THIỀN SƯ DUY KHOAN
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ Sáu, 26 Tháng mười hai 2008 07:47
- Viết bởi nguyen
(755 - 817)
Sư họ Chúc, quê ở Tín An, Cù Châu. Lúc mười ba tuổi Sư thấy người sát sanh, bất nhẫn không nỡ ăn thịt, cầu xin xuất gia. Xuất gia rồi, lúc đầu Sư học Luật, kế tập tu chỉ quán. Sau, Sư tìm đến yết kiến Mã Tổ, nơi đây Sư ngộ được tâm yếu.
Ðời Ðường niên hiệu Trinh Nguyên thứ sáu (790 T.L.), Sư đi du phương. Sau này, Sư dừng ở chùa Thiếu Lâm tại Tung Sơn.
Có vị Tăng đến hỏi:- Thế nào là đạo?
Sư đáp:- Núi rất tốt.
- Con hỏi đạo, sao Thầy nói núi tốt?
- Ngươi chỉ biết núi tốt đâu từng đạt đạo?
*
Vị Tăng khác hỏi:- Con chó có Phật tánh không?
Sư đáp:- Có.
- Hòa thượng có chăng?
- Ta không.
- Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tại sao riêng Hòa thượng lại không?
- Ta chẳng phải tất cả chúng sanh.
- Ðã chẳng phải chúng sanh, là Phật chăng?
- Chẳng phải Phật.
- Cứu kính là vật gì?
- Cũng chẳng phải vật.
- Có thể thấy, có thể nghĩ chăng?
- Nghĩ đó chẳng đến, bàn đó chẳng được. Cho nên nói: "Không thể nghĩ bàn."
*
Niên hiệu Nguyên Hòa thứ tư (809 T.L.), vua Hiến Tông thỉnh Sư về kinh đô. Bạch Cư Dị thường đến thăm hỏi Sư.
Bạch Cư Dị hỏi:- Ðã nói Thiền sư sao lại thuyết pháp?
Sư đáp:
- Vô thượng Bồ-đề, trùm nơi thân là Luật, nói ra miệng là Pháp, hành nơi tâm là Thiền. Ứng dụng thì có ba, chỗ tột cùng chỉ có một. Ví như sông Hồ, sông Hán, sông Hoài tùy chỗ đặt tên, tên tuy chẳng phải một, mà tánh nước không hai. Luật tức là Pháp, Pháp chẳng lìa Thiền, sao trong đó vọng khởi phân biệt?
- Ðã không phân biệt lấy gì tu tâm?
- Tâm vốn không tổn thương, tại sao cầu tu sửa? Không luận nhơ cùng sạch, tất cả chớ khởi niệm.
- Nhơ tức không nên niệm, sạch không niệm được sao?
- Như trong tròng con mắt người, không thể dính một vật gì, mạt vàng tuy quí báu, dính cũng thành bệnh.
- Không tu không niệm thì đâu khác phàm phu?
- Phàm phu thì vô minh, Nhị thừa thì chấp trước, lìa hai bệnh này gọi là chân tu. Người chân tu không được chăm chú, không được quên lãng, chăm chú thì gần chấp trước, quên lãng liền rơi vào vô minh. Ðây là tâm yếu vậy.
*
Tăng hỏi:- Ðạo ở chỗ nào?
Sư đáp:- Ở trước mắt.
- Sao con không thấy?
- Vì ngươi có ngã nên không thấy.
- Con có ngã nên không thấy, Hòa thượng thấy chăng?
- Có ngươi có ta nên rồi cũng chẳng thấy.
- Không con không Ngài lại thấy chăng?
- Không ngươi không ta còn ai cần thấy?
*
Niên hiệu Nguyên Hòa thứ mười một (817 T.L.), ngày ba mươi tháng hai, Sư thăng đường thuyết pháp xong liền thị tịch, thọ sáu mươi ba tuổi, hai mươi chín tuổi hạ. Vua sắc ban hiệu là Ðại Triệt Thiền sư, tháp hiệu Nguyên Hòa Chánh Chơn.