headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 22/11/2024 - Ngày 22 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THIỀN SƯ ĐẠO GIAI

  Phù Dung - (1043 - 1118)

Sư họ Thôi quê ở Nghi Thủy Nghi Châu, tánh tình cứng cỏi cang trực, tự lúc thiếu thời đã học đạo nhịn cơm, vào ẩn trong núi Y Dương. Sau, Sư dạo kinh đô nương nơi chùa Thuật Đài và ở đây học tập kinh điển, thọ giới cụ túc.

*

Đi du phương, Sư đến yết kiến Thiền sư Nghĩa Thanh ở chùa Hoa Nghiêm núi Đầu Tử.

Sư hỏi:

- Ngôn giáo của Phật Tổ như việc cơm nước thường ngày trong nhà, lìa rời việc này riêng có chỗ vì người hay chăng?

Đầu Tử đáp:

- Ngươi nói sắc lệnh của Thiên tử trong cõi này, lại nhờ vua Võ, vua Thang, Nghiêu, Thuấn hay chăng?

Sư suy nghĩ để đáp lại. Đầu Tử lấy phất tử bịt miệng Sư, nói:

- Ngươi phát ý ra đã đáng ăn ba mươi gậy rồi.

Ngay câu nói này, Sư tỉnh ngộ, đảnh lễ, liền ra đi. Đầu Tử gọi: Xà-lê hãy lại đây. Sư chẳng ngó lại. Đầu Tử nói: Ngươi đến chỗ chẳng nghi chăng? Sư liền bịt tai.

*

Sau, Sư coi việc nhà trù. Đầu Tử hỏi: Việc trong nhà trù không phải là dễ. Sư thưa: Chả dám. Đầu Tử hỏi: Ngươi thổi cơm ư? Nấu cháo ư? Sư thưa: Nhân công đãi gạo nhúm lửa, trị nhật nấu cháo thổi cơm. Đầu Tử hỏi: Còn ngươi làm gì? Sư thưa: Nhờ ơn Hòa thượng từ bi cho con rảnh rang.

*

Một hôm, Sư theo hầu Đầu Tử đi dạo vườn trà. Đầu Tử trao cây gậy cho Sư, Sư nhận lấy liền đi theo sau Đầu Tử. Đầu Tử bảo: Lý nên thế ấy. Sư thưa: Cùng Hòa thượng xách giày cầm gậy, cũng chẳng phải việc phần ngoài. Đầu Tử bảo: Vẫn có người đồng hành. Sư thưa: Đây là một người không nhận dạy. Đầu Tử thôi hỏi.

Đến chiều, Đầu Tử bảo: Sớm mai nói thoại chưa hết. Sư thưa: Thỉnh Hòa thượng nói tiếp. Đầu Tử nói: Mẹo sanh nhật, tuất sanh nguyệt. Sư liền đốt đèn đem đến, Đầu Tử nói: Ngươi đi lên đi xuống đều không luống công. Sư thưa: Ở bên cạnh Hòa thượng lý phải như thế. Đầu Tử nói: Kẻ tôi đòi trong nhà nào mà không có. Sư thưa: Hòa thượng tuổi cao thiếu nó không được. Đầu Tử hỏi: Ân cần cái gì? Sư thưa: Có phần đền ân.

*

Niên hiệu Nguyên Phong năm thứ năm (1082), Sư trở về Nghi Châu ở núi Mã An bắt đầu truyền bá đạo pháp. Ban đầu, Sư ở Tiên Động, sau dời đến chùa Long Môn. Sư lại sang trụ núi Đại Dương thuộc Dĩnh Châu và Đại Hồng ở Tùy Châu, đều do sự cung thỉnh của mọi người. Tông Tào Động được thạnh hành miền Tây Bắc.

*

Niên hiệu Sùng Ninh năm thứ ba (1104) có chiếu mời Sư trụ tại Thiền viện Thập Phương Tịnh Nhơn ở Đông Kinh. Đến niên hiệu Đại Quan năm đầu (1107), vua sai Trung sứ áp đặt Sư trụ trì ở Thiên Ninh không được từ chối.

Lý Hiếu Thọ làm sớ tâu lên vua Tống Huy Tông đại lược rằng: ?Đạo Giai đức hạnh vượt cả tùng lâm, đáng được khen thưởng...? Vua liền ban tử y tăng-già-lê và hiệu Định Chiếu Thiền sư.

Sư thắp hương tạ ơn xong, lại dâng biểu rằng:

?Cúi mong thánh thượng từ ân chú tâm làm sáng rỡ điều lành, nêu cao đức tốt. Ban cho thần Định Chiếu Thiền sư và một lá tử y. Thần cảm đội ân sâu, rồi liền đó thắp hương lên tòa chúc nguyện thánh thọ.

Mong Bệ hạ nghĩ đến hạnh nghiệp thô sơ, đạo lực kém mỏng của thần, thường phát nguyện chẳng thọ danh lợi, cố giữ ý này đã được nhiều năm. Như thế, ngõ hầu truyền đạo đời sau khiến người chuyên ý vào Phật pháp. Nay tuy nhờ đặc ân của Bệ hạ, nếu toại tánh hèn thì tự trái với lời nguyện lành của thần, lấy gì để dạy người. Đâu dám ngửa khen Bệ hạ để có ý sai thần trụ trì. Những y vật Bệ hạ ban cho thần không dám thọ nhận.

Cúi mong thánh thượng từ ân xét thấu nỗi lòng của thần, không dám dùng lời trau chuốt, đặc biệt ban cho theo lòng thành thật của thần, thần nguyện suốt đời hành đạo để đền đáp thiên ân.?

Vua Tống Huy Tông xem xong, giao cho Lý Hiếu Thọ đích thân đi đến khuyên đừng trái ý tốt của triều đình.

Lý Hiếu Thọ đến khuyên dụ lắm lời, Sư vẫn quyết định từ chối. Lý Hiếu Thọ tâu hết lên nhà vua. Nhà vua nổi giận ra lệnh bắt giao cho quan Hữu ty (tra khảo).

Quan Hữu ty biết Sư trung thành mà trái ý vua nên hỏi: Trưỡng lão thân gầy ốm vậy có bệnh chăng? Sư đáp: Bình nhật cũng có bệnh, hiện nay thì không bệnh. Hữu-ty lại nói: Nếu nói có bệnh thì đối với pháp luật khỏi hình phạt. Sư bảo: Đâu dám dối trá nói bệnh để mong khỏi tội ư! Hữu ty ngậm ngùi! Sư điềm nhiên thọ hình phạt. Sau đó, Sư bị đày mặc áo kẻ phục dịch ra ở Tri Châu. Kẻ tăng người tục trông thấy Sư đều rơi nước mắt! Riêng Sư khí sắc vẫn nhàn hạ.

*

Đến Tri Châu, Sư thuê nhà ở. Những học giả nghe tiếng tìm đến gần gũi. Mùa Đông năm sau, nhà vua ban sắc phóng thích.

Sư tự tiện cất am nơi hồ Phù Dung, có mấy trăm Tăng chúng vây quanh hằng ngày. Ở đây mỗi ngày chỉ ăn một chén cháo, những người chịu không nổi từ từ đi bớt. Số Tăng còn thường trực không dưới một trăm.

Sư dạy chúng:

- Phàm người xuất gia vì chán trần lao cầu thoát sanh tử, thôi tâm dứt niệm cắt vin theo, gặp thanh gặp sắc như hoa trồng trên đá, thấy lợi thấy danh như bụi rớt trong con mắt. Vì từ vô thủy đến giờ, những cái ấy đâu phải chẳng từng trải qua, cần gì lại nhọc nhằn tham luyến? Hiện nay chẳng dứt còn đợi chừng nào? Thời nay dứt sạch lại còn việc gì? Nếu được trong tâm vô sự, thì Phật Tổ vẫn là oan gia, tất cả thế sự tự nhiên lạnh nhạt, mới là phù hợp bên này.

Các ngươi đâu chẳng thấy, Ẩn Sơn đến chết chẳng chịu tiếp người. Triệu Châu đến chết chẳng biên thơ cho đàn việt, thà lượm trái giẻ trái lật mà ăn. Đại Mai lấy lá sen làm áo. Chỉ Y Đạo Giả mặc y phục bằng giấy. Thượng tọa Huyền Thái chỉ mặc bằng bố. Thạch Sương nơi nhà Cây khô (chúng tọa thiền yên lặng như cây khô) cùng người ngồi nằm, chỉ cần chết hẳn tâm của các ngươi. Đầu Tử sai người nấu cơm lẫn khoai rồi đồng ăn, cốt được tỉnh việc của các ngươi.

Các bậc thánh từ trước có những gương cao đẹp như thế, nếu không có chỗ đặc biệt làm sao chịu nổi.

Chư nhân giả! Nếu hay nơi đây thể cứu thì chẳng thiếu thốn điều gì, bằng chẳng chịu thừa đương về sau e phải phí nhiều khí lực.

*

Sư dạy chúng:

- Ngày nay Sơn tăng đối với các vị nói về gia môn đã là chẳng tiện. Đâu thể lại đăng đường, nhập thất, niêm chùy, dựng phất, nhướng mày, chớp mắt, đông gậy, tây hét in tuồng bệnh động kinh phát hiện. Đâu chẳng thấy Tổ Đạt-ma sang ngồi xây mặt vào vách chín năm dưới núi Thiếu Thất. Nhị Tổ đến đứng ngoài tuyết đến chặt cánh tay, có thể nói chịu tột sự gian khổ. Nhưng Tổ Đạt-ma chưa từng nói một lời. Nhị Tổ chưa từng hỏi một câu. Thế là, nói Tổ Đạt-ma chẳng vì người được chăng? Nhị Tổ chẳng cầu thầy được chăng?

*

Sư có làm năm bài kệ, thuật môn phong của mình.

Bài thứ nhất tên: Nói khéo không chạm lưỡi

            Sát sát trần trần xứ xứ đàm

            Bất tham thiền xứ Thiện Tài tham

            Không sanh đã giải thông tiêu tức

            Hoa vũ nham tiền điểu bất hàm.

Bài thứ hai: Rắn chết sợ trong bụi chui ra

            Nhật chích phong suy thảo lý mai

            Xúc tha độc khí hựu hoàn oai

            Ảm địa nhược giao khai tử khẩu

            Trường An y cựu tuyệt nhân lai.

Bài thứ ba: Giỏi châm xương khô ngâm

            Tử trung hoạt đắc thị phi thường

            Minh dụng tha gia biệt hữu trường

            Bán dạ độc lâu ngâm nhất khúc

            Băng hà hồng diệm khước thanh lương.

Bài thứ tư: Cưa sắt và tam đài

            Bất thị cung thương điều

            Thùy nhân hòa nhất trường

            Bá Nha hà sở thố

            Thử khúc cựu lai trường.

Bài thứ năm: Xưa nay không cách hở

            Nhất pháp nguyên vạn pháp không

            Cá trung na hứa ngộ viên thông

            Tương vị Thiếu Lâm tiêu tức đoạn

            Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

Dịch:

            Cõi cõi nơi nơi chốn chốn bàn

            Thiện Tài tham lấy chỗ không tham

            Không Sanh đã hiểu rành tin tức  [Không Sanh là ông Tu-bồ-đề hay Thiện Hiện là người hiểu lý không bậc nhất.]

            Ngọn núi mưa hoa chim lặng câm.

            Gió táp nắng phơi cỏ ẩn mình

            Chạm người khí độc lại sai chinh

            Thẳm sâu nếu khiến khai tử khẩu

            Trường An như trước bặt người sang.

            Trong chết được sống việc phi thường

            Phải nhận là y có sở trường

            Xương sọ giữa đêm ngâm một bản

            Sông băng lửa dậy lại thanh lương.

            Chẳng phải đàn sáo hòa

            Ai người ca một bài

            Bá Nha đâu thi thố

            Bản này xưa nay hay.

            Một pháp nguyên không muôn pháp không

            Trong đây ai nhận ngộ viên thông

            Sẽ bảo Thiếu Lâm tin tức bặt

            Hoa đào vẫn lại cười gió đông.

 

Niên hiệu Chánh Hòa năm thứ tám (1118) ngày mười bốn tháng năm, Sư đòi viết mực viết một bài kệ:

            Ngô niên thất thập lục

            Thế duyên kim dĩ túc

            Sanh bất ái thiên đường    

            Tử bất phạ địa ngục

            Tán thủ hoành thân tam giới ngoại

            Đằng đằng nhận vận hà câu thúc.

Dịch:

            Ta tuổi bảy mươi sáu

            Duyên đời nay đã đủ

            Sanh chẳng thích thiên đường

            Chết chẳng sợ địa ngục

            Buông tay đi ngang ngoài tam giới

            Mặc tình vươn bổng nào buộc ràng.

            Sau đó, liền tịch, Sư thọ bảy mươi sáu tuổi.

[ Quay lại ]