THIỀN SƯ BỔN TIÊN
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 17 Tháng tư 2010 13:33
Ở chùa Đoan Lộc -(942 - 1008)
Sư họ Trịnh quê ở Vĩnh Gia, lúc bé xuất gia tại viện Tập Khánh, thọ giới nơi chùa Quốc Thanh ở Thiên Thai.
Sư đến tham vấn Quốc sư Đức Thiều, Quốc sư đem câu ?chẳng phải gió phướn động mà tâm nhân giả động?, Sư liền ngộ giải.
*
Sư trụ ở chùa Đoan Lộc, chân chẳng dạo thành ấp, tay chẳng nhận tiền bạc, chẳng sắm mền nệm, không mặc tơ lụa, mỗi ngày ăn một bữa, ngồi thiền suốt ngày, trọn ba mươi năm không thay đổi ý chí.
Sư dạy chúng:
- Ta lúc mới gặp Thiên Thai vừa nghe câu nói liền tiến được. Nhưng khoảng một ngàn ngày (ba năm) trong bốn oai nghi in tuồng có vật ngại nơi ngực, như đồng ở chung với kẻ thù. Một ngàn ngày về sau, một hôm vật ngại bỗng tan, không còn ở chung với kẻ thù, liền đó an vui chợt nhận ra lỗi trước.
Sư liền thuật ba bài kệ:
1. Chẳng phải gió phướn động
Mà tâm nhân giả động.
Phi phong phan động duy tâm động
Tự cổ tương truyền trực chí kim
Kim hậu thủy vân đồ dục hiểu
Tổ sư chân thật hảo tri âm.
Dịch:
Gió phan chẳng động riêng tâm động
Truyền nối từ xưa nhẫn đến nay,
Về sau mây nước dù muốn biết
Tổ sư chân thật bạn tri âm.
2. Thấy sắc liền thấy tâm.
Nhược thị kiến sắc tiện kiến tâm
Nhân lai vấn trước phương nan đáp
Nhược cầu đạo lý thuyết đa ban
Cô phụ bình sanh tam sự nạp.
Dịch:
Nếu là thấy sắc liền thấy tâm
Người sang hỏi đến thật khó đáp
Muốn cầu đạo lý nói nhiều điều
Phũ phàng ba việc người tăng sĩ.
3. Rõ chính mình.
Khoáng đại kiếp lai chỉ như thị
Như thị đồng thiên diệc đồng địa
Đồng địa đồng thiên tác ma hình
Tác ma hình hề vô bất thị.
Dịch:
Nhiều kiếp đến nay chỉ như thế
Như thế đồng trời cũng đồng đất
Đồng đất đồng trời tạo hình gì?
Tạo hình gì rồi thảy đều phải.
*
Sư dạy chúng:
- Cả thảy các ngươi! lại thấy Trúc Lâm Lan-nhã núi nước viện xá người chúng chăng? Nếu nói thấy thì ngoài tâm có pháp. Nếu nói chẳng thấy, mà hiện tại Trúc Lâm Lan-nhã núi nước viện xá người chúng rõ ràng. Lại hội lời dạy thế ấy chăng? Nếu hội thì lanh lợi chẳng ngại, vô sự chớ đứng lâu.
*
Sư dạy chúng:
- Trong Thiên Thai giáo nói ?ba cửa Văn-thù Quan Âm, Phổ Hiền. Cửa Văn-thù là tất cả sắc. Cửa Quan Âm là tất cả thanh. Cửa Phổ Hiền là chẳng dời bước?. Còn ta nói cửa Văn-thù chẳng phải tất cả sắc. Cửa Quan Âm chẳng phải tất cả thanh. Cửa Phổ Hiền là cái gì? Chớ bảo là khác với Thiên Thai giáo nói. Vô sự hãy lui.
*
Sư dạy chúng:
- Tất cả các ngươi! trong ban đêm ngủ mê chẳng biết tất cả. Đã chẳng biết tất cả, thử hỏi, khi ấy các ngươi có tánh xưa nay chăng? Nếu nói khi ấy có tánh xưa nay, mà khi ấy lại chẳng biết tất cả, cùng chết không khác? Nếu nói khi ấy không có tánh xưa nay, mà chợt thức giấc liền biết như xưa? Lại hội chăng? Chẳng biết tất cả cùng chết không khác, ngủ mê chợt thức giấc liền biết như xưa. Những khi như thế là cái gì? Nếu chẳng hội, mỗi người tự thể cứu lấy. Vô sự chớ đứng lâu.
*
Niên hiệu Nguyên Phù năm đầu (1008) tháng hai, bất chợt Sư bảo đệ tử lớn là Như Trú: Nên xây tháp cho ta, rằm tháng tám ta sẽ tịch. Như Trú vâng mạng xây vừa xong xuôi, khi ấy dân chúng quan liêu xa gần đua nhau đến chiêm ngưỡng. Đúng ngày rằm, vẫn tham vấn như thường, đến giờ ngọ, Sư ngồi yên ở phương trượng tay kiết bảo ấn, lại bảo Như Trú: Người xưa nói: ?cỡi đầu cọp nắm đuôi cọp?, việc ở khoảng giữa lại thế nào? Như Trú đáp: Cũng chỉ là Như Trú. Sư bảo: Ngươi hỏi lại ta. Như Trú hỏi: Cỡi đầu cọp nắm đuôi cọp, việc khoảng giữa Hòa thượng nói thế nào? Sư đáp: Ta cũng nói chẳng ra. Nói xong, Sư an nhiên mở nhỏ một con mắt xem, rồi tịch. Sư thọ sáu mươi bảy tuổi, bốn mươi hai tuổi hạ.
Sư có trước tác Trúc Lâm Tập mười quyển hơn một ngàn bài thi, ca, từ.