headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 05/01/2025 - Ngày 6 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Uyển Lăng Lục (Tiếp theo...)

 CHÁNH VĂN:

Hỏi: Nếu như vậy chỗ nào là Bồ-đề?

Đáp: Bồ-đề không phải chỗ, Phật cũng không được Bồ-đề, chúng sanh cũng không mất Bồ-đề, không thể do thân mà được, không thể lấy tâm mà cầu, tất cả chúng sanh tức là tướng Bồ-đề.

GIẢNG:
Tại sao nói Bồ-đề không phải chỗ, Phật cũng không được Bồ-đề? Bởi vì Bồ-đề không có tướng mạo, Bồ-đề là tánh giác sẵn có của chúng ta. Đã không tướng mạo làm sao có chỗ nơi. Bởi tánh giác sẵn có nên chúng sanh không mất Bồ-đề, Phật cũng không được Bồ-đề. Không thể do thân mà được đó là chỗ nơi, không thể lấy tâm mà cầu đó là hình tướng, tất cả chúng sanh tức là tướng Bồ-đề. Vì tất cả chúng sanh đều sẵn có tánh giác, không phải riêng Phật, nhưng Phật sớm thức tỉnh sống được với tánh giác nên gọi là Phật. Chúng sanh mê lầm chạy theo điên đảo vọng tưởng nên không thấy Bồ-đề, vì vậy gọi là chúng sanh. Nên biết Bồ-đề không phải dành riêng cho Phật, cũng không phải chúng sanh vô phần, khác nhau vì một bên tỉnh, một bên mê.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Thế nào là phát tâm Bồ-đề?

Đáp: Bồ-đề không sở đắc, nay ông chỉ phát tâm không sở đắc, quyết định không được một pháp, tức là tâm Bồ-đề.

GIẢNG:

Bồ-đề không sở đắc, nay ông chỉ phát tâm không sở đắc, quyết định không được một pháp, tức là tâm Bồ-đề. Thường thường người tu cần phải phát tâm Bồ-đề, tại sao ở đây nói Bồ-đề không sở đắc, nay ông chỉ phát tâm không sở đắc. Phát tâm không sở đắc là tâm nào? Là tâm Bát-nhã “dĩ vô sở đắc cố”. Do không có sở đắc, Bồ-tát y Bát-nhã được quả Bồ-tát, Phật y Bát-nhã được quả Phật. Như vậy phát tâm Bồ-đề là phải vận dụng trí tuệ Bát-nhã chiếu soi tất cả pháp, thấy không có một pháp thật. Vì không một pháp thật, có gì là sở đắc. Thấy không có sở đắc là tâm Bồ-đề, như vậy tâm Bồ-đề là tâm vô sở đắc.

Chúng ta tu phát tâm cầu đắc hay vô sở đắc? Đa số ai tu cũng cầu được thành Phật, thành Bồ-tát, thành A-la-hán, chớ không ai tu để được vô sở đắc. Nếu không có vô sở đắc thì không có Phật, không có Bồ-tát, vì Phật Bồ-tát đều từ trí tuệ Bát-nhã, thấy tất cả các pháp như huyễn, nên các ngài không dính không kẹt, không bị phiền não che đậy, do đó tâm giác ngộ sáng suốt tự hiển bày. Vì vậy gọi là Bồ-đề.

CHÁNH VĂN:

Bồ-đề không có chỗ trụ, thế nên không có đắc, nên nói “Ta ở nơi Phật Nhiên Đăng không một chút pháp có thể được, Phật liền thọ ký cho ta”.

GIẢNG:

Nói tới Bồ-đề là nói tới giác ngộ, mà giác ngộ thì không thấy có một pháp nào thật, nên không có chỗ trụ. Không có chỗ trụ là không có sở đắc. Vì vậy trong kinh Kim Cang, Phật dạy “Ta ở nơi Phật Nhiên Đăng không một chút pháp có thể được, Phật liền thọ ký cho ta”. Vì không một chút pháp có thể được là vô sở đắc, nên Phật Nhiên Đăng thọ ký cho Đức Thích Ca sau này sẽ thành Phật. Muốn thành Phật thì Bồ-tát hay chúng sanh phải tu đến chỗ vô sở đắc. Chúng ta tu cầu đắc cầu chứng nhiều quá nên không thành Phật được.

CHÁNH VĂN:

Biết rõ tất cả chúng sanh vốn là Bồ-đề, không lẽ lại được Bồ-đề.

GIẢNG:

Tất cả chúng sanh đều có tánh giác, là có Bồ-đề. Nếu tu được Bồ-đề thì chẳng lẽ thêm Bồ-đề thứ hai sao? Cho nên biết tất cả chúng sanh đều có tánh Bồ-đề thì không được Bồ-đề nữa.

CHÁNH VĂN:

Nay ông nghe nói phát tâm Bồ-đề bèn cho là có một tâm học làm Phật.

GIẢNG:

Nghe nói phát tâm Bồ-đề tưởng có một tâm riêng học làm Phật, không ngờ phát tâm Bồ-đề là phá hết tất cả những kiến chấp các pháp là thật, phải quấy v.v… không dính nữa là Bồ-đề hiện, chớ không có tâm Bồ-đề ở đâu đến.

CHÁNH VĂN:

Chỉ nghĩ làm Phật, dù ông tu ba a-tăng-kỳ kiếp cũng chỉ là Phật báo thân, hóa thân cùng với Phật chân tánh bản nguyên của ông có gì liên hệ, nên nói “cầu Phật có tướng bên ngoài, cùng ông không tương tợ”.

GIẢNG:

Nếu chúng ta nghĩ tu để được làm Phật thì dù tu tới ba vô số kiếp cũng chỉ là Phật báo thân, Phật hóa thân, cùng với Phật chân tánh tức Phật pháp thân không có gì liên hệ. Tại sao? Người ta cứ quen nghĩ tu đủ tất cả công đức như Phật, chừng đó sẽ có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp v.v… đi giáo hóa chúng sanh, đó là thành Phật. Như vậy muốn biết ai gần thành Phật hay chưa cứ xem họ được bao nhiêu tướng tốt. Người nào được mười lăm, hai chục tướng thì nghĩ hơi khá rồi, nếu ba chục tướng xem ra gần thành Phật. Nếu vậy thử hỏi đức Phật có ba mươi tướng tốt, hiện giờ ở đâu? Thành tro bụi hết rồi, nếu còn thì chỉ là những viên xá lợi nho nhỏ, chớ không phải ba mươi hai tướng tốt. Nên biết đức Phật có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp là Phật báo thân. Đức Phật thị hiện nơi này nơi nọ, giáo hóa chúng sanh là Phật hóa thân. Phật báo thân, Phật hoá thân là Phật sanh diệt. Chỉ có Phật pháp thân là miên viễn, bất sanh, bất diệt, tất cả chúng sanh hiện giờ có sẵn Phật này.

Như vậy chúng ta muốn thành Phật miên viễn hay Phật tạm thời? Đa số muốn thành Phật ba mươi tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, còn Phật miên viễn buồn quá, không thấy hình tướng ra sao hết. Đã có tướng thì sanh diệt, kinh Kim Cang nói “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Đức Phật có tướng cũng sanh diệt, chúng ta tu phải đạt được Phật pháp thân mới không bị sanh diệt. Cho nên ở đây nói “cầu Phật có tướng bên ngoài, cùng ông không tương tợ”, cầu làm Phật có hình có tướng thì không phải Phật pháp thân của chính mình, vì vậy cùng ông không tương tợ.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Xưa đã là Phật sao lại có tứ sanh, lục đạo các thứ hình mạo chẳng đồng?

GIẢNG:

Ai cũng có Phật tánh là đã thành Phật lâu rồi, tại sao lại luân hồi trong Lục đạo, có tứ sanh v.v…

CHÁNH VĂN:

Đáp: Chư Phật thể tròn không tăng giảm, trôi vào Lục đạo mỗi chỗ đều tròn, trong muôn loài mỗi mỗi đều là Phật.

GIẢNG:

Phật tánh là Phật pháp thân tròn đủ, không tăng không giảm. Nhưng vì theo nghiệp trôi lăn trong Lục đạo, tuy trôi lăn trong Lục đạo nhưng tánh Phật cũng vẫn tròn đủ, trong muôn loài mỗi mỗi đều có tánh Phật.

CHÁNH VĂN:

Ví như có viên thủy ngân, phân tán các chỗ, mỗi mảnh đều tròn, nếu khi không phân chỉ là một khối. Đây là một tức tất cả, tất cả tức một.

GIẢNG:

Ví dụ viên thủy ngân được chia ra trong mỗi chung nhỏ, ở chung nào nó cũng tròn. Nếu nhập chung lại thì nó thành một khối thủy ngân tròn. Một là tất cả, tất cả là một. Phật tánh vốn không hai, không khác nhưng mỗi chúng sanh mang một Phật tánh riêng, chớ không phải chung lại.

CHÁNH VĂN:

Các thứ hình mạo dụ như nhà cửa, bỏ nhà lừa vào nhà người, bỏ thân người đến thân trời, cho đến nhà Thanh văn, Duyên-giác, Bồ-tát, Phật đều là chỗ lấy bỏ của ông. Do đó có sai khác chớ tánh bản nguyên đâu có sai khác.

GIẢNG:

Trôi lăn trong lục đạo luân hồi hay chuyển lên Tứ thánh cũng là chuyện lấy bỏ thôi. Lấy bỏ hình thức này, hình thức kia chuyển dời mãi nhưng ông Phật của chúng ta vẫn không hai. Ai ai cũng sẵn có ông Phật mà quên đi, nên Bồ-tát Thường Bất Khinh gặp mọi người đều bái nói “tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài đều sẽ thành Phật”. Chuyện thành Phật của chúng ta là nhất định rồi, vì ai cũng có chủng tánh Phật nhưng vấn đề là gần hay xa thôi. Mười đời, trăm đời, muôn triệu đời kiếp… cũng sẽ thành hết.

Như vậy trên đường tu, không phải chúng ta tìm kiếm những gì xa lạ ở chân trời gốc biển, hay trong cõi hư không vô tận, mà chỉ nhìn thẳng nơi mình, biết được mình có tánh Phật. Buông xả những nghiệp tập trong lục đạo chúng sanh, từ từ nghiệp tập sạch thì tánh Phật hiện ra, không tìm ở đâu xa hết. Người tu là thực tế chớ không phải viễn vong. Bởi Phật là giác, giác tức tri giác, biết và sáng. Như hiện giờ quí vị ngồi nghe giảng, chỉ nghe thôi không nghĩ, không tính, không suy, không nhớ tưởng gì hết, lúc đó có nghe biết không? Nghe biết rõ ràng. Chúng ta sẵn có tánh nghe biết, không đợi suy nghĩ mới có. Suy nghĩ tốt, suy nghĩ xấu, suy nghĩ bị chê được khen v.v… mới sanh phiền não, còn thường nghe như vậy đâu có phiền não, trong sáng rõ ràng.

Trong khi nghe giảng nếu quí vị chú tâm, lúc đó không có niệm sanh diệt, chỉ là ròng rặc tánh nghe thanh tịnh, làm sao không có Phật. Niệm nghĩ suy mới là tướng sanh diệt, còn tánh nghe thanh tịnh có sanh diệt không? Không. Vậy mà bảo mình luân hồi lục đạo, tội nghiệp chưa? Chúng ta bỏ của quí nhà mình, chạy theo điên đảo rốt cuộc phải chịu luân hồi. Do đó Phật Tổ thương chỉ dạy, nhắc tới nhắc lui để chúng ta nhớ mình đang có cái chân thật, đừng quên mất, quên mất thì đi trong luân hồi đau khổ.

Ở đây nói các thứ hình mạo trong lục đạo luân hồi dụ như nhà cửa, bỏ nhà lừa vào nhà người. Nhà lừa tức là tái sanh làm lừa, bỏ thân lừa được trở lên làm người là tới nhà người. Thân này như nhà cửa, vô nhà này một thời gian, bỏ ra đi tới nhà khác, liên miên như vậy. Quí vị muốn đi hoài trong các nhà đó hay muốn ra khỏi? Đi hoài trong đó thì nhọc nhằn khổ sở, chi bằng chúng ta ra phắt một cái, không thèm tới nhà nào hết. Nếu sắp lâm chung vị nào ôm lòng sân hận oán thù thì đi vào nhà ngạ quỷ, súc sanh hoặc hơn nữa là địa ngục. Vào đó lâu ngày hết nghiệp sân hận được trở ra, ra rồi đi tới nhà khác, nhà nào thích thì tới. Như vậy đi ra đi vào không biết bao nhiêu kiếp luân hồi.

Phật thương chúng sanh tại sao không thức tỉnh, có Phật sẵn mà cứ ôm Phật đi trong luân hồi, tội nghiệp Phật quá. Ông Phật bị mình cột mấy sợi dây nghiệp lôi đi theo, đi cho đả rồi khổ. Nhưng ông Phật theo mình có khổ không? Không khổ. Sao vậy? Bởi vì Phật đâu có bị nghiệp, mình bị nghiệp chớ Phật không bị nghiệp. Ví dụ như khi chúng ta bị ai chửi, mình nghe tức trong bụng, đó là mình tức giận, chớ tánh nghe đâu có giận. Tuy nhiên từ nghe mình sanh ra tức giận, đó là nghiệp, từ nghiệp sanh khổ phiền đủ thứ, song tánh nghe không có khổ phiền. Cho nên tuy chúng sanh vào địa ngục mà Phật không bị khổ, nhớ như vậy mới hiểu câu “mình ở đâu thì Phật ở đó, mình khổ còn Phật không khổ”.

Nếu chúng ta biết trở về Phật của mình thì còn khổ không? Sống được với Phật làm sao khổ. Ngược lại sống với tâm phàm tục, bị nó lôi kéo mới khổ. Từ các nhà lừa, nhà người, nhà trời, nhà Thanh văn, nhà Duyên-giác, nhà Bồ-tát, nhà Phật cũng đều do tâm lấy bỏ mà có, thành ra sai khác, chớ tánh bản nguyên đâu có sai khác. Sai khác là hình thức, công phu tu hành, còn tánh giác sẵn không bao giờ sai khác.

[ Quay lại ]