headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 22/11/2024 - Ngày 22 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

MỪNG THỌ SƯ ÔNG - PHẨM VẬT “KHÔNG CÃI NHAU”

 Đậu Hũ   

Ngày 24 tháng 8 (tức 24/7 âm lịch), Sư ông lại thêm một tuổi. Tuổi đạo dài ra nhưng tuổi đời ngắn lại. Ngày ra đi cũng gần hơn …

Không biết một năm con gặp Sư ông được mấy lần. Hồi Sư ông còn đi giảng, một tháng còn được một lần. Tức một năm mười hai lần. Giờ thì một năm chỉ còn một hai lần gì đó. Gặp không để làm gì. Chỉ để nhìn và vui …

Mấy bà già nói không cần nghe Sư ông giảng, chỉ cần tới được Thường Chiếu, thấy được mặt Sư ông, là có thể bắt võng ngủ khò tới chiều. Ngon giấc, bình yên. Hòa thượng giảng Thiền Sư Trung Hoa hay Thiền Sư Việt Nam, không có ông nào quan trọng, nhưng ở nhà thì không bà nào chịu ở. Phải đi, để thấy hoa nở trong lòng. Về nhà, buông xả với con cháu được mấy ngày.

Dì nói: “Mấy mụ ni bị tình thương lấn át mới như rứa, chứ có mô chỉ gặp mà thấy bình an. Tao thấy chi mô”.

Con nhìn lên trời. Trên cành, chim mẹ đang mớm mồi cho chim con. Mẹ là cái chi, con là cái chi, mà sao không có mẹ con khóc dai dẵng, có mẹ con ngủ yên lành? Cái hơi hướm ấy … A! Dì không thấy, chỉ vì dì không là … con Sư ông.
- Mi cười cái chi?
- Con cười dì không phải là con Sư ông.

Dì ngơ ngác không hiểu. Hiểu chi được mà hiểu. Cứ miệt mài theo Sư ông đi! Cứ theo cho chuyên cần và chăm chỉ, sẽ hiểu câu con nói đó. Cái chi cũng phải thực nghiệm. Đâu thể nói suông mà hiểu ngon lành, nhất là mấy thứ khó tin nhưng … có thiệt (thiệt ni là thiệt trong vọng nghe).

Ngày mừng thọ Sư ông, Sư ông nói Tăng Ni Phật tử tu hành đều phải lấy GIỚI - ĐỊNH - TUỆ làm gốc, và nhớ … đừng có cãi nhau. Cái ni Sư ông nhắc tới nhắc lui không biết bao lần. Bởi cãi thì mất ĐỊNH. Mất ĐỊNH thì không TUỆ. Không TUỆ thì càng khoái cãi. Càng CÃI thì càng mất ĐỊNH. Không định thì không TUỆ. Tài chi mỗi lần cãi nhau, tâm như nước lắc trong bình, chao đảo khó chịu muốn chết, nhìn vô cuốn kinh, chữ này dính với chữ kia đen thùi. Định tuệ không có, lấy chi để xưng con cháu nhà thiền mà Ông không dạy “Đừng có cãi nhau!”.

Ngu thì mới cãi, nhưng hình như ai cũng thích … ngu. Cãi cho sướng miệng trước đã rồi tính. Cãi rồi, còn đưa đủ thứ lý lẽ biện tới biện lui cho mình làm đúng. Không hề biết rằng, mình đang giúp cho tật cãi của mình ngày thêm bén rễ ăn sâu. Nó mà thành ruột mình rồi, bỏ cực vô cùng.

Một lần, thấy thầy Tri viên trồng rau, thiền sư Duy Nghiễm đã dạy: “Trồng thì không ngăn ngươi trồng, chớ cho mọc rễ!”.
Thầy Tri viên thưa: “Không cho mọc rễ, đại chúng lấy gì ăn?”.
Thiền sư Duy Nghiễm bảo: “Ngươi có miệng sao?”.
Thầy Tri viên không trả lời được.

Ừ! Muốn cãi cho cãi, nhưng nhớ đừng cho mọc rễ. Nếu làm được vậy, cho cãi thoải mái. Nhưng mình làm được vậy không? Không được! Bởi mình với thầy Tri viên một guộc. Thứ gì cũng theo hiện tượng mà nhận. Có duyên liền theo, không nhận được chỗ “Ngươi có miệng sao?”. Tổ nói “Đừng cho mọc rễ”, nhưng mình đã lỡ cho nó cắm rễ không chỉ đời này mà từ vô thủy. Thành không thích ngu mà vẫn cứ cãi. Biết đó là ngu mà không dừng được. Thiền sư Triệu Châu đã nói: “Biết mà cố phạm”. Bởi cãi đã thành thói quen. Đã thành chủng tử ở trong tạng thức. Mình đã tập quen với nó từ thời vô thủy, nên nó có lực dắt mình chạy theo. Đó là cớ sự Phật Tổ nói nó là vọng đừng theo, mình vẫn ráo riết theo nó không ngừng. Mình bị nó dẫn mà tuởng là đang thuyết pháp hùng hồn, làm chủ cái cãi của mình. Kiểu đó mới là ngu dữ!

Thiệt ra, tranh cãi không phải là lỗi. Lỗi chính ở chỗ cắm rễ này đây. Vì thế, Phật vẫn luận nghị với các ngoại đạo, chư Tổ đối đáp qua lại v.v… Những tranh luận đó đều do lòng từ. Còn mình thì không. Cãi tới cãi lui đều do tập khí. Không do CHẤP ÁI, thì do THỦ KIẾN. Dành nhau tình thương rồi sinh hục hặc với nhau, là cãi vì ÁI. Không đúng ý nhau rồi không nhìn nhau, là cãi vì KIẾN. Không phải chấp ngã thì cũng chấp pháp. Cho nên, có chấp thủ là có tranh cãi. Không chấp thủ thì không tranh cãi. Cái này có thì cái kia có. Cái này không thì cái kia không. Phật Tổ ba đời dạy tu, không ngoài chữ BUÔNG là vậy. Buông, là không nắm giữ bất cứ thứ gì.

Không cần tu thiền tu Phật mới nói đến việc dừng cãi. Nhân nghĩa của người bình thường đã dạy: “Một sự nhịn chín sự lành”. Mình tu thiền, đâu phải chỉ dừng ngang đó, còn nhiều thứ khác phải làm. Người ta chỉ biết nhịn để có lành. Nhịn hoài, tuy trừ rất tốt thói quen, là một lợi thế. Nhưng nếu không dùng trí tuệ quán cho thâm thủng vì sao phải nhịn, thì phần tâm thức thâm sâu không giải quyết được. Có khi nó còn tích đó, trở thành duyên xấu cho những kiếp sau. Phật tử chúng ta không phải như vậy. Chúng ta được nhiều lợi thế. Chúng ta vừa biết tâm thức có tính huân tập, lại vừa được dạy nhân quả để mà buông xả, trừ đi duyên xấu về sau. Chưa kể, tu Phật là để có được lòng từ và trí của Phật.

Hướng về lòng từ, đâu thể chỉ vì cái riêng của mình mà sinh tranh cãi, dành giựt v.v… Cho nên, Tổ Thầy đều dạy mở lòng. Cái gì riêng tư xin đừng phát huy. Mình chưa là Phật để có lòng từ như Phật thì cũng cần tỉnh để mà hạn chế, không nên để nó phát huy một cách mạnh mẽ như chuyện tự nhiên trong đời. Nuôi hoài tập tục của đời, thì dù ở chùa đâu khác thường dân. Chao buồn!

Nói thương, nói quí Sư ông, mà lời Sư ông đã dạy, mình chẳng làm được bao nhiêu. Đụng tới là cãi. Chị em trong nhà cãi nhau tới tấp, tranh hơn, tranh thua, đì nhau tới bến. Vợ chồng ân tình cãi nhau không kém người dưng thiên hạ ... Tổ Thầy không buồn mới là chuyện lạ. Chao ơi! Nghe Sư ông giảng, mới thấy lỗi mình như những hạt sạn, bám đen cả mặt cái bánh gateau mừng thọ Sư ông. Buồn thiệt!

Thôi thì, Đậu Hũ xin nguyện, không riêng Đậu Hũ mà là tất cả con cháu Sư ông, đời đời kiếp kiếp trừ bỏ tập khí cãi nhau, tâm từ rộng mở, lấy đó làm pháp cúng dường. Trước là mừng thọ mười phương chư Phật. Sau là mừng thọ Sư ông Sư phụ. Cuối cùng mừng thọ tất cả chúng sinh. Đậu Hũ nguyện rứa!

[ Quay lại ]