Uyển Lăng Lục (tiếp theo...) - cập nhật 28/03/2008
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ Sáu, 28 Tháng ba 2008 09:15
- Viết bởi nguyen
CHÁNH VĂN
Khinh thường bậc lão túc vào địa ngục nhanh như tên bắn. Tôi vừa thấy người vào đến cửa liền biết được ông rồi. Lại biết chăng ? Cần kíp cố gắng, chớ có dung dị. Mặc y ăn uống mà để một đời luống qua, người trí chê cười.
GIẢNG
Lời này rất tha thiết. Ngài khuyên chúng ta đừng coi thường bậc lão túc, những bậc thầy trước kia có đạo đức, đã nhận được chánh pháp. Nếu mình có tâm khinh thường thì đọa địa ngục nhanh như tên bắn. Ngài tự nói: “Tôi vừa thấy người vào đến cửa liền biết được ông rồi”. Tôi thấy người tới cửa là biết rồi, khỏi cần bàn luận gì hết. Đây là điểm kỳ đặc của Ngài. Cho nên tổ Lâm Tế tới có thảo luận gì với Ngài đâu, hỏi liền đánh, không cần nói chi. Đó là thấy tới cửa liền biết.
Lại biết chăng ? Cần kíp cố gắng, chớ có dung dị”. Các ông phải nhanh chóng cố gắng, chớ có xem thường. “Mặc y ăn uống mà để một đời luống qua, người trí chê cười”. Chúng ta đắp y Phật, ăn chay, sống trong đạo mà tu không tiến được, để cho người trí chê cười, thật uổng một đời. Câu nhắc nhở này thắm thiết làm sao! Một đời bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ thân bằng quyến thuộc, bỏ tất cả việc nước, việc nhà để đi tu. Tâm cao thượng ấy quí báu vô cùng. Gan dạ bỏ hết những thứ thường tình, để tìm con đường siêu thoát, thế mà vào đạo rồi cũng lẩn quẩn trở lại như người tầm thường, có khi còn tệ hơn nữa, thì có đau không, có uổng một đời không ?
Chúng ta đi tu để làm gì mà bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ hết tất cả để rồi không làm ra trò trống chi ? Nếu tu không ra gì thì thôi về nuôi cha nuôi mẹ còn có ý nghĩa hơn, có giá trị hơn. Nếu can đảm dứt hết, vào chùa tu thì phải đạt tới cái gì, chớ không thể thả lỏng uổng đi một đời. Nhìn lại thấy rất thương nhiều người tu riết không biết mình tu ra sao nữa. Cứ khuya công phu, chiều Tịnh độ rồi chơi bình thường, chừng ấy việc và chờ tới già tới chết, thật uổng một đời.
Cho nên chúng ta không tu thì thôi, tu thì phải đến nơi đến chốn, cho xứng danh nghĩa người tu. Nên lời Ngài nhắc nhở rất là chí lý: Cần kíp cố gắng, chớ có dung dị. Mặc y ăn uống mà để một đời luống qua, người trí chê cười. Cho nên chúng ta phải tu làm sao cho có hiệu quả, xứng đáng một đời hy sinh của mình. Phải nhớ, phải biết rõ ràng như vậy, chớ đừng xem thường. Chúng ta xét lại lời người xưa tha thiết nhắc nhở mà ý thức được việc làm của mình, sao cho xứng đáng một ngày ở chùa là một ngày cao quí, một năm mặc y nhà Phật là một năm xứng đáng người tu, chớ đừng lôi thôi.
CHÁNH VĂN
Ông thời gian sau hẳn sẽ bị người tục lôi đi, phải tự xem xa gần cái gì là việc trên mặt. Nếu hội tức là hội, nếu không hội thì giải tán đi.
GIẢNG
Ngài nói cương quyết, hiểu được thì ở, nếu không hiểu thì rút lui, đừng ở đây nữa. Chúng ta thấy lối dạy của Ngài Hoàng Bá thật là mạnh mẽ.
CHÁNH VĂN
Sư Lâm Tế Nghĩa Huyền đến hỏi:
- Thế nào là ý Tổ từ Ấn Độ sang ?
Ngài liền đập một gậy. Đến ba phen hỏi đều bị đập một gậy. Sau cùng Sư Lâm Tế từ giã Ngài đi nơi khác. Ngài dạy qua tham vấn Đại Ngu. Sau này Sư Lâm Tế đắc ngộ ý chỉ của Ngài. Chỗ chỉ dạy của Ngài đều nhắm vào bậc thượng căn, người trung căn và hạ căn khó thấy được yếu chỉ.
GIẢNG
Chúng ta thấy lối dạy của Ngài quá kỳ đặc. Hỏi thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang, liền đập cho một gậy rồi đuổi xuống, không nói gì hết. Lần thứ hai hỏi lại đập cho một gậy nữa, đuổi xuống. Lần thứ ba hỏi cũng đập một gậy đuổi xuống. Như thế ai còn gan dạ nào ở đó mà tu. Chúng ta chỉ cần đập một gậy lần thứ nhất là xách gói đi tuốt, chớ đâu tới lần thứ hai thứ ba. Ngài Lâm Tế ráng ẩn nhẫn đến lần thứ ba bị đập một gậy nữa, ngài chỉ biết khóc, không còn cách gì khác. Ngài vừa khóc vừa dọn hành lý ra đi. Bấy giờ ngài Trần Tôn Túc làm Quản chúng bảo trước khi đi huynh lên từ giã Hòa thượng rồi hãy đi. Khi từ giã, Hòa thượng hỏi ông đi đâu. Ngài thưa “con không biết đi đâu nữa, thấy không có duyên ở đây thì con đi vậy thôi”. Tổ Hoàng Bá bảo ông qua Đại Ngu dạy cho. Ngài liền đi tới Thiền sư Đại Ngu.
Như vậy ngài Hoàng Bá có công hay có tội với Lâm Tế ? Ba lần hỏi thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang, ba lần đánh rồi đuổi đi, chớ không dạy một câu. Sau cùng chỉ qua ngài Đại Ngu học. Qua tới Đại Ngu, ngài Đại Ngu hỏi:
- Ông từ đâu đến ?
- Dạ con từ Hoàng Bá đến.
Đại Ngu hỏi:
- Hoàng Bá đã dạy ông lời gì ?
- Ba lần con hỏi thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang đều bị ăn gậy, con không biết có lỗi hay không lỗi ?
Đại Ngu bảo:
- Hoàng Bá đã đem tâm lão bà chỉ cho ông đến chỗ tột cùng, ông còn thấy có lỗi, không lỗi.
Ngay đó, Ngài Lâm Tế lãnh hội được chỉ ý của Tổ Hoàng Bá dạy, liền nói “Phật pháp Hoàng Bá rất ít”. Chỉ đánh thôi, không nói chi nên rất ít. Ngài Đại Ngu biết Lâm Tế đã thấm, nên gạn lại:
- Con quỉ đái dưới sàng, hồi nãy nói có lỗi, không lỗi. Bây giờ thấy cái gì mà nói Phật pháp Hoàng Bá rất ít ?
Ngài thoi cho Đại Ngu một thoi vô hông. Đại Ngu xô ra nói:
- Thầy của ông là Hoàng Bá, chẳng can hệ gì đến ta.
Ngài liền trở về Hoàng Bá.
Tổ Hoàng Bá đánh Lâm Tế ba gậy mà được làm thầy. Quí vị thấy hay ở chỗ nào ? Nhờ ăn ba gậy của Hoàng Bá mà dòng Lâm Tế truyền tới ngày nay, hơn một ngàn năm chưa dứt. Kỳ đặc ở chỗ nào ? Thời nay chúng ta không thể sử dụng thủ thuật của Ngài Hoàng Bá được. Bởi vì thời nay là thời khoa học, thời tôn trọng nhân quyền… đủ thứ hết. Đập người ta, người ta sẽ kiện mình. Cho nên thời này chỉ có cách ráng mà nói, nói tới khô cổ để cho người ta hiểu. Hiểu thì tốt, không hiểu thì thôi, chớ không dám đánh, sợ mang tội.
Như vậy thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang ? Chủ đích của Tổ Đạt Ma sang đây, mình làm sao giải thích được ? Mở miệng nói là đã mất ý của Tổ sư rồi. Tổ sư muốn chỉ mình cái chân thật, không có ngôn ngữ đối đãi. Nếu còn thấy có ngôn ngữ đối đãi, còn phải quấy, đúng sai thì không thấy được ý Tổ sư. Phải qua hết đối đãi mới thấy được ý Tổ sư. Vì vậy Ngài Đại Ngu phương tiện nói Hoàng Bá vì ông chỉ thẳng mà ông còn nói có lỗi không lỗi, tức là còn kẹt trong đối đãi. Đánh đó là chỉ thẳng rằng Tổ sư đem Thiền tông sang Trung Quốc, chỉ dạy chỗ không còn ngôn ngữ, không còn đối đãi. Bây giờ ông lại hỏi việc đối đãi, làm sao nhận ra được ý Tổ sư. Nghe đến đây ngài Lâm Tế hiểu ngay, liền nói Tổ sư dạy đơn giản quá. Ngài Đại Ngu nắm lại hỏi “hồi nãy ông nói có lỗi không lỗi, bây giờ lại nói Phật pháp Hoàng Bá rất ít là sao ?” Đến đây Lâm Tế thấy Phật pháp rất đơn giản mà còn nói là trật, nên chỉ thoi một thoi trả lời. Bị đánh ba gậy để chỉ, bây giờ muốn trình chỗ thấy của mình cũng dùng cái thoi để trình. Như vậy mới thấy rõ chỗ người đệ tử đã thấu triệt được ý của thầy.
Người thời nay đọc sử tới mấy đoạn này thấy Thiền sư ngày xưa quá thô bạo, chỉ có đánh đập chớ không nói đạo lý, nhưng thật tình hành động của các ngài có ý nghĩa rất thâm trầm. Bởi vậy nếu chúng ta không lãnh hội được lý thiền thì không bao giờ tìm thấy được cái hay của nhà thiền. Chủ ý của Tổ Hoàng Bá là chỉ thẳng, chớ không chỉ quanh co. Người nào Ngài mới chỉ thẳng như vậy ? Người có căn khí đại thừa, có thể thừa đương đại sự mới được chỉ thẳng như thế. Như cả quyển Uyển Lăng Lục, chúng ta đọc đâu thấy ngài đánh ai. Tướng quốc Bùi Hưu hỏi, Ngài trả lời đâu đó rõ ràng. Là vì tướng quốc mà bị đánh thì từ giã liền, cho nên phải giải cho ông hiểu. Còn Lâm Tế là một con người rất kỳ đặc, ít nói thâm trầm cho nên Tổ đã thầm nhận, nhưng chưa nói ra. Khi Lâm Tế hỏi Ngài liền dùng thủ thuật đó. Nhờ thủ thuật này, Lâm Tế sau khi ngộ rồi không còn ý niệm lăng xăng nữa. Vì vậy hệ Lâm Tế truyền bá rất lâu dài.
CHÁNH VĂN
Đời Đường khoảng niên hiệu Đại Trung (847 – 860 TL), Ngài tịch ở núi Hoàng Bá. Nhà vua sắc thụy là Đoạn Tế Thiền Sư, tháp hiệu Quảng Nghiệp.
GIẢNG
Do vậy có nơi gọi Ngài là Đoạn Tế Thiền sư, có nơi gọi Hoàng Bá hoặc Hy Vận. Chỗ nào đúng ? Chỗ nào cũng đúng hết. Ngài có bài kệ răn dạy những người tu Thiền rất hay:
Trần lao quýnh thoát sự phi thường,
Hệ bã thằng đầu tố nhất trường,
Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt,
Tranh đắc mai hoa phốc tỷ hương.
Dịch:
Vượt khỏi trần lao việc chẳng thường,
Đầu dây nắm chặt giữ lập trường,
Chẳng phải một phen xương lạnh buốt,
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.
Tất cả người tu chúng ta cốt ra khỏi trần lao, còn lăn lộn tử sanh là còn ở trong vòng trần lao. Lao là khổ là nhọc, muốn ra khỏi vòng khổ nhọc trầm luân là việc phi thường. Tại sao phi thường ? Bởi vì con người sanh ra, ai cũng theo thói thường, lớn lên học hành, rồi có gia đình, có con cái, lớn nữa có cháu chắc rồi tới già chết. Cứ đều đều như vậy mà không ai nghĩ cách nào khác hơn để thoát ra luật lệ ấy.
Người tu không chấp nhận sự trói buộc, sanh đi tử lại mãi mãi như thế. Cho nên chúng ta quyết định phải thoát ra vòng trần lao. Quyết định thoát khỏi vòng trần lao là kẻ thường hay phi thường ? Là phi thường. Vậy mà ai nói động một chút thì buồn, ai chê liền giận. Con người phi thường mà vậy sao ? Đã là người phi thường thì nghe chửi không thèm giận, nghe khen không mừng mới được. Quí vị thử kiểm lại xem mình phi thường chưa ? Đã đi tu là làm việc phi thường, tại sao chưa chịu thực hiện việc phi thường ?
Đó là những câu hỏi chúng ta phải luôn tự đặt, tự vấn để vươn lên, chớ không thể tu mà vẫn đặt mình trong cái tầm thường. Tất cả chúng sanh đều chấp nhận cuộc đời sanh ra, lớn lên, lập gia đình rồi tới già chết. Ai cũng như ai, giỏi lắm làm được chuyện từ thiện chút ít cho đời là quí rồi. Người trước như vậy, người sau như vậy, mãi mãi như vậy. Có người sớm thức tỉnh, muốn thoát ra khỏi cái tầm thường đó, vì vậy nên nói là phi thường. Không chấp nhận việc tầm thường thì phải làm việc khác hơn, làm việc phi thường. Muốn làm việc phi thường đòi hỏi con người cũng phải phi thường. Người ta đi đường bằng phẳng suông sẻ, mình muốn đi trên mây trên gió thì phải phi thường hơn người ta chớ, phải có cái gì kỳ đặc mới được.
Chúng ta đồng ý là người phi thường thì phải có tư cách phi thường. Tư cách phi thường thì bị chê không buồn, bị chọc không giận v.v… Chớ động tới giống hệt những người tầm thường, than tôi tu mấy năm nay mà không ai quan tâm, thiếu thốn, nghèo, bệnh hoạn hoài, buồn quá. Những thái độ đó đâu phải là người phi thường. Ở đây Ngài nói chúng ta muốn ra khỏi trần lao là việc phi thường, nên phải vượt khỏi thói thường tình của người đời. Như vậy mới xứng đáng là người xuất gia.
Hệ bã thằng đầu tố nhất trường tức là đầu dây nắm chặt giữ lập trường. Mình tu pháp nào thì cứ một pháp ấy bám chặt cho tới nơi tới chốn. Như câu chuyện trong kinh Phật dạy: Có một anh chàng phạm tội tử hình. Trên một con đường dài mấy cây số, mà hai bên đường nào là các cảnh ca hát, rượu chè, cờ bạc, đủ thứ trò cám dỗ. Nhà vua ra lệnh anh bưng một dĩa dầu đầy đi từ đầu đường đến cuối đường mà không rơi một giọt, không nghiêng không đổ thì sẽ tha anh khỏi tội tử hình. Nếu nghiêng đổ ở chỗ nào thì lập tức tên đao phủ phía sau chặt cổ anh liền. Quí vị nghĩ nếu trong trường hợp như vậy chúng ta dám liếc ngó hai bên đường không ? Chắc chắn là không. Vì biết tên đao phủ phía sau sẵn sàng buông đao, để chảy một chút dầu là bị rơi đầu ngay, cho nên chăm chăm đi tới cuối đường. Khi đi hết con đường mà không nhỏ một chút dầu, tên tử tội mới thoát khỏi tội tử hình.
Phật ví dụ dĩa dầu là pháp tu, còn tên tử tội là tất cả phàm phu chúng ta. Có người nào không bị án tử hình không ? Những án treo ba chục năm, năm chục năm, sáu bảy chục năm… rồi sẽ tử hình, ai cũng bị án hết. Đang bị án mà muốn thoát khỏi án phải làm sao ? Phật dạy phải dùng một pháp tu, chuyên tâm thực hành cho tới nơi tới chốn, không sơ sót thì sẽ giải thoát khỏi tửû hình. Tử hình là sanh tử. Muốn ra khỏi sanh tử thì phải nắm vững pháp tu của mình, từ đầu tới cuối, không vì duyên của sáu trần mà mình lơi lỏng, phải chăm chăm đi tới mới được giải thoát. Cũng như anh tử tội chăm chăm nhìn dĩa dầu, không cho nghiêng đổ vậy. Chúng ta tu ai cũng có hướng của mình, phải theo dõi luôn, không chút lơ là thì sẽ thoát khỏi sanh tử.
Chú lính cầm cây đao đi bên cạnh là quỷ vô thường chực sẵn, mình sơ sẩy một chút là nó chặt đầu liền. Chúng ta đi đứng, tới lui, qua lại… sơ sẩy đạp con rắn, nó cắn sôi đờm chết. Ra đường xe đụng ngã đùng chết. Quỷ vô thường nó chực lúc nào mình không hay, miễn sơ sẩy thì rồi đời. Vì vậy đi đâu cũng phải nhiếp tâm giữ chánh niệm, mới thoát chết. Thường mình đi ra thì ngó trời, ngó mây, ngó thiên hạ kẻ này người kia… về kể lại cho huynh đệ nghe. Cho nên không biết quỷ vô thường nó chụp lúc nào. Vì vậy người tu phải cố làm sao đi cho tới nơi tới chốn, đem hết tâm lực tập trung vào mỗi việc tu hành, khả dĩ thoát được luật sanh tử vô thường.
Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt tức là chẳng phải một phen xương lạnh buốt. Nhờ tới mùa đông xương lạnh buốt chúng ta mới thấy hoa mai nở rộ. Có chịu cái lạnh buốt của mùa đông, mới hưởng được mùi thơm của hoa mai. Đừng nghĩ mình tu thảnh thơi vui vẻ, sẽ đạt được kết quả mỹ mãn, không bao giờ có chuyện đó. Phải chăm chỉ, quyết tâm tu, không lúc nào lơi lỏng, mai kia mới có thể giải thoát sanh tử. Ngoài thế gian, một đứa học trò muốn mỗi năm mỗi lên lớp cho tới thi đậu, nó phải làm sao ? Phải cố gắng học đêm học ngày mới được. Chúng ta tu cũng vậy, phải chịu cực chịu khổ, để hết sức lực, hết tâm trí mình vào sự tu thì mai kia mới được kết quả tốt đẹp, không thể lơ là, đùa cợt ngày này tháng kia mà được kết quả.
Bài kệ này nhắc nhở chúng ta thấy bổn phận của mình phải làm gì, đạt được gì, chớ không phải chuyện làm cho có chừng, làm để mà làm, làm trò cười cho thiên hạ. Đó là lời nhắc nhở rất chí thiết của thiền sư Hoàng Bá. Mong tất cả nhớ và làm tròn bổn phận của mình.
Các tin khác
- Uyển Lăng Lục (tiếp theo...) - cập nhật 22/03/2008 - 22/03/2008 09:43
- Uyển Lăng Lục (tiếp theo...) - cập nhật 16/03/2008 - 16/03/2008 07:06
- Uyển Lăng Lục (tiếp theo...) - cập nhật 10/03/2008 - 10/03/2008 10:36
- Uyển Lăng Lục (tiếp theo...) - cập nhật 05/03/2008 - 05/03/2008 05:48
- Uyển Lăng Lục (tiếp theo...) - 28/02/2008 08:57