Bài 70 — Mã Tổ duỗi chân ngang
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ năm, 27 Tháng mười một 2008 10:12
- Viết bởi nguyen
279. 馬 祖 展 足 — Mã Tổ duỗi chân ngang
Một hôm, Ðặng Ẩn Phong đẩy xe, Mã Tổ ngồi trên đường duỗi chân ngang. Phong nói:
– Thỉnh Thầy rút chân?
– Ðã duỗi thì chẳng rút.
– Ðã tiến thì chẳng lùi.
HTML clipboardPhong bèn đẩy xe qua, cán chân Mã Tổ bị thương. Tổ trở về pháp đường, cầm búa hỏi:
– Hồi nãy ai cán chân Lão tăng, hãy bước ra!
Phong liền bước đến trước mặt Tổ, ngửa cổ ra. Tổ bèn cất búa.
(Theo: Truyền Đăng, quyển 8.)
280. 大 覺 引 頸 — Ðại Giác dẫn cảnh
Tăng hỏi Thiền sư Ðại Giác ở Ngụy Phủ:
– Lúc học nhân dùng kiếm Lang da để lấy đầu Hòa thượng thì thế nào?
Sư liền vươn cổ ra. Tăng nói:
– Chém!
Sư liền đánh.
(Theo: Truyền Đăng, quyển 8.)
281. 靈 祐 踢 瓶 — Linh Hựu đá ngã bình
Trong pháp hội của Thiền sư BáchTrượng Hoài Hải, nhân có Tư Mã Ðầu Ðà từ Hoài Nam đến bảo Trượng:
– Tôi ở Hồ Nam tìm được một ngọn núi tên Ðại Qui, là chỗ ở của một ngàn năm trăm vị Thiện tri thức.
Trượng bảo:
– Lão tăng ở núi ấy được chăng?
– Chẳng phải chỗ của Hòa thượng ở.
– Sao vậy?
– Hòa thượng là người xương, núi kia là núi thịt, dù có ở được, đồ chúng chẳng đầy một ngàn.
– Xem trong chúng của Ta có người nào ở được chăng?
– Ðợi xem qua mới biết.
Lúc ấy, Hoa Lâm Giác làm Ðệ nhất tọa, Trượng sai thị giả mời đến và hỏi Ðầu Ðà rằng:
– Người này thế nào?
Ðà bảo Lâm tằng hắng một tiếng và đi vài bước, Ðà nói:
– Chẳng được!
Trượng lại cho gọi Thiền sư Linh Hựu. Sư lúc ấy đang làm Ðiển tọa. Ðà vừa thấy thoáng qua liền nói:
– Ðây chính là chủ Qui Sơn.
Ðêm ấy, Trượng gọi Sư vào thất dặn dò:
– Ta hóa duyên tại đây, còn Qui Sơn là thắng cảnh, con hãy đến đó để tiếp tục tông môn của ta, rộng độ kẻ hậu học.
Nhưng, Hoa Lâm nghe được liền nói:
– Con là Thượng chủ mà sao lại cho Ðiển tọa trụ trì?
Trượng bảo:
– Nếu đối trước chúng, ai nói được một lời xuất cách, sẽ cho đi trụ trì.
Trượng liền chỉ tịnh bình hỏi:
– Chẳng được gọi là tịnh bình, ông gọi nó là cái gì?
Lâm nói:
– Chẳng thể gọi là cây lủng vậy.
Trượng bèn hỏi Sư, Sư đá ngã tịnh bình rồi đi ra. Trượng cười nói:
– Ðệ nhất tọa thua cuộc quả núi này.
Sư liền trụ trì núi ấy. Núi ấy cao vót không một bóng người lai vãng, là hang ổ của loài lang sói. Hàng ngày, Sư lượm hạt dẻ mà ăn. Trải qua năm bảy năm tuyệt không có ai đến đây. Sư tự nghĩ, nói:
– Ta vốn đi trụ trì làm lợi ích cho mọi người mà tuyệt hết sự giao tiếp thì sao phải!
Sư bèn bỏ am mà đi đến chỗ có mọi người. Sư lần xuống núi, thấy cọp rắn nghênh ngang giữa đường, Sư bảo:
– Các ngươi chẳng nên cản đường ta đi. Nếu ta có duyên với núi này, các ngươi hãy tự giải tán. Nếu ta không có duyên, các ngươi chẳng cần phải cản đường mà cứ ăn thịt ta đi.
Sư nói xong, cọp rắn đều bỏ đi tứ tán. Sư bèn trở về am. Chưa đầy một năm sau, Thượng tọa An (tức ngài Ðại An) cùng vài vị tăng từ núi Bách Trượng đến để phụ giúp Sư. An nói:
– Tôi sẽ làm Ðiển tọa cho Hòa thượng để tiếp đãi 500 vị tăng, chẳng luận lúc nào. Ðến khi tôi chẳng nấu cháo được hãy cho tôi nghỉ.
Từ đó về sau, dân cư dưới núi dần dần biết đến Sư, họ rủ nhau lên núi cất chùa cho Sư. Liên Soái Lý Cảnh Nhượng tâu lên vua ban cho hiệu chùa là “Ðồng Khánh”. Tướng quốc Bùi Hưu hay thưa hỏi Sư chỗ huyền áo. Ðúng là Thiền học khi ấy đang ở thời kì cực thịnh.
(Theo: Hội Nguyên, quyển 9.)
282. 寂 子 撲 鏡 — Ông Tịch đập bể kính
Nhân Qui Sơn gởi tặng cho Ngưỡng Sơn một mặt kính. Ngưỡng Sơn nhận được bèn thượng đường bảo:
– Hãy nói là kính của Qui Sơn hay kính của Ngưỡng Sơn? Nếu nói là kính của Qui Sơn sao lại ở trong tay Ngưỡng Sơn; nếu nói là kính của Ngưỡng Sơn sao lại do Qui Sơn gởi tặng. Hãy nói đi! Nếu chúng nói được thì tôi chẳng đập bể, nếu nói chẳng được thì tôi đập bể.
Sư hỏi ba lần, chúng không nói được, Sư liền đập bể kính.
- Ông Tịch tức ngài Ngưỡng Sơn
(Theo: Truyền Đăng, quyển 11.)