2- TIẾNG NÓI CỦA MỘT NGƯỜI GIÀU
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 02 Tháng tám 2009 10:06
- Viết bởi nguyen
Nỗ lực, giữ chánh niệm…
Giáo lý này được đức Phật nói khi Ngài ngụ tại Veḷuvana, liên quan đến KumbhaGhosaka.
Ngày xưa, một trận dịch hạch hoành hành tại Vương Xá, ngay trong ngôi nhà của vị chưởng khố. Thú vật, ruồi rồi đến gia súc chết đầu tiên, tiếp theo là đám gia nhân và vợ chồng quản gia. Cuối cùng bệnh dịch tấn công viên chưởng khố và vợ ông ta.
Biết rằng đã mắc bệnh, hai ông bà nhìn đứa con trai đang đứng gần, mắt đẫm lệ bảo nó hãy đạp đổ bức tường và trốn đi, đừng quan tâm đến cha mẹ mà hãy cứu mạng mình, rồi sau đó trở về nhà đào kho tàng bốn tỷ tại nơi đó, nơi đó... để sinh sống. Người con trai nghe nói vậy khóc sướt mướt, giã biệt cha mẹ, đạp đổ bức tường và trốn đi. Anh vào rừng tìm nơi ẩn náu, ở đó suốt mười hai năm rồi về nhà.
Khi ra đi anh chỉ là một đứa bé, giờ trở về tóc và râu mọc dài, không ai nhận ra anh. Anh tìm được kho tàng và thấy còn nguyên, nhưng anh không dám lấy ra xài sợ làng xóm nghi kỵ quấy nhiễu hoặc bắt bớ mình. Vì vậy anh tìm chỗ làm thuê để kiếm sống. Anh ăn mặc rách rưới đến khu những người lao động và hỏi thăm xem có ai cần người làm không. Họ trả lời anh:
- Nếu anh làm một phần việc của chúng tôi, chúng tôi sẽ trả gạo cho anh.
- Làm việc gì thế các bạn?
- Ra lệnh và điều khiển công việc của chúng tôi. Anh phải dậy thật sớm, đi quanh những người làm và ra lệnh cho họ: “Các ông, thức dậy đi, đem xe ra, thắng ách vào bò, đã đến giờ cho voi ngựa đi ăn cỏ! Các bà ơi, dậy đi, lo nấu cơm, nấu nước!”
- Hay quá!
Và anh nhà giàu nhận việc. Họ cho anh nhà ở và anh làm việc đều đặn thật hết lòng.
Một hôm vua Bình-sa-vương, người có thể nhận dạng mọi người qua tiếng nói, nghe tiếng của anh ông nói ngay:
- Đây là tiếng nói của một người giàu có.
Một tỳ nữ đứng gần vua nghe thế nghĩ rằng không thể xảy ra một chuyện như vậy được, và cô ta muốn điều tra nên phái người đi dò hỏi, biết đó là một người nghèo làm việc cho những người hầu. Nhà vua nghe báo cáo không nói gì thêm, nhưng mấy ngày sau nghe tiếng anh cất lên vẫn đoan chắc là giọng nói của một nhà giàu. Năm lần bảy lượt hỏi tới hỏi lui, dò xét đủ kiểu, cô tỳ nữ tâu với vua anh chàng đó là một người nghèo, vua vẫn không tin. Cô nghĩ chắc là vua nói đúng nên cô thấy mình có bổn phận phải tìm hiểu sự thật. Cô xin vua cho một ngàn đồng, sẽ đem con gái mình đến gặp người đàn ông này, và hứa sẽ đem kho tàng về hoàng cung.
Rồi hai mẹ con ăn mặc rách rưới đến khu lao động xin tá túc vài ngày trước khi đi xa. Những người tại đó chỉ nhà của KumbhaGhosaka. Ban đầu anh ta không chịu cho ở, sau hai mẹ con cứ nằn nì mãi anh buộc lòng phải chấp nhận. Cô tỳ nữ làm đủ cách để lấy lòng anh ta, nào là nấu cơm hảo hạng theo hoàng gia với nước sốt và cà-ri... Cuối cùng cô ta cắt dây nệm giường, mỗi ngày một ít trong ba ngày liên tiếp. KumbhaGhosaka cáu kỉnh trách móc thì cô ta cứ trả lời là không thể ngăn tụi nhóc nhảy tưng tưng lên đó. Rồi đến một hôm toàn bộ tấm nệm rơi xuống đất vì đã đứt hết dây. Lần này anh không kiềm chế, nổi giận đùng đùng vì không còn giường để nằm nữa. Anh ta rên rỉ:
- Trời! Tôi biết đi đâu bây giờ đây?
Cô tỳ nữ không bỏ lỡ dịp, đáp ngay:
- Anh bạn! Tôi biết làm sao, tôi không thể đuổi bọn trẻ con hàng xóm cứ đến chơi giỡn và nhảy tưng lên giường. Xin đừng phiền, xem nào, tôi có thể làm gì được cho anh, à được rồi!
Rồi quay sang cô con gái, bà mẹ ngọt ngào bảo:
- Con gái cưng, dọn chỗ cho anh con nằm.
Cô con gái vâng lời, nằm lăn qua một bên và anh ta qua nằm kế. Đêm đó họ thành thân với nhau. Hôm sau cô con gái khóc kể tự sự với mẹ. Bà mẹ an ủi con:
- Ồ, có sao đâu! Con rồi cũng phải có chồng, anh ta phải có vợ.
Rồi bà nhận anh ta làm rể. Bà tiếp tục kế hoạch của mình bằng cách cho người về tâu với vua xin ra lệnh cho nghỉ việc tại khu lao động, ai bất tuân sẽ bị xử phạt. Vua chuẩn y. Bà mẹ vợ bối rối bàn với chàng rể phải làm sao vì nghỉ làm sẽ không có lương, mà lệnh vua thì không dám cãi. Cuối cùng bà xúi chàng rể đi vay nợ để ăn vào ngày nghỉ đó. Anh ta không còn cách nào khác. Đành phải trở về nơi chôn giấu kho tàng lấy đúng một đồng cho mẹ vợ. Bà nhận tiền nhưng đem gởi cho vua và lấy tiền riêng của mình chi tiêu trong nhà.
Sau đó vài ngày, bà lại xin vua truyền lệnh như thế một lần nữa. Anh ta phải trở lại kho tàng lấy thêm ba đồng nữa đem về.
Phần chót kế hoạch của bà là xin vua cho mời KumbhaGhosaka về triều. Anh ta không chịu đi nên bị quân lính áp đảo, nắm tay chân lôi đi. Bà trấn an anh ta, bảo cứ đi; khi gặp vua bà sẽ tâu với vua để xử phạt những kẻ đã dám bắt lôi rể bà. Rồi bà cùng cô con gái đi trước. Đến hoàng cung, bà cởi bỏ lớp rách rưới, mặc y phục sang trọng với đầy đồ trang sức lấp lánh, đứng một bên vua. Rồi KumbhaGhosaka bị điệu đến trước bệ rồng để đối đáp những lời chất vấn của vua:
- Ngươi là KumbhaGhosaka?
- Tâu vâng.
- Tại sao ngươi dối trá khi tiêu pha tài sản kếch sù của mình?
- Tài sản của tôi? Ở đâu, đại vương? Tôi sống bằng sự làm thuê.
- Không phải thế. Sao ngươi lừa dối ta?
- Tâu đại vương, tôi không dối Ngài. Tôi không có tài sản.
Vua chỉ những đồng tiền do mẹ vợ anh gửi đến và hỏi anh:
- Thế những đồng tiền này của ai?
KumbhaGhosaka nhận ra đồng tiền của mình, sợ hãi đến chết cứng. Anh nhìn về phía vua, thấy hai người đàn bà kia trang điểm lộng lẫy mới vỡ lẽ tại sao đồng tiền của mình lại lọt vào tay vua. Thì ra đây là một âm mưu đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và kín đáo, và hai người đàn bà này đã bị nhà vua mua chuộc. Anh sững sờ, đứng chết lặng, không biết phải ăn nói ra sao. Nhà vua đoán biết hỏi dồn anh:
- Nói đi! Tại sao anh làm thế?
Anh run rẩy trả lời:
- Tôi không có người bảo vệ, đại vương!
- Không ai bảo vệ anh bằng ta.
- Tâu đại vương, tôi rất sung sướng được đại vương bảo vệ.
- Ta bảo vệ anh. Tài sản của anh lớn lao đến mức nào?
- Bốn trăm triệu đồng tiền, tâu đại vương.
- Được rồi, ta sẽ cho chở tài sản anh đến đây. Nhưng bằng cách nào?
- Dạ, bằng xe, tâu đại vương.
Khi cả gia tài của KumbhaGhosaka chất đống trước hoàng cung, vua tập hợp dân chúng trong thành Vương Xá và hỏi có ai trong thành có được tài sản nhiều như thế này không? Không ai đáp được, và mọi người đồng thỉnh cầu vua ban cho anh ta chức vị. Vua đồng ý và bổ nhiệm cho anh ta làm chưởng khố rồi gả công chúa cho anh. Sau đó vua dẫn anh đến đảnh lễ đức Phật đồng thời ca ngợi hạnh tốt của anh, không ỷ lại tài sản lớn lao để hưởng thụ, chịu khó làm người nghèo sống bằng sức lao động của mình.
Phật nghe xong hoan hỷ dạy rằng:
- Một người sống như thế, này đại vương, là một người sống chân chánh. Trộm cắp và những hành vi xấu ác khác sẽ đè bẹp chúng ta không những ở đời này mà còn gây đau khổ cho kiếp sau. Ngược lại, một người dù bị khánh tận tài sản, phải làm thuê làm mướn để kiếm sống, là một người sống chân chánh. Một người như thế nỗ lực hết sức mình, luôn luôn chánh niệm, thân khẩu ý đều thanh tịnh, biết dè dặt từng cử chỉ hành động, biết chế ngự thân hành, khẩu hành và ý hành, sống chân chánh, không bao giờ buông lung, người như thế càng ngày càng dũng mãnh.
Và kết thúc bằng Pháp Cú:
(24) Nỗ lực, giữ chánh niệm,
Tịnh hạnh, hành thận trọng,
Tự điều, sống theo pháp,
Ai sống không phóng dật,
Tiếng lành ngày tăng trưởng.