Uyển Lăng Lục (tiếp theo...) - cập nhật 10/03/2008
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ hai, 10 Tháng ba 2008 10:32
- Viết bởi nguyen
TIỂU SỬ THIỀN SƯ HOÀNG BÁ
CHÁNH VĂN
Ngài hiệu Hy Vận, người tỉnh Mân (tỉnh Phước Kiến), Hồng Châu, thuở nhỏ xuất gia tại bổn châu trên núi Hoàng Bá. Trên trán Ngài có cục thịt nổi vun lên như hạt châu, âm thanh trong trẻo, ý chí đạm bạc.
GIẢNG
Các tỉnh của Trung Hoa rất lớn nên trong tỉnh có chia ra Châu, Huyện. Châu là chỗ thị tứ, thành phố của tỉnh, dưới Châu là Huyện. Ngài người tỉnh Phước Kiến, tướng tốt to lớn, trên trán có nổi cục thịt đỏ. Đây là những phước tướng đặc biệt. Âm thanh trong trẻo, ý chí đạm bạc, thích sống đơn giản.
CHÁNH VĂN
Đi dạo núi Thiên Thai, Ngài gặp một vị Tăng nói chuyện với nhau như đã quen biết từ xưa, nhìn kỹ là người Mục quang xạ. Hai người cùng đi gặp khe suối, nước đầy chảy mạnh, Ngài lột mũ chống gậy dừng lại, vị Tăng kia thúc Ngài đồng qua.
Ngài bảo:
- Huynh cần qua thì tự qua.
Vị Tăng kia liền vén y bước đi trên sóng như đi trên đất bằng. Qua đến bờ vị Tăng kia xoay lại hối:
- Qua đây! Qua đây!
Ngài bảo:
- Dốt! Ấy tự rõ. Tôi sớm biết sẽ chặt bắp đùi anh.
Vị Tăng kia khen:
- Thật là pháp khí Đại thừa, tôi không bì kịp.
Nói xong không thấy vị Tăng ấy nữa.
GIẢNG
Đây là điểm đặc biệt của nhà Thiền. Mục quang xạ tức là người đã chết. Mục là con mắt, quang là áng sáng, xạ là rơi, là rớt. Đôi mắt mất ánh sáng là chỉ người chết. Ngài gặp vị Tăng thấy quen nhưng nhìn kỹ thì biết đã chết rồi, bây giờ do duyên cũ nên cùng đi với Ngài. Hai người tới bờ suối lớn, nước suối chảy mạnh, vị Tăng muốn trổ tài, bảo Ngài qua. Ngài là Thiền sư không có phép mầu gì hết, nên nói huynh qua được cứ qua. Vị Tăng nọ vén áo bước đi trên sóng như đi trên đất bằng. Qua bờ kia, vị Tăng xoay lại thúc “Qua đây, qua đây”.
Nếu là chúng ta, thấy bạn đi trên nước như vậy chắc sẽ khiếp vía, muốn đảnh lễ ngay. Nhưng ngược lại, Ngài nghe thúc liền nói “Dốt! Ấy tự rõ”. Tự rõ là sao? Người tu nếu có thần thông, có phép lạ thì tự biết chớ đừng khoe, khoe là không tốt. Cho nên Ngài quở dốt, do dốt mới nói như thế. Mình có thần thông thì tự biết, khoe với người ta làm chi. “Nếu tôi sớm biết sẽ chặt bắp đùi anh”, nếu hồi nảy tôi biết anh dùng thần thông sẽ chặt đùi anh cho coi. Bị chê vậy mà vị Tăng ấy lại khen thiền sư “thật là pháp khí đại thừa, tôi không bì kịp”. Sao lạ vậy? Pháp khí đại thừa có đặc biệt gì? Đây là những điều quan trọng người tu thiền không nên lầm lẫn.
Hầu hết người tu ai cũng thích có thần thông. Nếu hôm nào mình ngồi thiền, bỗng phát quang rồi bay lên không trung, chắc là thích lắm. Bao nhiêu đó đủ cho huynh đệ phục lăn rồi. Đây là điều nhà Thiền cấm kỵ nhất. Tại sao vậy? Bởi vì người tu Thiền cốt nhìn cho ra, thấy cho được thể tánh bất sanh bất diệt hay Phật tánh của mình. Đó là gốc của sự tu, chớ không cầu, không luyện thần thông phép lạ. Nếu cầu luyện thần thông phép lạ là lệ thuộc ở bên ngoài, không phải sống trở về tánh giác, mà chỉ có trở về tánh giác mới thành Phật. Thâm ý của nhà Thiền không phải tập luyện thần thông, mà tu thế nào để sống trở lại với tâm chân thật của chính mình.
Ở chỗ khác có kể về một Thiền sư sống trên núi. Lúc Ngài xuống núi, gặp một đạo sĩ tu tiên, mới kết bạn đồng hành. Hôm nọ cùng đi với nhau tới con sông nước chảy mạnh, mà đò đã qua bên kia không có ở bến bên này. Vị Thiền sư dừng lại chờ, vị đạo sĩ kia thấy vậy xúi đi qua. Thiền sư nói “huynh đi được thì cứ đi, tôi chờ đò qua mới đi”. Vị đạo sĩ vén áo bước trên mặt nước đi qua bên kia. Đứng bên kia đạo sĩ nhìn thấy Thiền sư còn chờ đò, ông cười ngạo nghễ rồi đứng chờ. Lát sau Thiền sư xuống đò qua sông. Tới nơi Thiền sư hỏi đạo sĩ “huynh tập luyện đi được trên nước, thời gian bao lâu?” Đạo sĩ đáp “tôi tập tới ba mươi năm mới đi được”. Thiền sư cười bảo “công phu ba mươi năm của huynh giá đáng có hai xu”.
Chúng ta nghe câu nói này thấy thế nào? Rõ ràng các Thiền sư không chú trọng đến sự luyện tập thần thông. Tại sao nhà Thiền lại coi thường thần thông như vậy? Thường thường nhà Phật nói “thần thông diệu dụng”, tức thần thông là dụng mầu nhiệm chớ không phải là giá trị chân lý, mà người tu Phật phải đạt được chân lý chớ không phải tìm sự mầu nhiệm tạm thời.
Như Ngài Mục Kiền Liên là thần thông đệ nhất trong đệ tử Phật, nhưng tới khi mẹ Ngài chết sanh cõi dữ, Ngài dùng thiên nhãn tìm gặp mẹ rồi, thấy mẹ đói quá, Ngài xin được bát cơm, vận thần thông đến dâng cho mẹ. Khi bà vừa bưng bát cơm, liền lấy tay áo che lại sợ người ta giựt, sau đó bà bốc cơm bỏ vô miệng, cơm hóa thành than ăn không được. Tại sao lúc đó Ngài không dùng thần thông thổi tắt lửa cho mẹ ăn, mà lại đứng khóc. Rõ ràng thần thông thua cái nghiệp. Nghiệp tham của bà quá nặng. Khi nghiệp tham quá nặng thì cơm hóa ra lửa, thần thông của ngài Mục Kiền Liên không thể cứu được nghiệp tham của bà, nên Tôn giả đành phải khóc trở về. Đó là bất lực thứ nhất.
Bất lực thứ hai, đến khi Ngài sắp từ giã cõi đời bị bọn cướp vây đánh. Sao lúc đó Ngài không bay đi, mà phải chịu đòn nhừ tử. Vì Ngài biết mình không còn trở lại cõi đời nữa nên phải trả nghiệp cũ cho xong mới có thể xả báo thân được. Sau khi bọn cướp bỏ đi, Ngài mới vận thần thông về đảnh lễ Phật, ít hôm sau thì mất. Khi đó các thầy tỳ kheo hỏi Phật vì sao Ngài Mục Kiền Liên có thần thông mà không bay đi để thoát nạn? Phật trả lời nghiệp cũ của Mục Kiền Liên thuở xưa còn lại. Đây là thân chót cho nên tất cả nợ cũ trả hết mới được vô sanh, Niết-bàn. Nếu thần thông không cứu được nghiệp, thì nó quí hay không quí? Thần thông chỉ dùng tạm thôi, có gì quan trọng. Nhưng người phàm tục rất trọng thần thông, nghe ai có thần thông thì lạy lên, lạy xuống không ngán chút nào hết, vì quá quí trọng thần thông. Đó là điểm khác nhau giữa người đời và người tu theo Phật.
Trong kinh A Hàm kể, vua Ba Tư Nặc thưa với Phật trong nước ông có một vùng người dân rất thích thần thông huyền bí, không thèm nghe đạo lý, vì vậy xin đức Phật dùng thần thông giáo hóa họ. Đức Phật trả lời “Ta không dùng thần thông giáo hóa, mà chỉ dùng đạo thông thôi”. Như vậy từ Đức Phật cho tới đệ tử Ngài, những vị tu hành chân chánh đều dùng đạo thông làm gốc, còn thần thông chỉ là phương tiện phụ thôi.
Người thời nay vì không biết, cho cái gì kỳ quặc, lạ lùng là quí, không biết gốc quí báu ở chỗ thấu suốt đạo lý, thấy được lẽ thật. Người học đạo Phật là học chân lý, tìm nhận cho ra chân lý. Còn người ham huyền bí, những thứ lạ lùng thì chưa phải là người chân chánh học Phật. Hiểu như vậy chúng ta mới hiểu ý của đoạn này, nếu không chúng ta sẽ lấy làm lạ, người có thần thông tại sao bị xem thường, người không có thần thông lại được khen.
Thêm một chuyện nữa về thần thông. Có một ngoại đạo tu chứng được ngũ thông, tức là có thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm, thần túc, túc mạng. Ông giảng kinh người ta khen rất hay, tới vua trời Đế Thích cũng mê nữa. Hôm đó, nghe giảng kinh xong vua trời Đế Thích ngồi khóc. Ông thấy lạ quá, liền hỏi “tại sao hôm nay nghe tôi giảng Ngài lại khóc?” Trời Đế Thích đáp “Ngài giảng thật hay nhưng tôi biết mạng sống Ngài sắp hết, tôi thương tiếc nên khóc”. Nghe vậy vị ấy hoảng, hỏi Đế Thích làm sao để khỏi chết? Trời Đế Thích giới thiệu “nếu ông muốn khỏi chết phải tìm đến chỗ Phật Thích Ca, Ngài sẽ chỉ cho phương pháp khỏi chết”. Nghe vậy vị ấy mừng quá hỏi “bây giờ Phật Thích Ca ở đâu?” Trời Đế Thích giới thiệu đang ở tại Tinh xá Trúc Lâm. Vị ấy vận thần thông đi đến chỗ Phật. Ông đi trên mây được một đổi thì nghĩ, mình tới Phật mà không có gì cúng dường khó coi quá. Khi ấy nhìn xuống thấy hai cây ngô đồng trổ hoa thật đẹp, ông vận thần thông nhổ hai cây để trên hai tay rồi bay đến chỗ Phật.
Tới Trúc Lâm hạ xuống, ông cầm hai cây ngô đồng dâng cúng Phật. Khi dâng cúng ông hỏi “Bạch Thế Tôn, làm thế nào để khỏi chết?” Phật bảo “buông”. Ông buông một tay, rớt cây ngô đồng xuống. Phật bảo “buông”, ông buông một tay nữa, rớt cây ngô đồng thứ hai xuống. Phật lại bảo “buông”, ông ngẩn ngơ không biết buông cái gì nữa, nên hỏi Phật “con buông hết hai tay, rớt hết hai cây ngô đồng xuống, bây giờ còn gì nữa mà Phật bảo buông”. Phật nói “không phải Ta bảo ngươi buông cây ngô đồng, mà buông thứ nhất là buông sáu trần, đừng cho nó dính. Buông thứ hai là buông sáu căn, đừng chạy theo sáu trần. Buông thứ ba là buông sáu thức, đừng cho nó dấy động. Buông ba cái đó thì ông khỏi chết”. Ngay đó vị kia liền ngộ ra, trở về tu và chứng quả A La Hán, không còn sanh tử nữa.
Như vậy mới thấy thần thông không cứu được mình. Đi trên mây xanh, nhổ ngô đồng cầm trên tay, vận dụng đủ thứ hết, mà không chống được ma sanh tử. Gốc của đạo Phật là tu giải thoát sanh tử. Muốn giải thoát sanh tử trước phải giác ngộ cái không sanh tử, để sống với nó. Đó là chúng ta tu, chớ không phải luyện tập thần thông, luyện tập bùa chú, đó không phải là phương pháp cứu mình.