1- NHỮNG CHUYỆN LUÂN HỒI.. tiếp theo
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 02 Tháng tám 2009 10:05
- Viết bởi nguyen
1c. THỜI NIÊN THIẾU CỦA SĀmĀvatĪ
Tại thành phố Bhaddavatī có viên chưởng khố tên là Bhaddavatiya, vốn là bạn chưởng khố Ghosaka. Họ chưa hề gặp mặt, chỉ kết bạn vì nghe thương buôn qua lại giữa hai thành phố ca tụng tuổi tác và tài sản hai bên, và từ đó họ trao tặng phẩm vật cho nhau.
Về sau, bệnh dịch tả hoành hành trong nhà Bhaddavatiya. Trước hết là ruồi, côn trùng chết, rồi lần lượt chuột, gà vịt, heo bò, nô lệ trai và gái, cuối cùng là người trong gia đình. Bhaddavatiya cùng vợ và con gái, nhờ phá tường chạy trốn nên thoát chết. Họ nhắm hướng Kosambi định tìm đến Ghosaka. Dọc đường lương thực khô cạn, họ kiệt sức vì đói khát và phải phơi mình dưới nắng gió. Vất vả lắm họ mới đến được Kosambi. Sau khi tắm xong trong một hồ nước họ thấy dễ chịu, rồi vào nghỉ trong nhà trạm ở cổng thành. Viên chưởng khố kể cho vợ con biết là bạn của ông, viên chưởng khố tại đây, mỗi ngày đều phân phát một ngàn đồng tiền cho kẻ nghèo khó mù lòa, và ông quyết định ở lại đây vài ngày, cho con gái đến chỗ bố thí xin thức ăn về, lấy lại sức rồi mới đi gặp bạn.
Thế là cô gái nhà giàu, hết cả kiêu hãnh trong cơn hoạn nạn, cố giấu xấu hổ, cầm bát đi với đám dân nghèo xin ăn. Người ta hỏi cô xin mấy phần. Lúc đầu cô xin ba phần, ngày hôm sau cô xin hai phần, và hôm sau nữa chỉ còn có một phần. Ngày đầu tiên cha cô được mẹ cô an ủi và nài nỉ mãi mới chịu ăn của bố thí đó, nhưng vẫn không tiêu nổi, do đó sáng sớm hôm sau ông qua đời. Rồi hôm sau đến lượt mẹ cô cũng bỏ cô mà đi theo cha. Còn lại một mình, cô gái nằm lăn khóc lóc than van cho số phận bất hạnh và cảnh đời bất trắc của mình. Nhưng cơn đói cào cấu ruột gan đã khiến cô ngồi dậy, vừa khóc vừa đi theo đoàn ăn mày xin cơm.
Người quản lý Mitta nhớ rằng cô gái đã nhận thức ăn ba ngày liên tiếp, nên nạt đùa:
- Hỏng! Thứ đàn bà tồi! Rốt cuộc hôm nay mày đã biết cái bụng mày chứa được bao nhiêu chưa?
Vốn con nhà thế phiệt, lại hiền lành nhút nhát, cô nghe như bị kim châm muối xát. Cô chỉ biết nghẹn ngào hỏi:
- Thưa Ngài, vậy nghĩa là sao?
- Hôm kia mày lấy ba phần, hôm qua lấy hai, còn hôm nay chỉ lấy một. Vậy là đến hôm nay mày mới biết bụng mày chứa được bao nhiêu cơm.
- Thưa Ngài, không phải tôi lấy những phần ấy cho tôi.
- Vậy tại sao mày lấy?
- Hôm kia tôi có ba người, hôm qua có hai, bây giờ chỉ còn một mình tôi.
Cô gái kể lại câu chuyện từ đầu đến cuối. Mitta nghe xong không cầm được nước mắt. Ông bảo cô gái, lòng đầy trắc ẩn:
- Con thân yêu, trước đây con là con gái của Bhaddavatiya, nhưng từ nay trở đi con là con gái của ta.
Một hôm cô nhận thấy chỗ phân phát thức ăn luôn ồn náo, bèn góp ý với cha nuôi làm lối đi từ hai cổng ra vào đến chỗ phát thức ăn, có hàng rào bao quanh. Người ta sẽ vào bằng cửa này, lãnh thức ăn xong ra bằng cửa kia lần lượt theo lối đi, như vậy sẽ trật tự và êm thắm. Cha cô bằng lòng và cho thi hành. Từ đấy cô gái vốn tên là Sāmā, nay thêm vatī nghĩa là hàng rào.
Chưởng khố Ghosaka lâu nay đã nghe quen tiếng ồn náo nơi phân phát thức ăn, và cũng thích thú xem đó là sinh hoạt trong nhà ăn của mình. Hôm nay lại im lặng, ông ngạc nhiên hỏi quản lý Mitta, và nhờ đó được biết con gái mồ côi của Bhaddavatiya bạn mình. Ghosaka liền nhận cô gái làm con nuôi.
Vào ngày lễ hội trong thành, các tiểu thư con nhà vọng tộc được phép ra ngoài tắm sông. Và khi Sāmāvatī, con gái nuôi của Ghosaka cùng năm trăm tỳ nữ đi tắm, ngang qua cung điện, lọt vào mắt vua Udena, nên được lệnh tiến cung. Ban đầu Ghosaka không tuân lệnh vì sợ mang tiếng là bạc đãi con gái nuôi, nhưng sau bị vua niêm phong hết nhà cửa và chính Sāmāvatī bằng lòng, ông mới vâng lệnh thánh chỉ. Từ đó nàng trở thành hoàng hậu.
1d. Udena ĐƯỢC VĀsuladattĀ
Vua Udena còn có một thứ phi khác là Vāsuladattā con gái của vua Caṇḍa Pajjota xứ Ujjeni. Câu chuyện như sau:
Một hôm, từ hoa viên trở về, vua Caṇḍa Pajjota nhìn ngắm vẻ đẹp rực rỡ của mình rồi hỏi đám cận thần:
- Còn có ai đẹp đẽ rực rỡ như ta chăng?
Họ đáp:
- Vua Udena xứ Kosambi rực rỡ hơn bội phần.
- Vậy thì hãy bắt ông ta làm tù binh.
- Không bắt hắn được đâu, tâu bệ hạ.
- Sao vậy?
- Vì ông ta biết cách dẫn dụ loài voi. Có thể đuổi voi đi hay bắt voi lại tùy ý bằng cách đọc chú và chơi đàn. Không ai có nhiều voi cưỡi như Udena.
- Vậy là không thể bắt được ông ta sao?
- Nếu bệ hạ nhất quyết muốn bắt, hãy làm một con voi bằng gỗ, đưa đến gần vua Udena, lại tạo thêm tiếng ngựa hí, vua sẽ đi ra xa để xem là voi hay ngựa, và sẽ bị bao vây, lúc đó Ngài có thể bắt vua.
- Quả là diệu kế!
Rồi vua cho làm một con voi máy bằng gỗ, bọc vải và sơn thật khéo, xong mang đặt trên bờ hồ gần xứ của kẻ thù mình. Trong bụng voi có sáu mươi người đi tới lui. Thỉnh thoảng họ xúc những xẻng phân voi đổ ra ngoài. Một tiều phu trông thấy voi, liền tâu lên vua Udena. Vua và đám tùy tùng liền theo tiều phu đi xem voi. Đường đi của họ đều bị gián điệp theo dõi và báo tin cho vua Caṇḍa Pajjota, và một toán quân được phái đến sát bên Udena, nhưng không để cho vua biết. Rồi Udena gảy đàn và đọc thần chú thâu phục voi, nhưng không kết quả. Voi được những người núp trong bụng điều khiển, chạy như vũ bão như không hề nghe bùa phép. Vua thúc ngựa phi nước đại để cố theo kịp voi, nên quân lính bị rớt lại đằng sau xa lắc. Khi chỉ còn một mình, người của Caṇḍa Pajjota, mai phục sẵn hai bên, ùa ra bắt Udena. Quân lính của Udena thấy vua mình bị sa vào tay kẻ thù, bèn xây một doanh trại ngay bên ngoài xứ Ujjeni và ở lại đó.
Caṇḍa Pajjota bắt sống và tống giam kẻ thù xong, mở tiệc ăn mừng ba ngày. Udena nằm trong ngục tối đến ngày thứ ba đánh bạo hỏi người gác ngục:
- Này anh, vua của anh ở đâu?
- Đang chè chén say sưa vì bắt được kẻ thù.
- Vua của anh hành động chẳng khác gì đàn bà. Hắn đã bắt được ta một là tha hai là giết đi, lẽ nào đã làm nhục ta mà còn chè chén say sưa nữa!
Gác ngục đi báo và nhà vua liền đến hỏi Udena:
- Có phải mi đã nói... như thế, như thế?
- Vâng, đại vương.
- Tốt lắm, ta sẽ tha ngươi nếu ngươi chịu trao bùa chú cho ta.
- Đồng ý. Nhưng khi ngài nhận bùa chú, ngài có chịu lễ kính ta không?
- Lễ kính ngươi à, không!
- Thế thì ta sẽ không trao cho Ngài.
- Ta sẽ hành hình ngươi.
- Ta không sợ, vì Ngài chỉ làm chủ thân xác ta chứ không làm chủ tâm hồn ta.
Nghe Udena trả lời bướng bỉnh như thế, nhà vua bối rối không biết làm sao để đoạt được phù phép. Bỗng vua nghĩ ra một kế, liền bảo:
- Người bảo là sẽ tiết lộ bài chú cho người nào lễ kính ngươi phải không?
- Vâng đại vương.
- Tốt lắm. Trong nhà ta có một mụ lưng gù. Bà ta sẽ ngồi sau bức màn để nghe ngươi dạy thần chú.
- Gù hay què gì cũng được, miễn là lễ kính ta thì ta dạy thần chú.
Rồi nhà vua đến gặp công chúa Vāsuladattā:
- Con cưng, có một người cùi biết được câu thần chú rất linh nghiệm và quí báu. Con hãy ngồi bên trong bức màn để hắn dạy con thần chú. Con nên học với hắn vì cha không muốn ai khác được biết, rồi cha sẽ học lại với con.
Sở dĩ nhà vua phải bịa ra gù lưng và cùi hủi vì sợ hai người yêu nhau.
Một hôm, đến một câu chú sao đó mà Vāsuladattā không thể đọc lại cho đúng, dù Udena đã lặp đi lặp lại nhiều lần. Tức quá Udena la lên:
- Đồ gù đần độn! Môi dày mo, má chừ bự ! Mi đáng nhận mấy cái tát!
Vāsuladattā cũng giận dữ không kém:
- Đồ hủi hung tợn! Mi nói gì? Dám gọi ta là đồ gù hả?
Udena ngạc nhiên, vén màn lên và hỏi:
- Cô là ai?
- Tôi là công chúa Vāsuladattā.
- Cha cô bảo với tôi cô là người gù lưng.
- Còn ông, vua nói là bị cùi.
Rồi cả hai đồng nói một lượt:
- Vua nói thế vì sợ chúng ta yêu nhau.
Và quả như thế, tình yêu đến, nên từ đó trở đi họ hết học hết dạy.
Nhà vua không biết, thỉnh thoảng lại hỏi con gái:
- Này con, con đang học bài hả?
Công chúa tỉnh bơ đáp:
- Vâng, thưa cha.
Ngày kia, Udena bảo với người yêu rằng một người chồng có thể làm được những việc mà cha, mẹ, anh, chị không làm được, và nếu nàng cứu được Udena thì sẽ được ban năm trăm người tùy tùng và phong làm hoàng hậu. Công chúa bằng lòng và đến gặp cha xin mở cửa và một con voi để cưỡi vì cần đi ra ngoài ban đêm, theo sự chỉ dẫn của các tinh tú, tìm một loài dược thảo dùng trong chú thuật. Vua thuận cho, và họ được phép đi lúc nào tùy ý. Lúc bấy giờ vua có năm vật chuyên chở: một voi cái tên Bhaddavatī có thể đi năm mươi dặm một ngày, một nô lệ tên Kāka có thể đi sáu mươi dặm một ngày, hai ngựa cái Celakaṇṭhī và Muđjakesī có thể đi một trăm dặm một ngày và một voi tên Nālāgiri có thể đi một trăm hai mươi dặm một ngày.
Chuyện quá khứ
CAṆḌA PAJJOTA ĐƯỢC NĂM VẬT CHUYÊN CHỞ
Hình như trước khi Phật hiện tại ra đời nhà vua đã là nô lệ cho một Trưởng giả. Có lần Trưởng giả đi ra ngoài thành tắm, trở về gặp một vị Phật Độc Giác khất thực trong thành trở ra, với bình bát sạch như lau, bèn hỏi:
- Bạch Tôn giả! Ngài có nhận được gì không?
- Tôi đã đi một vòng và giờ ra khỏi thành, đạo hữu ạ.
Ngài không trả lời ngay câu hỏi mà nói ra điều không hỏi, nhưng vẫn có nghĩa là không nhận được thức ăn. Nhìn vào bình bát, thấy trống không, Trưởng giả thỉnh Ngài đợi một lát rồi vội vã về nhà. Lúc bấy giờ áp lực xấu ác của Marā trùm khắp thành, nó còn giả dạng đến hỏi Ngài sao không nhận được thức ăn và khuyên Ngài trở lui. Nhưng Ngài đã quyết chí không trở lui, vì biết rằng một lần nữa Marā sẽ dùng quyền lực sai khiến dân cư reo hò và chọc phá Ngài.
Thấy nhà có thức ăn sẵn, Trưởng giả vội bảo tên hầu chạy hết sức mình đến gặp Phật và lấy bình bát mang về gấp. Trưởng giả để thực phẩm đầy bát xong, lại bảo tên hầu tức tốc mang bát giao lại cho Phật, với lời hứa rằng sẽ nhường cho anh ta công đức này.
Tên hầu đi và về mau như tên bắn, và khi đưa bát cho Phật đã bạch rằng:
- Bạch Tôn giả, trong thời gian ngắn con đã đi và về nhanh hết sức mình. Do phước báo của sự nhanh nhẹn này, con mong rằng sẽ được năm vật chuyên chở có thể đi năm mươi, sáu mươi, một trăm và một trăm hai mươi dặm một ngày. Thời gian đi và về đó thân con hun nóng dưới tia nắng mặt trời. Do phước báo việc làm này con mong rằng dù tái sanh ở nơi nào, con cũng sẽ được quyền lực bằng sức mạnh những tia nắng mặt trời. Chủ con đã nhường công đức của sự cúng dường này, do phước báo đó con mong được dự phần vào giáo pháp Ngài đã ngộ.
Phật hứa khả:
- Sẽ được vậy.
Và Ngài nói kệ:
Mong mọi sở nguyện thí chủ
Được thành tựu tốt đẹp.
Mong mọi sở nguyện thí chủ
Viên mãn như trăng rằm.
Mong mọi sở nguyện thí chủ
Được thành tựu tốt đẹp.
Mong mọi sở nguyện thí chủ
Viên mãn như ngọc lộ quang.
Đó là việc làm của vua Caṇḍa Pajjota trong kiếp trước, và do phước báo này vua có năm vật chuyên chở.
Một hôm nhơn lúc vua Caṇḍa Pajjota dạo chơi vườn thượng uyển, Udena bỏ trốn.Ông nhét đầy tiền vàng và bạc vào nhiều túi da lớn, xong đặt lên lưng voi cái, rồi đỡ Vāsuladattā lên yên và họ ra đi. Quân thị vệ trông thấy liền phi báo cho vua. Vua sai lính tức tốc đuổi theo. Udena bèn mở túi vàng rải tiền vàng xuống đường. Quân truy nã dừng lại nhặt vàng rồi mới đuổi tiếp. Ông lại mở túi bạc rải dưới đất. Quân truy nã vì cứ mãi ngừng lại để nhặt bạc nên chậm trễ, để Udena chạy thoát về doanh trại dựng ngoài thành.Quân lính của Udena trông thấy ông nhiệt liệt đón mừng và hộ tống ông về Kosambi. Sau đó ông tổ chức lễ cưới và tấn phong Vāsuladattā lên ngôi thứ phi.
1E. ĐỨC PHẬT TỪ CHỐI MĀgandiyĀ
Một thứ phi khác của vua Udena là Māgandiyā nguyên là con gái của một Bà-là-môn tên là Māgandiyā, sống ở xứ Kuru. Mẹ cô và cả chú út, em của cha cô, cũng tên là Māgandiyā. Cô ta đẹp như thiên nữ nên ông Bà-la-môn khó tính không thấy ai, kể cả những chàng trai vọng tộc nhất trong xứ đã đến cầu hôn, xứng đáng làm rể đông sàng.
Ngày kia, sáng sớm đức Đạo sư quan sát thế gian, nhận thấy Bà-la-môn Māgandiyā và vợ ông có đủ duyên lành chứng quả A-na-hàm. Ngài đắp y ôm bát đến vùng ven phố thị nơi Bà-la-môn đang tế thần lửa. Ông ta ngắm nhìn thân Như Lai thấy toàn hảo, thầm nghĩ không ai trên thế gian có thể so bì với người này, ta sẽ gả con gái cho ông để nâng khăn sửa túi. Ông ta nói với đức Đạo sư:
- Này Tỳ-kheo! Tôi có cô con gái độc nhất và chưa thấy ai xứng với nó trừ ông. Ông phải có một người vợ và nó phải có một người chồng. Tôi sẽ gả nó cho ông. Hãy đứng đợi tại đây cho đến khi tôi trở lại.
Đức Đạo sư đứng yên, không nói một lời. Người Bà-la-môn vội vã về nhà, hớn hở bảo với bà vợ:
- Bà ơi! Tôi đã gặp một người xứng với con gái ta. Mau lên! Mặc cho nó bộ đồ đẹp đẽ vào!
Rồi ông dẫn vợ con đến gặp đức Đạo sư. Cả thành xôn xao:
- Mọi khi lão này chê bai đủ kiểu người nào đến cầu hôn con gái lão. Nhưng nghe đồn rằng hôm nay lão ta đã gặp một người môn đăng hộ đối rồi. Không biết mặt mũi anh chàng này ra sao mà lão chấm đậu vậy?
Rồi họ theo ông đi xem anh chàng tốt số.Trong thời gian đó, đức Đạo sư thay vì đứng yên chờ đợi, Ngài bỏ đi, để lại một dấu chân. (Dấu chân Phật chỉ xuất hiện trên chỗ đã bước, không có ở chỗ khác, và chỉ người nào đủ phước duyên mới thấy được. Dù voi rừng hay thú hoang có giẫm lên hay mưa bão dữ dội, gió giông gào thét thổi đến, cũng không xóa được dấu chân của Phật.) Đến nơi cũ, người Bà-la-môn ngạc nhiên không thấy Phật. Nhìn quanh quất một hồi ông phát hiện dấu chân. Vợ người Bà-la-môn thuộc lòng ba bộ Vệ-đà, luôn cả những bài thơ liên quan đến tướng số. Bà lẩm bẩm đọc lại và xem xét tỉ mỉ hình nét dấu chân trước mặt. Cuối cùng bà kết luận:
- Ông ơi! Đây không phải dấu chân của người chạy theo ngũ dục.
Rồi bà đọc kệ:
Dấu chân người tham dục cạn cợt,
Của ác nhơn, lún mạnh xuống đường.
Người ngu si, dấu thường lết bết.
Đây, dấu chân người hết dục tham.
Người Bà-la-môn không tin lời vợ nên nạt đùa:
- Khéo tưởng tượng! Bà lúc nào cũng thấy cá sấu trong chậu nước, ăn trộm núp trong nhà! Hãy im đi!
Bà vợ vẫn một mực đoan chắc:
- Ông ưa nói gì thì nói. Nhưng đây không phải dấu chân người chạy theo ngũ dục.
Người Bà-la-môn vẫn đi lòng vòng tìm kiếm, chợt thấy đức Đạo sư liền mừng rỡ reo lên:
- Ông ta đây rồi!
Và ông thưa với Phật:
- Tỳ-kheo! Tôi gả con gái tôi cho ông để nâng khăn sửa túi.
Đức Đạo sư thay vì trả lời ưng thuận hay không, lại bảo:
- Bà-la-môn! Ta có vài việc để nói với ông.
Và ông ta lắng nghe đức Đạo sư kể chuyện Ma vương đã theo đuổi Ngài như thế nào, từ lúc xuất gia đến khi ngồi dưới cội Bồ-đề, cuối cùng chính Ma vương ngồi dưới cây Bồ-đề, thiểu não buồn rầu vì thấy quyền lực của mình không làm gì Phật được. Con gái Ma vương bèn đến an ủi cha, rồi biến thành thiếu nữ trẻ và đàn bà đứng tuổi để cố quyến rũ Phật. Đức Đạo sư lúc đó nói rằng:
Đã thấy rõ Khát ái, Sầu buồn, Dục lạc
Ta đâu còn ưa hạnh phúc tình yêu
Tấm thân kia, chứa các thứ tiểu, tiêu.
Ta không muốn, dù dùng chân, chạm đến.
Ngay khi Phật kết thúc bài kệ, người Bà-la-môn và vợ chứng A-na-hàm. Còn Māgandiyā tự nhủ: “Nếu ông này không cần ta, kể cũng đúng, nhưng nói người ta chứa đầy phẩn tiểu thì thật quá lắm. Được rồi! Với dòng dõi, địa vị xã hội, tài sản và sức quyến rũ của tuổi thanh xuân sẵn có, ta sẽ được một tấm chồng xứng đáng, và rồi ta sẽ biết phải làm gì đối với Sa-môn Cồ-đàm”. Từ đó cô nuôi lòng căm ghét đức Phật (Đức Phật biết cô căm ghét Ngài, nhưng Ngài vẫn đọc kệ vì lợi ích cho hai người kia, để họ chứng thánh quả, chớ không quan tâm đến lòng thù hận trực tiếp chống lại mình).
Cha mẹ cô gởi cô cho chú Culla Māgandiyā, từ bỏ thế gian, sau đó chứng quả A-la-hán. Chú Māgandiyā biết cháu mình chỉ xứng đáng làm vợ vua, nên trang điểm cho nàng đủ món trang sức rồi đưa đến Kosambi dâng cho vua Udena. Vua hài lòng, làm lễ đăng quang cho nàng lên ngôi thứ phi với năm trăm thị nữ.
Vậy là vua Udena có ba bà vợ với một ngàn năm trăm thị nữ.
1G. CÁI CHẾT CỦA SĀmĀvati và MĀgandiyĀ, CÁC CHƯỞNG KHÓA, CÁC Tỳ kheo và vỊ THẦN CÂY
Có ba vị chưởng khố cùng ở Kosambi là Ghosaka, Kukkuṭa và Pāvāriya. Mùa mưa gần đến, năm trăm ẩn sĩ từ Hy-mã-lạp-sơn về thành khất thực. Cả ba vị chưởng khố hoan hỷ cung cấp toạ cụ và cúng dường thức ăn, và còn dâng cúng phòng ốc trong nhà mình suốt bốn tháng mưa khi các vị ẩn sĩ chịu ở lại. Từ đó, thường thường sau tám tháng trong Hy-mã-lạp-sơn, các ẩn sĩ về ngụ bốn tháng mưa nơi ba chưởng khố.
Một lần từ Hy-mã-lạp-sơn trở về thành, các ẩn sĩ ngồi nghỉ dưới gốc một cây đa to trong rừng vắng. Vị già nhất vừa nghĩ đến xin nước uống nơi vị thần cây – chắc là một vị đại lực thần vương – thì lập tức họ được nước uống. Nghĩ đến thức ăn thì cũng được thức ăn, rồi muốn nhìn thấy thần cây cũng được nhìn thấy. Thần cây tách khỏi thân cây chui ra. Các vị ẩn sĩ đến gần ông và hỏi làm thế nào ông được đại thần lực như vậy. Vị thần khiêm tốn, thấy công đức mình nhỏ nhoi không muốn nói, nhưng vì bị nài nỉ mãi đành phải kể lại chuyện quá khứ:
VIỆC LÀM TRƯỚC ĐÂY CỦA THẦN CÂY
Thần cây xưa là một người nghèo, sinh sống nhờ tìm được việc làm với ông Cấp Cô Độc. Vào ngày Bát quan trai, từ tinh xá trở về nhà, Cấp Cô Độc hỏi gia nhân có cho người làm này biết hôm nay là ngày trai giới không. Họ chưa cho biết. Ông liền bảo nấu cho anh ta phần cơm tối. Nhưng khi dọn cơm lên, anh ta đã từ chối không ăn, dù đã làm việc cực nhọc suốt ngày trong rừng. Sở dĩ ông ta nhịn ăn vì được biết hôm nay là ngày trai giới. Chiều nay thật là im lìm, khác với mọi chiều tiếng ồn vang dội, nào là cho tôi cơm, cho tôi nước xúp, cà-ri… Mọi người đều giữ giới không ăn chiều, ngay cả đứa bé còn ẵm ngữa; sau khi súc miệng họ chỉ ngậm bốn viên kẹo. Một đèn dầu thơm thắp sáng cả phòng, và già trẻ đều đọc lên ba mươi hai yếu tố của thân. Riêng anh vì hay tin trễ, mới bắt đầu ngày trai chiều nay nên được hưởng nửa công đức. Đến tối anh bắt đầu thấy khó chịu vì quá đói. Anh nịt một sợi dây quanh mình, và nắm đuôi dây nịt trong tay anh cứ siết thêm mãi. Trưởng giả hay được, cầm đuốc đến chỗ anhï và lấy bốn viên kẹo cho anh, nhưng anh vẫn không ăn vì không muốn mất luôn nửa công đức của ngày trai. Anh kiên trì giữ giới như thế cho đến khi mặt trời mọc thì lìa đời như một vòng hoa héo, và tái sanh vào cây đa này.
Phần kết:
Chuyện chưởng khố, Tỳ-kheo và thần cây.
Rồi thần cây kết luận: “Trưởng giả đã cúng dường Phật, cúng dường Pháp, cúng dường Tăng. Và nhờ ông ta, tôi hưởng được phước báo nửa ngày trai giới nên mới có đại thần lực này”.
Năm trăm ẩn sĩ nghe đến danh hiệu Phật liền chỗi dậy, dang tay ra trong thái độ tôn kính và khẩn cầu vị thần cây hãy nói “Phật-đà”. Họ yêu cầu thần cây nói lên niềm tin của mình bằng cách lặp lại ba lần “Phật-đà”, rồi họ trịnh trọng tuyên bố:
- Rất khó mà nghe được danh hiệu này trên thế gian!
Và kết luận:
- Thần nhân! Ông đã cho chúng tôi nghe được một âm thanh mà biết bao trăm ngàn kiếp chúng tôi không hề nghe.
Rồi các môn đệ ngỏ ý với thầy họ muốn đi đến đức Đạo sư. Và tất cả đều đồng ý là ngày mai, sau khi nhận thức ăn nơi ba vị chưởng khố, nói cho ba vị ấy biết ý định rồi sẽ lên đường. Cả ba, sau khi dâng tọa cụ và cúng dường cháo đặc tại nhà mình, được biết đoàn ẩn sĩ sẽ đi ngay thì không tránh khỏi ngạc nhiên nên hỏi:
- Chư Tôn giả! Không phải các Ngài đã hứa ở lại với chúng tôi bốn tháng mưa sao? Bây giờ các Ngài đi đâu?
- Đức Phật đã xuất hiện trên thế gian, Pháp đã ra đời, Tăng đã ra đời. Do đó chúng tôi đi gặp Đạo sư.
- Nhưng chỉ có các Ngài mới xứng đáng đi đến đức Đạo sư sao?
- Không ngăn cấm ai hết, đạo hữu ạ.
- Vậy thì chúng tôi cùng đi.
Vì còn phải chuẩn bị nên ba vị chưởng khố để đoàn ẩn sĩ đi trước. Họ đến Thế Tôn, xưng tán, đảnh lễ Ngài và cung kính ngồi xuống một bên. Thế Tôn thuyết pháp tuần tự cho họ, và ngay khi kết thúc bài pháp, tất cả đều chứng A-la-hán cùng các thứ thần thông. Rồi họ xin gia nhập Tăng đoàn, Phật bảo: “Hãy đến, các Tỳ-kheo!” Họ liền trở thành Tỳ-kheo có đầy đủ y bát do thần lực tạo ra.
Phần ba chưởng khố thì sắm những thứ cúng dường cần thiết gồm y phục, ngọa cụ, bơ, mật, mật mía v.v..., chở mỗi thứ năm trăm xe đi đến Xá-vệ.Gặp Phật, họ đảnh lễ, nghe pháp và cuối bài pháp chứng quả Dự lưu. Họ ở lại với Thế Tôn hai tuần, cúng dường và thỉnh Phật đến Kosambi.
Trở về xứ, chưởng khố Ghosaka xây tinh xá Ghosita, Kukkuṭa xây tinh xá Kukkuṭa, Pāvāriya cất tinh xá Pāvāriya. Xong họ thỉnh Phật đến và lần lượt hầu hạ. Đức Phật ở mỗi tinh xá một ngày và thọ thực tại đó. Cả ba chưởng khố có người hầu là Sumana làm vườn, phục vụ họ đã lâu. Anh ta xin cúng dường Phật và được dành cho ngày mai.
KHUJJUTTARĀ CHUYỂN HÓA SĀMĀVATĪ
Anh làm vườn Sumana vẫn thường bán hoa cho Khujjuttarā, nữ tỳ của hoàng hậu Sāmāvatī. Nhưng hôm đó anh không cắt hoa giao cho hoàng cung mà dành để dâng Phật vì anh đã thỉnh Phật về nhà cúng dường. Ngoài những lời xin lỗi Khujjuttarā, anh còn mời nàng ở lại:
- Xin cô đợi tôi hầu Phật và nghe pháp. Sau đó cô có thể lấy hết số hoa còn lại.
Cô đồng ý.
Khi Phật dẫn đầu Tăng đoàn đến nhà, Sumana đỡ lấy bình bát và được Phật hồi hướng công đức. Những lời này đã khiến Khujjuttarā chứng quả Dự lưu.
Từ trước đến giờ, trong số tiền tám đồng của vua Udena dành cho hoàng hậu Sāmāvātī mua hoa, cô thường cất riêng bốn đồng cho mình và chỉ mua bốn đồng hoa. Nhưng ngày hôm nay cô mua cả tám đồng mang về. Hoàng hậu ngạc nhiên thấy số hoa gấp đôi mọi ngày, hỏi ra mới biết tự sự, và lý do nhờ nghe bài thuyết pháp của đấng Giác Ngộ Tối Thượng. Thay vì nổi giận nhiếc mắng cô tỳ nữ và đòi lại số tiền cô đã bớt xén bà lại sanh tâm hoan hỷ muốn được uống dòng pháp bất tử đó. Và trước khi trùng tuyên bài pháp của Như Lai, Khujjuttarā được hoàng hậu tắm cho với mười sáu bát nước thơm, được mặc vào y phục đẹp bằng vải mịn, từ đồ lót đến áo khoác vai, và cũng được dọn sẵn một chỗ ngồi. Cô đã thuyết pháp cho năm trăm cung nữ nghe y như Thế Tôn đã thuyết, ngồi pháp tòa tay cầm chiếc quạt có hình vẽ. Mọi người nghe xong đều vui mừng bảo cô:- Này bạn, từ nay trở đi đừng làm việc tội lỗi. Hãy làm một bà mẹ và một Đạo sư của chúng tôi. Hãy đến Thế Tôn nghe đủ hết pháp đã giảng và về đây trùng tuyên lại cho chúng tôi.
Cô đã thi hành thật trung thực lời dặn dò đến nỗi sau đó cô thuộc lòng hết Tam tạng, và đức Phật cũng đã xác nhận là trong hàng cư sĩ nữ, người đã học thuộc thánh điển và có thể giảng giải pháp đệ nhất là Khujjuttarā.
Năm trăm cung nữ, sau những thời pháp của Khujjuttarā đều phấn khởi và mong muốn gặp Thế Tôn. Nhưng với luật lệ cung cấm, cung nữ không thể tự do đi ra ngoài, vì vậy bảo họ hãy đục lỗ trên tường, mang sẵn hương hoa để đó, Khujjuttarā khi Thế Tôn đến cửa nhà ba chưởng khố, từ trong phòng mỗi người nhìn qua lỗ tường sẽ thấy được Ngài để đảnh lễ và xưng tán.
MĀGANDIYĀ ÂM MƯU CHỐNG LẠI SĀMĀVATĪ VÀ ĐỨC PHẬT
Một hôm, Māgandiyā rời cung điện đi bộ đến dãy phòng cung nữ, và ngạc nhiên khi thấy những lỗ hổng trên tường, hỏi ra mới biết là vì các cung nữ muốn chiêm ngưỡng và xưng tán Phật. Bà muốn mưu hại Sāmāvatī và Phật nên tâu với vua Udena là Sāmāvatī và đám cung nữ tùy tùng sẽ phản bội vua, và trong vài hôm nữa sẽ hại mạng vua. Nhưng vua không tin. Bà cứ tâu tới tâu lui bên tai nhưng vua vẫn không tin. Bà bèn thỉnh vua đến khu vực của Sāmāvatī chỉ những lỗ hổng trên tường. Vua hỏi tại sao và khi hiểu được lý do vua không nói lời nào, chỉ truyền lấp hết lỗ hổng và cho làm cửa sổ có một khoảng hở ở trên, tại tất cả các phòng (Người ta nói loại cửa sổ hở bên trên ra đời từ đó. Không bôi nhọ được Sāmāvatī cùng các cung nữ, Māgandiyā quay sang tìm cách lăng nhục đức Phật. Bà xúi giục những tên côn đồ đi sau Phật mắng nhiếc và nhục mạ Ngài với đủ lời lẽ nặng nề:
- Mi là một tên trộm, đồ ngu ngốc, đồ điên, đồ lạc đà, bò tót, đồ lừa, đồ ở địa ngục, đồ thú vật, mi không có hy vọng được giải thoát. Những trừng phạt sẽ đến với mi.
Tôn giả A-nan nghe những lời chửi bới quá thậm tệ, không chịu nổi, bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Dân ở đây mắng nhiếc và nhục mạ chúng ta. Chúng ta hãy đi nơi khác!
- Ta sẽ đi đâu, A-nan?
- Đến thành phố khác, thưa Thế Tôn.
- Nếu ở đó người ta cũng chửi mình thì sẽ đi đâu, A-nan?
- Sẽ đi chỗ khác nữa, thưa Thế Tôn.
- Nếu ở đó người ta cũng chửi mình nữa thì sao?
- Chúng ta lại đi đến chỗ khác, thưa Thế Tôn.
- A-nan, đừng nói thế. Ở đâu có khó khăn thì phải giải quyết ở đó. Ổn thỏa rồi mới được phép đi nơi khác. Nhưng ai chửi ông, A-nan?
- Bạch Thế Tôn! Mọi người đều mắng nhiếc chúng ta, bọn côn đồ và cả đám dân kia.
- A-nan, ta như con voi xông ra trận. Bổn phận của voi xông trận là hứng chịu những mũi tên từ bốn phía. Đúng thế, bổn phận của ta là kham nhẫn những lời nói ác độc.
Rồi Phật thuyết pháp về chính Ngài với ba Pháp Cú như sau trong phẩm Voi:
Ta như voi giữa trận,
Hứng chịu cung tên rơi,
Chịu đựng mọi phỉ báng.
Ác giới rất nhiều người.
Voi luyện đưa dự hội,
Ngựa luyện được vua cưỡi.
Người luyện, bậc tối thượng,
Chịu đựng mọi phỉ báng.
Tốt thay con la thuần,
Thuần chủng loài ngựa Sindh.
Đại tượng, voi có ngà,
Tự điều mới tối thượng.
Bài pháp đã đem lại lợi ích cho những người lúc ấy đang tụ tập chung quanh. Rồi đức Phật khuyên A-nan:
- A-nan, đừng phiền muộn. Những người này chỉ mắng nhiếc ông trong bảy ngày, đến ngày thứ tám họ sẽ yên lặng. Khó khăn đến với Phật không kéo dài quá bảy ngày.
Māgandiyā tuy thất bại trong âm mưu đẩy Phật rời khỏi thành, vẫn không lùi bước. Bà lập kế hại bọn cung nữ kính tín Phật. Bà dặn chú của bà là thầy Tư tế trong cung mang theo tám con gà sống và tám con gà chết vào hầu vua, lúc đó đang uống rượu với bà. Người chú vào cung, đến bậc thềm cao nhất thì đứng ở đó, không muốn vào chốn ngự ẩm. Bà liền bảo tiểu đồng đến đó lấy tám con gà sống dâng vua và xúi vua ra lệnh cho cung nữ của Sāmāvatī nấu nướng dâng lên vua. Vua chuẩn tấu. Tiểu đồng y lệnh ra đi rồi trở về tâu lời của các cung nữ:
- Chúng ta không giết hại sinh vật.
Māgandiyā lại tiếp tục ton hót:
- Đại vương! Muốn biết họ có thật sự giết hại sinh vật hay không, xin bệ hạ cứ bảo nấu nướng gửi đến Sa-môn Cồ-đàm.
Vua nghe theo, lại sai tiểu đồng đi đến các cung nữ lần nữa. Nhưng lần này chú mang tám con gà sống đến thầy Tư tế trước để đổi lấy tám con gà chết rồi mới giao lệnh vua đến các cung nữ:
- Vua ra lệnh nấu những con gà này dâng đức Phật.
Lần này họ nhận lời:
- Dĩ nhiên, đây là bổn phận của chúng tôi.
Tiểu đồng trở về tâu lại đúng như vậy. Và Māgandiyā không bỏ lỡ dịp gièm pha với vua:
- Đại vương thấy chưa! Họ không làm theo ý Ngài, mà chỉ hướng về người khác.
Nhưng vua vẫn giữ yên lặng, tha thứ cho họ. Māgandiyā tức tối nhưng không biết làm gì hơn đành cố nuốt hận chờ dịp khác.
Nhà vua có thói quen đến với mỗi hoàng hậu bảy ngày. Biết rằng ngày hôm sau vua sẽ đến cung của Sāmāvatī, Māgandiyā nhắn người chú gởi cho bà một con rắn đã tẩm thuốc độc vào răng. Đi đâu vua Udena vẫn mang theo cây đàn dùng chú thuật lũ voi, trong bao đàn có thủng một lỗ, và bà đã bỏ con rắn vào đó song bít lại với một bó hoa.
Khi vua sắp đi đến cung Sāmāvatī, bà bèn kể cơn mộng dữ và xin can vua đừng đến đó. Vua không nghe. Bà lại đòi đi theo, dù nhà vua không đồng ý lắm.Được Sāmāvatī và cung nữ hầu cận mặc y phục, xông ướp hương hoa và trang sức xong, vua ăn uống thân mật và lên giường, để đàn bên gối. Māgandiyā giả vờ đi tới lui, thừa lúc không ai để ý rút bó hoa trong cây đàn ra. Con rắn đã bị bỏ đói trước đó mấy ngày, trườn ngay khỏi lỗ thủng, ngóc đầu và rít lên, cuốn mình trên đầu giường. Māgandiya làm như bất ngờ thấy con rắn hoảng hốt la lên:
- Ồ! Đại vương, con rắn kìa!
Và bà càm ràm, trách móc:
- Ông vua dại dột, xui xẻo này chẳng chịu nghe ta nói gì cả. Những tên vô lại này thật không biết hổ thẹn, chúng làm như không nhận được ân huệ gì của vua mà còn muốn vua chết để sống sung sướng. Nhưng khi nào vua còn sống thì chúng sẽ còn chật vật. Đại vương, thiếp đã báo động về cơn ác mộng và đã can Ngài đừng đến cung Sāmāvatī, mà Ngài nào có nghe đâu!
Nhà vua thấy rắn sợ chết khiếp, lửa giận phừng phừng, ông gầm lên:
- Chúng đã cả gan làm việc tày trời như vậy! Thật là tội lỗi! Ta đã không nghe Māgandiyā khi nàng kể ra nết xấu tật hư của chúng, nào là đục lỗ trên tường nhà để ngồi nhìn ở đó, bảo nấu gà cho ta thì chúng trả lại và hôm nay bỏ rắn lên giường ta.
Trong khi đó Sāmāvatī hết lời khuyên giải năm trăm cung nữ của nàng:
- Các bạn, chúng ta không còn nơi nương tựa nào khác. Hãy thật tình yêu mến vua và hoàng hậu như thương chính mình. Đừng giận dữ bất cứ ai.
Rồi nhà vua ra lệnh mang chiếc cung của mình, một cây cung khổng lồ phải một ngàn người mới khiêng nổi. Để Sāmāvatī đứng trước còn tất cả các cung nữ đứng sắp hàng phía sau, vua lắp mũi tên độc và bật dây cung nhắm ngay ngực Sāmāvatī, nhưng nhờ thần lực xuất phát từ lòng từ bi của bà, mũi tên quay ngược lại theo con đường đã đến, nhắm ngay tim nhà vua.
Vua thầm nghĩ: “Mũi tên này có thể xuyên qua cả tảng đá và không có vật gì trong trời đất này khiến nó quay mũi lại. Giờ đây nó đã quay trở lại khi gặp Sāmāvatī. Tuy vô tri giác và không có sự sống, nó vẫn biết Sāmāvatī là con người hiền thiện, thế mà một vị vua, một con người như ta, lại không biết được.” Vua ném cung đi, quỳ xuống trước Sāmāvatī, hai tay dang ra, cung kính nói kệ:
Ta quá sức hoang mang bối rối
Bốn phương trời đảo lộn trong tâm
Sāmāvatī hỡi, xin nàng che chở
Hãy làm nơi nương tưa cho ta.
Sāmāvatī, đệ tử của đấng Đại Giác cũng đáp lại bằng bài kệ:
Đừng tìm nương tựa nơi tôi,
Hãy tìm nương tựa ở nơi Phật-đà
Đấng Vô Thượng; Ngài chính là
Người tâm tôi hưóng tới mà náu nương.
Đại vương nương đấng pháp vương
Tôi xin nương tựa đại vương một lòng.
Nhưng nỗi sợ hãi của vua cứ gia tăng khiến vua phải lặp lại bài kệ xin nương tựa nơi Sāmāvatī. Bà cương quyết từ chối. Cuối cùng vua bằng lòng:
- Vậy thì, ta xin nương tựa nơi nàng và nơi đức Đạo sư, ta sẽ ban ơn cho nàng.
Bà hoan hỷ:
- Tôi xin nhận.
Nhà vua đến chỗ Phật xin qui y và thỉnh Phật nhận cúng dường rộng rãi trong bảy ngày. Rồi quay sang Sāmāvatī, vua bảo:
- Hãy đứng lên và chọn gì tùy ý.
- Đại vương, tôi không cần vàng bạc, nhưng chúng tôi xin đặc ân này. Xin Ngài sắp xếp sao cho Thế Tôn có thể đến đây mỗi ngày cùng với năm trăm Tỳ-kheo để tôi được nghe pháp.
Nhà vua quay lại đảnh lễ Phật và cung thỉnh Phật cùng với năm trăm Tỳ-kheo. Vì Phật không thể đến hoài một chỗ trong khi nhiều nơi cần, nên Ngài gởi Trưởng lão A-nan đến hoàng cung mỗi ngày.
Hôm đó, như thường lệ, họ dâng thức ăn và lắng nghe Trưởng lão thuyết pháp. Lòng tràn đầy an lạc, họ dâng lên Trưởng lão năm trăm bộ y vàng đang khoác trên vai, mỗi bộ trị giá năm trăm đồng tiền. Khi nhà vua không thấy họ khoác y vàng, hỏi ra biết đã dâng cúng, liền đến Trưởng lão hỏi tiếp:
- Bạch Tôn giả! Ngài làm gì với số y nhiều thế?
- Tôi sẽ giữ đủ số y cần thiết, số còn lại sẽ trao cho những vị đã rách y.
- Những vị đó làm gì với y rách?
- Họ sẽ cho những vị y còn rách nát hơn nữa.
- Với những y rách nát đó họ sẽ làm gì?
- Làm khăn trải giường.
- Còn khăn trải giường cũ?
- Làm thảm chùi chân.
- Còn tấm thảm cũ?
- Sẽ làm khăn lau chân.
- Rồi khăn lau chân cũ?
- Sẽ được cắt ra từng mảnh nhỏ trộn với hồ để trét vách.
- Như vậy, bạch Tôn giả, dù tất cả y đều dâng lên Tôn giả, nhưng không phung phí.
- Hoàn toàn đúng vậy, thưa đại vương.
Nhà vua hài lòng đến nỗi truyền đem thêm năm trăm y đặt dưới chân Trưởng lão. (Tục truyền rằng Trưởng lão đã từng nhận một ngàn chiếc y trị giá năm trăm đồng tiền đến một trăm ngàn lần, một ngàn chiếc y trị giá một ngàn đồng tiền đến một ngàn lần, một ngàn chiếc y trị giá một trăm ngàn đồng tiền đến một trăm lần. Với số y lẻ tẻ, từ một, hai... đến mười thì Ngài nhận không kể nổi. Đến khi đức Phật nhập diệt, Trưởng lão A-nan du hành khắp xứ Diêm-phù-đề, và Ngài đã tặng Tỳ-kheo trong các tinh xá y bát của chính Ngài).
SĀMĀVATĪ BỊ THIÊU VÀ MĀGANDIYĀ BỊ TRỪNG PHẠT
Māgandiyā thấy rằng bất cứ mưu tính nào đưa ra hậu quả đều ngược với sự mong đợi của bà. Lần này bà cho tiến hành một kế hoạch khác. Bà ra lệnh cho người chú đến cung điện của Sāmāvatī, mở cửa kho lấy vải nhúng dầu rồi quấn vào cột nhà. Tập hợp tất cả các cung nữ vào trong nhà, đóng cửa lại không chừa một ai, rồi lấy đuốc châm lửa đốt, xong tụt xuống đi về.
Sāmāvatī thấy người chú bao quanh cột với vải nhúng dầu ngạc nhiên hỏi và được biết là để cho chắc cột. Và ông ta bắt họ vào phòng, châm lửa đốt. Trong đám lửa đang cháy lan thật nhanh, Sāmāvatī khuyên nhắc các tỳ nữ:
- Dù với trí tuệ của Phật cũng khó xác định được trong vòng luân hồi từ vô thủy, thân xác chúng ta đã bị thiêu đốt bao nhiêu lần. Vậy, các ngươi hãy chánh niệm.
Trong khi lửa lan cháy thật nhanh, Sāmāvatī và các cung nữ chuyên tâm thiền định về đề mục “sự đau đớn”, và họ đã chứng các quả Thánh.
Thế Tôn, khi nghe các Tỳ-kheo kể chuyện Sāmāvatī và năm trăm cung nữ bị mất mạng, để giải đáp câu hỏi về số phận của họ trong kiếp sau, đã cho biết là có người chứng Sơ quả, có người chứng Nhị quả, có người chứng Tam quả do phước báo của việc làm quá khứ, và Ngài nói kệ:
Với xiềng xích vô minh vọng tưởng
Thấy thế gian như đẹp như bền
Do vô minh, nhân duyên ràng buộc
Kẻ ngu cho thế giới trường tồn
Người khôn nghe thấy như thật biết
Chẳng có gì ra thoát diệt sanh.
Rồi Phật thuyết pháp:
- Này các Tỳ-kheo! Trong vòng luân hồi, chúng sanh không phải lúc nào cũng chuyên niệm nhất tâm, đôi khi họ đã phạm ác hạnh, do đó họ kinh qua cả hai lạc và khổ.
Lúc bấy giờ nhà vua đang ở vườn giải trí. Nghe tiếng kêu la cung của Sāmāvatī bị cháy, ông vội đến đó, nhưng tất cả đã bị cháy rụi. Ông ngồi xuống bậc thềm, triều thần vây quanh, vô cùng thương tiếc Sāmāvatī khi nhớ lại đức hạnh của nàng. Ông thắc mắc không biết ai có thể gây ra việc đau thương này và nghĩ ngay đến Māgandiyā. Ông muốn dùng mẹo dò hỏi bà ta nên nói với những người tùy tùng:
- Thế cũng xong! Bây giờ ta hết bị lôi kéo hay bận rộn nữa. Sāmāvatī luôn luôn tìm cớ giết ta khiến ta sợ hãi và ngờ vực. Nhưng giờ đây tâm ta sẽ yên ổn và ta có thể nằm ngủ yên lành.
- Ai đã làm việc này, đại vương?
- Người mà thật sự yêu ta nhất đã làm.
Māgandiyā tình cờ đứng gần đó nghe thế liền hãnh diện nhận ngay mình là thủ phạm cùng với người chú. Vua vẫn bình tĩnh khen rằng không ai thật sự yêu vua bằng bà và sẽ ban cho bà cùng với quyến thụộc một ân huệ. Bà nhắn tin thân quyến gần xa đến hoàng cung, ngay cả những kẻ không họ hàng nghe chuyện cũng đút lót để được làm bà con. Khi đã tập trung họ, vua ra lệnh đào hố sâu đến thắt lưng, bỏ họ xuống trải rơm lên trên rồi đốt rơm. Khi lửa đốt da thịt họ đến giòn rụm, vua cho cày sắt cày lấp thân thể họ rồi đập vụn ra. Đối với Māgandiyā, vua cho dùng dao nhọn xẻ những chỗ thịt rắn chắc trên người bà ra từng mảnh, bỏ vào thùng dầu đặt trên lò than, chiên như bánh và bắt bà ăn.
Trong Pháp đường, đức Phật nghe các Tỳ-kheo thắc mắc bàn tán về cái chết của Sāmāvatī với năm trăm cung nữ, nên kể:
Chuyện quá khứ
SĀMĀVATĪ ÂM MƯU ĐỐT MỘT VỊ BÍCH CHI PHẬT
Ngày xưa, khi vua Phạm-ma-đạt cai trị Ba-la-nại, có tám vị Bích Chi Phật thường được cúng dường thức ăn trong hoàng cung với năm trăm cung nữ hầu hạ. Bảy vị trở về Hy-mã-lạp-sơn, còn lại một vị ngồi nhập định trên bờ sông nơi đám cỏ rối.
Một dịp theo vua đi tắm chơi, các cung nữ đã nô đùa suốt ngày trong nước, bây giờ lên bờ và run lên vì lạnh. Họ tìm chỗ đốt lửa để sưởi ấm. Thấy đám cỏ họ chẳng buồn ngó trước xem sau vội châm lửa và xúm xít xung quanh. Khi cỏ cháy xẹp xuốngï, họ phát giác vị Bích Chi Phật, hoảng hốt không biết tính sao. Cuối cùng vì sợ nhà vua truy ra bắt tội, họ muốn phi tang hẳn xác của Phật nên đem củi đến từ mọi ngả, chất đống thành một giàn thiêu lớn, đổ dầu và châm lửa. Xong họ bỏ đi.
Hành động đầu tiên của các cung nữ thì vô tâm. Nhưng sau đó họ phạm lỗi nặng vì có tính toán kỹ, do đó bị quả báo đau khổ. Riêng vị Bích Chi Phật đang đắm mình trong thiền định thì dù có một trăm ngàn xe củi với dầu đốt lên, Ngài cũng không thấy nóng. Vì vậy, vào ngày thứ bảy Phật xuất định và đi đến nơi Ngài thích.
Những cung nữ này, không những bị nung nấu nhiều trăm ngàn năm trong địa ngục, mà nhà họ còn bị đốt và họ chết cháy trong nhà mình suốt một trăm kiếp liên tiếp.
Đức Phật kể xong chuyện thì các Tỳ-kheo hỏi tiếp:
- Nhưng bạch Thế Tôn! Tại sao Khujjuttā trở thành một người gù? Sao cô ta lại thông minh thế? Sao cô ta chứng quả Dự lưu và sao lại thành một tỳ nữ?
Đức Phật kể tiếp:
Chuyện quá khứ
NHỮNG VIỆC LÀM KIẾP TRƯỚC CỦA KHUJJUTTARĀ
Này các Tỳ-kheo, cũng trong triều đại của vị vua Phạm-ma- đạt trị vì Ba-la-nại, có một Phật Độc Giác hơi gù. Một tỳ nữ trông thấy Ngài bèn quấn một cái mền trên vai và tay ôm một bình bằng vàng, lưng còng xuống y như một người gù, rồi chậm rãi vừa bước đi vừa nói:
- Ông Phật Độc Giác đi như thế này đây!
Vì cô nhại tướng đi của Ngài nên cô ta thành gù lưng.
Tuy nhiên, ngày đầu tiên cô đã dâng lên các vị Phật Độc Giác chỗ ngồi trong hoàng cung, lấy bình bát múc đầy cháo đặc cúng dường. Phật nhận lãnh, nhưng vì cháo quá nóng nên phải chuyền bình bát từ tay này sang tay khác. Cô thấy vậy bèn dâng tám vòng tay bằng ngà lót dưới bình bát. Xong Phật nhìn cô, lập tức cô thưa:
- Chư Tôn giả! Chúng tôi không dùng những vòng này nữa, xin các Ngài nhận cho, xem như một món quà của chúng tôi dâng cúng trước khi lên đường.
Các vị Phật Độc Giác mang những chiếc vòng này về hang núi Nandamūla, và đến ngày nay vẫn còn nguyên vẹn. Nhờ phước báo của việc làm này, cô thuộc lòng Tam tạng kinh điển và trí huệ uyên bác, và cũng do đó cô chứng quả Dự lưu. Đó là việc làm của cô trong thời kỳ giữa hai vị Phật.
Thời Phật Ca-diếp, có cô con gái viên chưởng khố ở Ba-la-nại, một hôm khi bóng chiều đổ xuống, lấy gương ra soi và trang điểm. Một ni cô bạn thân của cô, người đã dứt hết dục lạc, đến thăm. (Thường những ni cô đã dứt hết dục lạc, hay đến thăm gia chủ ủng hộ mình vào xế chiều.) Lúc đó các nàng hầu của cô vắng mặt nên cô bảo vị ni lấy giùm giỏ trang điểm. Nếu không làm theo ý cô, có thể cô nổi sân và như thế sẽ tái sanh vào địa ngục, nhưng nếu nghe lời cô sai bảo thì cô sẽ làm người hầu ở kiếp sau. Làm người hầu dù sao cũng không khổ bằng ở địa ngục, nên vị ni lấy giỏ trang điểm đưa cho cô. Do đó cô trở thành nàng hầu.
Lại một hôm các Tỳ-kheo bàn cãi trong Pháp đường:
- Sāmāvatī và năm trăm cung nữ bị thiêu ngay trong nhà mình. Còn Māgandiyā và quyến thuộc thân bị lửa rơm đốt, bị cày sắt cày nát nhừ, riêng Māgandiyā bị nấu trong dầu sôi. Như vậy ai sống và ai chết?
Đức Phật nghe qua, đáp rằng:
- Này các Tỳ-kheo, những người phóng dật buông lung dù sống một trăm năm cũng như chết. Những người sống chú tâm chuyên niệm, dù chết hay sống vẫn là đang sống. Này các Tỳ-kheo, có chú tâm chánh niệm thì không bao giờ chết cả.
Rồi đức Phật đọc Pháp Cú sau:
(21) Không phóng dật, đường sống,
Phóng dật là đường chết.
Không phóng dật, không chết,
Phóng dật như chết rồi.
(22) Biết rõ sai biệt ấy,
Người trí không phóng dật,
Hoan hỷ, không phóng dật,
An vui hạnh bậc Thánh.
(23) Người hằng tu thiền định,
Thường kiên trì tinh tấn,
Bậc trí hưởng Niết-bàn,
Ắt thanh tịnh vô thượng.