headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 07/01/2025 - Ngày 8 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

THIỀN SƯ VÔ NGHIỆP

(760 - 821)

Sư họ Ðỗ, quê ở Thượng Lạc, Thương Châu. Mẹ Sư họ Lý, một hôm bà nghe trong hư không có tiếng nói "cho ở nhờ được chăng", bà liền biết có thai. Sư lọt lòng mẹ nhằm lúc ban đêm, có hào quang sáng đầy nhà. Ðược bốn năm tuổi mà Sư đi thì nhìn thẳng, ngồi thì tréo kiết già.

Ðến chín tuổi, Sư theo Thiền sư Chí Bổn ở chùa Khai Nguyên học kinh Ðại thừa. Năm mười hai tuổi, Sư cạo tóc xuất gia. Hai mươi tuổi, Sư thọ giới cụ túc với Luật sư U ở Nhưỡng Châu. Sư học luật Tứ phần vừa xong, liền vì chúng diễn giảng. Sư giảng kinh Ðại Niết-bàn suốt mùa hạ mùa đông chẳng dừng.

*

Nghe tiếng Mã Tổ, Sư tìm đến yết kiến.

Mã Tổ thấy tướng mạo Sư kỳ đặc, tiếng nói thanh như chuông, bèn bảo:

- Cao lớn nghiêm chỉnh mà trong ấy không Phật.

Sư lễ bái, quì thưa:

- Về kinh điển con hiểu biết đơn sơ, thường nghe thiền môn "tức tâm là Phật" thật chưa hiểu thấu.

- Chỉ cái tâm chưa hiểu đó là phải, lại không có vật khác.

- Thế nào là mật truyền tâm ấn của Tổ sư từ Ấn Ðộ sang?

- Ðại đức chính đang ồn. Hãy đi! Khi khác lại.

Sư vừa đi, Mã Tổ gọi:- Ðại đức!

Sư xoay đầu lại.

Mã Tổ hỏi:- Là cái gì?

Sư liền lãnh hội, lễ bái.

Mã Tổ bảo:- Kẻ độn, lễ bái làm gì?

*

Sau khi nhận được ý chỉ, Sư tìm đến Tào Khê lễ tháp Lục Tổ và đi viếng Lô Sơn, Thiên Thai... các thánh tích. Sư lại đến Thanh Lương, dừng ở chùa Kim Các tám năm để xem Ðại Tạng Kinh. Sau đó, Sư sang phương Nam đến Tây Hà gặp Thích sử Ðổng Thúc Triền thỉnh Sư ở lại tịnh xá Khai Nguyên.

Sư nói:- Duyên của ta ở đây vậy.

Ở đây hơn hai mươi năm, Sư xiển dương thiền học, các nơi đều nghe tiếng, người học đạo tìm đến càng ngày càng đông. Ðáp những câu hỏi của người, Sư thường nói câu:

- Chớ vọng tưởng.

*

Sư dạy chúng:

- Chư Phật chưa từng ra đời, cũng không có một pháp dạy người, chỉ tùy bệnh cho thuốc nên có mười hai phần giáo, như lấy chuối ngọt nhét thuốc đắng vào, cốt  gột sạch gốc nghiệp cho các ngươi.

Những vị cổ đức xưa, sau khi hội được ý chỉ, bèn cất am tranh hoặc ở thất đá, nấu cơm bằng lò bễ, như vậy trải hơn hai, ba mươi năm, danh lợi không bận lòng, tiền của chẳng phiền nghĩ, quên cả người đời, ở ẩn chốn núi rừng, vua chúa mời chẳng đến, chư hầu thỉnh cũng chẳng đi. Ðâu như chúng ta ngày nay, tham danh mến lợi, chìm đắm trong bụi đời, như bọn con buôn.

Bồ-tát học Bát-nhã không được khinh mạn, như đi trên băng, như chạy trên kiếm bén. Khi lâm chung một mảy tình phàm lượng thánh chưa sạch, chút bụi tư niệm chưa quên liền tùy niệm thọ sanh, thọ thân năm ấm nặng hay nhẹ, đến trong thai lừa bụng ngựa, hoặc gá sanh trong địa ngục chịu vạc dầu sôi, đồng cháy quấn mình. Từ trước những ghi nhớ nghĩ tưởng, hiểu biết trí tuệ thảy đều một thời mất hết. Sau đó lại sanh làm trùng, kiến, làm muỗi mòng. Tuy là nhân lành mà mắc quả dữ, lại mong điều gì?

Huynh đệ! chỉ vì tham dục thành tánh nên hai mươi lăm cõi ràng buộc chân mình, không biết chừng nào xong xuôi. Tổ sư xem chúng sanh cõi này (Trung Hoa) có căn tánh Ðại thừa nên chỉ truyền tâm ấn để dạy mê tình. Người được đó chẳng chọn phàm thánh, ngu hay trí, vả lại nhiều rỗng, không bằng ít thật. Kẻ đại trượng phu hiện nay thẳng đó liền hết sạch, chóng dứt muôn duyên, vượt khỏi dòng sanh tử, ra ngoài tánh cách tầm thường. Linh quang riêng chiếu, vật không thể buộc, vòi vọi rỡ rỡ riêng đi trong tam giới. Ðâu chỉ thân cao trượng sáu vàng ròng chói sáng, cổ đeo vòng bóng, tướng lưỡi rộng dài. "Nếu lấy sắc thấy ta là hành đạo tà." Dù có quyến thuộc, chẳng cầu mà tự được, quả đất núi sông chẳng ngại mắt sáng, được đại tổng trì, một nghe ngàn ngộ, trọn chẳng cần giá trị bằng bữa ăn.           

Các ngươi nếu chẳng như thế, Tổ sư đến cõi này chẳng phải thường, có tổn mà có ích. Có ích là trong ngàn người chọn lọc được một người, nửa người là pháp khí. Có tổn, như đoạn trước đã nói. Theo kinh điển ba thừa tu hành chẳng ngại được tứ quả tam hiền, có phần tiến tu. Sở dĩ tiên đức nói: "Liễu tức nghiệp chướng xưa nay không, chưa liễu trở lại đền nợ trước."

*

Vua Hiến Tông nhà Ðường nhiều phen thỉnh Sư, Sư đều lấy lý do bệnh từ chối không đến. Ðến Mục Tông lên ngôi lại sai Lưỡng nhai Tăng lục là Linh Phụ v.v... đến thỉnh Sư. Những vị này đến làm lễ thưa:

- Hoàng thượng ân chỉ phen này chẳng giống lúc thường, xin Hòa thượng hãy thuận thiên tâm, không nên nói bệnh.

Sư cười chúm chím nói:

- Bần đạo có đức gì làm phiền Thế chủ. Mời các Ngài đi trước, tôi sẽ đi đường riêng.

Sư bèn tắm gội, đến nửa đêm bảo đệ tử Huệ Âm v.v...

- Các ngươi! tánh thấy nghe hiểu biết cùng hư không đồng tuổi, chẳng sanh chẳng diệt, tất cả cảnh giới vốn tự không lặng, không một pháp có thật, người mê không hiểu bị cảnh làm lầm, trôi lăn không cùng. Các ngươi phải biết, tâm tánh vốn tự có, chẳng phải do tạo tác, ví như Kim cang không thể phá hoại. Tất cả pháp như bóng như vang không có thật. Cho nên kinh nói: "Chỉ đây một việc thật, ngoài hai thì chẳng chân." Thường hiểu tất cả không, không một vật hợp tình, là chỗ chư Phật dụng tâm. Các ngươi cố gắng thật hành!

Nói xong, Sư ngồi kiết già thị tịch. Ngày thiêu Sư, có mây lành năm sắc, mùi hương lạ khắp bốn phương, được xá-lợi như ngọc sáng. Sư thọ sáu mươi hai tuổi, bốn mươi hai tuổi hạ. Vua sắc ban hiệu là Ðại Ðạt Quốc sư, tháp hiệu Trừng Nguyên.

[ Quay lại ]