NƯỚC MẮT NGƯỜI THẦY
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ Sáu, 29 Tháng tám 2008 09:39
- Viết bởi nguyen
Thiền sinh Hiện Quang
Vu lan, nỗi nhơ thao thức của con cái khi nghĩ đến hai đấng sinh thành. Công ơn đó có giấy mực nào tả xiết? Không làm sao nói hết nỗi khổ cực của cha mẹ để con cái được nên người. Nhưng xét tường tận, còn một ân lớn nữa, không thua kém gì ân cha mẹ, đó là ân Thầy Tổ. Cha mẹ sinh ta một đời khó nhọc. Ân thầy dạy ta thoát khổ sinh tử luân hồi.
Ngày con mới tới Hiện Quang, cái thuở rừng cây còn rậm rạp, cỏ tranh quá đầu người, cảm giác lành lạnh sợ hãi cứ dậy nơi sóng lưng. Cái ngày điệu nhỏ chỉ mới vài chú, điện chưa có, chánh điện còn sơ sài … Con gặp thầy, bình dị, thân thương. Muốn bỏ phố thị về chốn rừng sâu, làm tăng quê cho tròn cái nghiệp thầy trò.
Thắm thoát đã bảy năm, ước nguyện của con cũng thành hình. Thiền viện giờ đã khang trang, điệu và tăng đến mấy chục người. Kẻ ngoan, người quậy, điệu hiền, điệu phá … Một đôi lúc con bắt gặp nét ưu tư trên mặt Thầy. Đứa quậy, nuôi khó quá nhưng cho đi thì nó sẽ ra sao giữa dòng đời xuôi ngược gian truân.
Thầy bệng nặng, chúng xôn xao, điệu có đứa khóc. Mọi chuyện trong ngoài trước giờ mình Thầy sắp đặt lo lắng. Giờ thầy bệnh, tụi con như nghé rã đàn, lăng xăng, lụp chụp. Đưa Thầy vào viện, dép cũng bỏ quên. May mà bệnh tật cũng qua, Thầy vẫn còn đó nói lời thân thương: “Tôi tưởng mình tịch rồi! Trong đầu lúc đó thấy một vầng mây đen mù tịt kéo tới vây quanh lũ điệu. Nước ngập cả vườn bưỡi, mà mấy ông điệu thì chỉ lo chơi, mặt mày lem luốc, quần áo đầy bùn. Mấy ông lớn thì lo đá banh đá cầu tranh cải hơn thua. Huynh đệ bất hòa, không ai thương ai. Không còn ai cưu mang. Thấy tới đó nước mắt tôi ứa ra. Mình nhận nó vào chùa mà lo không tròn, thật đau xót! Nhưng lúc đó thân không còn chút sức, tay chân tê cứng, hơi thở muốn không còn, chẳng biết làm gì được, chỉ nghĩ mình phải vượt qua cơn bệnh, mong đấng Từ phụ gia hộ cho thoát cơn hiểm nghèo, để làm cho tròn cái nguyện của mình. Nhờ sức phù trì của Tam bảo, giờ tôi còn ngồi đây kể chuyện cho mấy chú nghe. Mọi thứ thiệt là vô thường! Có rồi mất, mất rồi có, cái thân này mất lúc nào không hay … Thôi mình gắng tu hành cho ra cái chân thường. Chứ còn cái vô thường, nó nghiền hết mọi thứ chẳng chừa ai”. Nói rồi, như ngẫm ra sự tự do tự tại khi sống được với cái chân thường, Thầy ngâm :
Mặc tình gió mát thổi mây trắng
Đủ duyên thì ở, hết thì đi
Câu chuyện làm con bàng hoàng không ít. Con nguyện làm theo những gì Thầy đã chỉ dạy, để phần nào xứng với tấm lòng Thầy đã dành cho tụi con. Dấng bước vào con đường ngược dòng, tuy khó khăn nhưng phải làm sao lèo lái con thuyền đi cho tới đích. Vẫn biết còn xa, nhưng niềm tin mình có cái chân thường, khiến con tin thuyền mình có ngày cập bến.
Huynh đệ bây giờ có người đã ra đi, nhưng tụi con vẫn ấm lòng dưới bóng che của Thầy. Những kẻ cùng tử xa nhà, hy vọng ngày về một gần hơn. Như cây bồ đề già nua che mát cho bồ đề con tăng trưởng. Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, truyền thừa con đường cha ông để lại. Lời dạy phải biết sống thiểu dục tri túc, danh lợi không màng, chỉ một đường xuất thế hướng thượng vang vọng bên tai con.
Cái lý sắc không trong đời làm sao gắng ngộ cho ra. Ông hoàng Alexan khi sắp lìa đời bảo người vợ út: “Khi ta mất, nên làm hai lỗ trống bên hòm để hai bàn tay ta lò ra ngoài”. Bà vợ hỏi vì sao làm thế? Ông trả lời: “Khi ta sanh ra trên trần gian này, hai bàn tay trắng. Khi ta trở về, hai bàn trắng tay”. Một vị đại đế lừng danh, từng chinh chiến nhiều năm trong đời, đã ngộ được điều gì khi nói lên điều đó? Những kẻ cầu đạo giải thoát như tụi con không lẽ chẳng nhận được gì ngoài mấy bữa cháo cơm? Không lẽ không quyết định được việc sinh tử trong đời này? Nói thật dễ nhưng làm không phải dễ. Chư Tổ, lời nói đi đôi với việc làm. Tổ Sư Tử cho đầu, Đạt Ma cắt mí mắt, Nhị Tổ chặt tay v.v… mọi thứ đều dễ dàng. Bởi đó là kết quả của việc tu hành miên mật.
Chiều …
Ánh hoàng hôn lịm dần, sương khói hồn quê lẫn vào vườn tre sau viện. Một chút nhớ thương lại về. Hai ngày nữa đến rằm, nhưng Vu lan không phải chỉ một ngày. Cha mẹ không biết ngoài đời giờ này ra sao, nhưng rằm thế nào cũng về dự lễ. Cái ân cha mẹ, con biết làm gì ngoài việc tu học trả ân. Phật nói: “Một người đắc đạo, chín họ sanh thiên”. Nhưng ân đó muốn trả xong, phải nhờ vào sự che chở dạy dỗ của Thầy.
Bạch Thầy! Nhân mùa Vu lan, mùa hiếu hạnh của người con Phật. Con nguyện tu học, trước là cúng dường mười phương Tam bảo, sau dâng cúng Hòa thượng Sư cố, rồi đến Hòa thượng Sư ông, những người đã ung đúc nên bậc thầy của tụi con. Một bậc thầy khả kính và đáng yêu!