headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 28/12/2024 - Ngày 28 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Quốc Sư VIÊN THÔNG

(1080 - 1151)-(Đời thứ 18, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)

Sư tục danh Nguyễn Nguyên Ức, quê làng Cổ Hiền sau dời về phường Thái Bạch, kinh đô Thăng Long, lập nghiệp luôn tại đây. Thế tộc làm Tăng quan, cha tên Huệ Dục làm quan dưới triều Lý đến chức Tả Hữu Nhai Tăng Lục, đạo hiệu là Bảo Giác thiền sư.

Sư tư chất thông minh, học hiểu đến chỗ tinh diệu, xuất gia lúc còn nhỏ. Thọ học với Thiền sư Viên Học ở chùa An Quốc, huyện Cổ Hiền, Sư được thầy truyền tâm ấn.

Năm thứ sáu niên hiệu Hội Phong (1097), Sư đậu thủ khoa kỳ thi Tam giáo, sung chức Đại Văn. Đến năm thứ tám niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa (1108) Sư lại đứng đầu kỳ tuyển khoa hoằng tài để bổ khuyết Tăng Đạo. Nhà vua quá quí kính muốn đem chính sự giao phó cho Sư, Sư cố từ chối chẳng dám nhận. Vua bèn tiến chức Nội Cung Phụng Truyền Giảng Pháp Sư. Bấy giờ, Sư tùy cơ giảng giải giáo lý, khiến người giác ngộ, phá ngu giải hoặc không còn dư thừa. Những người thụ giáo nơi Sư đều nổi tiếng sau nầy.

Năm thứ ba niên hiệu Hội Tường Đại Khánh (1112), sau khi trùng hưng ngôi chùa Diên Thọ, vua sắc Sư làm bài văn bia. Vua mến phục tài, phong Sư lên chức Tả Nhai Tăng Lục.

Năm thứ ba niên hiệu Thiên Thuận (1130), vua Lý Thần Tông triệu Sư vào cung để hỏi việc trị loạn, hưng vong của đất nước. Sư đáp:

- Thiên hạ ví như món đồ dùng, đặt vào chỗ yên thì yên, đặt vào chỗ nguy thì nguy, chỉ ở đức vua thực hành khác nhau đó thôi. Đức hiếu sinh của vua nhuần thấm đến nhân dân thì nhân dân yêu vua như cha mẹ, tôn vua như mặt trời, mặt trăng, thế tức đặt thiên hạ vào chỗ yên vậy.

Sư lại tiếp:

- Việc trị loạn còn ở các quan, được lòng người thì trị an, mất lòng người thì loạn lạc. Tôi trải xem các đế vương đời trước, chưa từng chẳng do dùng quân tử mà được hưng thạnh, vì dùng tiểu nhân mà bị nguy vong. Xét lý do như thế, không phải tại ngay một sớm một chiều, mà nguyên do của nó phát từ từ đã lâu lắm vậy.

Trời đất không thể làm nóng lạnh ngay, ắt phải dần dần từ xuân sang thu; nhân quân không thể làm trị loạn ngay, ắt phải dần dần từ thiện ác. Các thánh vương đời xưa biết thế, nên bắt chước trời tu đức sửa mình, bắt chước đất chăm tu đức để an dân. Sửa mình là cẩn thận bên trong, run sợ như dẫm đi trên lớp băng mỏng. Yêu dân là kính cẩn công chúng, nơm nớp như cầm roi nắm cương ngựa. Được như thế thì đâu mà chẳng hưng; nếu trái lại thì đâu mà chẳng vong. Lý do hưng vong từ từ như thế.

Vua nghe qua rất hài lòng, lại thăng Sư chức Hữu Nhai Tăng Thống, Tri Giáo Môn Công Sự. Sư nghiêm trang đến gần dâng vua một bài châm để làm qui củ, lúc nào cũng chăm chỉ chưa từng thiếu sót.

Năm thứ năm niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự (1137) vua sắp băng, Sư có dự vào hàng Cố mệnh thảo tờ di chiếu. Vua phó thác mọi việc cho Sư.

Năm thứ nhất niên hiệu Thiệu Minh (1138), vua Lý Anh Tông lên ngôi, Thái hậu xét thấy Sư có công lớn nên rất trọng hậu.

Sau, Sư về làng Cổ Hiền tỉnh Nam Định lập ngôi chùa hiệu Quốc Ân trụ trì đến già. Những thôn gần đây lấy thuế cung cấp mọi phí dụng cho Sư.

Năm thứ tư niên hiệu Đại Định (1143) nhà vua vinh thăng Sư chức Tả Hữu Nhai Tăng Thống, Nội Cung Phụng Tri Giáo Môn Công Sự, Truyền Giảng Tam Tạng Văn Chương, Ứng Chế Hộ Quốc Quốc Sư và ban tử y.

Ngày 21 tháng 4 năm Tân Mùi, niên hiệu Đại Định (1151), Sư họp chúng từ biệt, không bệnh mà tịch, thọ 72 tuổi.

Tác phẩm của Sư:

          1.- Chư Phật Tích Duyên Sự, 30 quyển.

          2.- Hồng Chung Văn Bi Ký.

          3.- Tăng Gia Tạp Lục, hơn 50 quyển.

          4.- Viên Thông Tập, hơn một ngàn bài thơ.

[ Quay lại ]