headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 03/01/2025 - Ngày 4 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Uyển Lăng Lục (Tiếp theo...)

 CHÁNH VĂN

Nếu không nói năng cũng không có tác dụng của tâm thể thì giống hệt như hư không, không có tướng mạo, cũng không chỗ nơi, cũng không một bề là không hay có, cũng không thể thấy.

GIẢNG:

Tuy chúng ta có cái biết nói, biết nghe nhưng khi không có chuyện để nói, để nghe thì cái biết ấy trở về thể tánh không tướng mạo, không hình dáng của nó, vì vậy nói đồng với hư không, trong đó không có cái có hay cái không.

CHÁNH VĂN

Tổ sư nói: “Chân tánh tâm địa tàng, không đầu cũng không đuôi, ứng duyên mà hóa vật, phương tiện gọi là trí. Nếu khi chẳng ứng duyên, không thể nói là có là không, chính khi ứng duyên cũng không dấu vết”.

GIẢNG:

Chư Tổ nói cái chân tánh tâm địa không đầu, không đuôi. Chữ tàng này là cái kho. Tâm địa tàng là kho tâm địa.

“Chân tánh tâm địa tàng, không đầu cũng không đuôi, ứng duyên mà hóa vật, phương tiện gọi là trí”. Ví dụ tâm chúng ta là thanh tịnh, là thường hằng. Bây giờ có các cảnh hoặc sang hoặc hèn, nó đến mình biết tất cả cảnh đều tánh không, duyên hợp giả có, ứng duyên hóa vật phương tiện gọi là trí. Tuy thấy sang thấy hèn nhưng đều biết tánh không duyên hợp huyễn hóa, đó là trí. Trí tùy duyên mà dấy động, dấy động trong trí tuệ chớ không phải trong mê lầm.

“Nếu khi chẳng ứng duyên, không thể nói là có là không, chính khi ứng duyên cũng không dấu dết”. Khi không ứng duyên thì tánh giác tri của chúng ta không tướng mạo. Không tướng thì không thể nói có, không gì không biết nên không thể nói không. Không thể có, không thể không vì không hình tướng mà hằng tri, hằng giác cho nên không thể không được. “Chính khi ứng duyên cũng không dấu dết”, khi tùy duyên ứng hiện cũng không thấy dấu vết. Tại sao? Vì biết tất cả pháp đều là duyên hợp, hư ảo có gì thật mà dính mắc.

CHÁNH VĂN

Đã biết như thế, hiện nay chỉ nhằm không trong chỗ nương tựa, tức là đi con đường chư Phật. Kinh nói: “Nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia”.

GIẢNG:

 Đã biết như thế, hiện nay chỉ nhằm không trong chỗ nương tựa tức không chỗ nào thật để mình nương tựa, tức là đi con đường chư Phật. Không có một cái thật để dính mắc là đi đường của chư Phật. Kinh Kim Cang nói: “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” tức là nên không chỗ trụ mà sanh tâm kia, không dính mắc sáu trần mà sanh tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

CHÁNH VĂN

Tất cả chúng sanh luân hồi sanh tử do ý duyên tâm chạy rong ra ngoài, nơi sáu đạo không dừng đến phải chịu các thứ khổ. Kinh Tịnh Danh nói: “Người khó giáo hóa tâm như khỉ vượn, cho nên dùng bao nhiêu thứ pháp chế ngự tâm kia, nhiên hậu mới điều phục”.

GIẢNG:

 Chúng sanh luân hồi trong sanh tử là do ý duyên tâm chạy, nơi sáu đạo không đến phải chịu các thứ khổ. Sở dĩ chúng ta chịu khổ là do ý duyên tâm chạy theo cảnh, không dừng luân hồi trong lục đạo. Ở đây dẫn kinh Tịnh Danh là kinh Duy Ma Cật nói “Người khó giáo hóa tâm như khỉ vượn”, sở dĩ người ta khó bảo, khó dạy vì tâm chạy nhảy như khỉ như vượn. “Cho nên dùng bao nhiêu thứ pháp chế ngự tâm kia, nhiên hậu mới điều phục”, bởi tâm chạy như khỉ vượn nên Phật Tổ mới dùng các thứ phương tiện chế ngự nó. Nếu tâm ấy dừng thì tất cả pháp cũng theo đó mà lặng.

CHÁNH VĂN

Nên nói: “tâm sanh các thứ pháp sanh, tâm diệt các thứ pháp diệt”.

GIẢNG:
Bởi vì tâm sanh nên dùng các pháp điều trị nó, tâm diệt rồi thì các pháp cũng phải bỏ luôn.

CHÁNH VĂN

Cho nên biết, tất cả pháp đều do tâm tạo, cho đến trời, người, a tu la, địa ngục… sáu đạo, trọn do tâm tạo.

GIẢNG:

Tất cả pháp thế gian, lục đạo luân hồi đều do tâm mà ra. Tâm nghĩ đường nào liền đi đường đó, tâm tạo lập ra mọi thứ.

CHÁNH VĂN

Hiện nay chỉ học không tâm, chóng dứt các duyên, chớ sanh vọng tưởng phân biệt, không người không ta, không tham không sân, không yêu không ghét, không hơn không thua.

GIẢNG:

Bây giờ chúng ta khéo tu là phải dứt các duyên, đừng sanh vọng tưởng phân biệt. Không phân biệt thì không thấy có người thật, có ta thật, không thấy tham sân, không yêu không ghét, không hơn không thua… biết tất cả những thứ ấy như huyễn, không thật thì tâm sẽ dừng, không còn chạy theo nó nữa.

CHÁNH VĂN

Trừ hết những thứ vọng tưởng này tánh tự xưa nay thanh tịnh, tức là tu hành pháp Bồ-đề, Phật…

GIẢNG:

Nếu người trừ hết vọng tưởng hơn thua, phải quấy, hư thực v.v… thì tánh thanh tịnh xưa nay hiện tiền. Tánh hiện hiền là tu hành pháp Bồ-đề, tu hành pháp Phật.
 

[ Quay lại ]