headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 05/12/2024 - Ngày 5 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Phẩm Sân Hận: 5- Bà La Môn Ðón Phật Như Con

 

Bậc hiền không hại ai ...

Câu chuyện này được kể lại khi đức Phật ở Anjanavana gần Sàketa, liên quan đến câu hỏi của chư Tỳ-kheo.

Một hôm, đức Phật cùng chư Tăng đi vào Sàketa khất thực, một người Bà-la-môn ở trong thành nhìn thấy đấng Thập Lực đang đi vào cổng thành, ông ta quỳ xuống ôm chân Phật kêu lên:

- Con thân yêu! Bổn phận con cái là chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già, sao lâu quá chúng ta không gặp con? Ðây là lần đầu cha mới gặp, hãy về thăm mẹ con đi.

Phật đi theo, ông lão đưa Phật về nhà, ngồi vào chỗ soạn sẵn, với chư Tăng. Vợ người Bà-la-môn đến gặp Phật, gieo người dưới chân Ngài nói:

- Con ơi! Bấy lâu nay con ở đâu? Không ai chăm sóc cha mẹ khi tuổi già.

Bà kêu con trai, con gái ra chào Phật và nói:

- Hãy đi chào anh con.

Vui mừng hân hoan, người Bà-la-môn và vợ cúng dường thức ăn cho Phật và Tăng chúng, thỉnh cầu;

- Bạch Thế Tôn, hãy thọ trai ở đây suốt đời.

Phật trả lời:

- Chư Phật không bao giờ thọ trai ở một nơi cố định.

- Như thế, xin Ngài cho chúng con biết được người nào mời thọ trai.

Từ đó, đức Phật bảo người đến thỉnh Ngài thọ trai rằng: "Hãy bảo cho Bà-la-môn đó". Và họ đến nói với ông:

- Ngày mai chúng tôi thỉnh Phật thọ trai.

Người Bà-la-môn sẽ đem cơm canh từ nhà mình đến chỗ nào có đức Phật. Khi không ai mời, Phật dùng bữa tại nhà ông. Cả hai vợ chồng thường xuyên cúng dường Phật và nghe pháp, qua thời gian đều chứng Tam quả.

Các Tỳ-kheo bàn tán ở Pháp đường:

- Chư hiền, người Bà-la-môn biết chắc chắn rằng phụ thân đức Như Lai là vua Tịnh Phạn, và mẹ Ngài là hoàng hậu Ma-da. Dù vậy, cả hai ông bà đều gọi Như Lai là "Con chúng ta" và Phật chấp nhận lối xưng hô ấy. Chuyện này là thế nào?

Ðức Phật nghe việc này, Ngài dạy:

- Này các Tỳ-kheo, hai vợ chồng Bà-la-môn đều có ý xem Ta như con khi họ gọi Ta là con.

Ngài nói về quá khứ:

- Thời quá khứ, Bà-la-môn ấy là cha của Ta trong năm trăm kiếp, là chú của Ta trong năm trăm kiếp, là ông nội của Ta năm trăm kiếp, bà vợ là mẹ của Ta năm trăm kiếp, là dì của Ta năm trăm kiếp, bà ngoại của Ta năm trăm kiếp. Ta được nuôi dưỡng suốt một ngàn năm trăm kiếp bên người chồng và một ngàn năm trăm kiếp bên người vợ.

Ðể giải thích việc ba ngàn đời là con cháu của họ, Phật nói kệ:

                    Khi ý tưởng hân hoan,
                    Và trái tim tin tưởng,
                    Ta có thể tin vào,
                    Người mới gặp lần đầu.
                    Qua liên hệ quá, hiện,
                    Lòng yêu thương khởi lên,
                    Như sen nhô trên nước.


Ba tháng ở tại Sàketa, đức Phật thường lui tới nhà Bà-la-môn ấy để thọ trai, sau ba tháng, họ chứng quả A-la-hán và nhập Niết-bàn. Mọi người tỏ vẻ kính trọng thi hài họ, đặt lên giàn cây khiêng đi. Nghe tin rằng họ đã là mẹ và cha của đức Thế Tôn, dân chúng đi theo đám tang rất đông. Ðức Phật đến một giảng đường gần nơi hỏa táng, chờ ở đấy. Mọi người đến đảnh lễ Phật thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn, xin đừng buồn vì song thân qua đời.

Họ tìm cách an ủi Ngài. Thay vì quở họ đừng nói thế, đức Thế Tôn quan sát tâm tư mọi người và nói bài pháp tương ứng với trường hợp đặc biệt này, đọc kinh Jarà như sau:

                    Ðời sống thật ngắn ngủi.
                    Một trăm năm chưa qua,
                    Người ta đã phải chết.
                    Dù ai có sống lâu,
                    Rồi cũng sẽ chết già.

Các Tỳ-kheo, không biết rằng người Bà-la-môn và vợ đã nhập Niết-bàn, hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn, họ sẽ tái sanh nơi đâu?

- Này các Tỳ-kheo, trường hợp của các A-la-hán thánh nhân như họ không có kiếp sau. Họ đã đạt đến Ðại Niết-bàn, cõi bất tử, vĩnh hằng.

Ngài nói Pháp Cú:

                    (225) Bậc hiền không hại ai,
                            Thân thường được chế ngự,
                            Ðạt được cảnh bất tử,
                            Ðến đây, không ưu sầu.

[ Quay lại ]