14- CHUYỆN HAI HUYNH ĐỆ
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 02 Tháng tám 2009 10:02
- Viết bởi nguyen
Nếu người nói nhiều kinh…
Pháp Cú này Phật dạy lúc trú tại Kỳ Viên liên hệ đến hai vị Tỳ-kheo đồng tu.
Tại Xá-vệ có hai chàng trai thuộc hạng khá giả vốn là bạn thân thiết không rời. Một dịp nọ, họ đến tinh xá nghe Phật nói pháp, liền bỏ hết dục lạc thế gian dấn thân vào Phật đạo và trở thành Sa-môn. Sau năm năm an cư với các vị thầy hướng dẫn, họ đến gặp đức Đạo sư và hỏi về bổn phận tu tập.
Sau khi được nghe trình bày chi tiết về pháp thiền và pháp học, một người nói:
- Bạch Thế Tôn, vì con xuất gia khi đã lớn tuổi, con không thể làm tròn pháp học, nhưng có thể làm tròn pháp thiền.
Vị này được đức Đạo sư hướng dẫn thiền định hướng đến quả vị A-la-hán và ông đã cố gắng phấn đấu, đạt quả vị này cùng với các thần thông.
Còn người kia nói:
- Con sẽ làm tròn pháp học.
Dần dà vị này thuộc hết Tam tạng kinh điển, Phật ngôn. Đi đến đâu ông cũng giảng pháp và đọc tụng. Ông du hành thuyết pháp cho năm trăm Sa-môn, và làm thầy giáo thọ của mười tám hội chúng.
Bấy giờ một nhóm Tỳ-kheo được Phật chỉ dạy thiền định đi đến trú xứ của vị sư già chuyên tu thiền định nói trên. Và nhờ tinh tấn tu tập theo lời chỉ bảo của vị ấy họ đã chứng quả A-la-hán.
Sau đó, họ đến xá chào Tôn giả Trưởng lão thầy họ và nói:
- Chúng con muốn gặp đức Đạo sư.
- Hãy đi, các huynh đệ. Cho tôi kính lời thăm hỏi đức Thế Tôn, tám mươi vị Đại Trưởng lão và sư đệ tôi, nói rằng: “Thầy chúng tôi xin kính chào”.
Các Tỳ-kheo đi đến tinh xá, đảnh lễ đức Đạo sư và các Trưởng lão: “Thưa Tôn giả, thầy chúng con xin kính chào”. Khi họ đến chào Tôn giả huynh đệ của thầy họ chuyên về pháp học, vị này nói:
- Thầy chư hiền giả là ai?
- Thưa Tôn giả, là huynh đệ của Ngài.
- Nhưng chư vị học được gì từ ông ấy? Có học được kinh nào trong Trường Bộ kinh và các kinh bộ khác? Có học được tạng nào trong ba tạng kinh không?
Và Tôn giả này tự nghĩ: “Ông ấy chẳng biết ngay cả bài kệ bốn câu. Vừa xuất gia liền mặc áo giẻ rách, vào rừng rồi tụ tập đông đảo đồ chúng. Khi ông ấy trở về đây mình phải hỏi vài câu mới được.”
Chẳng bao lâu, vị sư già về thăm đức Phật. Tôn giả gởi y bát nơi người huynh đệ, đi gặp đức Đạo sư và tám mươi đại Trưởng lão rồi trở lại trú xứ của vị huynh đệ.Tỳ-kheo trẻ tuổi này tiếp đón ân cần như thông lệ, mời ngồi tòa tương đương, và khi đã ngồi nhủ thầm: “Mình sẽ hỏi ông ấy một câu”.
Đức Đạo sư biết trước “Nếu Tỳ-kheo này quấy rầy con của Phật, ông ấy sẽ rơi vào địa ngục”. Vì lòng từ, đức Đạo sư giả vờ đi kinh hành quanh tinh xá, đến nơi hai huynh đệ đang ngồi và Phật ngồi vào ghế dành sẵn (bất cứ nơi nào, trước khi ngồi, các Tỳ-kheo đều dành sẵn một chỗ cho đức Phật).
Khi đã an tọa, đức Phật hỏi Tôn giả chuyên học tập một câu hỏi về Sơ thiền, vị này trả lời đúng. Đức Phật hỏi tiếp về Nhị thiền, về Bát định, về sắc giới và vô sắc giới... thầy đều đáp đúng cả. Đến lúc đức Phật hỏi về quả Dự lưu, thầy không đáp được. Ngài liền hỏi vị sư già đã chứng A-la-hán và vị này đáp đúng ngay.
- Tốt lắm! Tốt lắm! Đức Đạo sư tán thán một cách hoan hỷ.
Rồi Ngài hỏi về các quả vị tiếp theo, Tôn giả chuyên học không đáp được lấy một câu, trong khi vị sư già đã chứng A-la-hán trả lời thông suốt. Đức Đạo sư đều khen ngợi sau mỗi câu trả lời đúng. Nghe lời khen của Phật, tất cả chư thiên từ địa thần đến Phạm thiên, luôn cả long vương và kim xí điểu đều tán thán vang dội.
Nghe tiếng tán thán, những đệ tử của Tôn giả trẻ bất bình đức Phật. Họ nói với nhau:
- Tại sao đức Thế Tôn làm như vậy? Ngài khen ngợi sau mỗi câu trả lời của ông sư già chẳng biết gì! Còn đối với thầy chúng ta, thuộc lòng toàn bộ kinh điển và đang lãnh đạo năm trăm chúng, Ngài chẳng khen một lời.
Đức Đạo sư hỏi họ:
- Tỳ-kheo, các ông đang nói gì?
Khi họ trả lời, đức Phật dạy:
- Trong đạo của ta, thầy các ông như kẻ chăn bò mướn, còn con của ta như ông chủ được thọ hưởng năm sản phẩm của bò.
Rồi Phật nói bài kệ sau:
(19) Nếu người nói nhiều kinh,
Không hành trì, phóng dật.
Như kẻ chăn bò người,
Không phần Sa-môn hạnh.
(20) Dầu nói ít kinh điển,
Nhưng hành pháp, tùy pháp,
Từ bỏ tham, sân, si,
Tỉnh giác, tâm giải thoát,
Không chấp thủ hai đời,
Dự phần Sa-môn hạnh.