headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 25/12/2024 - Ngày 25 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THIỀN SƯ VĂN HỶ

(820-899)

Sư họ Chu quê ở Ngữ Khê Gia Hòa, xuất gia hồi bảy tuổi.

Niên hiệu Khai Thành năm thứ hai (837), Sư đến Triệu Quận thọ giới cụ túc, học tập luật Tứ phần. Đến niên hiệu Hội Xương (841-846) phế giáo, Sư trở lại  thế gian giấu kín chí xuất trần. Sang niên hiệu Đại Trung (847) sùng tu Tam Bảo, Sư đến chùa Tề Phong ở Diêm Quan tiếp tục tu hành.

Sau, Sư đến yết kiến Thiền sư Tánh Không ở núi Đại Từ. Tánh Không bảo: Ngươi sao không đi tham vấn các nơi?

Sư đi thẳng lên núi Ngũ Đài ở chùa Hoa Nghiêm, sang lễ bái hang Kim Cang, gặp một ông già dắt trâu đi, mời Sư vào chùa. Đến chùa, ông gọi: Quân Đề! Có đồng tử: dạ! ra đón. Ông già thả trâu, dẫn Sư vào trong, Sư nhìn thấy nhà cửa đều hiện sắc vàng. Ông già ngồi trên giường, chỉ cái đôn bảo Sư ngồi. Ông già hỏi:- Vừa ở đâu đến?

Sư thưa:- Ở phương nam đến.

- Phương nam Phật pháp trụ trì thế nào?

- Đời mạt pháp Tỳ-kheo ít giữ giới luật.

- Chúng nhiều ít?

- Hoặc ba trăm, hoặc năm trăm.

Sư hỏi lại:- Ở đây Phật pháp trụ trì thế nào?

- Rắn rồng lẫn lộn, phàm thánh chung ở.

- Chúng nhiều ít?

- Trước ba ba, sau ba ba. (Tiền tam tam, hậu tam tam.)

Đồng tử dâng trà và tô lạc, Sư dùng vào cảm thấy tâm ý sảng khoái.

Ông già đưa chung pha lê lên hỏi Sư:- Phương nam lại có cái này chăng?

Sư thưa:- Không.

- Hằng ngày lấy cái gì uống trà?

Sư không đáp được. Thấy bóng mặt trời xế chiều, Sư hỏi:

- Tôi xin nghỉ lại một đêm ở đây được chăng?

Ông già bảo:- Ông còn chấp tâm chẳng được nghỉ.

- Tôi đâu có chấp tâm.

- Ngươi đã thọ giới chưa?

- Thọ giới đã lâu.

- Ngươi nếu không chấp tâm đâu cần thọ giới.

Sư từ tạ trở xuống. Ông già sai đồng tử tiễn chân.

Sư hỏi đồng tử:- Trước ba ba sau ba ba, là nhiều ít?

Đồng tử gọi: Đại đức! Sư ứng thanh: Dạ! Đồng tử bảo: Ấy nhiều ít?

Sư lại hỏi:- Đây là chỗ gì?

Đồng tử đáp:- Đây là chùa Bát-nhã trong hang Kim Cang.

Sư buồn bã, biết ông già đó là Văn-thù mà không thế nào gặp lại được.

Sư đảnh lễ Đồng tử xin một câu khi từ biệt. Đồng tử nói kệ:

            Diện thượng vô sân cúng dường cụ

            Khẩu lý vô sân thổ diệ? hương

            Tâm lý vô sân thị trân bảo

            Vô cấu vô nhiễm thị chân thường.

Dịch:

            Trên mặt không sân đồ cúng dường

            Trong miệng không sân xuất diệu hương

            Trong tâm không sân là trân bảo

            Không nhơ không nhiễm là chân thường.

Nói xong, Quân Đề và chùa đều ẩn, chỉ thấy trong mây năm sắc Văn-thù cỡi kim mao sư tử qua lại, chợt có cụm mây trắng từ phương đông bay qua che lấp.

*

Niên hiệu Hàm Thông năm thứ ba (862), Sư đến Hồng Châu lại viện Quan Âm yết kiến Ngưỡng Sơn. Qua câu nói, Sư liền khế ngộ bản tâm. Ngưỡng Sơn cử Sư xung chức Điển tọa.

*

Sư nấu cháo, thường thấy Văn-thù hiện trên nồi cháo. Sư lấy cây giầm quậy cháo đập, nói:- Văn-thù tự Văn-thù, Văn Hỷ tự Văn Hỷ.

Văn-thù nói kệ:

            Khổ hồ liên căn khổ          

            Điềm qua triệt đới điềm

            Tu hành tam đại kiếp         

            Khước bị lão tăng hiềm.

            (Dưa đắng gốc vẫn đắng

            Dưa ngọt rễ cũng ngon

            Tu hành ba đại kiếp

            Lại bị lão tăng đòn.)                            

*

Một hôm, có một vị Tăng lạ đến xin một bữa cơm, Sư bớt phần ăn của mình cúng dường. Ngưỡng Sơn dự biết hỏi:

- Vừa rồi có người đã vào quả vị đến, ngươi có cấp phần ăn chăng?

Sư thưa:- Bớt phần của con cúng dường.

Ngưỡng Sơn bảo:- Ngươi được lợi ích lớn.

*

Niên hiệu Quang Khải năm thứ ba (887), Tiền Vương thỉnh Sư trụ Long Tuyền Giải thự (nay là viện Từ Quang).      

Có vị Tăng hỏi:- Thế nào là tướng Niết-bàn?

Sư đáp:- Chỗ khói hương hết, nghiệm.

- Thế nào là đại ý Phật pháp?

Sư gọi Viện chủ đến! ông thầy này bị bệnh điên.

- Thế nào là tự mình?

Sư lặng thinh.

Vị Tăng ấy mờ mịt, lại hỏi câu trên.

Sư bảo:- Trời trong bụi mù, chẳng nhằm bên mặt trăng bay.

*

Niên hiệu Quang Hóa năm thứ hai (899), Sư có chút bệnh. Đến ngày hai mươi bảy tháng mười vào lúc giờ tý giữa đêm, Sư bảo chúng:

- Tâm tam giới hết tức là Niết-bàn.

Nói xong, Sư ngồi kiết già thị tịch, thọ tám mươi tuổi, sáu mươi tuổi hạ.

[ Quay lại ]