THÁNH ĐĂNG LỤC - VUA TRẦN NHÂN TÔNG
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ tư, 09 Tháng một 2013 15:01
(1258-1308)
(Được ý chỉ nơi Thượng Sĩ Tuệ Trung)
Nhân Tông là vua thứ tư đời Trần, con của Thánh Tông. Vua lên ngôi ngày 12 tháng 02 năm Mậu Dần (1278), đổi niên hiệu Thiệu Bảo. Trước kia Hoàng Thái Hậu Nguyên Thánh từng mộng thấy thần nhân trao cho hai thanh kiếm, bảo: Thượng đế có sắc, cho ngươi tự chọn lấy! Thái Hậu bất chợt bật cười, bổng được cây kiếm ngắn, do đó có thai. Gặp tháng dưỡng thai, bà chẳng chọn lựa món gì kỵ thai, nhà bếp dâng lên món chi bà cứ ăn mà thai vẫn không sao, bà biết là có sức thần trợ giúp. Đến khi Ngài sinh ra, sắc như vàng ròng, Thánh Tông đặt tên là Kim Phật.
Bên vai phải của Ngài có nút ruồi đen như hạt đậu to, những người xem biết, nói: Ngày sau ắt hay gánh vác việc lớn. Năm 16 tuổi được lập làm Hoàng Thái Tử, Ngài cố từ chối mấy lần, xin cho em mình thay thế đều không được vua cha chấp nhận. Thánh Tông cưới trưởng nữ của Quốc mẫu Nguyên Từ cho Ngài, tức Thái hậu Khâm Từ. Tuy sống trong cảnh vui hòa hạnh phúc mà tâm Ngài vẫn hướng về đường tu.
Một hôm, vào giữa đêm Ngài vượt thành trốn đi, định vào núi Yên Tử. Đến chùa Tháp ở núi Đông Cứu thì trời vừa sáng, trong người quá mỏi nhọc, vua bèn vào nằm nghỉ trong Tháp. Vị tăng trong chùa thấy dáng mạo Ngài khác thường, ông làm cơm thết đãi. Hôm ấy, Thái Hậu đem trình bày hết cho Thánh Tông nghe, vua liền sai quần thần đi tìm khắp nơi, bất đắc dĩ Ngàiphải trở về.
Tới khi lên ngôi, dù ở trong cảnh vinh hoa tột bực, nhưng Ngài vẫn tự giữ mình thanh tịnh. Có lần Ngài ngủ trưa trong chùa Tư Phúc ở đại nội, chợt mộng thấy từ nơi rốn mọc lên hoa sen vàng, lớn như bánh xe, trên hoa có đức Phật vàng, một người đứng bên cạnh chỉ Ngài, nói: Biết đức Phật này chăng? Đức Phật Biến Chiếu đấy! Ngay đó, Ngài liền giựt mình tỉnh dậy, đem điềm mộng trình lên vua cha. Thánh Tông rất mừng cho là việc khác thường.
Do đó, Ngài thường ăn chay lạt, thân thể ốm gầy, Thánh Tông thấy lạ bèn hỏi. Ngài thưa thật nguyên do với vua cha. Thánh Tông khóc, bảo: Ta nay già rồi, trông cậy một mình con, nếu con làm như thế thì sự nghiệp của Tổ tông sẽ ra sao? Ngài nghe vua cha nói vậy cũng rơi nước mắt.
Bản chất Ngài rất thông minh và hiếu học, có nhiều tài năng, xem khắp hết các sách, thông suốt cả nội điển lẫn ngoại điển. Những lúc nhàn rổi, Ngài thường mời các thiền khách đến bàn hỏi về tâm tông. Ngài tham học với Thượng Sĩ Tuệ Trung, đạt sâu tới chỗ thiền tủy và thờ Thượng Sĩ làm thầy.
Không lâu, Ngài nhường ngôi cho Anh Tông. Tháng 10 năm Kỷ Hợi niên hiệu Hưng Long thứ bảy (1299), Ngài đi thẳng vào núi Yên Tử, siêng năng chuyên lo tu hành, sống theo mười hai hạnh đầu đà, tự lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Ngài lập chùa chiền, cất tinh xá, thuyết pháp độ tăng, học chúng tụ về đông đảo. Sau đó, Ngài đến chùa Phổ Minh ở phủ Thiên Trườngđón chư tăng về đây lập hội giảng pháp trải qua mấy năm. Kế Ngài lại đi vân du thong thả, đến trại Bố Chính lập am Tri Kiến ở lại đây.
Năm Giáp Thìn niên hiệu Hưng Long thứ mười hai (1304), Ngài đi khắp nơi thôn xóm khuyến hóa dân chúng từ bỏ những dâm từ, đồng thời dạy họ tu hành Thập thiện. Mùa đông năm ấy vua Anh Tông dâng biểu thỉnh Ngài vào đại nội trao cho tâm giới Bồ tát tại gia. Hôm Điều Ngự vào thành vương công, bá quan chuẩn bị đầy đủ lễ nghi nghinh đón và sau đó đồng thọ giới pháp.
Sau, Ngài đến chùa Sùng Nghiêm núi Chí Linh xiển dương tông giáo. Mở đầu buổi khai đường thuyết pháp, Ngài niêm hương báo ân xong, đến pháp tòa, vị thượng chủ bạch chùy v.v... rồi, Ngài bèn nói:
Phật Thích Ca Văn vì một đại sự nhân duyên mà hiện ra đời, bốn mươi chín năm mở miệng mà chưa nói một chữ, nay ta vì các ngươi lên tòa này nói cái gì? Ngài liền ngồi xuống giường thiền, giây lâu ngâm:
Cuốc kêu từng chập trăng ngời sáng,
Đâu phải tầm thường qua một xuân.
(Đổ quyên đề đoạn nguyệt như trú,
Bất thị tầm thường không quá xuân).
Ngài lại vổ bàn một cái, nói:
- Không có ai sao? Ra đây! Ra đây!
Có vị tăng hỏi:
- Thế nào là Phật?
Ngài đáp:
- Nhận đến như xưa lại chẳng phải.
Tăng hỏi:
- Thế nào là pháp?
Ngài đáp:
- Nhận đến như xưa lại chẳng phải.
Tăng hỏi:
- Thế nào là tăng?
Ngài đáp:
- Nhận đến như xưa lại chẳng phải.
Tăng hỏi:
- Rốt ráo thế nào?
Ngài đáp:
- Chữ bát mở toang đà trao phó,
Còn đâu việc nữa đáng trình anh.
(Bát tự đả khai phân phó liễu,
Cánh vô dư sự khả trình quân).
Tăng hỏi:
- Thế nào là một việc hướng thượng?
Ngài đáp:
- Đầu gậy khêu nhật nguyệt.
Tăng hỏi:
- Dùng công án cũ làm gì?
Ngài đáp:
- Mỗi lần nhắc lại mỗi lần mới.
Tăng hỏi:
- Thế nào là giáo ngoại biệt truyền?
Ngài đáp:
- Ểch ương nhảy chẳng khỏi đấu.
Tăng hỏi:
- Sau khi ra khỏi đấu thì thế nào?
Ngài đáp:
- Lại theo con ếch nhảy xuống bùn.
Tăng hỏi:
- Vẫn là nhảy chẳng ra khỏi?
Ngài lại lớn tiếng nạt:
- Gã mù! Thấy cái gì?
Tăng thưa:
- Đại Tôn đức lừa người làm gì?
Điều Ngự bèn hừ! hừ!
Vị tăng nghĩ nghị, Điều Ngự liền đánh. Vị tăng lại định ra hỏi, Điều Ngự liền hét. Tăng cũng hét.
Điều Ngự bảo:
- Lão tăng bị ngươi một hét, hai hét, cuối cùng làm gì, nói mau!
Nói mau!
Tăng nghĩ ngợi.
Điều Ngự lại hét một hét, bảo:
- Con chồn hoang này, vừa rồi lanh lợi, giờ ở chỗ nào?
Vị tăng lễ bái rồi lui.
*
* *
Tăng hỏi:
- Đại Đức tu hành khổ nhọc trãi qua nhiều năm, đối với sáu thông của Phật hiện giờ được mấy thông?
Ngài đáp:
- Cũng được sáu thông.
Tăng hỏi:
- Năm thông hãy gác lại, thế nào là tha tâm thông?
Ngài đáp:
- Những cõi nước đầy dẫy như thế, có bao nhiêu thứ tâm, Như Lai thảy biết hết, Như Lai thảy thấy hết.
Vị tăng liền đưa nắm tay lên, hỏi:
- Đã hay biết hết, thấy hết, lại biết cái này có vật gì?
Ngài đáp:
- Như có như không, chẳng phải không chẳng phải sắc.
Tăng hỏi:
- Trước kia có vị tăng hỏi Hòa thượng Lang Da: “Thanh tịnh bản nhiên vì sao chợt sanh núi sông, quả đất” Ý chỉ thế nào?
Ngài đáp:
- Giống hệt thuyền chài ra biển.
Tăng hỏi:
- Ý này thế nào?
Ngài đáp:
- Ai biết khói sóng xa, riêng có chỗ thương lượng.
(Thùy tri viễn yên lãng, Biệt hữu hảo thương lượng).
Tăng hỏi:
- Thế nào là gia phong Phật quá khứ?
Ngài đáp:
- Vườn rừng vắng vẻ ai coi giữ,
Lý trắng đào hồng hoa tự đơm.
(Viên lâm tịch mạc vô nhân quản,
Lý bạch đào hồng tự tại hoa).
Tăng hỏi:
- Thế nào là gia phong Phật hiện tại?
Ngài đáp:
- Gia phong sóng bạc lầm én sớm,
Đào đỏ vườn tiên say gió xuân.
(Bạch thủy gia phong mê hiểu yến,
Hồng đào tiên uyển túy xuân phong).
Tăng hỏi:
- Thế nào là gia phong Phật vị lai?
Ngài đáp:
- Bãi biển chờ triều trời đợi nguyệt,
Xóm chài nghe sáo khách nhớ nhà.
(Hải phố đãi triều thiền dục nguyệt,
Ngư thôn văn địch khách tư gia).
Tăng hỏi:
- Thế nào là gia phong của Hòa thượng?
Ngài đáp:
- Áo rách che mây sáng ăn cháo,
Bình xưa rót nguyệt tối nấu trà.
(Phá nạp ủng vân triêu khiết chúc,
Cổ bình tả nguyệt dạ tiên trà).
Tăng hỏi:
- Linh Vân ngộ hoa đào khi ấy thế nào?
Ngài đáp:
- Tự nở tự tàn tùy thời tiết,
Đông quân hỏi đến nào biết chi.
(Tự khai tự khước tùy thời tiết,
Vấn trước Đông quân tổng bất tri).
Tăng hỏi:
- Khi giết người không ngó lại thì sao?
Ngài đáp:
- Gan dạ đầy mình.
Tăng hỏi:
- Người đại tu hành lại rơi vào nhân quả hay không?
Ngài đáp:
- Miệng dường chậu máu chê Phật Tổ,
Răng tợ hàng gươm gặm rừng thiền.
Một sớm chết rơi A tì ngục,
Cười ngất Nam Mô Quán Thế Âm.
(Khẩu tự huyết bồn ha Phật Tổ,
Nha như kiếm thọ chủy thiền lâm.
Nhất triêu tử nhập A tì ngục,
Tiếu sát Nam Mô Quán Thế Âm).
Tăng hỏi:
- Dưới ruộng cò phơi ngàn điểm tuyết,
Trên cây oanh đậu một cành hoa.
Khi ấy thế nào?
Ngài đáp:
- Lầm!
Tăng hỏi:
- Đại Tôn Đức thì sao?
Ngài đáp:
- Dưới ruộng cò phơi ngàn điểm tuyết,
Trên cây oanh đậu một cành hoa.
Tăng thưa:
- Đó là lời của con!
Ngài đáp:
- Muốn biết thuật thần tiên luyện thuốc,
Linh đơn nguyên đấy tử châu sa.
(Yếu thức thần tiên lô hỏa thuật,
Đan đầu nguyên thị tử châu sa).
Tăng hỏi:
- Thế nào là Pháp thân thanh tịnh?
Ngài đáp:
- Đục vàng rơi đống phân sư tử,
Hương chá-cô-ban trên Côn lôn.
(Kim tạc lạc trung sư tử phỉ,
Thiết Côn lôn thượng chá-cô-ban).
Tăng thưa:
- Học nhân chẳng hội!
Ngài đáp:
- Chớ học thói bán buôn trả giá,
Cười người nói thật dối lừa nhau.
(Bất đắc cổ hồ am sách giá,
Tiếu chân tha cổ nhược tương man).
Tăng hỏi:
- Thế nào là Báo thân viên mãn?
Ngài đáp:
- Cánh bằng cao vổ cơn gió lặng,
Ly châu sáng lạnh biển trong xanh.
(Bằng dực cao toàn phong lực định,
Ly châu lãnh hoạt hải ba thanh).
Vị tăng lễ bái.
Điều Ngự bảo:
- Xưa nay đầy đủ mọi công dụng,
Vì ngươi thiên lệch chẳng được thành.
(Nguyên lai cụ túc chư công dụng,
Vị nhĩ thiên pha bất đắc thành).
Tăng hỏi:
- Thế nào là Hóa thân thiên bá ức?
Ngài đáp:
- Mây dồn sương phủ mù trời đất,
Tấc nước như xưa ngay đỉnh đầu.
(Nã vân quắc vụ đằng tiêu hán,
Xích thủy y tiền trước não môn).
Tăng thưa:
- Đúng thế!
Ngài bảo:
- Cười ngất kẻ gom mây dưới núi,
Bốn bề nuốt lại hòn sắt ăn.
(Tiếu sát tập vân phong hạ hán,
Tứ diện khiết trước thiết quân đôn).
Vị tăng lễ bái rồi lui.
*
* *
Tăng hỏi:
- Bàn huyền nói diệu, nhắc xưa luận nay trọn thuộc lời nói suông, chẳng dính nói năng, làm sao nói cho một câu?
Ngài đáp:
- Gió đông nhè nhẹ ngàn hoa nở,
Lách cách vành xe một tiếng kêu.
(Đông phong đạm đãng thiên hoa phát,
Lách tách câu chu hựu nhất thanh).
Vị tăng định mở miệng,
Điều Ngự lại bảo:
- Chim hót máu tuôn cũng vô dụng,
Núi tây như cũ tỏa mây chiều.
(Đề điểu huyết lưu vô dụng xứ,
Tây sơn y cựu mộ vân hoành).
Tăng hỏi:
- Khi muôn dặm mây tan thì thế nào?
Ngài đáp:
- Mưa tầm tã.
Tăng hỏi:
- Khi muôn dặm mây phủ kín thì thế nào?
Ngài đáp:
- Trăng sáng ngời.
Tăng hỏi:
- Rốt ráo thế nào?
Ngài đáp:
- Chớ động đến, động đến ăn ba mươi gậy.
Tăng hỏi:
- Thế nào là mặt thật xưa nay?
Điều Ngự im lặng giây lâu, hỏi:
- Hội chăng?
Tăng thưa:
- Chẳng hội.
Điều Ngự liền đánh.
*
* *
Tăng hỏi:
- Thế nào là ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp?
Điều Ngự đáp:
- Nếu lấy sắc thấy ta,
Lấy âm thanh cầu ta,
Người ấy hành đạo tà,
Chẳng thể thấy Như Lai.
Tăng hỏi:
- Thế nào là Phật?
Ngài đáp:
- Trấu cám dưới cối.
Tăng hỏi:
- Thế nào là ý Tổ Sư từ Ấn Độ sang?
Ngài đáp:
- Bánh vẽ.
Tăng hỏi:
- Thế nào là đại ý Phật pháp?
Ngài đáp:
- Đồng hầm, đất không khác.
Tăng hỏi:
- Xưa, tăng hỏi ngài Triệu Châu: “Con chó lại có Phật tánh hay không?” Triệu Châu đáp: “Không”, ý chỉ thế nào?
Ngài đáp:
- Chất muối trong nước, Keo xanh trong màu.
Tăng hỏi:
- Câu có câu không như bìm nương cây, khi ấy thế nào?
Điều Ngự bèn nói bài kệ:
Câu có câu không
Bìm khô cây ngã
Bao kẻ nạp tăng
Đụng đầu chạm não.
Câu có câu không.
Thân bày gió thu
Hằng hà sa số
Chạm bén đứt tay
Câu có câu không.
Lập tông lập chỉ
Đập ngói xoi rùa
Lên non xuống nước.
Câu có câu không.
Chẳng có chẳng không
Khắc thuyền mò kiếm
Tìm ngựa theo tranh.
Câu có câu không,
Hồi hỗ chẳng hồi
Giày hoa nón tuyết
Đợi thỏ ôm cây.
Câu có câu không
Tự xưa tự nay
Chấp ngón quên trăng
Đất bằng chết chìm.
Câu có câu không,
Như thế, như thế
Chữ bát mở toang
Toàn không nắm mũi
Câu có câu không,
Ngó qua ngó lại
Lải nhải miệng mồm
Ồn ào náo loạn.
Câu có câu không,
Đau đáu khổ lo
Cắt đứt sắn bìm
Kia đây vui thích.
(Hữu cú vô cú
Đằng khô thọ đảo
Kỷ cá nạp tăng
Chàng đầu khái não.
Hữu cú vô cú
Thể lộ kim phong
Hằng hà sa số
Phạm nhẫn thương phong.
Hữu cú vô cú,
Lập tông lập chỉ
Đả ngõa toản quy
Đăng sơn thiệp thủy.
- Hữu cú vô cú,
Phi hữu phi vô
Khắc chu cầu kiếm
Sách ký án đồ.
Hữu cú vô cú,
Hỗ bất hồi hỗ
Lạp tuyết hài hoa
Thủ chu đãi thố.
- Hữu cú vô cú,
Tự cổ tự kim
Chấp chỉ vong nguyệt
Bình địa lục trầm.
- Hữu cú vô cú,
Như thị như thị
Bát tự đảä khai
Toàn vô ba ty
- Hữu cú vô cú,
Cố tả cố hữu
A thích thích địa
Náo quát quát địa.
- Hữu cú vô cú,
Đao đao đát đát
Tiệt đoạn cát đằng
Bỉ thử khoái hoạt)
Ngài liền bước xuống tòa. (Ngữ cú đầy đủ nơi bổn lục).
Ngày mồng một tháng giêng năm Mậu Thân (1308), Điều Ngự sai Pháp Loa đến chùa Báo Ân, huyện Siêu Loại nối pháp trụ trì giảng dạy. Tháng tư Ngài đến kiết hạ tại chùa Vĩnh Nghiêm, Lạng giang, cũng sai Pháp Loa trụ trì giảng dạy, chính Ngài giảng Truyền Đăng Lục và sai Quốc Sư Đạo Nhất vì chúng giảng Kinh Pháp Hoa.
Giải hạ, Ngài vào núi Yên Tử, đuổi hết những người cư sĩ và những kẻ giúp việc trong chùa không cho hầu hạ nữa, chỉ để lại mười vị thị giả thường theo Ngài. Điều Ngự lên ở am Tử Tiêu giảng Truyền Đăng Lục cho Pháp Loa, thị giả lần lượt xuống núi gần hết, chỉ còn một đệ tử thượng túc là Bảo Sát ở lại thôi.
Từ đó, Ngài leo khắp các hang động, rồi ngồi nơi thất đá, Bảo Sát bạch: Tôn Đức tuổi đã cao mà xông pha sương tuyết như vậy, lỡ ra (có chuyện gì) thì mạng mạch của Phật pháp sẽ thế nào? Ngài đáp: Thời giờ của ta đã đến, ta muốn tạo cái kế lâu dài vậy!
Ngày mùng năm tháng mười, người nhà của công chúa Thiên Thụy lên núi thưa: Công chúa Thiên Thụy bệnh nặng, mong gặp Tôn Đức rồi chết. Điều Ngự bùi ngùi bảo: “Thời tiết đến rồi!” Ngài bèn chống gậy xuống núi, chỉ đem theo một người thị giả. Ngày mùng mười thì đến kinh đô, qua ngày rằm Ngài dặn dò xong, liền trở về núi, nghĩ đêm ở chùa Siêu Loại. Sáng sớm hôm sau, Ngài lại đi bộ đến ngôi chùa nhỏ ở làng Cổ Châu, tự đề bài kệ:
Thế số nhất tức mặc,
Thời tình lưỡng hải ngân,
Cung ma hồn quản thậm,
Phật quốc bất thắng xuân.
Tạm dịch:
Số đời một hơi thở,
Tình đời đôi biển bạc,
Cung ma cai quản ngặt,
Cõi Phật vui khôn ngần.
Ngày 17, Ngài nghỉ lại ở chùa Sùng Nghiêm tại Linh Sơn, Hoàng thái hậu Tuyên Từ thỉnh đến am Bình Dương thiết trai cúng dường. Điều Ngự vui vẻ bảo: Đây là lần cúng dường sau cùng. Ngài bèn đến thọ trai.
Ngày 18, Ngài đi bộ đến chùa Tú Lâm trên ngọn An Sinh Kỳ Đặc. Cảm thấy đau đầu, Ngài bèn nói với hai Tỳ kheo Tử Doanh và Hoàn Trung: Ta muốn lên ngọn Ngọa Vân mà sức chân không thể đi được, biết làm sao đây? Hai Tỳ kheo thưa: Hai đệ tử có thể giúp cho Thầy lên đó! Vừa lên tới Ngọa Vân, Điều Ngự liền tạ ơn hai Tỳ kheo và bảo: Hãy xuống núi gắng lo tu hành, chớ cho sanh tử là việc nhàn rỗi!
Ngày 19, Điều Ngự sai thị giả Pháp Không lên am Tử Tiêu, núi Yên Tử gọi Bảo Sát xuống đây gấp.
Ngày 20, Bảo Sát trên đường đi xuống, đến Doanh Tuyền thì thấy một đám mây đen từ ngọn Ngọa Vân bay qua Lỗi Sơn rồi hạ thấp xuống Doanh Tuyền, nước bổng đầy tràn, dâng cao lên mấy trượng. Giây lát, mặt nước lặn xuống như bình thường, Bảo Sát thấy hai con rồng đầu to như đầu ngựa, ngẩng đầu lên cao hơn trượng, hai mắt như sao sáng, chốc lát thì lặn xuống. Đêm đó, Bảo Sát nghỉ tạm trong quán trọ bên núi, lại mộng thấy điềm chẳng lành.
Ngày 21, Bảo Sát đến Ngọa Vân, Điều Ngự trông thấy liền mĩm cười bảo: Ta sắp đi đây, ngươi đến sao trễ vậy! Ngươi đối với Phật pháp có chỗ nào chưa rõ, hãy mau đem ra thưa hỏi!
Bảo Sát liền hỏi:
- Như lúc Mã Tổ bệnh, Viện Chủ đến hỏi: “Những ngày gần đây Tôn Đức thế nào?” Mã Tổ đáp: “Nhật diện Phật, nguyệt diện Phật” Ý chỉ thế nào?
Điều Ngự gằn giọng bảo:
- Ngũ Đế, Tam Hoàng là vật gì?
Bảo Sát lại hỏi:
- Chỉ như
“Hoa rực rực chừ gấm rực rực
Tre đất Nam chừ cây đất Bắc” lại là sao?
Điều Ngự bảo:
- Mù mất mắt ngươi!
Bảo Sát liền thôi.
Từ đó, suốt mấy ngày liền trời đất u ám, gió trốt nổi dậy, mưa tuyết phủ lấp cả cây cối, vượn khỉ vây quanh am gào la, chim rừng kêu thảm thiết.
Ngày mùng một tháng mười một, nửa đêm sao trời sáng tỏ, Điều Ngự hỏi: Hiện giờ là giờ gì? Bảo Sát thưa: Giờ Tý.
Điều Ngự đưa tay mở cánh cửa sổ nhìn ra bảo: Chính là giờ ta đi! Bảo Sát hỏi: Tôn Đức đi đâu? Điều Ngự đáp:
Tất cả pháp chẳng sanh,
Tất cả pháp chẳng diệt,
Nếu hay hiểu như thế,
Chư Phật thường hiện tiền.
Nào có đến đi gì?
Bảo Sát thưa:
- Chỉ như khi chẳng sanh chẳng diệt thì thế nào?
Điều Ngự liền vả ngay miệng Bảo Sát, bảo:
- Chớ nói mớ!
Nói xong, Ngài nằm theo thế sư tử lặng lẽ mà tịch. Qua đêm thứ hai, Bảo Sát vâng theo lời di chúc, làm lễ hỏa táng ngay nơi am Ngài ở, có mùi hương lạ xông lên thoảng ra xa, nhạc trời trên không, mây năm sắc che trên giàn hỏa.
Ngày thứ tư Tôn giả Phổ Tuệ (Pháp Loa) từ núi Yên Tử vội vã đến, dùng nước thơm rưới lên giàn hỏa làm lễ. Xong, Pháp Loa thu lấy ngọc cốt, được xá lợi năm màu hơn năm trăm hạt lớn, còn hạt nhỏ cở hột lúa hột cải thì nhiều vô kể. Vua Anh Tông, Quốc phụ Thượng Tể cùng đình thần đem thuyền rồng đến lễ bái dưới chân núi, gào khóc vang trời, sau đó đón ngọc cốt và xá lợi xuống thuyền rồng đưa về kinh. Từ triều đình cho đến thôn quê đều rất mực thương tiếc.
Vua Anh Tông tôn hiệu là: “Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật”. Vua đem ngọc cốt đặt vào khám báu, đồng thời chia xá lợi làm hai phần, mỗi phần đều đựng vào bình vàng bằng bảy báu. Việc lễ cúng xong, vua đón ngọc cốt vào miếu Đức Lăng, tôn hiệu là “Nhân Tông”, còn một phần xá lợi đem đặt vào bảo tháp thờ tại khu đất Đức Lăng ở Long Hưng và một phần thì đặt vào kim tháp thờ tại chùa Vân Yên trên núi Yên Tử. Anh Tông cũng đã cho đúc hai tượng Điều Ngự bằng vàng, một tượng thờ tại chùa Báo Ân ở Siêu Loại, một tượng thờ tại chùa Vân Yên ở núi Yên Tử, dùng lễ cúng dường Phật mà cúng dường tượng Ngài.
Tác phẩm của Điều Ngự để lại gồm có:
1. Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục.
2. Hậu Lục.
3. Đại Hương Hải Ấn Thi Tập.
4. Tăng Già Toái Sự.
Còn quyển Thạch Thất Mỵ Ngữ Tập được vua Anh Tông cho chép vào Đại Tạng để lưu truyền.
Điều Ngự đã mở ba giới đàn:
1. Tại chùa Chân Giáo ở Đại nội.
2. Tại chùa Báo Ân ở Siêu Loại.
3. Tại chùa Phổ Minh ở Thiên Trường.
Đệ tử nối pháp Ngài thì có liệt kê đầy đủ trong bản đồ quyển Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, đồng thời những người thầm khế hợp tông chỉ thì không kể xiết.
Giảng:
Vua Trần Nhân Tông trong quyển Tam Tổ Trúc Lâm Giảng Giải đã được giảng đầy đủ. Ở đây tôi không giảng lại, quí vị đọc