình hoa, tôi hỏi có thấy bình hoa không? Qúi vị trả lời có thấy bình hoa. Nhưng tôi hỏi qúi vị có thấy “cái tôi thấy” bình hoa không? Quí vị trả lời sao? Cái bình hoa là cái bị thấy của tôi, khi qúi vị nhìn bình hoa, cũng thấy được cái bị thấy của tôi. Nhưng cái hay thấy bình hoa của tôi qúi vị có thấy không? Nếu qúi vị không khởi niệm thứ hai phân biệt thì thấy cái hay thấy của tôi liền. Cái thấy của tôi thế nào cái thấy của qúi vị thế ấy,vì đồng nhau, không thấy sao được! Nếu có niệm thứ hai là hết thấy. Nhà vua nói ba đời chư Phật bốn mắt nhìn nhau, là chỗ này đây. Đức Phật đưa cành hoa sen, nhìn khắp đại chúng, Ngài Ma Ha Ca Diếp nhìn Phật mĩm cười. Ngài cười là do thấy được cái thấy của Phật, nên được Phật truyền tâm ấn. Cái thấy của Phật và cái thấy của Ngài Ma Ha Ca Diếp như nhau, nếu khác nhau thì không được truyền. Hiện tại cái thấy của quí vị và cái thấy của tôi có như nhau không? Thầy thấy như thế này, trò thấy như thế khác, vì vậy mà chúng ta đi trong khác biệt. Từ đi trong khác biệt đó nên bao nhiêu người bị đau khổ. Nếu chúng ta có được cái nhìn như nhau không khác nhau thì đâu có khổ đau.

Tại sao ở đây nói sáu đời tổ sư có phần thối thân? Chữ thối thân mới nghe thấy khó hiểu, nhưng qua câu chuyện sau đây sẽ hiểu. Sa di Đạo Tín đến lễ Tam Tổ Tăng Xán, thưa:

- Xin Hòa thượng từ bi ban cho con pháp môn giải thoát.

Ngài hỏi:

- Ai trói buộc ngươi?

- Không ai trói buộc.

- Đã không trói buộc, đâu cần cầu giải thoát. Đạo Tín liền đại ngộ, bước lùi lại đảnh lễ Tổ. Đó là ngài Đạo Tín thối thân.

Chư Tổ chỉ cần nghe một câu nói là thấy quan niệm sai lầm của người học đạo. Từ lâu chúng ta cứ nghĩ mình là phàm phu vô minh phiền não, nghĩ như vậy nên nói vô minh che đậy, phiền não trói buộc, rồi buồn than không biết tu chừng nào mới hết những thứ này! Quí vị thử tìm coi vô minh ở đâu? Tìm không thấy vô minh ở đâu tại sao nói vô minh che? Nói như vậy là tưởng tượng. Vô minh tưởng tượng, trói buộc cũng tưởng tượng. Phật không cho phép người tu thiền tưởng tượng. Ngài dạy phải nhìn thật, nhìn thẳng. Nhìn thật thì không thấy ai đem phiền não trói buộc mình cả, nên không cầu giải thoát. Vô minh cũng vậy. Nhìn thẳng thì đâu có ai đem vô minh che mình, chỉ tại mình quên mình chạy theo cảnh. Quên mình chạy theo cảnh là vô minh, quên cảnh “nhớ mình” thì hết vô minh, rất đơn giản. Do đó chỉ cần một câu nói là thiền sư ngộ, ngộ liền lùi lại đảnh lễ. Thối thân có phần là vậy.

“Những ngừơi tham học hiện nay trọn nhằm trong câu tham lấy, lại hỏi các ông, nhằm trong câu làm sao tham?”

Ngài nói những người tham học thiền hiện nay, nghe thiền sư nói một câu, cứ nghiền ngẫm câu đó hoài mà không chịu nhìn lại mình. Ví dụ một thiền sinh nghe thầy nói: “Ông bị phiền não trói buộc”. Thiền sinh ấy cứ nghĩ mình bị phiền não trói buộc, xin thầy dạy cho phương pháp để diệt trừ phiền não. Khi được thầy hỏi: “Ai trói buộc ông?” Thiền sinh không chịu nhìn lại coi cái gì trói buộc mình, mà cứ thắc mắc tìm hiểu ý nghĩa trói buộc là sao? Cứ chấp vào câu nói đó rồi phân tách tìm hiểu ý nghĩa thì chừng nào thấy lẽ thật? Đa số ngừơi tu chúng ta ngày nay đều mắc phải cái bệnh này.

“Nếu chẳng tham lấy thì luống phí thì giờ, một đời qua suông. Nếu cũng tham lấy, tức là môi miệng méo lệch, sọ não nát vỡ.”

Ngài nói nếu tu thiền mà không tham cứu thì luống uổng một đời tu. Nếu cứ tham cứu mãi câu nói của thầy, mà không thấy được lẽ thật thì môi miệng méo lệch, sọ não nát vỡ. Tại sao vậy? Khi nghe một câu nói của thầy Tổ, lẽ ra là phải xoay lại mình, mà không chịu xoay lại, cứ nghiên cứu phân tách ý nghĩa câu nói, rồi dùng môi miệng bàn luận giảng giải, nên nói môi miệng méo lệch. Và cứ nghiên cứu phân tích mãi nên đau cái đầu mà không ngộ đạo, vì vậy nói sọ não nát vỡ. Chữ tham ở đây không có nghĩa tham cứu tìm kiếm chữ nghĩa, mà tham là xoay lại nhận ra thể chân thật nơi mình. Từ Tổ Bồ Đề Đạt Ma đến Tổ Huệ Khả, Tổ Tăng Xán... Tổ nào cũng dạy người tham thiền là xoay lại mình. Ngài Thần Quang xin Tổ Bồ đề Đạt Ma dạy cho phương pháp an tâm. Tổ bảo “đem tâm ra ta an cho”. Bấy giờ nếu ngài Thần Quang phân tích tìm hiểu câu nói này thì không thấy được lối vào. Ngài Thần Quang nghe Tổ bảo “đem tâm ra ta an cho”, liền xoay lại tìm thì thấy nó mất tiêu, mới thưa: “Con tìm tâm không được”. Tổ bảo: “Ta an tâm cho ngươi rồi”. Ngài liền nhận ra lối vào. Người tu nếu nghe một câu nói của thầy Tổ, mà không chịu xoay lại mình, nghe rồi bỏ qua, tuy có tu mà chẳng đựơc lợi ích, thật luống uổng một đời.

Nghe đến thì lỗ tai như điếc, thấy đến thì tròng mắt tự rớt.

Ngài nói câu này lạ lùng quá! Tại sao nghe đến mà lỗ tai như điếc, thấy đến mà tròng mắt tự rớt? Các thiền sư nói cốt là dạy người nghe xoay lại mình. Thế mà người nghe lại dính ở câu nói của các Ngài, rồi phân tách chia chẻ luận bàn, không chịu xoay lại mình. Nghe như vậy giống như người điếc, vì nghe mà không biết các Ngài dạy cái gì. Thấy cũng vậy. Ví dụ tôi đang nhìn thấy bình hoa, qúi vị cũng đang nhìn thấy bình hoa. Tôi hỏi quí vị có thấy bình hoa không? Quí vị trả lời thấy. Tôi hỏi qúi vị có thấy đựơc cái thấy bình hoa của tôi không? Quí vị trả lời không. Quí vị thấy như vậy là tròng mắt tự rớt. Tại sao rớt: “Vì quí vị đang thấy tôi thấy mà nói không thấy. Không thấy là mù, là tròng mắt tự rớt. Đó là những câu nói hết sức đơn giản, mà chúng ta không biết nói cái gì. Tham thiền khó ở chỗ đó, vì vậy mà chúng ta phải khéo! Mọi lời nói đều quay lại mình thì đúng, không quay lại thì sai.

Nay vì mọi người, cũng chẳng được để luống qua, đâu khỏi bẻ sừng rồng dữ, nhổ râu cọp mạnh.

Bây giờ vua Trần Thánh Tông vì mọi người mà nói, nếu mọi người không nhận thì uổng đi một đời vô ích. Điều Ngài nói là một hiện tượng của người bẻ sừng rồng dữ, nhổ râu cọp mạnh. Việc làm này nguy hiểm lắm.

Mở toang chữ thập đầu đường.

Chữ thập đầu đường chỉ cho ngã tư có bốn đầu đường gặp nhau. Người đi đường đi tới ngã tư thường dừng lại xem đường nào là đường mình sẽ đi. Chỗ này là chỗ nghi ngờ của người đi đường. Nhưng nếu là người rành đường tới đây không dừng lại, không nghi ngờ, đi thẳng là tới đích không trật, gọi là mở toang chữ thập đầu đường.

Bỗng dưng nắm được lỗ mũi nửa bên.

Mọi người ai cũng có cái mũi nguyên vẹn, tại sao ở đây Ngài nói cái mũi nửa bên? Cái mũi ở trên mặt, mắt nhìn xuống mũi chỉ thấy được chót mũi, không thấy trọn vẹn cái mũi nên nói cái mũi nửa bên. Bây giờ Ngài chỉ cho mọi người nắm trọn vẹn cái mũi của mình, nhưng chỉ bằng cách nào? Tu là tìm ra lẽ thật, lẽ thật là chân lý. Chân lý không ở bên ngoài, không ở trong rừng, không ở trên núi, nó có sẵn muôn đời ở nơi mình, lúc nào cũng sờ sờ không vắng, nhưng mình cứ quên không nhớ. Giống như cái mũi là nguồn sống lúc nào cũng sờ sờ trước mặt, nếu bịt mũi lại chừng năm phút là chết ngay, thế mà mình không nhớ cái mũi, cứ nhớ người nhớ vật bên ngoài. Cũng vậy, mọi người chúng ta ai cũng có thể chân thật lúc nào cũng hiện tiền, nhưng chúng ta cứ chạy theo trần cảnh, quên mất thể chân thật. Giống như con mắt cứ lo nhìn người cảnh ở ngoài, mà quên mất cái mũi đang ở bên nó. Ở đây Ngài chỉ cho chúng ta nắm cái mũi của mình, tức là xoay lại nhận ra thể chân thật có sẵn nơi mình. Sau đây là câu chuyện nắm mũi của đệ tử Mã Tổ:

Ngài Thạch Củng và Ngài Trí Tạng đi dạo chơi. Thạch Củng hỏi Trí Tạng: - Sư đệ biết bắt hư không chăng?

Trí Tạng đáp:

- Biết bắt.

- Làm sao bắt đựơc?

Trí Tạng lấy tay chụp hư không.

Thạch Củng nói:

- Làm thế ấy đâu bắt được hư không!

- Sư huynh làm sao bắt được?

Thạch Củng liền nắm mũi Trí Tạng kéo mạnh.

Trí Tạng đau quá la:

- Giết chết lỗ mũi người ta! Buông ngay!

Thạch Củng bảo:

- Phải làm như thế mới bắt được hư không.

Trí Tạng về liêu đến khuya mới nhận ra ý chỉ ấy.

Nghe qua câu chuyện này chúng ta thấy như là đùa, nhưng rất đạo vị. Thể chân thật không ở ngoài mình, tìm ở ngoài là trật. Trong lỗ mũi có hư không, ngài Thạch Củng nắm lỗ mũi ngài Trí Tạng bít lại là nắm được hư không. Đồng thời hành động này của ngài Thạch Củng, cũng nhắm chỉ cho ngài Trí Tạng nhớ ngay nơi thân tứ đại có thể chân thật hằng hiện hữu, đừng có tìm bên ngoài, tìm bên ngoài thì muôn đời không gặp. Thế mà lâu nay đa ố Phật tử cứ tìm Phật ở bên ngoài. Thấy gò mối hiện lên có vẻ giống cái đầu người không tóc cho là Phật hiện, đem nhang đèn đến cúng bái cầu Phật ban phước cho. Thấy tảng đá có dáng vẻ hơi giống hình người nữ cho là Bồ tát Quán Thế Âm hiện đua nhau tới lạy. Cứ hướng ra ngoài mà cầu Phật ở hang này động kia, quên ông Phật có sẵn nơi mình. Cho nên trong nhà Thiền nói “Vác Phật đi cầu Phật”. Ông Phật nơi mình thì quên, cứ vác ông Phật của mình đi lễ bái cầu khẩn ông Phật bằng gỗ, bằng đất... ở ngoài. Như vậy có mê quá lắm không? Thật rất đáng thương!

Trong không chỗ chứng, ngoài không chỗ tu.

Ngài nói thể chân thật có sẵn nơi mình, vì quên chạy theo ngoại cảnh nên không nhận ra, bây giờ nhớ, xoay lại thì nhận ra. Như vậy đâu có được cái gì mà nói chứng nói tu? Ở trước tôi nói mắt nhắm là ngủ, mắt mở là thức. Khi mắt mở mình không được gì, khi mắt nhắm cũng không mất gì, con mắt vẫn là con mắt. Khi mắt nhắm thì mi khép lại, khi mắt mở thì mi nhướng lên, do phân biệt nên thấy có ngủ có thức, con mắt vẫn là con mắt, chỉ khác ở chỗ mi mở mi khép thôi. Cũng vậy, nói chứng nói tu chỉ là phương tiện chớ không có lẽ thật, lẽ thật là thể chân thật lúc nào cũng hiện tiền không vắng không thiếu.

Không Phật đáng cầu, không pháp đáng trụ. Ngài nói Phật là thể chân thật của mình mà mình quên, nên cần phải xoay trở lại để nhận ra. Còn pháp là phương tiện giúp cho mình xoay lại để nhận ra thể chân thật. Phật là Phật của mình thì cầu ở đâu?

Mặc đấy cư sĩ Tỳ Da, dẫu cho tiên nhân Lộc Uyển, cuối cùng ngậm miệng im lời.

Thể chân thật không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả luận đàm, chỗ nầy dù cho cư sĩ Duy Ma Cật ở thành Tỳ Da có nói ngược nói xuôi, nói đông nói tây cũng không dính dáng. Tiên nhân ở Lộc Uyển sau khi tu thành Phật, vì chúng sanh thuyết pháp, cuối cùng cũng ngậm miệng im lời. Tới chỗ nầy thì không còn câu gì để nói. Nói đó chỉ là phương tiện giống như ngón tay chỉ mặt trăng, không phải là thể
chân thật. Thể chân thật thì không lời để nói. Chỗ nầy ni sư Diệu Nhân cũng từng nói “ uổng khẩu vô ngôn” và vua Trần Thánh Tông cũng nói “ngậm miệng im lời”, nghĩa là không dùng ngôn ngữ nói được mà phải xoay lại mình mới nhận ra.

Tham đi tham lại, trọn là cỏ rỉ chảy.

 Ngài nói, người học đạo nếu nghe những câu những lời của Tổ Sư dạy, rồi cứ nghiền ngẫm phân tích câu đó hoài là làm cho lụn bại hư hoại không lợi ích.

Nói hay nói dở chính là một túi tạp nhạp.

Nghe vị nầy nói văn chương lưu loát cho là hay, nghe vị kia nói thô tháo cho là dở, căn cứ vào ngôn ngữ phân biệt hay dở là làm chuyện tạp nhạp không đi tới đâu.

Đến như một chân một vọng, một phải một quấy, một nói một nín, một động một tịnh, một ra, một vào, một chìm, một nổi, tin tức trong ấy chỗ nào được không? Chỗ nào được có? Các người! Câu làm sao nói? Vua bèn hét một tiếng, nói: “Xưa nay không đen trắng, chỗ nào hiện xanh vàng?”

Còn thấy hai bên đối đãi: “Chân vọng, phải quấy, nói nín, động tịnh, ra vào, chìm nổi là còn phân biệt. Còn phân biệt hai bên thì không thể được. Vì chỗ tỉnh tỉnh lặng lặng không có đối đãi. Nếu có đối đãi thì không còn tỉnh tỉnh lặng lặng, dấy niệm phải quấy hơn thua là hết tỉnh tỉnh lặng lặng rồi, chỗ tỉnh tỉnh lặng lặng không phải một không phải hai, không phải chân không phải vọng, nói nín đều trật. Chỗ đó chỉ là tỉnh tỉnh lặng lặng, không có một vật, ngôn ngữ không thể nói đến được, nên không thể nói có, không thể nói không. Nói không được thì đâu thành câu! Vì ngôn ngữ không thể nói đến được, nên vua hét một tiếng, rồi nói tiếp: “Xưa nay không đen trắng, chỗ nào hiện xanh vàng?” Vì chân tâm vốn tỉnh tỉnh lặng lặng, không hình tướng thì đâu có màu sắc trắng đen xanh vàng mà phân biệt! Không phân biệt được nên Ngài nói “tỉnh tỉnh lặng lặng”, thật là khéo.

Đọc lại người xưa, chúng ta mới thấy cái nhìn của các Ngài thật tường tận tột cùng, chớ không phải thấy cạn cợt mà cho là triệt ngộ. Đó là chỗ đặc biệt của Ngài.

“Vua bệnh, Thượng sĩ Tuệ Trung gởi thơ đến thăm, vua viết vào cuối trang đáp lại:

                    Viêm viêm thử khí hãn thông thân,
                    Hà tằng hoán đắc nương sanh khố.

        Dịch:
                    Hơi nóng hừng hực mồ hôi đẵm,
                    Chiếc khố mẹ sanh vẫn ráo khô.

Hơi nóng hừng hực mồ hôi đẵm. Ngài nói giờ phút quyết liệt gần tắt thở, đau đớn nhức nhối toàn thân giống như hơi nóng hừng hực mồ hôi ướt đẵm áo, nhưng đặc biệt là:

Chiếc khố mẹ sanh vẫn ráo khô. Chiếc khố mẹ sanh chỉ cho cái tỉnh tỉnh lặng lặng có sẵn tự thuở nào, nó y nguyên không lay động. Nghĩa là thân tứ đại ngũ uẩn đau chớ chơn tâm tỉnh tỉnh lặng lặng không đau. Vì sống được với cái tỉnh tỉnh lặng lặng nên thân bệnh không chi phối Ngài, đau là bốn đại năm uẩn đau. Chỗ nầy có một thiền tăng hỏi một Thiền sư:

- Hòa thượng bệnh lại có cái chẳng bệnh chăng?

Ngài đáp:

- Có.

Tăng hỏi:

- Cái gì không bệnh?

Ngài nói:

- Ui da! Ui da!

Thân tứ đại bệnh, chớ cái biết rên “Ui da! Ui da!” không bệnh. Đó là cái đặc biệt trong nhà Thiền. Tuệ Trung Thượng Sĩ là một cư sĩ tu hành sáng đạo. Vua Trần Thánh Tông cũng thấy đạo và cũng là một cư sĩ. Nhờ tu thấy đạo nên khi cơ thể đau gần chết mà vẫn biết mình có cái không đau, nên không sợ chết, gần đây có một số người tu nghĩ rằng, người tu cao lúc sắp chết ngồi yên thở nhẹ rồi đi mới hay. Còn nếu gần chết mà bị đau lăn qua trở lại thì không hay. Thấy như vậy chưa hẳn đã đúng. Tại sao? Xưa Phật là người tu thành tựu đạo quả tối thượng, nhưng kinh A hàm có ghi lúc Phật già thường hay đau lưng, có lần lưng đau quá, Ngài bảo tôn giả Anan xếp y Uất đa la cho Ngài nằm. Sau khi Phật nằm yên, Ngài bảo tôn giả Anan nói pháp Thất giác chi cho Ngài nghe. Tôn giả Anan vâng lời Phật, lập lại pháp Thất giác chi, tới Tinh tấn giác chi, Phật nói như vậy thì tinh tấn mời đạt tới quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nói xong, Ngài ngồi dậy không nằm nữa. Đoạn kinh nầy cho chúng ta thấy lúc Phật già thân bệnh, pháp Thất giác chi do Phật dạy, thế mà khi nhắc lại, Ngài cũng tỏ ra tinh tấn ngồi dậy, không nằm. Chúng ta  ngày nay, nhất là các vị trẻ đau, khi nghe nói pháp hoặc nghe băng giảng tới chỗ dạy nên tinh tấn, cũng nằm dài chớ không mạnh mẽ ngồi dậy. Đó là do không trân quí lời hay điều phải. Nếu quí thì nhắc tới đó phải mạnh mẽ thực hành. Đây không phải là lễ phép, không phải là bắt buộc, mà do tâm tư của người quyết chí, khi nghe lời hay quí thì can đảm dõng mãnh làm theo. Người như thế mới là người biết thực hành pháp Phật dạy.

Đến lúc bệnh nặng, vua thường lấy ngón tay gõ vào chiếc gối, như có sở đắc điều gì, chốc lát vua đòi bút viết bài kệ:

                        Sanh như trước sam,
                        Tử như thoát khố.
                        Tự cổ cập kim,
                        Cánh vô dị lộ.

            Dịch :
                        Sanh như mặc áo,
                        Chết tợ cởi trần.
                        Từ xưa đến nay,
                        Không đường nào khác.

Nhà vua đau gần tắt thở, mà còn gõ tay lên gối nhịp theo kiểu ngâm thơ, rồi bảo lấy bút ra để viết. Điều nầy cho thấy thân bệnh Ngài cũng đau đớn, nhưng có cái gì đó làm cho Ngài mạnh lên không sợ không buồn. Nếu chúng ta làm vua mà sắp sửa chết, chắc không biết bao nhiêu việc dồn dập phải lo sợ, nào sợ giang sơn con cháu không giữ được, nào sợ thê thiếp không ai bảo bọc, nào sợ con cháu tranh giành ngôi báu v.v... đủ thứ lo. Nhưng vua Trần Thánh Tông lúc sắp chết còn nhịp gối làm thơ chơi không bận tâm, không lo sợ gì hết. Công phu tu hành của Ngài sánh với công phu tu hành của chúng ta cách nhau quá xa! Người tu nếu thấu được lý đạo, dù cho hình thức nào cũng đều hay hết. Cư sĩ mà thông lý đạo cũng hay, xuất gia mà thấu lý đạo càng hay hơn. Người xuất gia tu mà không thấu lý đạo, đối với cư sĩ thấu lý đạo thì người xuất gia không bằng. Nhiều người xuất gia tự hào rằng mình xuất gia là thầy của cư sĩ. Nhưng thầy mà không thông suốt lý đạo, còn trò thì thông suốt lý đạo thì ai hơn ai? Chỗ nầy phải xét lại. Chúng ta phải nhìn cho đúng lẽ thật, chớ nhìn hình thức bên ngoài, vì hình thức chỉ là phần phụ thôi. Đến giờ phút sắp tắt thở, thân đau bệnh mà Ngài vẫn tự tại làm thơ:

Sanh như mặc áo, chết tợ cởi trần. Ngài nói con người ra đời mang sắc thân giống như mặc áo, và khi chết giống như cởi áo, rất nhẹ nhàng thảnh thơi.

Từ xưa đến nay, không đường nào khác. Người xưa cho đến người nay, ai cũng đi đường nầy, không ai đi đường nào khác, hễ có sanh là có tử, đó là chuyện thông thường. Nếu chỉ có một mình mình đi đường nầy, mọi người không đi thì mình tủi và sợ. Còn ai cũng phải đi ai cũng phải tới thì có gì phải sợ? Chỉ có điều thế gian thắc mắc là, quí thầy tu ăn chay tọa thiền cả ngày rồi cũng già chết. Người đời không tu, ăn mặn, hưởng mọi thứ dục lạc rồi cũng già chết. Tu hay không tu rồi cũng chết như nhau, đâu có gì hơn kém? - Cái chết của người tu và cái chết của người không tu có khác. Người tu chết, biết đường đi, nên không khủng hoảng lo sợ. Người không tu chết, không biết mình sẽ ra sao nên hoảng hốt lo sợ, khác nhau ở chỗ nầy. Con người sanh ra ai cũng chết hết nếu nghĩ người tu không chết là lầm lẫn.

Liền hét, nói: “Chữ Bát mở toang đà trao phó, còn đâu việc nữa đáng trình anh”. Rồi vua đuổi hết kẻ hầu hạ, chỉ còn một mình Nhân Tông đứng hầu một bên, thưa:

- Bệ hạ còn nhớ lời của ngài Vĩnh Gia chăng?

Tới giờ phút lâm chung rồi mà nhà vua vẫn còn hét. Ngài nói chữ bát mở toang đà trao phó đâu còn việc gì nữa để nói. Ngài đuổi hết mọi người ra, chỉ có Trần Nhân Tông đứng hầu một bên và nhắc lời của Thiền sư Vĩnh Gia:

                    Liễu liễu kiến vô nhất vật,
                    Diệc vô nhân hề diệc vô Phật.
                    Đại thiên sa giới hải trung âu,
                    Nhất thiết Thánh Hiền như điện phất.
                    Nhậm thị thiết luân đảnh thượng triền,
                    Định tuệ viên minh chung bất thất.

        Dịch:
                    Rành rành thấy, không một vật,
                    Cũng không người chừ, cũng không Phật.
                    Cõi cõi đại thiên bọt nổi trôi,
                    Tất cả Thánh Hiền như điện chớp.
                    Dẫu cho vòng sắc trên đầu chuyển,
                    Định tuệ sáng tròn vẫn không mất.

Đoạn nầy rất quan trọng đối với chúng ta, quí vị phải lưu tâm nhớ. Gần đây có nhiều người hỏi tôi: “Thưa thầy, người tu Tịnh độ khi sắp lâm chung, thân nhân mời quí thầy tới tụng kinh A Di Đà và niệm Phật để trợ niệm. Còn người tu Thiền khi hấp hối, Tăng Ni tới làm gì? Ở đây vua Trần Thánh Tông hấp hối, Trần Nhân Tông dẫn mấy câu kệ trong Chứng Đạo Ca của Thiền sư Vĩnh Gia để nhắc cha mình.

Rành rành thấy, không một vật, cũng không người chừ, cũng không Phật. Tại sao Trần Nhân Tông dẫn những câu nầy? Vì khi thân tứ đại sắp rả, giống như con cua bị tách cái yếm ra, thịt da nó run run đau nhức ghê lắm. Lúc thân đau nhức nếu thấy đúng như thật thì không bị nó làm loạn tâm. Thế nên Trần Nhân Tông dẫn lời của Thiền sư Vĩnh Gia, nhắc vua cha thấy thân, thấy cảnh vật không thật, kể cả người Phật cũng là tướng đối đãi không thật, chỉ có chân tâm tỉnh tỉnh lặng lặng mới là chân thật.

Cõi cõi đại thiên bọt nổi trôi. Tất cả Thánh Hiền như điện chớp. Ngài nhắc tiếp, cả đại thiên sa giới như hòn bọt trên mặt biển, cả Thánh Hiền như lằn điện chớp. Tất cả pháp thế gian và xuất thế gian đều là giả dối không thật có đó mất đó.

Dẫu cho vòng sắt trên đầu chuyển, định tuệ sáng tròn vẫn không mất. Ngài nhắc tiếp, dầu cho để cái vòng sắt cháy đỏ quay trên đầu, thì định tuệ của người thấy không một vật vẫn tròn sáng không mất, được như vậy mới thấy đạo chân thật. Qua bốn câu kệ của Thiền sư Vĩnh Gia cho thấy, Trần Nhân Tông nhắc vua cha muôn vật trên thế gian không có cái gì thật hết. Không có một pháp thật thì thân nầy đau đớn hay còn mất không quan trọng, phải làm sao cho định tuệ luôn luôn tròn sáng mới là cứu cánh quan trọng.

Vua nghe xong, bất chợt cười lên rồi gõ chiếc gối tụng:

                Rành rành thấy, không một vật,
                Cũng không người chừ cũng không Phật.
                Cõi cõi đại thiên bọt nổi trôi,
                Tất cả Thánh Hiền như điện chớp.

Xong, ngay chiều hôm đó sấm gió nổi dậy, thấy một vầng ánh sáng tròn rọi nơi bức vách ngăn, vua liền băng, hưởng thọ 51 tuổi, nhằm ngày 22 tháng 05 năm Canh Dần (1290).

Giờ hấp hối vua Trần Thánh Tông nghe Trần Nhân Tông đọc những câu kệ của Thiền sư Vĩnh Gia, Ngài ôn đi ôn lại chơi, rồi nhắm mắt ra đi. Người không thấy đạo lúc đau sắp chết tâm rối loạn khổ sở, khổ vì sợ mất người thân ở thế gian, sợ thân mình cô lẽ không biết đi về đâu, sẽ ra sao? Đi vào cõi lành hay cõi dữ? Lo sợ đủ thứ. Vua Trần Thánh Tông là người tu thấy đạo nên không thấy khổ, nằm ôn kệ chơi vì Ngài đã biết đường đi, nên nhắm mắt cười ra đi. Đó là điểm đặc biệt của cái chết của người thấu suốt đạo lý. Tác phẩm của vua gồm có:


1. Văn Tập.
2. Thiền Tông Liễu Ngộ Ca.
3. Trị Giá Minh.

Ngoài ra đều chép trong Cơ Cừu Tập.

Vua Trần Thánh Tông là một ông vua tu ngộ đạo, những tác phẩm của Ngài để lại cho chúng ta thấy Ngài là người thấu lý đạo tường tận sâu xa, nên giờ phút lâm chung của Ngài rất tốt đẹp.

Bây giờ tôi trở lại vấn đề tôi cho là quan trọng, là người tu thiền khi thân nhân hấp hối phải làm sao? Ở đây chúng ta thấy Trần Nhân Tông biết cha mình hấp hối, Ngài đọc lên những câu kệ của Thiền sư Vĩnh Gia, nhắc vua cha đừng lo sợ để không khổ lúc lâm chung. Nhờ Ngài đọc những câu kệ ấy, nên nhà vua vui cười gõ nhịp tụng lại và sau đó ra đi rất nhẹ nhàng. Đó là cách trợ lực cho vua cha sắp chết của Trần Nhân Tông. Chúng ta là người tu thiền, đối với người sắp chết phải làm gì? Điều nầy tôi tra cứu kỹ khi xưa cư sĩ Cấp Cô Độc đau nặng sắp chết. Đức Phật hay tin cho tôn giả Xá Lợi Phất và A nan đến thăm.

Tôn giả Xá Lợi Phất tới thăm, sau khi hỏi bệnh tăng, giảm thế nào rồi, Ngài khuyên Cấp Cô Độc không nên để cho mắt sanh thức rồi nhiễm theo sắc trần, không nên để tai sanh thức rồi nhiễm theo thinh trần... Tóm lại sáu căn tiếp xúc với sáu trần đừng khởi thức phân biệt, rồi chạy theo sáu trần. Sau đó Ngài nhắc Cấp Cô Độc chớ để tâm đắm nhiễm sắc thân tứ đại đất nước gió lửa mà sanh tham dục. Ngài lại nhắc thêm chớ để tâm đắm nhiễm thân ngũ uẩn sắc thọ tưởng hành thức mà sanh tham dục. Ngài giảng kỹ những pháp nầy, Cấp Cô Độc nghe xong rơi nước mắt thưa:

- Từ trước tới giờ con chưa từng nghe bài pháp như thế, bây giờ con mới được nghe.

Tôn giả A nan cũng nhắc nhở khuyến phát Cấp Cô Độc. Nhắc nhở giảng giải xong, tôn giả Xá Lợi Phất và tôn giả A nan từ giả ra về. Sau đó không bao lâu, cư sĩ Cấp Cô Độc mệnh chung sanh lên cõi Trời Đâu Suất.

Như vậy đối với Phật tử sắp chết, Phật và các đệ tử lớn của Ngài đâu có tụng kinh niệm Phật cầu siêu. Chỉ đến thăm và giảng đạo lý nhắc cho người bệnh nhớ và tin sâu Tam-Bảo mà an lòng ra đi, chớ không đưa đón gì hết. Chúng ta ngày nay thì quá tử tế, chờ chết xong đưa đi rồi mới ra về! Đó là giáo giới cư sĩ lúc hấp hối.

Sau đây là giáo giới người xuất gia sắp mệnh chung. Bấy giờ có một Tỳ kheo trẻ mới xuất gia học đạo, lâm bệnh trầm trọng. Đức Phật tới thăm, hỏi:

- Ông có hối tiếc điều gì không?

- Bạch Thế Tôn, con có hối tiếc!

- Ông có phạm giới không?

- Bạch Thế Tôn con không phạm giới.

- Không phạm giới, sao ông hối tiếc?

- Bạch Thế Tôn, con mới xuất gia, đối với pháp thượng nhân con chưa có sở đắc, lúc mệnh chung không biết sanh nơi đâu, nên con hối tiếc.

Đức Phật hỏi tiếp:

- Do có nhãn căn nên có nhãn thức phải không?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy!

- Ý ông nghĩ sao? Có nhãn thức nên có nhãn xúc, do nhãn xúc làm nhân duyên sanh cảm thọ khổ vui phải không?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy!

(Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng nói như thế).
- Này Tỳ kheo, nếu không có nhãn căn thì không có nhãn thức phải không?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy!

- Này Tỳ kheo, nếu không có nhãn thức thì không có nhãn xúc. Nếu không có nhãn xúc thì không có nhân duyên sanh cảm thọ khổ vui phải không?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy!(Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng nói như vậy).

- Vậy Tỳ kheo phải khéo tư duy pháp như thế. Lúc mệnh chung an ổn, đời sau cũng tốt lành.

Nhắc nhở giảng dạy xong, đức Phật ra về, chốc lát sau Tỳ kheo trẻ mệnh chung. Lúc mệnh chung các căn của Tỳ kheo ấy thanh tịnh, dung mạo màu da tươi sáng, chứng được Niết bàn, chúng ta thấy Phật chỉ nhắc cho vị Tỳ kheo ấy muốn giải thoát thì đừng chấp thân, đừng chấp tâm, đừng chấp cảnh, không chấp thân, không chấp tâm, không chấp cảnh thì dứt tham sân si, tham sân si dứt thì chứng quả Thánh. Nhắc nhở như thế là đủ rồi, Phật và đệ tử Ngài không có tụng kinh trợ niệm.

Như vậy, từ đức Phật cho đến đệ tử Ngài, cho đến Trần Thánh Tông sắp lâm chung Trần Nhân Tông đến nhắc cũng na ná như vậy, chớ không tụng bài kinh nào cả. Ngày nay chúng ta tu thiền, khi có người bệnh nặng sắp lâm chung, chúng ta đến làm gì đây? Nếu tình nghĩa nhiều lắm thì đến tụng bài Bát Nhã Tâm Kinh, để nhắc cho nhớ thân năm uẩn không thật, các pháp không thật. Tụng không e người bệnh không nhớ, vì tâm bận duyên theo tiếng mỏ tiếng chuông, âm vang trầm bổng của lời tụng. Phải nhắc Bồ tát Quán Tự Tại dùng trí Bát nhã quán chiếu thấy năm uẩn đều không, liền qua hết khổ ách. Giải thích cho họ nghe, đánh thức cho họ thấy thân năm uẩn của họ không thật, để không còn tham ái thân, hết ái thân thì si không còn. Tham hết si không còn thì sân không có, tâm sáng suốt xả bỏ thân tứ đại dễ dàng, thì sẽ tiến lên chỗ sáng sủa an vui. Nếu người Phật tử thường tụng Kinh Kim Cang thì đọc những bài kệ trong Kinh Kim Cang như “Tất cả pháp hữu vi như mộng, huyễn, bọt, bóng...”, rồi giải nghĩa cho họ nghe để họ tỉnh. Như vậy là trợ niệm cho người trước phút lâm chung. Nhắc nhở như thế là đủ rồi, sau có muốn cầu nguyện thêm thì đem tên vô chùa, mỗi tối tụng kinh quí thầy cầu nguyện cho. Chớ thường ngày không chịu tu, chết đến rước quí thầy quí cô đến tụng niệm suốt ngày đêm chắc gì được siêu? Lại thêm mất thời giờ! Thế nên thông lý đạo thì việc làm đơn giản mà có giá trị thật, không thông làm nhiều rất mệt nhọc, mà kết quả không bao nhiêu. Đó là lẽ thật tôi nhắc cho tất cả nhớ.

 

[ Quay lại ]